Chú voi con ở Bản Đôn – Phạm Tuyên

Cập nhật lần cuối: 05/06/2022 23:18

Bài hát Chú Voi Con Ở Bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên với giai điệu trong trẻo, ca từ mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc đã thấm sâu trong tâm thức và làm mê đắm nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam: Chú voi con ở Bản Đôn – Chưa có ngà nên còn trẻ con – Từ rừng già chú đến với người – Rất ham ăn với lại ham chơi ..

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

Bài hát nổi tiếng là thế, nhưng ít ai biết rằng, chú voi ấy có một số phận đặc biệt và rất đáng thương. Chú qua đời khi bài hát của người nhạc sĩ tài hoa Phạm Tuyên mới cất lên được khoảng 6 tháng. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Đắk Lắk cũng đã góp phần làm cho bài hát được thăng hoa trong lòng người dân, nhất là thiếu nhi Tây Nguyên khi quyết định lấy bài hát làm nhạc hiệu của Đài suốt một thời gian dài.

Trong chuyến công tác Tây Nguyên mới đây, chúng tôi được đồng nghiệp Báo Đắk Lắk dẫn lên thăm Trung tâm du lịch Buôn Đôn (Buôn Đôn hay Bản Đôn đều là một, theo cách gọi của người Lào hoặc người Ê đê, thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Đây là địa chỉ du lịch nổi tiếng về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà; huấn luyện voi rừng hung hãn thành voi nhà hiền lành chở khách du lịch trên dòng sông Sêrepok chảy ngược từ Đông sang Tây, sang nước bạn Campuchia.

Quãng đường rừng khoảng 50 cây số từ thành phố Buôn Mê Thuột đến Buôn Đôn, chúng tôi khá hào hứng khi được nghe nữ phóng viên Quỳnh Anh kể những câu chuyện thật mà như giai thoại về vua săn voi Ama Kong của đại ngàn Tây Nguyên. […] Hết chuyện vua săn voi Ama Kong là một cảm giác chạnh lòng khi nghe chuyện thật về số phận của chú voi nguyên mẫu trong bài hát Chú Voi Con Ở Bản Đôn của nhạc sĩ tài hoa Phạm Tuyên.

Năm 1983, ba nhạc sĩ nổi tiếng là Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn và Hoàng Vân có đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác nhạc cho thiếu nhi tại Tây Nguyên. Các ông được cán bộ tỉnh giới thiệu đến Buôn Đôn xem voi, nhưng hôm ấy, đoàn voi lớn đi rừng làm việc hết, quanh bản chỉ toàn voi con. Nhạc sĩ Phạm Tuyên ấn tượng với chú voi nhỏ nhất, nhưng cũng dễ thương nhất mới chừng 6 tháng tuổi đang bị nhốt ở góc nhà. Đó là chú voi con lạc mẹ, được bà con buôn làng tìm thấy ở bìa rừng gần một ngôi mộ cổ rồi mang về nuôi, chứ không phải voi nhà sinh ra.

Trước đông đảo bà con Buôn Đôn, nhạc sĩ dí dỏm: “Không có voi to thì sáng tác về voi con vậy”. Ai cũng ngỡ ông đùa, không ngờ chỉ trong một buổi chiều, nhạc sĩ đã có sản phẩm là Chú Voi Con Ở Bản Đôn. Bài hát mang giai điệu âm nhạc Ê-đê thân thuộc với ca từ ngộ nghĩnh, đáng yêu đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim của thiếu nhi Tây Nguyên và trở thành biểu tượng của tỉnh Đắc Lắk. Khoảng 2 năm sau khi Chú Voi Con Ở Bản Đôn đã nổi tiếng khắp cả nước, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại được ông Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk mời lên thăm Buôn Đôn, nghe thiếu nhi Tây Nguyên hào hứng hát Chú Voi Con Ở Bản Đôn. Tiếc rằng, lần trở lại Buôn Đôn của nhạc sỹ thì chú voi con dễ thương hai năm trước chỉ còn là .. tiêu bản, hiện được trưng bày ở ngôi nhà dài đặc trưng của người Ê đê trong khu Trung tâm du lịch Buôn Đôn.

Chị Thu Giang, hướng dẫn viên Trung tâm du lịch Buôn Đôn cho hay, từ xưa người Ê-đê vốn thành thục việc thuần hóa voi rừng thành voi nhà, nhưng phải là voi từ 2 đến 4 tuổi, có thể xa mẹ được. Riêng chú voi con nguyên mẫu trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên mặc dù được Trung tâm du lịch Buôn Đôn nhận chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng đây là công việc cực kỳ khó khăn vì chú lạc mẹ khi mới 6, 7 tháng tuổi sức đề kháng kém, không chịu ăn uống, lại không quen với cuộc sống mới trong buôn làng nên chỉ khoảng nửa năm sau sức khỏe suy kiệt và chết. Chính vì hoàn cảnh đặc biệt, phần vì đây là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng ra đời của bài hát Chú Voi Con Ở Bản Đôn nên Trung tâm quyết định mang ướp xác voi con và lưu giữ tiêu bản tại Nhà trưng bày và thuyết trình Trung tâm du lịch Buôn Đôn phục vụ khách tham quan.

Không chỉ du khách chạnh lòng khi lên Đắk Lắk, đến Buôn Đôn, được nghe chuyện thật về Chú Voi Con Ở Bản Đôn, mà ngay cả nhạc sĩ Phạm Tuyên, cha đẻ của bài hát trên lần trở lại Tây Nguyên năm 1985 cũng không khỏi ngậm ngùi khi biết chú voi nguyên mẫu, nguồn cảm hứng cho sáng tác của ông đã qua đời.

Điều may mắn còn lại có thể bù đắp cho nỗi ngậm ngùi của người nhạc sĩ tài hoa có lẽ là lời bài hát Chú Voi Con Ở Bản Đôn với giai điệu trong trẻo, ca từ mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc thì vẫn sống mãi trong tâm thức và làm mê đắm nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam ..


– Bài viết: Lên Đắk Lắk, chạnh lòng nghe chuyện Chú voi con ở Bản Đôn
– Tác giả: Thanh Tú
– Nguồn tin: Báo Bắc Ninh
– Xuất bản: 2018.12.14 08:29
– Đường dẫn: http://www.baobacninh.com.vn/
– Thời gian khai thác: 2022.05.26 21:05 VST
– Lưu trữ: PDF


Đọc thêm:
Chiếc đèn ông sao – Phạm Tuyên


Lời bài hát

Chú voi con ở Bản Đôn
chưa có ngà nên còn trẻ con
từ rừng già chú đến với người
rất ham ăn với lại ham chơi

Voi con ơi, voi con ơi
mau lớn lên có đôi ngà to
có sức đi khắp nẻo gần xa
kéo gỗ cho buôn làng của ta

Chú voi con thật là khôn
quen thiếu nhi khắp vùng Bản Đôn
đầu gật gù, đưa vẫy chiếc vòi
khéo đung đưa theo nhịp chiêng vui

Voi con ơi, voi con ơi
mau lớn lên có thân mình to
khắp chốn Tây Nguyên còn nhiều voi
góp sức xây buôn làng đẹp tươi

Voi ơi! Voi ơi!

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận