Hạt gạo làng ta – thơ: Trần Đăng Khoa, nhạc: Trần Viết Bính

Cập nhật lần cuối: 11/05/2022 23:08

Ở tuổi gần 80, nhạc sĩ Trần Viết Bính tâm sự với tôi: “Bài hát Hạt Gạo Làng Ta tôi viết khi 37 – 38 tuổi (năm 1971), khi ấy đất nước ta đang có chiến tranh. Để làm ra được hạt gạo, lúc đó khó lắm, vất vả lắm, nguy hiểm lắm, vì ở ngoài đồng ruộng miền Bắc thời gian đó ngày nào cũng phải hứng chịu bom đạn của máy bay Mỹ. Vất vả ngoài ruộng đồng và bom đạn Mỹ có thể dội xuống bất cứ lúc nào, nhưng những bà mẹ, những cô, những chị thanh niên vẫn kiên gan bám trụ đồng ruộng để sản xuất, để làm hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Trần Đăng Khoa dù rất nhỏ tuổi nhưng đã có cái nhìn rất đúng về sự vất vả để làm ra hạt gạo khi đó”.

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

Bởi vậy, lúc đọc được bài thơ của Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã bị “hút hồn” ngay bởi cái nhìn tinh tế của “thi sĩ tí hon” này. Ngay sau khi đọc xong bài thơ, ông đạp xe đạp về một xã công tác và trên quãng đường mấy chục cây số ấy âm nhạc của bài thơ đã ra đời. Sự ra đời của nó thật dễ dàng, thật giản dị. Có lẽ sự suy nghĩ thường ngày về hạt gạo đã làm cho ông sáng tác dễ dàng thế. Điều tuyệt vời là, không thêm bớt một từ nào, bài hát vẫn giữ nguyên vẹn được nội dung của bài thơ, chỉ là đem phần nhạc làm cho những câu thơ ấy lấp lánh hơn, thăng hoa hơn. Hơn thế nữa, cả thơ và bài hát đều rất dễ nhớ, dễ thuộc nên thơ và nhạc đã hòa quyện vào nhau, để mỗi khi cất lên, bằng hình thức nào thì Hạt Gạo Làng Ta vẫn làm xao xuyến trái tim người nghe bởi độ trong trẻo, hồn nhiên, giòn giã như tiếng đồng dao của mình.

Chính bởi vậy, ngay sau khi ra đời, bài hát đã được phổ biến trên các làn sóng phát thanh, được nhiều thế hệ khán giả nghe và nhớ ngay. Lúc đó, nhạc sĩ Trần Viết Bính đang là Hiệu trưởng trường Âm nhạc của Ty Văn hóa Nam Định thì được điều sang làm cán bộ tỉnh đoàn Thanh niên Lao động tỉnh Nam Định và có nhiệm vụ đi phổ biến các bài hát mới cho thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi vùng công giáo (các xã trong các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu của tỉnh Nam Định). Bài hát Hạt Gạo Làng Ta là một trong các bài hát được nhạc sỹ mang đi dạy cho các em. Cũng từ công việc mới này, ông có một kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên trong đời một người nhạc sĩ.

Ông kể: “Lớp học của các em vì để tránh bom máy bay nên không bao giờ tập trung ở một chỗ mà phân tán ra nhiều điểm ở trong làng. Có một buổi trưa, đang dạy hát trong một cái miếu giữa cánh đồng làng, tôi thấy có các bà các chị nghỉ tay làm đồng đứng xem. Khi các em học sinh hát đến những câu: “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bẩy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng Sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy ..”, tôi thấy các bà, các chị bật tiếng khóc. Cả đời tôi không bao giờ quên được hình ảnh những “khán giả” nông dân, chân tay lấm bùn, vừa nghe hát vừa đưa tay quệt những giọt nước mắt”.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính (trái) và nhà thơ Trần Đăng Khoa
Nhạc sĩ Trần Viết Bính (trái) và nhà thơ Trần Đăng Khoa

Khi ông phổ nhạc bài thơ, chú bé thần đồng Trần Đăng Khoa mới có trên 10 tuổi. Sau khi bài hát ra đời, ông có ý tìm chú bé làm thơ, nhưng lúc đó Khoa còn ở một làng xa xôi nào đó ở tỉnh Hải Dương. Thời kỳ đó từ Nam Định đi Hải Dương xa gần trăm cây số, máy bay, bom đạn quần nát trên các cung đường, các cầu phà, trong khi phương tiện đi lại của ông lúc đó chỉ có một xe đạp gọi là xe đạp thiếu nhi con vịt (loại xe đạp nhỏ của Liên Xô). Yêu và muốn gặp Khoa lắm song chẳng làm thế nào đi tìm được. Sau này khi cậu bé ấy đã trưởng thành, đi bộ đội, thì ông lại đi Văn công, cũng chẳng có dịp nào tìm gặp được nhau. Mãi cho đến năm 1989-1990, lúc này ông đã chuyển vào Nam công tác, có dịp được đi tập huấn nghiệp vụ ở Liên Xô. Lúc ở Matxcơva, Trần Viết Bính nghe anh em kể Trần Đăng Khoa đang học ở Học viện Văn học M. Goóc-ki. Mừng quá, trong một buổi chiều đầy băng tuyết của nước Nga, ông hỏi thăm mãi mới tìm được đến trường Khoa đang học, nhưng cậu Khoa lại .. đi vắng.

“Đấy, hai chúng tôi cứ lẩn quẩn đi tìm nhau” – nhạc sĩ Trần Viết Bính hóm hỉnh. Rồi ông kể tiếp: “Đúng 30 năm sau khi bài hát ra đời (năm 2000) tôi và Trần Đăng Khoa mới gặp nhau lần đầu ở Hà Nội. Lúc này Trần Đăng Khoa đã có vợ. Hai vợ chồng đón tôi về nhà ăn cơm rất vui”.

Tháng 07-2010, nhạc sĩ Trần Viết Bính được mời ra Hà Nội để cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa lên sân khấu nhận phần thưởng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao cho bài hát Hạt Gạo Làng Ta – một trong những tác phẩm hay nhất viết về nông thôn, nông dân kể từ năm 1946 đến nay. Đôi mắt người nhạc sĩ già lấp lánh niềm vui khi kể về một “đoạn kết có hậu” về cuộc tìm kiếm, tri ngộ của mình và nhà thơ Trần Đăng Khoa mà không quên bày tỏ nỗi sung sướng khi bài hát vẫn được nhiều thế hệ thiếu nhi cũng như người lớn thuộc lòng và yêu thích, được công nhận là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX ..


Đọc thêm:
Chút thơ tình người lính biển – thơ: Trần Đăng Khoa, nhạc: Hoàng Hiệp


– Bài viết: “Hạt gạo làng ta” – 41 năm chuyện giờ mới kể
– Tác giả: Ngọc Hân
– Nguồn tin: Thời báo Ngân hàng
– Xuất bản: 2012.07.19 14:01
– Đường dẫn: https://thoibaonganhang.vn/
– Thời gian khai thác: 2021.12.19 19:26 VST


Hạt Gạo Làng Ta – Trần Đăng Khoa

Kính tặng chú Xuân Diệu

Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…

Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…

Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm cây súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…

Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất

Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta…

1969


Lời bài hát

(tương tự lời thơ)

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận