Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại làng Dưỡng Mong (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế). Cha ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế; chị là Châu Thị Minh, được coi là một trong Ngũ nữ minh tinh (miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ; miền Bắc có Ái Liên, Bích Hợp và miền Trung có Châu Thị Minh).
Thuở nhỏ, Châu Kỳ học ở Trường Tiểu học Dưỡng Mong, sau ông lên Huế học ở trường Lycée Khải Định. Ở đây, Châu Kỳ gặp được sư huynh Petrus Thiều, một tu sĩ vừa giỏi về nhạc lý và sáng tác vừa sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ phương Tây.
Sẵn dòng máu văn nghệ trong người, lại được thầy giỏi hướng dẫn, nên việc học nhạc và học hát của Châu Kỳ rất mau tiến bộ. Lúc mới biết hát, ông thường bắt chước ngân nga các bài hát bằng tiếng Pháp thịnh hành vào thời đó như là “J’ai deux amours, Tant qu’il y aura des etoiles” mà nam danh ca người Pháp Tino Rossi thường trình bày, nên ông được bạn bè gọi là “Deuxième Tino Rossi“.
Nhạc sĩ Châu Kỳ
Đến khi chị Châu Thị Minh lập đoàn ca kịch Huế mang tên Hồng Thu, ông đi hát trong đoàn của chị. Vừa được hát, lại vừa có tiền giúp cha mẹ, ông bỏ học luôn để đi theo nghiệp cầm ca.
Khoảng năm 1942, Đoàn ca kịch Hồng Thu lưu diễn sang Lào: Savanakhet rồi Thakhet. Trên bước đường lưu diễn, Châu Kỳ từng “quan hệ tình cảm” với ít nhất 2 cô ca sĩ người Lào. Ở Thakhet, ông bị mật thám Pháp bắt khi đang diễn vở kịch Hồn lao động (cùng với Trần Văn Lang, Châu Thành và nữ nghệ sĩ Mộng Điệp) và đưa lên Ba Vì (nay thuộc Hà Nội) giam giữ.
Trại giam do một viên trung úy người Pháp trông coi. Ông này có người vợ đầm lai rất đẹp tên là Anna. Nhờ có biệt tài hát những bản nhạc Pháp đang rất thịnh hành thời đó nên Châu Kỳ rất được lòng viên trung úy trưởng trại. Chính vị chỉ huy tốt bụng này đã vận động để Châu Kỳ được ra khỏi tù. Ông còn xuất tiền túi mua vé tàu và cho cô vợ Anna đi theo tiễn Châu Kỳ từ Ba Vì về ga Hàng Cỏ (Hà Nội) để xuôi Nam.
Họ đã có một đêm ngủ lại khách sạn. Người viết đánh bạo hỏi Châu Kỳ: “Thế có xảy ra chuyện gì .. ‘trên mức tình cảm’ không?”. Châu Kỳ trả lời với đôi mắt xa xăm: “Người ta là ân nhân của mình. Làm sao dám thất thố .. Chỉ lúc tôi sắp lên tàu, Anna có hôn nhẹ vào má tôi và nói: ‘Tôi rất quý anh’. Cái hôn phớt đó, tôi nhớ đến suốt đời ..”
Châu Kỳ được trả tự do (vào năm 1943), nhưng khi về tới Huế thì mới hay mẹ đã bị chết đuối trong một cơn lũ. Buồn rầu, Châu Kỳ đã viết ca khúc đầu tay “Trở về” và đã được giới yêu tân nhạc rất chú ý.
Năm 1947, chàng nghệ sĩ lãng tử Châu Kỳ rời bỏ đoàn Hồng Thu của bà chị ruột ở Huế để vào Sài Gòn. Một năm sau, nàng thiếu nữ tài sắc Phạm Thị Ngà của đất cảng Hải Phòng cũng đặt chân dến Sài Gòn. Nàng tập tễnh đi hát và được nhạc sĩ Lê Thương đặt cho nghệ danh Mộc Lan.
Vào Sài Gòn, Châu Kỳ ở nhờ tại nhà của nhạc sĩ Mạnh Phát (tác giả của những ca khúc Qua xóm nhỏ, Nỗi buồn gác trọ ..), còn Mộc Lan khi mới vào Sài Gòn cũng được nữ ca sĩ Minh Diệu (vợ Mạnh Phát) cưu mang. Ở chung một nhà nên “chuyện gì đến, phải đến”: Châu Kỳ và Mộc Lan nhanh chóng quyến luyến tình cảm. Chàng dắt dìu nàng đi khắp các tụ điểm ca nhạc ở Sài Gòn. Chỉ chưa đầy nửa năm sau, họ chính thức thành hôn.
Sau khi lấy nhau, Châu Kỳ đưa vợ về Huế ra mắt họ hàng. Được ông Thái Văn Kiểm – giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế nâng đỡ tạo điều kiện cho cả hai vợ chồng được hát thường xuyên trên đài với mức lương rất hậu hỉ. Ở Huế, danh tiếng của cặp Châu Kỳ – Mộc Lan nổi như cồn, cho dù ở đây đã có vợ chồng Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết “cát cứ” nhưng cặp uyên ương này lúc đó chỉ hát những bài hát mang về từ chiến khu: Lời người ra đi, Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu (Hoàng Thi Thơ) .. nên họ có một lượng khán giả riêng, không ảnh hưởng gì tới hoạt động âm nhạc của Châu Kỳ – Mộc Lan. Cuộc sống tưởng như vậy đã quá đủ cho đôi vợ chồng son. Nhưng ..
Cuộc sống vợ chồng của họ chỉ kéo dài khoảng 6 năm rồi chia tay (1952). Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân sâu xa có lẽ là “con chim quý phải ở lầu son” trong khi cái “tổ ấm” của họ chỉ là .. một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh. “Tôi cứ ngỡ đẹp như chị tôi, hát hay như tiên nữ như chị tôi phải ở trong lâu đài khuê các. Hiện tại là thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu cất tiếng hát họa mi làm say mê biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi ..” (trích trong ‘Những trang sách khép mở’ – Trần Áng Sơn – em ruột của ca sĩ Mộc Lan). Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của họ mau chóng đổ vỡ?
Sinh thời nhạc sĩ Châu Kỳ đã từng nhiều lần tâm sự: Họ chung sống ở Huế được 6 năm thì nàng “phải lòng” và đi lại với một người bạn học cũ của Châu Kỳ – người này là con của một bà chúa (hoàng tộc), chủ sòng xóc đĩa ở Kim Long (Huế). Vì chuyện đau lòng này mà Châu Kỳ đành dắt vợ trở vào Sài Còn đế giấu nhẹm không cho gia đình mình biết và cũng để ngăn trở đôi tình nhân, không cho họ gần gũi .. Tuy nhiên, Châu Kỳ vẫn không ngờ tình địch vẫn bám theo, ở Sài Gòn, đôi nhân tình vẫn hẹn hò, gặp gỡ nhau .. Lời ong tiếng ve râm ran nên Châu Kỳ quyết theo dõi vợ. Ông nhờ nhà thơ Đặng Văn Nhân (người đứng ra tổ chức đám cưới cho Châu Kỳ và nàng) chở đi bằng xe hơi bám theo nàng vào tận Chợ Lớn.
Châu Kỳ không đủ can đảm chứng kiến người đã từng cùng mình “hương lửa mặn nồng” nay lại ở trong vòng tay người khác nên nhờ ông Đặng Văn Nhân đi bộ theo dõi, còn mình ngồi lại trong xe. Khi ông Nhân trở ra kể lại sự tình, Châu Kỳ thấy trời đất như sụp đổ, ông tông cửa xe, định đâm đầu xuống sông tự tử, may nhờ có ông Nhân ôm ghì lại. Rồi .. ‘‘uống rượu cho đến ngày nay”. Người viết hỏi: “Rồi ông có gặp lại nàng?”. “Có, nhưng mà cũng lâu lắm rồi. Đó là hôm đám tang nhạc sĩ Lê Thương (1996). Chúng tôi chỉ chào hỏi xã giao. Không nói chuyện gì nhiều. Chuyện cũ cũng đã vời xa quá rồi!”
Buồn vì cuộc tình không trọn vẹn, Châu Kỳ xin thôi cộng tác với Đài Phát thanh Huế để trở vào Sài Gòn.
Trở lại Sài Gòn hoa lệ năm 1953, cảnh cũ còn đó nhưng người xưa chẳng thấy đâu, Châu Kỳ chỉ làm bạn với chiếc tây ban cầm cũ kỹ trong nhà và ở ngoài đường phố là chiếc vespa xập xình, màu trắng mà ông dùng làm chân để xê dịch đó đây, lên đài phát thanh, lại nhà in, ra quán nhạc, tới quán nhậu .. Thời gian này nỗi buồn tích chứa làm thành những giai điệu bi ai. Châu Kỳ liên tục cho ra đời những sáng tác như “Từ giã kinh thành”, “Khúc ly ca”, “Tiếng ca đó về đâu”, “Tìm nhau trong kỷ niệm”, “Đàn không tiếng hát”, “Đừng nói xa nhau” ..
Khi vết thương cuộc hôn nhân đầu nguôi ngoai, thì nhạc sĩ Châu Kỳ gặp được một nửa thật sự của đời mình.
Dù bị gia đình phản đối, cô nữ sinh trường Gia Long mới vừa 16 tuổi – Kha Thị Đàng vẫn quyết tâm làm vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ vào năm 1955. Dù ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ rất phổ biến nhưng ông chẳng dành dụm được bao nhiêu tiền.
Chú rể Châu Kỳ và cô dâu Kha Thị Đàng trong ngày cưới
Bà Kha Thị Đàng hồi tưởng: “Khi lấy anh Châu Kỳ, theo lời anh, tôi rời nhà chỉ với một chiếc áo dài trắng mặc trên người, với tinh thần tự lập, không dựa vào gia đình. Đêm tân hôn, tôi mới biết chồng không nhà cửa, căn phòng đang cư ngụ là ở nhờ gia đình người bạn. Và anh Châu Kỳ cũng chẳng biết bao giờ mới có thể mua được nhà. Khi đó chúng tôi sống dựa vào tiền thù lao đi hát tại các rạp phim, phòng trà của anh Châu Kỳ. Sau khi sinh con đầu lòng, tôi quyết chí đi mua trả góp một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu với bề ngang 4m, sâu 14m. Phía trước nhà trệt, phía sau có cái gác nhỏ. Từ đó mà anh Châu Kỳ có nhà riêng, có nơi ngồi viết lách. Tiền mua nhà thì trả mấy đợt mới hết!”.
Cuộc sống khấm khá lên từ khi nhạc Bolero thịnh hành. Theo lời vợ nhạc sĩ: “Nhạc Bolero lúc đó được hiểu là dòng nhạc trữ tình, quê hương, khác với nhạc nhảy ở vũ trường, khác với nhạc Mỹ, nhạc Pháp, không phải nhạc rock, nhạc jazz. Âm nhạc thì dựa vào dân gian, nội dung thì nói về tình yêu quê hương, con người”. Nhạc Bolero thịnh hành tới mức các bản nhạc in ra số lượng lớn mà vẫn tiêu thụ hết. “Có lần, nhà xuất bản đưa một chiếc ô tô đến đậu trước ngõ nhà tôi, bảo với anh Kỳ là nếu anh bán bản quyền bài hát mới nhất cho chúng tôi thì chiếc xe này là của anh. Từ đó, chồng tôi không đi chiếc vecpa mà đi chiếc ô tô ấy”.
Bà kể tiếp: “Những năm tháng đất nước chia cắt, chồng tôi chỉ có một mong ước là đất nước hòa bình, thống nhất. Quê hương liền một dải. Ngày xuân, người ta tổ chức nhiều trò vui, thì chồng tôi lại ngồi viết nhạc, rằng chưa có mùa xuân”.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất. Kinh tế rất khó khăn, xe ô tô phải bán đi để nuôi con. “Kể từ đó chồng tôi toàn đi xe đạp. Đến lúc mất, chồng tôi đã sử dụng khoảng 9 chiếc xe đạp”. Chi tiết về việc này, ký giả Hà Đình Nguyên (báo Thanh Niên) ghi lại rằng:
Dạo ấy, nhà ông ở tuốt bên Tân Quy Đông (Nhà Bè). Hằng ngày, ông đi xe đạp khoảng gần 20 km đến 81 TQT chỉ để uống vài ly bia, nhìn mặt bạn bè, người quen cho đỡ nhớ rồi lại đạp xa ngần ấy cây số về nhà. Có lẽ nhờ “hoạt động thể thao” này mà sức khỏe của ông khá dẻo dai, 80 tuổi mà vẫn minh mẫn, tinh anh.
Ông cũng lập một “kỷ lục” ngồ ngộ: mất 18 chiếc xe đạp chỉ vì ham vui với bạn bè. Rồi bạn bè cũng gom góp mua lại chiếc khác cho ông (rồi nhại câu hát Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa của ông để trêu ông: “Mất xe này ta sắm xe kia ..”). Ít bữa sau .. lại mất!
Ông không thể “tự phá kỷ lục” của chính mình khi nhà ông chuyển về phường Phước Bình (Q.9) xa đến 30km nên phải giã từ chiếc xe đạp chuyển qua đi xem ôm đến 81 TQT (ông bao bia cho tài xế xe ôm uống, nhưng phải .. “chừa tỉnh” để chở ông về) ..
Sinh cho nhạc sĩ Châu Kỳ tất thảy 4 người con, bà không chỉ chấp nhận nâng khăn sửa túi cho một đức lang quân lãng tử mà còn trân trọng những ca khúc của chồng. Dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn thuộc hầu hết sáng tác của nhạc sĩ Châu Kỳ, ca sĩ nào hát sai ca từ thì bà phát hiện được ngay. Nhạc sĩ Châu Kỳ đào hoa và lãng mạn bao nhiêu, thì bà chỉn chu và chu đáo bấy nhiêu. Lặng lẽ đứng sau chồng, lặng lẽ ủng hộ chồng và lặng lẽ nhận về mình không ít chua chát thầm ghen trộm nhớ.
Bà Kha Thị Đàng và chồng – nhạc sĩ Châu Kỳ
Bà nói về người chồng quá cố, bằng thái độ thật nhẫn nại và thật bao dung: “Những chuyện tình của Châu Kỳ đau khổ, trắc trở nhưng mối tình của Châu Kỳ cùng những sáng tác của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Cuộc đời ông có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải thông cảm cho chồng vì nhờ đó mới có nhiều ca khúc hay tặng đời”.
Năm 2005, sau chuyến lưu diễn ở Mỹ trở về, sức khoẻ nhạc sĩ Châu Kỳ sa sút rất nhanh. Ông không còn khả năng tự đạp xe đi giao lưu với bạn bè. Thương nhạc sĩ đau ốm, bà Kha Thị Đàng leo lên núi Yên Tử để cầu phúc cho chồng.
Chuyến đi ấy, bà khoe với chồng đã viết bài thơ “Ánh đạo vàng” có mấy câu tâm đắc: “Nương gót từ bi, khoác áo nâu sòng người trung tu từng bước đi lên. Đầu đội trời, chân đạp đất chịu khổ hạnh làm ngọn đuốc tuệ chiếu ánh sáng đạo vàng”. Nhạc sĩ Châu Kỳ đã gượng ngồi dậy để phổ nhạc bài thơ của vợ, và hứa hẹn: “Để anh khoẻ lại, sẽ tập cho em hát”. Vậy mà, không thể cưỡng lại định mệnh, ít hôm sau, nhạc sĩ Châu Kỳ chia lìa nhân gian ở tuổi 85, vào ngày 06-01-2008 ..
Giọt lệ đài trang & Túy ca
Một dịp bà Kha Thị Đàng cùng chồng ra Nha Trang, lúc này ông bà được nghe người dì của nhạc sĩ Châu Kỳ kể lại câu chuyện bi thương về người con gái từng yêu ông say đắm.
Quãng thời gian đó Châu Kỳ về diễn ở Nha Trang, đêm diễn, ngày nghỉ lại nhà dì. Cô Đoàn Thị Sum năm ấy mới 16 tuổi rất thần tượng Châu Kỳ, mê tiếng hát giọng đàn của ông mà mê luôn cả người. Cô gái ấy là con quan tri huyện, gia đình danh giá nhất nhì Nha Trang thời bấy giờ.
Khi đoàn hát dọn đi, cô Đoàn Thị Sum đã trốn nhà theo đoàn hát nhưng bị gia đình phát hiện, bắt lại và nhốt trong nhà. Quá uất ức, cô gái ấy đã lén thấy thuốc phiện của cha pha với dấm thanh để tự tử chết. Biết được câu chuyện này, bà Kha Thị Đàng đã nhờ người dì dẫn hai vợ chồng ra thắp nhang viếng mộ cô Sum xấu số.
Bà tâm sự: “Khi ấy, tôi nghĩ mình vô cùng may mắn bởi mình đã có được một đám cưới trọn vẹn với anh Kỳ. Gia đình tôi và gia đình cô gái kia nghiêm khắc như nhau nhưng cha mẹ tôi lại là những người hiểu biết, trên hết là thương con hết mực. Thế nên tôi mới có được hạnh phúc ngày hôm nay chứ không phải chịu số phận tang thương như cô ấy”. Sau chuyến viếng mộ ấy, nhạc sĩ Châu Kỳ xúc động viết nên bài nhạc “Giọt lệ đài trang”, một trong những ca khúc nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến nhất và cho đến tận bây giờ vẫn có nhiều ca sĩ trong, ngoài nước hát lại.
Bà Kha Thì Đàng kể lại rằng, kết thúc của bài hát ông định cho cô gái chết nhưng bà đã khuyên ông nên thay đổi cái kết, bởi sự ra đi của cô gái đã là một kết cục quá tàn nhẫn rồi và không nên để bài hát buồn thêm nữa. Vậy nên, “Giọt lệ đài trang” được kết thúc bằng câu hát man mác: “Em nhớ xưa rồi em khóc. Tôi thoáng buồn thương dòng lệ đài trang”.
Nhạc sĩ Châu Kỳ và thi sĩ Trương Minh Dũng (?-2008)
Đau buồn, tuyệt vọng vì người yêu qua đời, Châu Kỳ đã bỏ Nha Trang vào Sài Gòn và tìm quên trong men rượu. Cũng trong những ngày tháng đó Châu Kỳ đã sáng tác ca khúc Tuý ca vào năm 1973, dựa trên phần thơ của thi sĩ Trương Minh Dũng, trong một lần nhạc sĩ Châu Kỳ và nhà thơ cùng ngồi uống rượu với nhau và ngẫm nghĩ về cuộc đời ..
Còn có một giai thoại nữa gắn liền với sáng tác này ..
Khi còn trai trẻ ở Huế, nhạc sĩ Châu Kỳ si mê cô Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh, là con gái một quan thượng thư. Để gây ấn tượng với Kim Anh, chàng lãng tử Châu Kỳ đã ôm đàn đứng dưới cửa sổ nhà nàng để trổ nghề chinh phục. Đàn vừa ngân mấy khúc, Kim Anh ngừng tay đan áo, nhìn xuống và buông một câu “Xướng ca vô loài”.
Quá thất vọng và quá bẽ bàng, Châu Kỳ ôm trái tim tan vỡ vào Sài Gòn để lánh xa chốn ê chề. Thế sự vần xoay, Kim Anh cưới một ông chồng Pháp rồi sau 1954 lại một thân một mình trôi dạt vào Sài Gòn. Nhạc sĩ Châu Kỳ gặp lại cố nhân trong một chiếc áo rách và trong túi chỉ còn 5 đồng, chỉ đủ ăn một bát cháo.
Trùng phùng giữa nghịch cảnh éo le, Kim Anh gục đầu vào vai nhạc sĩ Châu Kỳ mà nước mắt ngắn dài cho vơi bớt hờn tủi má hồng. Trong túi có 300 đồng, nhạc sĩ Châu Kỳ tặng luôn cho Tôn Nữ Kim Anh và chở nàng về xóm trọ. Nghĩ về người cũ thăng trầm trần gian, nhạc sĩ Châu Kỳ đã viết ca khúc “Giọt lệ đài trang” với những ca từ đầy thương xót ..
Một ca khúc có đến hai cuộc tình, một người đã ra đi và một người sống nghèo khổ. Đối với ông tất cả đều là những kỷ niệm đau thương ..
Con đường xưa em đi (Châu Kỳ & Hồ Đình Phương)
Theo bà Kha Thị Đàng thì con đường đã làm nên cảm hứng cho nhạc sĩ cùng người bạn thân của mình là nhà thơ Hồ Đình Phương viết lên ca khúc “Con đường xưa em đi” là con một con đường đất nhỏ nằm sau Nhà máy giấy Tân Mai – Tp. Biên Hoà (thuộc Đồng Nai bây giờ). Bà kể: “Ngày đó tôi làm kế toán ở nhà máy giấy Tân Mai, anh Hồ Đình Phương cũng đang làm phó giám đốc hành chính ở đây. Phía sau nhà máy có dãy nhà tập thể cho công nhân nghỉ ngơi và nối tới nhà máy là con đường mòn xuyên qua một cánh đồng lúa. Chúng tôi thường qua lại trên con đường đó. Cứ mỗi lần thấy tôi đi qua anh Hồ Đình Phương lại nói vui với tôi câu ‘Con đường xưa em đi’. Một thời gian sau thì bài hát ‘Con đường xưa em đi’ ra đời. Vì chồng tôi thường có thói quen đàn để sáng tác những giai điệu nhạc, còn anh Hồ Đình Phương hay tìm lời cho những giai điệu đó. Hai người đã sáng tác chung cả vài chục ca khúc theo cách như thế nên tôi nghĩ bài ‘Con đường xưa em đi’ là bài hát chồng tôi và anh Hồ Đình Phương lấy cảm hứng từ con đường mòn đó” ..
Nhà thơ, nhạc sĩ Hồ Đình Phương (1927-1979)
Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ cho rằng thời điểm đó, đất nước thường xảy ra chiến tranh, nhiều nhạc phẩm chứa những ca từ mang bóng dáng người lính vì “khán giả người ta thích thế”. Do đó, trong bài “Con đường xưa em đi” có câu “chiến trường anh bước đi” và “phiên gác canh dài”.
Đến năm 2007, khi sức khỏe nhạc sĩ Châu Kỳ yếu dần, vợ chồng ông quyết định sửa lại vài ca từ để bài hát được phổ biến hơn. Bài hát được sửa hai chỗ: chữ “chiến trường” được chuyển thành “lối mòn”, “phiên gác” thành “thao thức”. “Chúng tôi sửa để ca từ mới hợp với nền nhạc hơn, đồng thời giúp ca khúc phù hợp với bối cảnh cuộc sống hòa bình”, bà kể ..
Khuya nay anh đi rồi
Bài “Khuya nay anh đi rồi” ông viết tặng cô gái tên Lành ở Nha Trang, bởi cô mê gánh hát nên định trốn nhà theo nhưng khi ra tới nơi thì đoàn đã đi rồi, chỉ còn lại bãi đất trống.
Bà Kha Thị Đàng nhớ lại: “Năm 2005 chúng tôi sang Mỹ có gặp lại cô ấy. Cô ấy hát lại câu ‘Gió lành lạnh buồn ơi’ có tên cô ấy trong bài ‘Khuya nay anh đi rồi’ và cười rất sảng khoái” ..
Được tin em lấy chồng
Nhạc phẩm “Được tin em lấy chồng” được nhạc sĩ Châu Kỳ viết tặng cho ca sĩ Thanh Thuý khi cô đi lấy chồng, nhuận bút của bài này đủ cho ông mua một chiếc xe hơi ..
Đón xuân này (tôi) nhớ xuân xưa (Anh Châu & Châu Kỳ)
Bài “Đón xuân này nhớ xuân xưa” là kỷ niệm của nhạc sĩ Châu Kỳ với một cô gái ông từng gặp ở Huế ..
Em sắp về chưa (thơ: Tô Kiều Ngân)
Nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ thổi sáo Tô Kiều Ngân tên thật là Lê Mộng Ngân, sinh năm 1926 tại Huế. Theo học tiểu học tại Huế, ông đã sớm tỏ ra có chất nghệ sĩ, thường trốn học, đi chơi đó đây với cây sáo trúc không mấy khi rời tay. Năm 1946 ông tham gia kháng chiến chống Pháp, phục vụ ban kịch của Vệ quốc đoàn khu IV từ Huế ra Thanh Hoá. Được một thời gian, ông xin tình nguyện chiến đấu tại mặt trận đèo Hải Vân, sau đó bị Pháp bắt năm 1948. Ba tháng sau ông được thả. Từ đó, Tô Kiều Ngân bắt đầu hoạt động văn nghệ. Tác phẩm đầu tiên của ông là kịch thơ Ngã ba đường do ban kịch Sông Ô trình diễn trên sân khấu Huế.
Năm 1950 ông gia nhập Quân đội quốc gia Việt Nam. Ba năm sau ông đưa gia đình vào miền Nam. Tại đây ông lần lượt viết cho các báo Đời mới, Người sống mới, đồng thời cũng cộng tác với một vài tờ báo xuất bản tại Hà Nội như Hồ Gươm, Giác ngộ .. Năm 1955 ông cùng Đinh Hùng, Thanh Nam, Hồ Điệp, Hoàng Oanh .. thành lập ban thi văn Tao Đàn trên đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó ông lại cùng Thanh Nam chủ trương tuần báo Thẩm mỹ, rồi cộng tác với Sáng tạo, Văn nghệ tiền phong, Tiểu thuyết tuần san, Văn nghệ chiến sĩ ..
Nhà thơ Tô Kiều Ngân
Sau 1975, Tô Kiều Ngân cải tạo tại Sơn La một thời gian dài. Những năm cuối đời ông vẫn viết truyện ngắn, viết sách biên khảo, cộng tác với một số tạp chí trong nước. Ông mất ngày 20-10-2012 tại nhà riêng ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Thơ Tô Kiều Ngân ít xuất bản mà chỉ được truyền miệng trong giới bạn bè. Một số bài hát nổi tiếng phổ thơ của ông là bài Những con đường trắng do Trầm Tử Thiêng phổ nhạc viết về sự kiện Huế Mậu Thân 1968, Em sắp về chưa, Vào mộng cùng em do Châu Kỳ phổ nhạc, Tiếng chuông Linh Mụ do Hoàng Nguyên phổ nhạc. Ngoài bút danh Tô Kiều Ngân, khi viết lời cho ca khúc, ông còn dùng bút hiệu khác là Y Châu ..
Thương về miền Trung & Sao không thấy anh về (ký danh: Duy Khánh)
Nhạc sĩ Châu Kỳ viết ca khúc “Thương về miền Trung” vào khoảng thập niên 1940, khi phát hiện ra nam ca sĩ Duy Khánh và mang anh từ Quảng Trị vào Sài Gòn lập nghiệp, ông đã giao bài hát cho nam danh ca thể hiện đầu tiên. Để lăng xê cho tên tuổi Duy Khánh, nhạc sĩ Châu Kỳ đã quyết định lấy tên anh làm bút danh cho “Thương về miền Trung”. Vậy nên khi đó, khán giả đều cho rằng đây là sáng tác của Duy Khánh.
Sau năm 1975, khi bài hát được cấp phép lưu hành trở lại thì tiếp tục có một sự nhầm lẫn khác. Bấy giờ tác giả “Thương về miền Trung” không còn là Duy Khánh nữa mà bị nhầm sang Minh Kỳ. Các sản phẩm băng đĩa hay các chương trình ca nhạc trong nước (lẫn cả hải ngoại) đều ghi sai tên tác giả.
Châu Huyền Khanh (con gái nhạc sĩ Châu Kỳ) kể: “Khi ba tôi còn sống, có lần ông xem ti vi thấy để sai tên bài hát của mình thì vỗ đùi và bảo: “Ủa? Bài này của cha mà sao để Minh Kỳ!”. “Vì lúc đó cha tôi đã lớn tuổi rồi, thấy bài hát của mình được hát nhiều thì mừng chứ không nghĩ đến chuyện yêu cầu đính chính gì cả. Ông cũng không bận tâm nhiều”.
Cô cũng nói thêm, tuy tên tác giả để sai trên nhiều sản phẩm, phương tiện thông tin đại chúng như vậy nhưng hơn 10 năm nay, gia đình cô đều nhận được tiền tác quyền “Thương về miền Trung” đàng hoàng từ trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Chỉ là tên tác giả thì chưa đính chính rộng rãi được.
Thông qua chương trình Sol Vàng (6-2016), gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ cũng đã đính chính lại rằng bài hát “Thương về miền Trung” chính là đứa con tinh thần của ông ..
Sao chưa thấy hồi âm & Hồi âm
“Ca khúc ‘Sao chưa thấy hồi âm’, thơ của nhà thơ Trương Minh Dũng. Khi đó Dũng ở Đà Lạt đã gửi bản thơ về cho anh Châu Kỳ. Ngay khi bản thơ được phổ nhạc có một nhà in đã đưa xe tải đến tận nhà để đặt in tờ nhạc độc quyền riêng cho họ” – bà Kha Thị Đàng kể về bản in ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm” ..
“Sao chưa thấy hồi âm” vừa ra đời đã quá nổi tiếng, nên nhạc sĩ Châu Kỳ chấp bút viết thêm nhạc phẩm “Hồi âm” ngay sau đó ..
Cố đô yêu dấu
Viết ca khúc này để chia xẻ nỗi đau xót với quê tôi. Và cũng để tưởng niệm hương hồn anh Tăng Duyệt, người đã khuyến khích tôi trên đường sáng tác ..
Mùa thu còn đó
Cảm tác vì nghe mùa thu chết (của Phạm Duy)
Tôi viết bài này thương tiếc bởi mùa thu ..
Em gái miền Nam
(trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Việt Tide phát hành vào thứ sáu 28-03-2014)
Trong gia tài hơn 300 ca khúc của mình, nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ có một bài viết riêng dành tặng bà Kha Thị Đàng đó là bài “Em gái miền Nam” (hiện chưa tìm được phần trình bày dành cho bài hát này). Thế nhưng, bà lại là người thuộc gần như nằm lòng hơn 300 ca khúc của ông. Trong cuốn hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên, bà đã sưu tầm lại gần như toàn bộ các ca khúc ông từng viết. Một phần do bà lưu giữ được, phần khác do bạn bè và người hâm mộ mang đến tặng lại.
Sau 1975, nhạc sĩ Châu Kỳ phải đi tập trung cải tạo. Bà Kha Thị Đàng nhớ lại: “Đó mới là quãng thời gian vất vả cực nhọc nhất của tôi bởi tôi vừa phải một mình nuôi các con vừa phải kiếm tiền để đi thăm nuôi anh ấy trong hoàn cảnh kinh tế chung của của đất nước rất khó khăn sau cuộc chiến”.
Khi ấy bà làm công nhân nhà máy giấy Tân Mai ở Đồng Nai, lương chỉ có 300 đồng nhưng mỗi tháng phải đi thăm nuôi ông tiêu tốn hết những 1.000 đồng, chưa kể tiền nuôi các con ăn học. Để trang trải tất cả những khoản tiền ấy, ngoài công việc chính là làm kế toán phát lương ở nhà máy giấy Tân Mai, bà còn phải thức khuya dậy sớm đi làm thêm ở ngoài để cải thiện thu nhập. Khi ấy nhiều người nói rằng bà là phụ nữ mà “điếc không sợ súng” nhưng bà bảo: “Khi ấy, chồng con tôi là những người quan trọng nhất nên tôi làm tất cả vì họ thôi. Tôi chỉ buồn một chuyện là do thời điểm ấy khó khăn quá nên việc học hành của các con tôi lỡ dở”.
Quãng thời gian ấy, mỗi tháng bà Kha Thị Đàng lên thăm chồng một lần ở trại giam Chí Hòa. Chỉ được thăm chứ không được gặp mặt. Có người còn đồn rằng ông đã chết ở trong trại giam. Sau này bà được nghe kể lại: “Ông ấy vô tư lắm, ngay cả khi ở trong trại giam ông vẫn lạc quan vui vẻ và hát cho các anh em khác nghe. Dù ở trong trại giam nhưng ông ấy vẫn sáng tác nhạc và phổ nhạc bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Xuân Diệu, bài ‘Lời kỹ nữ’ ..”. Bà nói rằng, suốt quãng thời gian ông ở trại giam, bà không có thời gian để buồn bởi phải tất bật lo cho kiếm sống, lo kiếm tiền để thăm chồng, nuôi con. Thời gian ấy, nhạc của ông cũng không được phổ biến nhưng nhiều người lao động bình dân vẫn hát. Bà nhớ lại: “Tôi xa chồng, bao nhiêu khổ sở, vất vả, cực nhọc với cuộc mưu sinh nhưng chưa bao giờ khóc. Thế nhưng khi đi ra chợ hễ nghe thấy người ăn xin và người bán rong hát nhạc của anh Châu Kỳ là tôi lại khóc ngất đi vì quá xúc động. Nhạc của anh ấy khi đó không được phép hát công khai trên đài nhưng người dân thì vẫn hát vì nó là nhạc trữ tình”. Sau này, những bài hát của nhạc sĩ Châu Kỳ dần dần được cấp phép phổ biến trở lại, bà Kha Thị Đàng xúc động nói: “Mình tin tưởng bởi mình làm chuyện phải cả, đâu có làm gì sai trái”.
Năm 2005 trong chuyến đi Mỹ thực hiện chương trình nhạc Châu Kỳ do một trung tâm ca nhạc ở hải ngoại tổ chức, nam ca sĩ Chế Linh chỉ hát sai một từ trong lời bài nhạc “Túy ca” thì ngay lập tức bị bà sửa lại. MC Kỳ Duyên khi ấy hỏi bà: “Cô ơi cô, mấy trăm bài của chú cô thuộc hết hả?” Bà gật đầu đáp lại, còn MC Kỳ Duyên thốt lên: “Trời ơi, sao cô thương chú dữ vậy”.
Người nghệ sĩ giống như con tằm, rút ruột để trả nợ cho đời những tác phẩm nghệ thuật, điều hạnh phúc nhất đối với họ hẳn là có những người tri âm tri kỷ có thể hiểu được những sáng tạo của họ. Đối với nhạc sĩ Châu Kỳ, có lẽ bà Kha Thị Đàng ngoài vai trò một người vợ thì còn là một người tri âm, tri kỷ. Có lẽ bởi vậy nên họ đã có những tháng ngày hạnh phúc dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Những năm cuối đời, nhạc sĩ Châu Kỳ phải nằm một chỗ mất gần 4 tháng. Bà kể lại, ông không có bệnh gì nhưng do cơ thể đã lão hóa nên mọi thứ ngưng hoạt động hết. Mỗi ngày phải truyền 3 chai nước biển, một chai muối, một chai đường, một chai đạm để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Khi ấy, bà khóc và nói với ông rằng: “Anh ơi, em hết tiền rồi. Khi nào anh trăm tuổi thì anh nằm lại Sài Gòn nhé”. Nhạc sĩ Châu Kỳ đáp: “Em phải đưa anh về Huế. Em đừng có lo, bạn anh lo hết”.
Khi nhạc sĩ Châu Kỳ mất, bạn bè tập trung lại rất đông lo tang lễ và đưa ông trở về cố hương – đất Huế Thần Kinh thương nhớ mà bao nhiêu năm ông đã gửi vào những ca khúc bolero đậm chất dân ca của mình .. Những người bạn của ông, mỗi khi ra Huế đều đến viếng mộ ông và gọi điện về cho bà Kha Thị Đàng và nói với bà: “Chị ơi, em đang ở bên anh nè. Em đang hát Thương về miền Trung nè”. Là người theo đạo Phật nên trước khi ông ra đi, bà xin cho ông đi theo con đường của Phật và được vị sư thầy tu ở chùa gần nhà tặng cho pháp hiệu Thiện Tâm. Vị sư thầy ấy tặng cho bà một chiếc đĩa có hình phật rồi nói với bà rằng “Hãy để Châu Kỳ thấy phật, để Châu Kỳ niệm phật, đi con đường của Phật”.
Khi bà mang về và truyền đạt lại lời sư thầy, ông chỉ lặng lẽ gật đầu đồng ý. Vài ngày sau khi ông đau nặng, sư thầy làm lễ tụng kinh cho ông. Sau khi nghe hơn một giờ kinh, ông lặng lẽ ra đi rất êm và không có dằn vặt gì hết. Bữa đó, rất nhiều bà con hàng xóm cũng đã đến để cùng sư thầy tụng niệm cho ông ra đi theo con đường của Phật. Không nén được nước mắt bà khóc và bảo: “Hễ khi nào có đủ tiền là gia đình tôi lại ra Huế thăm anh ấy. Năm năm rồi mà vẫn còn buồn và thương nhớ nhiều lắm. Mặc dù theo quan niệm của đạo Phật, mất đi là sẽ được luân hồi sang một kiếp khác, người sống không được buồn thương để người ra đi không còn vướng víu với cõi trần gian nhưng trong tim mình thì không bao giờ quên được. Tụi nhỏ nhà tôi lúc nào cũng nói rằng tụi nó vẫn còn nhớ ba lắm”.
Những năm đầu khi ông mới mất, năm nào bà cũng tổ chức một đêm nhạc tưởng niệm cho ông. Trong đêm nhạc ấy, ngoài những ca sĩ đã thành danh với nhạc Châu Kỳ còn có hai cháu ngoại của ông bà là Nguyễn Châu Kha và Nguyễn Châu Hoàng Nhung cũng đang làm nghề ca hát. Giống như ông bà ngoại của mình, hai ca sĩ trẻ này cũng rong ruổi khắp miền Tây với những khán giả bình dân, chỉ có điều họ không hát nhạc của ông ngoại mà thay vào đó là hát nhạc mới bây giờ. Trước khi hát lại những ca khúc của ông ngoại trong lễ tưởng niệm, Nguyễn Châu Kha và Nguyễn Châu Hoàng Nhung đều xin bà ngoại thứ lỗi trước vì không hát hay được như các ca sĩ thuở trước. Thời gian gần đây, bà không còn đủ khả năng tài chính để làm những đêm nhạc như những năm đầu khi ông mới mất. Bà chia sẻ: “Tôi buồn lắm nhưng điều kiện không cho phép. Nhiều người nói rằng, các ca sĩ trẻ bây giờ hát nhạc xưa không có độ rung, độ ngân và không nhiều tình cảm như các ca sĩ thế hệ trước nhưng tôi vẫn mong họ hát nhạc của anh Châu Kỳ bởi chỉ có như thế, nhạc của anh Châu Kỳ mới đến được với những người nghe trẻ tuổi bây giờ mà không bị mai một đi”.
Hiện tại, bà Kha Thị Đàng đang sống cùng gia đình con trai trong căn nhà nhỏ ở quận 9. Cô con gái lớn nhất của hai ông bà nay cũng đã nghỉ hưu và sống cùng gia đình riêng. Con trai thứ hai của ông bà hiện đang giữ chức vụ Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật ở nhà hát thành phố, con trai thứ ba và con trai út làm trong ngành giao thông vận tải. Ngoài thời gian chăm sóc con cháu, bà Kha Thị Đàng thường đi lễ chùa và theo các đồng đạo, phật tử khác đi đến những vùng xa để làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình dù cuộc sống của bà cũng không khá giả hơn thời trước là mấy.
Trong ngôi nhà nhỏ ấy thường vắng tiếng người bởi các con cháu đều bận rộn cả ngày với công việc riêng của mình nhưng tôi tin bà không cô đơn bởi những hình ảnh, những kí ức về ông lúc nào cũng luôn ngập tràn trong căn nhà ấy. Trong lúc nói chuyện với bà về ông, tôi luôn có cảm giác ông cũng đang có mặt trong phòng. Ông lặng lẽ ngồi nghe và mỉm cười hiền hậu mỗi khi bà nhắc đến những câu chuyện về ông. Cho đến tận lúc này, tôi vẫn còn nhớ nguyên cái cảm giác rất lạ lùng ấy.
Nhà thơ Kiên Giang đã nói về bà Kha Thị Đàng: “Châu Kỳ trở thành một nhạc sĩ tài danh trong thập niên 1960 là một người đào hoa, hào phóng, sống hết lòng với bạn bè. Sự nghiệp thành công của anh có công rất lớn của người vợ chịu thương chịu khó để cho chồng toàn tâm toàn ý sống với nghệ thuật mà anh đã chọn. Bà đúng là một người vợ của nghệ sĩ”.
Không phải là một nghệ sĩ nhưng hơn 50 năm sống cuộc đời du ca cùng chồng, trải qua không biết bao nhiêu ngọt bùi cay đắng như một người nghệ sĩ thực thụ, cuộc hôn nhân định mệnh của bà Kha Thị Đàng và nhạc sĩ Châu Kỳ là một câu chuyện tình đẹp và hiếm hoi trong giới nghệ sĩ.
Đó đích thực là tình yêu bởi trong cuộc đời mình, bà chưa bao giờ nói lời ân hận và luôn hãnh diện bởi bà đã cùng chồng sống một cuộc đời say mê, hết mình cho nghệ thuật. Cuộc tình ấy, cuộc đời ấy dù không sung túc nhưng xứng đáng để bà có thể kiêu hãnh với cuộc sống này ..
Nguồn tư liệu:
+ https://vi.wikipedia.org/ (Châu Kỳ – Wikipedia)
+ http://vannghehue.vn/ (Nhạc sĩ Châu Kỳ và chuyện tình “Giọt Lệ Đài Trang”)
+ http://khamphahue.com.vn/ (Chuyện tình buồn của nhạc sĩ Châu Kỳ: ‘Đừng nói xa nhau cho tâm hồn đau khổ’)
+ https://baomoi.com/ (Châu Kỳ: Đừng nói xa nhau cho tâm hồn đau khổ ..)
+ http://thoibao.com/ (“Con đường xưa em đi ..”)
+ http://www.hoinhacsi.vn/ (Chuyện tình nhạc sĩ Châu Kỳ: Thương cả giọt lệ Đài Trang)
+ https://www.tienphong.vn/ (Cuộc đời kỳ lạ của nhạc sĩ ‘Con đường xưa’)
+ https://thanhnien.vn/ (Chuyện tình nghệ sĩ Mộc Lan – Bài 4: Châu Kỳ – Mộc Lan dìu nhau vào mộng)
+ https://thanhthuy.me/ (Lại câu chuyện bài hát “Túy Ca” của Châu Kỳ – thơ Trương Minh Dũng; hay của Tú Nhi – Chế Linh?)
+ http://www.dongnhacxua.com/ (Châu Kỳ & Giọt Lệ Đài Trang)
+ https://baomoi.com/ (Kỳ 4: Làm vợ Châu Kỳ tiếng thì nhiều mà không có “miếng”)
+ https://tuoitre.vn/ (Người vợ tâm sự về những bóng hồng phía sau nhạc sĩ Châu Kỳ)
+ https://www.tienphong.vn/ (Bật mí về xuất xứ ca khúc “Con đường xưa em đi”)
+ http://www.thivien.net/ (Trang thơ Tô Kiều Ngân)
+ http://www.phapluatplus.vn/ (Chính thức “trả lại” bài hát Thương về miền Trung cho cố nhạc sĩ Châu Kỳ)
+ https://baomoi.com/ (Tiểu thư nhà giàu tự vẫn vì cha mẹ ép rời xa nhạc sĩ ‘Con đường xưa em đi’)
+ http://plo.vn/van-hoa/ (Tìm đâu thuở Sài Gòn bán tờ nhạc Châu Kỳ bằng xe tải)
+ https://giaitri.vnexpress.net/ (Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ: ‘Tôi và chồng tự sửa lời bài Con đường xưa em đi’)
+ http://dantri.com.vn/ (Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ bất ngờ lên tiếng về việc “Con đường xưa em đi” bị cấm)
+ http://motthegioi.vn/ (Vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ: ‘Cuộc đời ông ấy có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải biết thông cảm cho chồng’)
+ http://kienthuc.net.vn/ (Vợ NS Châu Kỳ nói gì khi “Con đường xưa em đi” bị cấm?)
Đọc mà thấy vô cùng cảm động với sự lựa chọn và những nỗ lực, tình cảm mà bà dành cho ông.