Mưa rừng – Huỳnh Anh

Cập nhật lần cuối: 05/08/2018 19:36

Trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga gồm: Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà phải trọ qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trỗi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Hà Triều, Hoa Phượng viết tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng dựa trên bối cảnh đó. Tuồng cải lương thành công rực rỡ do Thanh Nga đóng (1961) và được đánh giá là sự kiện “cháy vé” lúc bấy giờ ..

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

 

Tóm tắt tuồng cải lương ‘Mưa Rừng’

Khanh làm cai phu ở đồn điền của ông Tịnh trên cao nguyên, rất được mọi người thương mến. K’Lai, cô gái dân tộc, giúp việc nhà cho ông Tịnh, hằng ngày đem cơm nước cho Khanh, cô thầm yêu anh nhưng trái tim anh hướng về Tuyền, cô dâu trưởng của ông Tịnh có chồng là Thuyết bị bệnh chết hơn một năm. Bằng là em trai của Thuyết đem lòng si mê K’Lai, hắn tìm cách đuổi Khanh đi. Chán ngán cảnh đời đen bạc, anh quyết định bỏ đi làm cho Tuyền và K’Lai đau khổ.

Ở rừng hằng đêm có tiếng hú ghê rợn vọng về, mọi người lo sợ vì trên đồn điền xanh tốt kia đã thấm máu bao người phu. Bí mật tiếng hú đó chỉ một mình K’Lai biết, Khanh lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra một chuyện khác trong gia đình ông Tịnh : tiếng hú đó là của Thuyết, anh ta điên, bị gia đình xích chân tại một nơi kín đáo, chỉ có K’Lai đến đem cơm.

Thì ra Thuyết đã bắn chết cha K’Lai và để trả thù, K’Lai xin vào làm người giúp việc, đã dùng lá thuốc rừng trộn vào thức ăn đầu độc Thuyết, vì danh dự gia đình, ông Tịnh nói dối mọi người rằng Thuyết đã chết. Bị lời lẽ thuyết phục của Khanh , K’Lai tìm thuốc cứu Thuyết hết điên, anh chứng kiến vợ mình tỏ tình với Khanh, quá đỗi ghen tức, toan giết Tuyền thì ông Tịnh đến, tưởng Thuyết còn điên, để cứu con dâu ông bắn chết Thuyết.

Không còn gì cản trở tình yêu của Khanh và Tuyền, nhưng đối với K’Lai đó là sự mất mát lớn trong đời, cô đi khỏi đồn điền, từ chối tình yêu với Bằng, Khanh cũng bỏ đi lần nữa vì anh thấy mình hèn khi lợi dụng tình cảm của K’Lai để đạt ý nguyện của mình.

Họ chia tay giữa tiếng Mưa Rừng não ruột giăng kín núi đồi cao nguyên phủ lấp những huyền bí năm xưa.

 

Ca khúc Mưa Rừng là bài hát chính trong vở tuồng cùng tên. Hai nhạc sĩ này đã nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết. Bản này đã được viết đặc biệt theo giọng Thanh Nga và tính toán rất kỹ những đoạn nào làm Thanh Nga phát huy hết khả năng cũng như để giảm thiểu những sở đoản của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc. Nhạc sĩ Huỳnh Anh đã bỏ rất nhiều công sức cũng như thời gian để tập hát cho Thanh Nga, và bài này Thanh Nga hát rất thành công trên sân khấu cũng như trên đĩa nhựa, đài phát thanh. Bài hát này đã gắn liền tên tuổi của anh với người nữ nghệ sĩ khả ái trong suốt giai đoạn thành công của nó ..

Chính Nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng đã khiêm tốn xác nhận là vào năm 1961 anh được nổi tiếng thêm, nhứt là sau khi bản nhạc nầy được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn. Chính “Mưa Rừng” đã góp phần thành công cho Thanh Nga ở mặt tân nhạc và cũng chính bài hát nầy đã giúp cho thế đứng của Nhạc sĩ Huỳnh Anh càng thêm vững chắc và đưa ông vào lãnh vực viết nhạc cho điện ảnh với hai nhạc phẩm “Loan Mắt Nhung” trong phim cùng tên, và “Sa Mạc Tuổi Trẻ” trong “Điệu Ru Nước Mắt” ..

 

[Hình ảnh] Sheet Mưa rừng - Huỳnh Anh

 

Nguồn tư liệu:
https://vi.wikipedia.org/ (Mưa rừng – Wikipedia)
http://diendan.cailuongso.com/ (Tuồng cải lương Mưa rừng)

 

Lời bài hát

Mưa rừng ơi mưa rừng
hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
phải chăng mưa buồn vì tình đời
mưa sầu vì lòng người
duyên kiếp không lâu

Mưa từ đâu mưa về
làm muôn lá hoa rơi tả tơi
tiếng mưa gió lạnh lùa ngoài mành
lá vàng rời lìa cành
gợi ta nỗi niềm riêng

Ôi! Ta mong ước xa xôi
nhưng đêm mãi cô đơn
gửi tâm tư về đâu?
mưa thương ai? Mưa nhớ ai?
mưa rơi như nhắc nhở
mưa rơi trong lòng tôi

Mưa rừng ơi mưa rừng
tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa
mỗi khi mưa rừng về muộn màng
bóng chiều vàng dần tàn
lòng thương nhớ nào nguôi ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận