Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đời

Cập nhật lần cuối: 21/01/2024 11:32

Trần Thiện Thanh là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975. Một số bút hiệu khác của ông là Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận), Thanh Trân Trần Thị. Ông còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng (Tứ trụ nhạc vàng), 3 người còn lại là: Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh. Các sáng tác của Trần Thiện Thanh (trước 1975) đã có những đóng góp đáng kể trong việc cách tân nhạc vàng, đặc biệt là làm cho dòng nhạc này bớt đi nhiều tính bi lụy – ủy mị (cảm xúc chủ đạo của dòng nhạc vàng) đồng thời thêm vào đó nhiều sự tươi tắn – lạc quan ngay cả trong tâm tư của người lính thời chiến ..

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đờiNhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết (Bình Thuận). Ông đến Sài Gòn năm 1958, sau khi học xong thì làm giáo viên trung học. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến cuối tháng 4 năm 1975. Ông cũng làm việc tại Ðài Phát thanh và Truyền hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của đài và sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi (“nữ hoàng” của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn). Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là “Tiếng Hát Đôi Mươi”.

Trong những năm cuối thập niên 1960, cùng với Hùng Cường, Chế Linh, Duy Khánh .. Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính. Ông thường xuyên hợp tác với các đài phát thanh và Đài Truyền hình Việt Nam. Trong các phim, kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay ca diễn với Thanh Lan. Vào năm 1972, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương, trong đó ông đóng vai Đương còn Thanh Lan đóng vai Lệ. Đây là tiết mục thu hút nhiều người xem truyền hình nhất vào giai đoạn đó; chính vì thế, để đáp ứng thị hiếu khán giả, Nhật Trường quyết định thu thành phim với tên Trên đỉnh mùa đông.

[Hình ảnh] Thanh Lan và Trần Thiện Thanh trong một cảnh phim | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đời
Thanh Lan và Trần Thiện Thanh trong một cảnh phim

Nội dung phim:

Trong một lần nghỉ phép về Sài Gòn chơi, anh lính nhảy dù Nguyễn Văn Đương vô tình đụng xe vào cô sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn Nguyễn Thị Lệ tại hồ Con Rùa. Anh tận tình đưa cô về tận nhà cô.

Sau đó, tình cờ hai người gặp lại nhau trên một tiền đồn xa xôi khi Lệ theo đoàn em gái hậu phương đi thăm các chiến sĩ quân nhân. Yêu nhau nhưng gặp trắc trở từ gia đình Lệ vì người cha khó tính. Cả hai đã vượt qua để được sống gần nhau. Lệ giã từ mái trường đại học để về làm vợ người quân nhân nghèo, sinh sống trong khu nhà ở cho các gia đình binh lính. Đương tiếp tục phục vụ trong binh chủng dù. Một đêm chiêm bao, Lệ thấy Đương trở về với thân thể đầy thương tích và báo mộng ..

Không muốn rơi vào tay kẻ thù, Đương tự kết liễu đời mình .. để lại vợ hiền và đứa con thơ dại. Lệ chỉ còn gặp chồng trong giấc mơ ngập tràn nước mắt, và nỗi bi thương của người goá phụ vẫn rào rạt như bão mưa.

Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị cấm hoạt động. Năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Nhưng ông từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù ông vẫn soạn nhạc.

Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết hôn với nữ ca sĩ Mỹ Lan.

Tại Mỹ ông lập hãng đĩa riêng Nhật Trường Productions và đồng thời cộng tác với Trung tâm Asia, Trung tâm Làng Văn, Mây Productions, Hoàn Mỹ Productions ..

Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, California (Hoa Kỳ) do bệnh ung thư phổi.

Gia đình

Sinh thời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có ba đời vợ. Vợ thứ nhất là bà Trần Thị Liên, hai người thành hôn với nhau tại Phan Thiết, khi đó Trần Thiện Thanh chưa đầy 20 tuổi. Ông cùng bà Liên có với nhau 4 người con. Tuy nhiên hai người đã chia tay nhau trước năm 1975. Hiện bà Liên đang cư ngụ tại Bình Thạnh, TP.HCM.

Người vợ thứ 2 của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là ca sĩ Kim Dung. 2 ca khúc mà ông viết tặng bà là: Người xa ngườiTình đau ngàn nỗi

[Hình ảnh] Ca sĩ Kim Dung | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đờiCa sĩ Kim Dung

[Hình ảnh] Vợ chồng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh - Kim Dung | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đờiVợ chồng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh – Kim Dung

Người vợ thứ ba của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là ca sĩ Mỹ Lan. Bà là cựu thành viên của đoàn Hương Miền Nam trong thập niên 1980. Sau khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mất, bà Mỹ Lan nuôi ba người con: Con trai riêng của Mỹ Lan với người chồng trước, Trần Thiện Anh Chính (con bà Kim Dung), Trần Thiện Anh Chí (con trai của bà và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh).

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cùng người vợ cuối - ca sĩ Mỹ Lan | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đời
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cùng người vợ cuối – ca sĩ Mỹ Lan

Sau 12 năm chúng sống với ca nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, từ năm 1993 đến khi ông qua đời, bà Mỹ Lan đã có một cuộc sống rất hạnh phúc. Hình ảnh của người chồng thương yêu vẫn hiện ra rõ mồn một trong trí nhớ của bà với những thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Thông tin khác

Có lần Trần Thiện Thanh được hỏi vì sao ông chọn tên Nhật Trường. Ông trả lời: “Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là… ngày dài.” 

Năm 2006, Trung tâm Asia có thực hiện chương trình đặc biệt Nhật Trường Trần Thiện Thanh – Anh không chết đâu anh (Asia DVD 50) và năm 2009 thực hiện chương trình “Nhật Trường – Trần Thiện Thanh 2” (Asia DVD 61) để vinh danh ông.

Hiện nay, chỉ có một số ít ca khúc của ông được phép lưu hành chính thức trong nước như Chiếc áo bà ba, Tình đầu tình cuối, Gặp nhau làm ngơ, Bảy ngày đợi mong ..


Hai chủ đề lớn trong sáng tác của Trần Thiện Thanh là tình yêu và tình lính. Ông sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông không có thù hận, gay gắt, kích động hoặc u uất, bi thảm mà thường là trong sáng vui tươi làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ.

Chuyến đi về sáng

“Ca sĩ Nhật Trường ở Phan Thiết, dắt vợ vào Sài Gòn để làm ông giáo. Lúc bấy giờ vợ anh có thai nhưng không có tiền, anh phải đem bài hát đầu tay là ‘Chuyến đi về sáng’ bán cho nhạc sĩ Mạnh Phát” – danh ca Phương Dung kể lại ..


Bảy ngày đợi mong

Theo như nhạc sĩ Mặc Thế Nhân nói trong chương trình “Solo cùng Bolero” của Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long thì: ca khúc Bảy ngày đợi mong nhiều ca sĩ hát: “…dù là ghét anh” nhưng ban đầu Nhật Trường viết “…dù là thích anh”, sau đó nhạc sĩ Lê Mộng Bảo của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam sửa chữ “thích” thành “ghét” để qua kiểm duyệt thời đó, vì chính quyền Ngô Đình Diệm cấm xài chữ “Thích”, do có ác cảm với Phật giáo ..


Giọt cà phê đầu tiên

Nói về nhạc phẩm Giọt cà phê đầu tiên, ông viết năm 1993, khi ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình ODP. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tâm sự: “Những lúc áp lực mệt mỏi sau bao công việc, tôi vẫn muốn cà phê một mình, tôi thích cảm giác nhẹ nhàng của quán cà phê, âm nhạc không ồn ào nhưng lại bay bổng, bố trí lạ mắt mang phong cách vừa lịch lãm vừa cổ kính, thi thoảng tôi lại chọn góc ngồi ở sân vườn, cạnh bên một hàng rào. Tôi thích ngồi đó và ngắm nhìn xung quanh, người đi qua kẻ đi lại, rồi lại đi về”. Tôi có hút tâm trạng khi ấy, nên tôi viết Giọt cà phê đầu tiên (mùa xuân năm 1993 trên xứ người tha hương) ..


Yêu người như thế đó (thơ: Phạm Lê Phan)

Yêu người như thế đó là nhạc phẩm được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Phạm Lê Phan năm 1971 (hiện chưa tìm được bản gốc). Nhạc phẩm là nỗi lòng của người bị người tình phụ, đau sầu và hoài nghi cho chuyện tình yêu nhân thế, rồi mang nỗi u sầu duyên kiếp, tự khép lòng mình “trọn kiếp bơ vơ” ..


Lâu đài tình ái (thơ: Mai Trung Tĩnh)

(vẫn là một bài thơ chưa tìm được bản gốc)


Từ đó em buồn

Về hoàn cảnh sáng tác, sinh thời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có kể lại như sau: Hồi xưa, ông học Trung học ở Phan Thiết. Ông có cô bạn cùng lớp. Cô này có bà chị rất xinh đẹp. Giai nhân thành phố biển có người yêu tập kết ra Bắc vào năm 1954. Chàng hứa hẹn hai năm sau sẽ về cưới nàng làm vợ. Nàng chờ đợi người tình suốt 10 năm, nhưng bóng hình người yêu vẫn biệt vô âm tín. Một hôm, nàng nhận được hung tin rằng chàng đã bỏ mình trong rừng sâu núi thẳm. Tin tức như sét đánh bên tai, nàng đau khổ vô cùng. Bao năm qua, người đẹp thương yêu, nhung nhớ, đợi chờ người tình hồi hương. Trong phút chốc, hy vọng, mong đợi mòn mỏi của má hồng đã trở thành mây khói ..

Khi kể xong câu chuyện, Trần Thiện Thanh cảm thán: “Liệu tình yêu trai gái kia, liệu nỗi buồn của người đẹp, liệu sự chờ đợi của giai nhân với anh chàng tập kết kia, có đặt đúng chỗ hay không? ..”


Tuyết trắng

Nhạc phẩm Tuyết trắng được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết để tặng Không quân Việt Nam Cộng Hòa ..


Hoa biển

Nhạc phẩm Hoa biển rất nhiều người nhầm lẫn là do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết và ký bút danh Anh Thy. Thực tế đây là một bài nhạc chưa viết lời của Trần Thiện Thanh được Anh Thy viết lời (để dành tặng cho Hải quân Việt Nam Cộng Hòa) dựa vào ý thơ của Vũ Thất và xuất bản lần đầu vào năm 1965


Nhạc sĩ Anh Thy

Anh Thy tên thật là Phạm Văn Khổn, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1944 tại Thái Bình. Từ nhỏ, anh đã theo gia đình di cư vào Nam.

Năm 1964, anh nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa và theo học tại Trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều về Hải đoàn Xung Phong 32 một thời gian trước khi về công tác tại Phòng Tâm lý chiến trực thuộc Bộ tư lệnh Hải lực Việt Nam Cộng hòa cùng với một số nhạc sĩ khác như Mặc Thế Nhân, Nguyễn Vũ,.. Hai nhạc sĩ có công nâng đỡ anh nhiều nhất lúc này là Y Vân và Trần Thiện Thanh. Từ đó, anh bắt đầu sáng tác nhạc về chủ đề Hải quân Việt Nam Cộng hòa với bút danh Anh Thy và được thăng đến hàm Trung sĩ.

Ngày 21 tháng 7 năm 1973, xe dodge chở phái đoàn dân sự từ Cam Ranh đi Quy Nhơn bị vướng mìn, Anh Thy là người duy nhất tử nạn trên chuyến xe đó. Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa sau đó đã truy thăng anh từ cấp bậc Trung sĩ lên Thượng sĩ.


Rừng lá thấp

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết Rừng lá thấp để thương tiếc người bạn của mình là Đại úy Vũ Mạnh Hùng tử trận tại trận chiến Mậu Thân 1968 bảo vệ cầu Bình Lợi cửa ngõ vô Sài Gòn. Sở dĩ ông dùng chữ rừng lá thấp là vì trước đây tại khu vực cầu Bình Lợi không như bây giờ, không có dân cư đông đúc, xung quanh toàn là những lùm cây tán thấp cỏ mọc um tùm nên gọi đây là Rừng lá thấp ..


Biển mặn

Trong lần ngồi trên trực thăng đi công tác qua vùng biển Bình Thuận, nhìn từ trên xuống biển, Nhật Trường lấy tờ giấy ghi ghi chép chép khoảng vài phút, sau đó bài Biển mặn ra đời. Biển mặn cũng là ca khúc kể về chính cuộc đời ông ..


Chuyện tình Mộng Thường

Xem bài chi tiết: Tình thiên thu của Nguyễn Thị Mộng Thường – Trần Thiện Thanh


Hoa trinh nữ
– 1967

Bài hát Hoa trinh nữ được cho là ẩn chứa cả một câu chuyện tình của ca sĩ Nhật Trường (tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) với ca sĩ Minh Hiếu vào thời đó. Trong bài hát có đoạn: Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường như một lời trách móc của nhạc sĩ, nói hộ lòng mình, một chuyện tình cay đắng được đưa vào từng câu chữ (ca sĩ Minh Hiếu lên xe hoa với tướng Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc), sự trải lòng qua những giai điệu. Bài hát vô cùng nổi tiếng và được rất nhiều nghệ sĩ thể hiện, nhưng chỉ riêng ca sĩ Minh Hiếu là chưa từng hát bài này trên sân khấu cho tới tận bây giờ ..

[Hình ảnh] Ca sĩ Minh Hiếu | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đờiCa sĩ Minh Hiếu

Mời bạn xem bài chi tiết hơn: Bí ẩn bài hát Hoa trinh nữ

 


Không bao giờ ngăn cách & Anh về với em

Ca sĩ Nhật Trường và ca sĩ Minh Hiếu một thời là một “cặp đôi” nghệ sĩ từng đi hát chung, đứng chung trên sân khấu và họ từng là tình nhân, gắn bó với nhau cả giới nghệ sĩ đều biết. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng từng sáng tác nhiều ca khúc dành riêng cho Minh Hiếu hát đồng thời nói lên tình yêu sậu đậm của hai người. Ví dụ như bài Không bao giờ ngăn cách do chính Minh Hiếu từng “khoe”, khi sáng tác xong bài này Trần Thiện Thanh đã chạy tìm cô để cùng nhau tập và một thời gian dài bài Không bao giờ ngăn cách gần như ca sĩ Minh Hiếu hát độc quyền.

