Vào một chiều mưa cuối năm 1998, tôi thu cho Bằng Kiều bản gốc “Còn Ta Với Nồng Nàn” ở Kim Lợi Studio. Hôm ấy, tôi đang làm nhạc ở Viết Tân – ban nhạc đang thu “Ngồi Hát Ca Bềnh Bồng”, bài hát tôi viết tặng Quỳnh Như – thì Kiều gọi chí chát, anh sang đây sang đây.
Nhớ lại trước đó một chút, hôm thu nhạc nền “Còn Ta Với Nồng Nàn”. Có Hoài Sa, Quang Phúc, Kim Tuấn, Trung Nghĩa, Lý Được, Thanh Sơn. Nhớ Kim Tuấn đã ồ lên ngạc nhiên, sao anh đưa Hồ Thiên Nga vào nữa? Phạm Hoàng Nam khi làm video bài hát, cũng hỏi. Sau này, nhiều người khác hỏi – có người còn gào tướng lên rất Hồng vệ binh là tên này ăn cắp Tchaikovsky. Tôi chưa từng giải thích cho ai. Chỉ có một người biết về “sự tích” Hồ Thiên Nga ấy, là Nguyễn Tri Phương Đông bạn tôi, quen cả Như, tức là biết những “Ngồi Hát Ca Bềnh Bồng”, “Còn Ta Với Nồng Nàn”, “Đừng Giấu Đi Trầm Hương”, “Giữ Lại Cho Ấu Thơ”, “Cho Niềm Đau Chìm Xuống” [toàn những tựa 5 từ] sinh ra nhờ cơn cớ nào.
Như là cháu họ anh Bảo Chấn, tôi biết cô năm mới 16 tuổi. Mười chín, gặp lại khi cô vừa xong trung học. Như mong manh [như một cành lan], nhiều bi kịch, mang trong lòng một mối tình vỡ, một quả tim thơ ngây và vài mộng ước nho nhỏ. Không có tình yêu nào len vào giữa chúng tôi. Chỉ cảm thông, nhiều cảm thông. Tôi thấy cô gần với hình ảnh Cái chết của con thiên nga đen trong ballet Hồ Thiên Nga, và cảm hứng loạt ca khúc bắt đầu từ đó.
Thế còn lá, còn gió, còn nắng, còn trăng, ở đâu? Xin thưa: ở quán Cây Tre đường Lê Quý Đôn, chủ nhân là một kiến trúc sư người Quảng Nam. Thời 1997-98, tôi ở đó cả ngày. Sáng ăn sáng, cà phê, ngồi đến trưa. Chiều vào cà phê. Tối đến ăn tối, cà phê. Như nhà mình. Những tán lá xanh rũ xuống khoảng sân lúc nào cũng loáng nước, ngả bóng vào mặt bàn cẩn đá và thành ghế sắt hoen rỉ, là nơi tôi viết loạt tình ca kể trên.
Ngực trầm xinh cho tiếng trái tim
Vang vọng vào đời chói chang
Trầm, là cảm hứng từ Du Tử Lê:
Tóc nồng hương trẻ dại
Ngực trầm hương ấu thơ
Hai câu thơ “tán gái” của Du Tử Lê, mà tôi nghe Vũ Ngọc Giao đọc trên bàn nhậu, đã in vào tâm trí tôi không mờ.
Tôi yêu Trầm vì nó đa nghĩa. Nó lại có một âm hưởng đặc biệt, nhiều dư ba, ấm áp, thơm tho.
Em ra đi nhan sắc đi
Thế nên em đừng đi
Câu này được “truyền tụng” nhiều. Cả Kiều khi thu cũng bật cười.
Nó có hàm ý.
(Em chẳng là gì cả, em không cầm giữ nổi tôi đâu. Tôi van em đừng đi chỉ vì em là chiếc bình chứa nhan sắc – tôi tôn thờ nhan sắc nên quý cái container vậy mà.)
Câu cuối phải ngắt như thế này:
Gần lại đây ngắm những thênh thang
Bên đời: còn ta, với nồng nàn.
Ở lại với tôi. Bên tôi. Trong tôi. Hỡi nhan sắc, khi em còn biết lắng nghe lời cây xanh, lời gió, thì cứ yên tâm là còn tôi, còn cả sự nồng nàn của tôi nữa.
Từ Quốc Bảo’s Blog:
+ http://quocbaomusic.com/ (chuyện còn ta với nồng nàn)
Lời bài hát
Đời vừa xinh cho những ân cần trôi qua tim đầm ấm
cho xôn xao qua giấc mơ dấy lên đôi vần thơ
ngực trầm xinh cho tiếng trái tim vang vọng vào đời chói chang
cho nắng tắt cho trăng rằm lên
cho vừa đôi chân em đến
Này em ngoan ơi nói câu tình
cho thân ta tái sinh
cứ nói khẽ nói khẽ thôi là khiến ta vui rồi
em tung tăng đến nơi này gọi gió về cho lá bay
gần lại đây ngắm những thênh thang bên đời
còn ta với nồng nàn
Ngày vừa sinh cho mắt em hiền cho câu ca ngọt tiếng
em ra đi nhan sắc đi thế nên em đừng đi
ngày thật xinh cho tiếng nói thưa cứ dịu dàng dòng suối ngoan
cho áo mới vuốt ve bờ vai
cho tình lâng lâng êm ái
Này em ngoan ơi lắng nghe này
cây xanh lên tiếng đây
gió đã nói với lá non rằng mắt em trong ngần
em ngoan ơi hãy ra nhìn trời đất ngập trong nắng vàng
ngồi lại đây ngắm những hân hoan bên đời
còn ta với nồng nàn ..