Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình (tức tỉnh Trà Vinh, được đổi tên thành Vĩnh Bình thời Ngô Đình Diệm) cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn. Trúc Phương bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết .. và lập nghiệp luôn ở đó.
Nhạc sĩ Trúc Phương
Những sáng tác đầu tay của Trúc Phương là hai bản “Tình Thương Mái Lá” và “Tình Thắm Duyên Quê” viết vào năm 1957 sau đó là “Chiều Làng Em” (1958) và “Đò Chiều” (1959). Với những sáng tác đầu tay kể trên, cho thấy cõi giới âm nhạc khởi nghiệp của Trúc Phương là tình tự quê hương. Không phải tình yêu tan vỡ hoặc thân phận người lính như nhiều sáng tác sau đó.
Trong những ngày đầu lên Sài Gòn mưu sinh, Trúc Phương nhận dạy nhạc cho cô con gái của một gia đình nhà giàu. Ngưỡng mộ tài năng của chàng nhạc sĩ nghèo, trái tim cô con gái của chủ nhà đã rung động và họ yêu nhau. Thế nhưng, mối tình vừa chớm nở đã tàn lụi vì bị gia đình cô gái phản đối quyết liệt.
Tới nay, không ai biết, có phải vì đổ vỡ, bẽ bàng của mối tình đầu, mà từ đó, hàng loạt ca khúc nói về đổ vỡ, chia lìa của Trúc Phương ra đời? Làm mủi lòng, gây thương cảm cho hàng triệu thính giả Miền Nam thời ấy ..
Từ những bước chân vô định và những đêm lang thang trên khắp các ngả đường Sài Gòn, Trúc Phương có hai tình khúc “Nửa Đêm Ngoài Phố” và “Buồn Trong Kỷ Niệm”. Như một thứ định mệnh mang tính “song trùng”: Hai ca khúc kia đã mở rộng cánh cửa huy hoàng cho tiếng hát Thanh Thúy. Ðến độ, có một thời gian, nhắc tới Thanh Thúy, người ta liên tưởng ngay tới “Nửa Ðêm Ngoài Phố”, “Buồn Trong Kỷ Niệm”. Và, ngược lại.
Theo tâm sự của Trúc Phương, nhạc phẩm “Buồn Trong Kỷ Niệm” được ông viết khi đã có gia đình và đang rất hạnh phúc. Song nó như một dự cảm nhói buốt về những ngày tháng sau này của cuộc đời ông ..
Về thời gian mà nhạc sĩ Trúc Phương tham gia quân ngũ hiện vẫn chưa tìm được thông tin chính xác. Nhưng cũng thật may mắn là trong tư liệu về nhạc sĩ Dzũng Chinh (trên Wikipedia) có ghi vài dòng như sau:
Đầu năm 1965, ông (tức nhạc sĩ Dzũng Chinh) nhập ngũ vào Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Mặc dù có bằng Tú tài II, nhưng do trình diện nhập ngũ quá hạn tuổi quân dịch, ông bị chế tài không được vào trường Sĩ quan nên phải theo học khóa Hạ sĩ quan Trừ bị tại trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang. Sáu tháng sau tốt nghiệp với cấp bậc Trung sĩ. Ra trường, ông được điều động về Trung đoàn 14 đồn trú tại Vĩnh Bình (Trà Vinh) thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh do Đại tá Lâm Quang Thi làm Tư lệnh.
Thời gian này, nhạc sĩ Trúc Phương viết bài “Để trả lời một câu hỏi” tặng ông. “Cho Dzũng Chinh, thằng bạn vai em, vì đời trôi dạt về miền quê hương tôi. Cho tất cả bạn hữu của Dzũng Chinh vùng KBC 3054″ (những dòng ghi trên tờ nhạc gốc)
Trúc Phương đã viết rất nhiều về đời lính. Có thể kể đến như: “24 Giờ Phép”, “Bông Cỏ May”, “Bóng Nhỏ Đường Chiều”, “Đêm Trên Vùng Đất Lạ”, “Kẻ Ở Miền Xa”, “Một Người Đi Xa” (Sau những lần gối mỏi, có giai điệu tương tự như bài “Mưa Nửa Đêm”), “Người Nhập Cuộc”, “Người Xa Về Thành Phố”, “Tàu Đêm Năm Cũ”, “Thư Gửi Người Miền Xa”, “Tình Người Chiến Binh”, “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật” (giai điệu được lấy từ bài “Chuyện ngày xưa” – một sáng tác trước đó của ông), “Vòng Tay Lửa” (Nhận diện thời gian) ..
Bản nhạc “Tàu Đêm Năm Cũ” được Trúc Phương viết vào đầu thập niên 1960, tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà vì lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm có sắc lệnh hoán chuyển công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại ..
Cuối thập niên 60, ông có mở một lớp nhạc ở số 33/230, đường Gia Long, Gò Vấp gọi là Trúc Phương Tự Lực – đào tạo được một số ca sĩ như Thy Lệ Dung, Thy Lệ Huyền, Chinh Thông, nhưng không mấy thành công.
Năm 1975, Trúc Phương không di tản và sống tại Sài Gòn. Ông vượt biên lần đầu năm 1976 nhưng không thành công, do vậy bị tịch thu nhà số 301 Lý Thường Kiệt, Quận 11. Những năm sau đó ông vượt biên thêm 2 lần nhưng vẫn không thành công (các con trai của ông đã vượt biên thành công sang Mỹ & Úc trước đó). Lúc ra tù, vợ con li tán, ông sống không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân.
Trong hoàn cảnh này, ông trở về Trà Vinh, tìm sự giúp đỡ của bạn bè cùng xứ. Ở đấy, có người hỏi tác giả “Ai Cho Tôi Tình Yêu” rằng, sao không về ở hẳn quê cũ? Trước câu hỏi tuy có lý, nhưng vô tình lại xé rách thêm vết thương thầm kín của mình, Trúc Phương đáp:
“Má của tôi thì già yếu ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh). Nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn .. Tôi đã không đỡ dần được bà chút gì .. đâu thể nào tìm về để khổ cho bà thêm nữa!”
Ở Trà Vinh với bạn cũ một thời gian, Trúc Phương tìm đường về lại Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề, lang thang khắp nơi. Ông từng tâm sự rằng:
“Sau biến cố cuộc đời, tôi sống kiểu rày đây mai đó .. Nói là đói thì cũng không đói ngày nào. Nhưng nói no thì cũng chẳng có ngày nào gọi là no .. Tôi không có nổi cái mái nhà. Vợ con thì cũng tan nát rồi. Tôi sống nhờ bạn bè. Nhưng khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, nên không ai đùm bọc ai được .. Lại nữa lúc đó vấn đề an ninh rất khe khắt. Bạn bè không ai dám ‘chứa’ tôi trong nhà, vì tôi không có giấy tờ tùy thân. Cũng chẳng có thứ gì khác trong người .. Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào có khách vãng lai, chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ .. Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì ra Xa Cảng thuê một chiếc chiếu. Một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng. Ngủ tới sáng, xếp chiếu lại, trả cho người ta. Mình lấy lại 1 đồng, như tiền thế chân vậy ..
Một năm như vậy, tôi ngủ ở Xa Cảng hết 9 tháng .. Mà nói anh thương ..khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng năm giờ; thuê được chiếc chiếu trải được chỗ lịch sự chút, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ, những chỗ sạch sẽ, vệ sinh người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát .. Lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế; nhưng tôi không bao giờ buồn .. Tôi nghĩ thôi, cũng là may mắn lắm rồi, còn được sống tới bây giờ, và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này vậy ..”
Sau 1975, Trúc Phương vẫn còn sáng tác thêm một số bài nói về tình yêu cây lá, tình yêu quê hương nhưng hầu hết ca khúc này, như ông xác nhận, không thành công lắm, chỉ với lý do: Ông không còn cảm hứng dồi dào như những bài tình ca đã được đón nhận từ trước 1975.
Khoảng giữa năm 1985, ông được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Không lâu sau, ông trở về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Phần mộ của nhạc sĩ Trúc Phương
Ông mất ngày 18 tháng 9 năm 1995 vì bệnh sưng phổi, được gia đình an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Lúc Trúc Phương mất, nhạc sĩ Nhật Ngân (lúc này đã định cư ở Mỹ) có viết tặng Trúc Phương bài “Gửi người về cát bụi” (trình bày duy nhất bởi danh ca Duy Khánh, với lời nhạc có nhắc tên một số bài hát của ông), nhạc sĩ Quốc Dũng cũng có bài “Còn mãi những khúc tình ca” (trình bày duy nhất bởi danh ca Phương Dung).
“Xin cảm ơn đời” là ca khúc cuối cùng Trúc Phương viết vào tháng 3 năm 1995. Lời ca khúc này có thể coi như những tâm tình, uẩn khúc nhất mà ông muốn gửi lại cho đời lần sau chót.
Năm 2014, Trung tâm Asia có thực hiện chương trình đặc biệt “Trúc Phương – Ông hoàng của dòng nhạc Bolero” (DVD Asia 74) để vinh danh ông.
Trước một bài báo ghi thông tin sai lệch về nhạc sĩ Trúc Phương (xin không trích bài này để tiết kiệm thời gian cho bạn đọc), con trai ông là Trúc Linh có chia sẻ vài dòng dưới đây, qua đó giúp chúng ta hiểu được phần nào về cuộc đời ông:
OK, tui không biết Nguyễn Trung là ai, nhưng ổng viết bài này có mục đích bôi bác ba tôi và cả gia đình tui, nên tui phải lên tiếng.
1- Ba tui sanh năm 1933.
2- Ba tui không bao giờ uống rượu.
3- Ba tui lấy má tui trong những năm cuối 50 chớ không phải sau năm 70, năm nay tui cũng 5 bó rồi, hehe.
4- Má tui con nhà giáo, gia đình cũng khá, nhưng nhà ở Bến Tre.
5- Chiều Làng Em là bài ba tui viết cho má tui.
6- Ông già tui không phải tự học nhạc, mà có thầy dạy đàng hoàng.
7- Chung quanh nhà bà nội tui ở Trà Vinh không hề có tre trúc gì hết ráo, mà nhà má tui ở Bến Tre thì có nhiều.
8- Gia đình tui cũng không nghèo, ba tui thường lái Mazda và Peugeot 404. Thời xưa cũng có lúc khó khăn khi ông còn viết nhạc, nhưng sau này ba má tui làm ăn cũng khá lắm. Khi ‘giải phóng vào’ thì có sa sút, nhưng đó là tình trạng chung của tất cả dân miền Nam thời bao cấp.
9- Gia đình tui có tới 6 anh chị em, có nghĩa là ba và má tui chung sống cũng khá lâu. Họ ly dị vào khoảng năm 1979.
10- Nguyễn Trung viết rằng khi ba tui qua đời, gia tài chỉ còn đôi dép là nói LÁO. Ông không giàu có gì, nhưng cũng không đến nỗi thê thảm như vậy. Tui đã từng về thăm ông 3 tháng trước khi ông mất, cho thấy điều này ông Trung quá bôi bác gia đình chúng tôi. Nói như ông Trung có nghĩa là các con của ông không hề quan tâm tới ông. Điều này KHÔNG ĐÚNG sự thật. Chúng tôi lúc nào cũng quan tâm đến ông.Cái bài lá cải này, Nguyễn Trung không biết nhiều chi tiết nhưng đã viết như chính Trung là nhân vật chính. Đọc bài này xong tui rất bất bình vì có quá nhiều chi tiết không đúng sự thật mà có quá nhiều người đọc. Đến nỗi Việt Dzũng trung tâm Asia cũng lấy bài này làm tài liệu và cũng có lên trên Asia nói rằng khi ba tui mất, ông chỉ còn đôi dép. DVD còn nói rằng đám ma ba tui phải nhờ bạn bè quyên góp để làm mộ cho ông. Điều này cũng không đúng luôn. Gia đình chúng tôi đã chôn cất ông đàng hoàng mà chưa từng lấy một đồng tiền phúng điếu nào của ai hết. Đây là điều không công bằng với má tui, vì tui có đọc vài bài, họ mô tả má tôi như một người đàn bà không đàng hoàng. Thực sự má tui đã từng khổ vì tánh ba tui bay bướm, họ ly dị vì chính nguyên nhân này.
Danh ca Thanh Thúy viết về nhạc sĩ Trúc Phương
Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin Anh qua đời đến với tôi khá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao này.
Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi Anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.
Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm Anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự Anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với Anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời ..
Đến khi nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra đời, tên tuổi Anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào, tôi cũng được yêu cầu trình bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân Đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này ..
Tôi còn nhớ hoài một lần đi lưu diễn ở Đà Lạt. Vừa hát xong phần mình, tôi quay về khách sạn ngay (khách sạn ở gần rạp hát tôi trình diễn). Tại rạp, chẳng bao lâu, vở kịch chấm dứt, khán giả lũ lượt kéo nhau ra về. Đứng trên lan can nhìn xuống đường, tôi đã chứng kiến được cảnh nhiều nhóm người cùng nhau vừa hát, vừa huýt sáo bài “Nửa Đêm Ngoài Phố”. Bỗng dưng tôi đã cảm động và để mặc hai hàng lệ tuôn. Tôi chỉ là một ca sĩ, hát lên nỗi niềm của Anh mà còn xúc động đến như vậy, nói gì đến Anh, người sáng tác, còn xúc động đến dường nào.
Hăng say trước sự thành công vượt bực của “Nửa Đêm Ngoài Phố”, và để đền đáp lại tình thương của thính giả, Anh đã viết thêm một loạt những nhạc phẫm nổi danh khác. Mỗi lần viết xong một bản nhạc mới, Anh đều chạy đến nhà tôi vào sáng sớm, nhất định phải đánh thức tôi dạy cho được để dợt nhạc.
“Cô Tư, Anh mới có bài này mới, Cô Tư phải dợt bài này với Anh, để hát cho Anh chứ ..” (tôi thứ tư trong gia đình, nên được bà vú già lúc bấy giờ gọi là Cô Tư – đến tìm tôi, các Anh đều nghe “Cô Tư còn ngủ”, hoặc “Cô Tư đi hát” .. nên đã có nhiều Anh bắt chước Bà gọi tôi bằng danh từ này).
Anh là một người nhạc sĩ đầy nghệ sĩ tính, đầy mộng mơ. Nhạc của Anh rất giản dị, thân thiết, và dịu dàng, ngay cả khi Anh trách móc, giận hờn người yêu cũ hoặc thói đời. Hình như Anh chỉ sống với kỷ niệm, sống cho kỷ niệm. Qua bao nhiêu tác phẩm của Anh, lúc nào cũng thấy có kỷ niệm. Anh quý kỷ niệm, Anh gìn giữ kỷ niệm, và rồi trân trọng trao gửi vào lời ca, tiếng nhạc. Chỉ cần đọc tên bản nhạc, người ta đã thấy được điều này: Buồn Trong Kỷ Niệm, Đêm Tâm Sự, Chuyện Chúng Mình, Hình Bóng Cũ ..
Cũng như “Nửa Đêm Ngoài Phố”, những nhạc phẩm này đã trở thành gần gũi với mọi người và đã giúp tôi leo cao hơn trên nấc thang sự nghiệp. Các bài này gồm có: Buồn Trong Kỷ Niệm, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Mưa Nửa Đêm, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chuyện Chúng Mình, Đêm Tâm Sự, Hình Bóng Cũ, Đò Chiều, Chiều Làng Em ..
Thế rồi, theo như Anh hơn một lần tâm sự, đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, giã từ tất cả, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn Anh vào quân ngũ, và vẫn tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương .. (24 Giờ Phép, Bông Cỏ May, Kẻ Ở Miền Xa, Trên 4 Vùng Chiến Thuật ..)
Vào thời điểm này, Anh Duy Khánh, Anh Chế Linh và Hoàng Oanh có lẽ là những ca sĩ đã hát nhạc của Anh rất nhiều.
Kiếp tằm chưa dứt, tôi đã trở lại với sân khấu, với ánh đèn màu. Trở lại với “Nửa Đêm Ngoài Phố”, với “Buồn Trong Kỹ Niệm” ..
Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi ra hai ngã: Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong. Tôi đã tìm đủ mọi cách để liên lạc hầu mong gởi về những gói quà biếu Anh. Sự liên lạc trong những năm đầu thật khó khăn, cho mãi tới sau này, qua một số bạn bè và qua Trần Quốc Bảo, tôi mới có thể liên lạc thường hơn với Anh. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng về bịnh tình Anh do Trần Quốc Bảo kể lại. Nhìn những tấm ảnh Anh gởi qua đăng trên Thế Giới Nghệ Sĩ, trông Anh gầy gò, đau yếu, tôi đã không sao cầm được nước mắt. Tôi đã bàn với Trần Quốc Bảo thực hiện một cuốn băng với toàn nhạc của Anh, hầu có thể giúp Anh phần nào trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Chợt nghe tin Anh đau nặng .. Chợt nghe tin Anh qua đời ..
Anh đã đến trong cuộc đời này, để lại bao kỷ niệm nhẹ nhàng qua nhiều nhạc phẫm chất chứa ân tình, rồi lặng lẽ ra đi âm thầm thật cô đơn nơi trời Nam xa xôi. Tôi đã mất Anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa Anh và tôi, cũng như bao lời ca tôi đã thuộc nằm lòng. Nơi đây, bây giờ và mãi mãi, tôi sẽ vẫn còn cất tiếng hát, đem đến cho đời những lời tâm sự của Anh. Xin Anh hãy yên nghỉ, Anh nhé.
Thanh Thúy (vào một ngày tháng 9, 1995, khi nhận được hung tin về Anh)
Trích trong “Thế Giới Nghệ Sĩ”, phát hành vào tháng 2-1996, số đặc biệt tưởng niệm Nhạc sĩ Trúc Phương
* Những nhạc phẩm mà nhạc sĩ Trúc Phương viết tặng cho danh ca Thanh Thúy bao gồm: “Hình bóng cũ”, “Lời ca nữ”, “Mắt em buồn”, “Tình yêu trong mắt một người”, “Mắt chân dung để lại”
Thói đời & Chắp tay lạy người
Trên tờ nhạc gốc của “Thói đời” có ghi:
“Xin chân thành cảm tạ những người bạn, những người tình đã cho tôi sống đời thê thảm để viết thành ca khúc này với nhiều nước mắt ..”
Nhạc phẩm “Chắp tay lạy người” cũng là lời tâm sự của ông về thế thái nhân tình lắm nỗi chua cay ..
Chiều cuối tuần
Trên tờ nhạc gốc có ghi:
“Gởi vào đây tất cả buồn, vui
của những bước chân chiều thứ bảy
Riêng trao H.L để nhớ” (hiện chưa rõ H.L là ai)
Những nhạc phẩm cho “Chuyện chúng mình” ..
Ở những nhạc phẩm sắp kể ra sau đây, không biết rằng nhạc sĩ Trúc Phương đã viết cho ai. Có thể là dành cho duy nhất một cuộc tình, vì trên tờ nhạc gốc có đề thêm một cái tên phụ, bao gồm: Chuyện chúng mình, Con đường mang tên em (Còn chuyện chúng mình), Những lời này cho em (Cho chuyện chúng mình), Trước mặt tình yêu (Lại chuyện chúng mình)
Hai chuyến tàu đêm (Trúc Phương & Y Vân)
Trước đây, cố nhạc sĩ Thanh Sơn từng kể rằng: “Trong một chuyến đi Phan Thiết, mua vé ở ga xe lửa Sài Gòn, vô tình trên tàu, Trúc Phương gặp cô Trần Thị Thắm, 22 tuổi. Chuyện trò qua lại, hai người hợp lòng nhau. Đến Phan Thiết, họ chia tay và hẹn 3 hôm sau ra ga trở lại Sài Gòn. Anh đến ga đợi mãi đến 9h tối, Thắm không đến, bèn trở về một mình. Không thể nào quên mối tình ngắn ngủi, anh đã viết bài Hai chuyến tàu đêm” ..
Chàng trai si tình (Có buồn nào buồn hơn)
Vẫn chưa tìm được hoàn cảnh mà nhạc sĩ Trúc Phương đã viết nhạc phẩm này. Nhưng cũng xin giới thiệu tới bạn đọc, một nhạc phẩm mà chúng ta vẫn thường được nghe trong những bữa tiệc ở các vùng quê miền Tây ..
Chuyện kể thêm về nhạc phẩm “Mưa Nửa Đêm”
(Lê Nguyễn – tuoitre.vn)
Khoảng giữa năm 1985, nhạc sĩ Trúc Phương – người từng được xem như là “ông hoàng” của dòng nhạc bolero – được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Trúc Phương có dáng người cao, lưng hơi tôm. Anh bị cận thị, lãng tai và mắc bệnh suyễn nặng. Anh có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề, thích ăn ngọt và không uống rượu. Sau khi chia tay vợ, đã có mấy phụ nữ thoáng qua cuộc đời anh .. Mỗi khi quen với chị nào, anh thường tặng nhạc do anh mới sáng tác cho mỗi chị. Hà, vợ tôi, là liên lạc viên rất tích cực cho những cuộc tình chóng vánh này.
Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào năm 1988, lúc này Trúc Phương đang sống ở Sài Gòn, tôi đang theo học Trường đại học Mỹ thuật. Ngoài giờ học, tôi cùng một số bạn bè đi làm thêm về mỹ thuật cho nhà hàng Ðại Dương (nằm trên đường Kỳ Ðồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế, Q.3) do thầu khoán Chín Củi lãnh xây dựng. Anh Chín Củi gốc là dân Trà Vinh, quen thân với anh Trúc Phương, đã cưu mang anh trong thời gian này.
Gần chỗ công trình đang xây dựng có một quán cơm bụi giá rẻ như bèo. Hằng ngày, chúng tôi thường cùng ra ăn cơm ở đó. Hôm đó nhằm chiều thứ bảy cuối tuần, anh Chín Củi dẫn cả bọn tôi ra quán cơm bụi này để bồi dưỡng .. cơm bình dân và lai rai rượu thuốc. Anh Trúc Phương dù không uống rượu nhưng cũng ngồi chung với chúng tôi. Cuộc vui kéo dài nửa chừng, trời bắt đầu mưa tầm tã. Bất chợt có hai người hành khất, một cụt chân, một mù hai mắt đội mưa bước vào! Cả hai – một đàn guitar thùng, một hát bài Mưa nửa đêm.
Lúc đó ánh mắt của anh Trúc Phương tối sầm lại. Anh lẩm bẩm: “Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi!”.
Thấy vậy, anh Chín Củi đứng dậy, kéo tay hai người hành khất kia, miệng nói:
– Lại đây hai chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm và lai rai với chúng tôi cho vui.
Khi cả hai cùng ngồi xuống, bất chợt Trúc Phương buột miệng:
– Hai chú mày hát nhạc của ai, biết không?
Một người nhanh nhảu trả lời:
– Dạ biết, nhạc Trúc Phương đó!
Trúc Phương cười buồn, mắt ngân ngấn nước:
– Trúc Phương chính là anh, chính tác giả đây!
Hai người ăn mày sửng sốt trong giây phút, rồi người cụt chân chợt quỳ sụp xuống, hai tay nâng cây đàn lên ngang mày, miệng nói:
– Ôi, em xin bái kiến sư phụ. Em hát nhạc của sư phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến sư phụ. Xin sư phụ chỉ giáo cho em!
Trúc Phương cầm lấy cây đàn:
– Ðể anh hát tặng mấy chú em bài hát này nhé!
Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay/ Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây/ Nên những khi mưa nửa đêm/ Làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm .. Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ rồi lần lượt đến vây quanh anh. Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn ..
Nguồn tư liệu:
+ https://vi.wikipedia.org/ (Trúc Phương – Wikipedia)
+ https://ongvove.wordpress.com/ (Nhạc sĩ Trúc Phương và các bản bolero nổi tiếng)
+ http://www.doisongphapluat.com/ (“Ông vua nhạc sầu” Trúc Phương: Ôm nỗi đau tình, ngậm ngùi cho một kiếp nổi trôi)
+ https://thanhthuy.me/ (Trúc Phương, vị “hoàng tử lầm than của những tình khúc đổ vỡ, chia lìa” – Du Tử Lê)
+ https://vi.wikipedia.org/ (Dzũng Chinh – Wikipedia)
+ http://forum.trungtamasia.com/ (NỬA ĐÊM NGOÀI PHỐ – Thanh Thúy viết về Nhạc Sĩ Trúc Phương)
+ https://tuoitre.vn/ (Bolero và kỷ niệm với nhạc sĩ Trúc Phương)
+ https://vi.wikipedia.org/ (Thanh Thúy – Wikipedia)
Thằng con ông trúc phương nói nói qa ngu . ông già lang thang đầu đường xó chợ ăn mày bạn bè thì lúc chết ko còn đôi dép ko lẽ còn cái ji khác ..tụi này ko lo đc cho bố nó mà còn nói láo nữa .
cảm ơn phần bình luận của bạn Tran manh phat, vangson sẽ tiến hành cập nhật ngay khi tìm được thông tin mới nhất. Cảm ơn bạn rất nhiều !