Riêng ở bài “Anh về với em”, trên bản nhạc gốc có ghi:

Cho KHÔNG BAO GIỜ NGĂN CÁCH
T.T.T

[Hình ảnh] Sheet Anh Về Với Em | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đời


 

Hàn Mặc Tử

Đứng từ con đường mới mở chạy ngang sườn núi ven thành phố Quy Nhơn (Bình Định), vào những ngày trời ít sương mù, người ta có thể nhìn thấy những mái nhà của làng phong Quy Hoà lô xô ven biển. Con đường dốc đổ xuống nơi thi sỹ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời hơn nửa thế kỷ trước, lượn quanh co, vắng heo hút.

Ông được chôn trong nghĩa địa của làng phong. Một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn cái chết lặng lẽ của người mắc bệnh cùi – vốn không có gia đình, hay nhiều bè bạn khi cuối đời.

Suốt 19 năm Hàn nằm lại trong nghĩa địa làng phong. Theo lời kể của nhiều nhà nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hàn, trong thời gian đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đường giao thông không thuận lợi và điều kiện khó khăn, nên mãi đến ngày 13/01/1959, gia đình và bạn bè mới cải táng sang địa điểm mới cho người đã chết. Buổi lễ cải táng cho nhà thơ được tiến hành khá đơn giản: chỉ có hai người chị, hai người em, ba người bạn và một vị linh mục tham dự.

[Hình ảnh] Nhà thơ Hàn Mặc Tử | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đời

Đến năm 1991, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng một số nhạc sỹ khác yêu mến tài năng thơ trẻ này đã đóng góp tiền để xây dựng một ngôi mộ – đài tưởng niệm, trên nền mộ cũ của Hàn.

Cảm động vì số phận của một nhà thơ lớn suốt hàng chục năm phải nằm nhỏ nhoi, quạnh quẽ, sau một lần viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, nhạc sỹ đã sáng tác bài hát về Hàn Mặc Tử và đau đáu nuôi ý định: “Nơi một thi sỹ lớn đã sống những ngày cuối đời và nằm cô quạnh suốt hai mươi năm, chẳng lẽ không có một dấu vết gì để nhớ?” ..

[Hình ảnh] Khu mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử hiện nay | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đờiKhu mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử hiện nay

 

 

 


 

Chuyện hẹn hò
– ký danh: Thanh Trân Trần Thị

Mời quý bạn xem bài viết chi tiết tại đây


Chuyện một người đi 

Có vài dòng ghi trên bản nhạc gốc:

Kính tặng Ba má, cho các em: Thủy – Toàn – Mai – Tâm – Anh.
T.T.T.

[Hình ảnh] Sheet Chuyện Một Người Đi | Trần Thiện Thanh & Những sáng tác để đời

Nguồn tư liệu:
+ https://vi.wikipedia.org/ (Trần Thiện Thanh – Wikipedia)
https://vi.wikipedia.org/ (Anh Thy – Wikipedia)
https://vi.wikipedia.org/ (Hồ Dzếnh – Wikipedia)
https://vi.wikipedia.org/ (Ngập ngừng – Wikipedia)
https://vi.wikipedia.org/ (Mộng Thường – Wikipedia)
http://forum.trungtamasia.com/ (Nhạc kịch: Chuyện tình Mộng Thường)
https://www.facebook.com/559636170847392/ (Trần Thiện Thanh – The Best Songs ..)
https://vi.wikipedia.org/ (Hoa trinh nữ – Wikipedia)
http://motthegioi.vn/ (Bí ẩn bài Hoa trinh nữ: Ẩn tình Hoa trinh nữ được phơi bày)
https://cafevannghe.wordpress.com/ (Những ca khúc vang bóng một thời)
https://nhacvang-nguyen.blogspot.com/ (Nhạc Vàng bất tử)
https://www.facebook.com/nhacvang/ (Quán Nhạc Vàng – Fanpage)
https://www.facebook.com/NHACVANGTAMTU/ (Tâm tư Nhạc xưa – Fanpage)
https://www.facebook.com/NhacVangNhacTruTinh/ (Nhạc Vàng – Fanpage)
https://tuoitre.vn/ (Con đường tình đầy đau khổ của Trần Thiện Thanh)
https://vi.wikipedia.org/ (Trên đỉnh mùa đông – Wikipedia)
https://baomoi.com/ (Gia đình cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ ông)
+ https://nhacxua.vn/ (Câu chuyện có thật trong bài hát “Từ Đó Em Buồn” của Trần Thiện Thanh)

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận