Để hiểu rõ hơn về bản nhạc này, chúng ta hãy quay về nửa cuối thập niên 1960, khi cuộc chiến Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt. Ngày ấy có một thành phần không nhỏ trong giới trẻ lớn lên theo cách tự phát, mất phương hướng và gần như đi bên lề của xã hội. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong các tiểu thuyết về thế giới ngầm như Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long (viết năm 1967), Điệu ru nước mắt của Duyên Anh (một bút hiệu của nhà văn Vũ Mộng Long, xuất bản năm 1965) hay Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang (cũng của Duyên Anh, 1967).
Loan mắt nhung sau này được dựng thành phim rất ăn khách, trong đó bản nhạc nền Loan mắt nhung do Huỳnh Anh sáng tác và Thái Châu ca cũng trở nên nổi tiếng.
Còn trong Điệu ru nước mắt, Duyên Anh đã ‘thi vị hóa’ chuyện đời của đệ nhất giang hồ Sài Gòn – Đại ‘Cathay’ – để Đại trở nên phong trần hơn, lãng tử hơn. Có lẽ những ai theo dõi chuyện ‘bụi đời’ ngày trước sẽ không xa lạ với tứ đại giang hồ Đại-Tỳ- Cái -Thế: Đại ‘Cathay’, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế. Trong đó, băng nhóm do Đại cầm đầu được cho là băng đảng có tổ chức tốt nhất. Để có được điều này, Đại đã khôn ngoan thâu nạp dưới trướng nhiều đàn em thuộc đủ mọi thành phần, có thực tài, biết dùng cái đầu chứ không phải chỉ biết đâm chém. Một trong số đó là Hoàng ‘guitar’, một tay giang hồ lãng tử với biệt tài chơi guitar.
Sau sự thành công vang dội của Điệu ru nước mắt, từ tiểu thuyết cho đến phim cho đến nhạc (bản Bao giờ biết tương tư cũng của Ngọc Chánh & Phạm Duy), đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng tiếp Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang năm 1971 với diễn viên Trần Quang vào vai chính Hoàng ‘guitar’.
Hoàng có địa vị cao trong một băng du đãng, sau đó muốn hoàn lương, về mở lớp dạy đàn, nhưng đồng bọn vẫn muốn kéo anh vào những việc bất lương. Ngày cuối vì mong có điều kiện xây dựng tương lai hạnh phúc, anh đã nhận lời làm một phi vụ cuối cùng và bị lộ. Những phát đạn oan nghiệt cắm sâu vào lưng Hoàng như những vết thù đời không bao giờ xoá được và cũng chấm dứt kiếp ngựa hoang.
Góp phần vào thành công của bộ phim không thể không kể đến nhạc phẩm Vết thù trên lưng ngựa hoang do nhạc sĩ Ngọc Chánh và Phạm Duy cùng sáng tác .. Nhạc phẩm này luôn được nhiều người nhớ đến và ca lại ở nhiều nơi, gợi đến những hình tượng sống ngoài vòng pháp luật, phản kháng nhiều luật lệ khắt khe và những hoàn cảnh bất công trong xã hội ..
Nguồn tư liệu:
+ https://hopamviet.vn/ (Hoàng ‘guitar’, một tay giang hồ lãng tử với biệt tài chơi guitar)
+ https://daohoadaoblog.wordpress.com/ (Vết thù trên lưng ngựa hoang)
Lời bài hát
Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời
đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời
ngựa phi như điên cuồng
giữa cánh đồng dưới cơn giông
vì trên lưng cong oằn
những vết roi vẫn in hằn
Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình
thảm cỏ tình yêu dưới chân mình
ân tình mở cửa ra với mình
ngựa hoang bỗng thấy mơ
để quên những vết thù
Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục
giòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt
ngựa hoang quên thù oán căm
từ nơi tối tăm về miền tươi sáng
Ngựa hoang về tới bến sông rồi
cởi mở lòng ra với cõi đời
nhưng đời làm ngựa hoang chết gục
và trên lưng nó ôi
còn nguyên những vết thù
Bài viết rất hay, giúp tôi hiểu hơn về ý nghĩa của bài hát này!