Những ngày xưa thân ái – Phạm Thế Mỹ

Cập nhật lần cuối: 26/03/2022 12:19

Khi Phạm Hổ in tập thơ Những Ngày Xưa Thân Ái ở miền Bắc thì ở miền Nam Phạm Thế Mỹ cũng sáng tác một bài hát cùng tên với ca từ rất đẹp: “Tôi về qua xóm nhỏ. Con đò nay đã già. Nghe tin anh gục ngã. Dừng chân quán năm xưa. Uống nước dừa hay nước mắt quê hương“.


Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có hai người anh là nhà văn nổi tiếng. Anh cả Phạm Văn Ký viết văn, làm báo trước khi sang Paris du học, trở thành một tác gia của văn học Pháp ngữ, được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp.

Những tác phẩm đa dạng về thể loại của ông như Perdre le demeure (Mất nơi cư trú), Celui quy régnera (Người sẽ ngự trị), Mémoires d’un eunuque (Hồi ức một hoạn quan), Fleurs du Jade (Hoa ngọc) .. được giới nghiên cứu xem như một bộ phận của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Năm 1970 Phạm Văn Ký về thăm Hà Nội trong những ngày Mỹ ném bom miền Bắc. Sau lần về nước đó, ông không có dịp trở lại quê hương Bình Định khi đất nước thanh bình.

Sống cô đơn đến ngày từ trần vì bệnh tim, ông vẫn kết nối với đất nước qua con đường văn học: đề tựa tập thơ Quê hương của Giang Nam (76 năm trước cũng chính ông đề tựa tập thơ Gái quê của Hàn Mặc Tử), cho xuất bản tập thơ Đường về nước ở NXB Hội Nhà Văn.

Trong thời gian đó, hai người em tài hoa của Phạm Văn Ký sống trong nước, nhưng chia nhau hai miền cách trở. Phạm Hổ đi tập kết ra miền Bắc, hoạt động văn chương, trở thành nhà thơ, có đóng góp đặc biệt trong văn học viết cho thiếu nhi. Còn Phạm Thế Mỹ ở lại miền Nam, viết nhạc, làm thơ, là một khuôn mặt được yêu mến trong phong trào văn nghệ phản chiến, đòi hòa bình, thống nhất đất nước.

Công chúng Sài Gòn những năm tháng đó còn nhớ những ca khúc rất phổ biến của Phạm Thế Mỹ như Áo lụa vàng, Tóc mây, Thuyền hoa, Bông hồng cài áo, Bóng mát, Đưa em về quê hương, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Nắng lên xóm nghèo, Tàu về quê ngoại, Người về thành phố .. cùng tập nhạc Trái tim Việt Nam và hai trường ca Lửa thiêng, Con đường trước mặt.

Khi Phạm Hổ in tập thơ Những ngày xưa thân ái ở miền Bắc thì ở miền Nam Phạm Thế Mỹ cũng sáng tác một bài hát cùng tên với ca từ rất đẹp: “Tôi về qua xóm nhỏ. Con đò nay đã già. Nghe tin anh gục ngã. Dừng chân quán năm xưa. Uống nước dừa hay nước mắt quê hương“.

Phạm Thế Mỹ đem thơ Phạm Hổ đăng cạnh thơ mình trên báo Đối Diện, còn thơ của chính ông thì có lần bị tịch thu và bị đưa ra tòa. Sau ngày đất nước đoàn tụ, Sài Gòn và Hà Nội chứng kiến cuộc tái ngộ của anh em Phạm Hổ – Phạm Thế Mỹ ..


Đọc thêm: Bông hồng cài áo – Phạm Thế Mỹ


– Bài viết: Tác phẩm văn chương như chiếc vé trở về
– Tác giả: Huỳnh Như Phương
– Tòa soạn: Tuổi Trẻ
– Xuất bản: 02.02.2013
– Đường dẫn: https://tuoitre.vn/
– Thời gian khai thác: 2022.03.26 12:09 VST


Những ngày xưa thân ái – Phạm Hổ

Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi

Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt sách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai

Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi

Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thưở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ.

(1957)


Lời bài hát

Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai
gió mùa xuân êm đưa rung hàng cau lưa thưa
anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ

Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai
trăng mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao
anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi trên lá đỏ
trông bầy chim trắng hiện mơ một nàng tiên dịu hiền

Đêm đêm nằm nghe súng nổ
giữa rừng khuya thác đổ
anh còn nhắc tên tôi
đêm đêm nhìn trăng sáng tỏ
bên đồi hoa trắng nở
cuộc đời anh có vui

Thời gian qua mau tìm anh nơi đâu
tôi về qua xóm nhỏ con đò nay đã già
nghe tin anh gục ngã dừng chân quán năm xưa
uống nước dừa hay nước mắt quê hương

Những đường xưa phố cũ ôi nỡ đành quên sao
xin gọi lại tên anh giữa trời sao long lanh
anh giờ yên giấc ngủ tôi nằm nghe súng nổ
như lời anh nhắc nhở ôi căm hờn dâng ngập lối

Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
anh còn gì cho tôi, tôi còn gì cho em
chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
những ngày xưa thân ái xin gửi lại cho em ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

3 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nhạc sĩ Trần Quốc Dũng

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ chỉ mượn cái tựa của ông anh mình thôi chứ không hề lấy ý thơ của nhà thơ Phạm Hổ

Vàng Son
Vàng Son
4 năm trước

vangson vừa cập nhật tư liệu đầy đủ hơn cho nhạc phẩm này. Chân thành cảm ơn phần bình luận của nhạc sĩ Trần Quốc Dũng.

Lâm Nguyễn
Lâm Nguyễn
4 năm trước

Qua bài viết này mình mới biết Phạm Thế Mỹ và Phạm Hổ là hai anh em, đúng là một điều rất thú vị. Và cũng lần đầu tiên có một bài thơ cùng tên “Những ngày xưa thân ái” với bài hát mà mình rất yêu thích. Và đọc rồi mới thấy, không chỉ bài hát buồn, mà bài thơ cũng buồn, tuy rằng hai cái buồn không giống nhau: trong bài thơ nghe như nỗi đau giằng xé khi phải tự tay giết người bạn thơ ấu mà nay đã ở về phía thù, còn trong bài hát là nỗi hoài niệm tiếc thương cho số phận của người bạn ấu thơ nay đã ngã xuống. Điểm chung mà mình thấy ở cả hai bài, là sự tàn khốc của chiến tranh. Chiến tranh đã biến những con người thân thiết thành người của hai chiến tuyến, bắt người ta phải chọn lựa. Chiến tranh đã mang đi những người thân yêu của một con người. Đọc và nghe bài hát mà thấy xót xa vô cùng. Đó cũng là lí do mà lần nào nghe bài hát này cũng khiến tôi rưng rưng trong lòng và dễ rơi nước mắt, vì thấy thương cảm, thấy sầu lòng, thấy tiếc thương cho một thời quá khứ tuổi thơ êm đẹp mà ai cũng có.