Nhất Sinh: Tơ hồng, Chim sáo ngày xưa

Cập nhật lần cuối: 30/11/2021 18:39

Nhất Sinh được biết đến đầu tiên với vai trò ca sĩ. Sau thời gian thể hiện những nhạc phẩm trữ tình quê hương của các nhạc sĩ khác, anh tự hỏi: Sao mình không thử một lần viết nhạc và hát bài hát của mình? Thế là Tơ Hồng ra đời (1988). Phát huy sáng tác đầu tiên mang âm hưởng dân ca mà theo anh, được thẩm thấu từ chính lời ru, câu hò của mẹ.

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

Sau “Tơ Hồng”, Nhất Sinh tiếp tục viết ca khúc thứ hai, cũng chính là bài hát cho mối tình đầu tiên: Chim Sáo Ngày Xưa.

“Thời xưa yêu đương nhút nhát lắm. Khi thích một ai, ban đầu là âm thầm tìm hiểu, rồi theo đuổi, tìm cơ hội hay kiếm một cái cớ nào đó sao cho có duyên một chút, để làm quen”, Nhất Sinh kể lại. Vậy nên mới sinh ra chuyện: “Chiều nay theo em anh bước, bước bên em trên con đường làng”, mà cũng chỉ dừng lại, ước mong: “Nhìn em anh như muốn nói, này cô bé kia chờ anh theo cùng”, chứ chẳng dám ngỏ lời. Cứ vậy, anh theo gót cô gái ở cùng xóm (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ấy một thời gian dài. Đôi lúc lòng như mở hội khi: “Người ta ngoảnh lại nhìn nhau .. thẹn thùng”, nhưng anh vẫn chưa nghĩ ra “kế” gì để bày tỏ. “Cho đến lúc mạnh dạn, lấy hết sức bình sinh để thổ lộ thì người ta đã có bến đỗ”, anh nói.

Dẫu ở cùng xóm nhưng Nhất Sinh cho biết phải mấy chục năm sau mới gặp lại người xưa, trong lần về thăm quê (vì năm 1982, anh đã vào TP.HCM sinh sống). “Gặp lại nhau và biết ai cũng hạnh phúc với cuộc sống riêng của mình, vậy là vui rồi, không dám nói gì thêm”, Nhất Sinh chia sẻ.


Đọc thêm: Sông quê – Đinh Trầm Ca


– Bài viết: Những bóng hồng trong thơ nhạc: Mối tình đầu gửi ‘Chim sáo ngày xưa’
– Tác giả: Nguyên Vân
– Nguồn tin: Báo Thanh Niên
– Xuất bản: 2015.09.24 06:03
– Đường dẫn: https://thanhnien.vn/
– Thời gian khai thác: 2021.07.15 22:34 VST


Tơ hồng

Anh đến quê em nơi đây có dòng sông Cầu
dự ngày Hội Lim anh đã hứa khi xưa
vượt bao đèo cao bao suối sâu
nắng mưa gió sương anh không ngại
chỉ mong gặp em người em gái
hát câu dân ca: “Người ơi, ở đừng về”

Câu dân ca ngày xưa em hát
để nhớ thương anh phải đi tìm
và hôm nay vào ngày Hội Lim
gặp lại em em vẫn như xưa

Vào Hội Lim em mặc áo the
chân đi guốc mộc
đội nón quai thao em bước qua cầu
hát câu quan họ chung tình làm đôi
hát câu quan họ chung tình làm đôi

Về với quê anh quê anh có dòng sông Hậu
và dòng dừa xanh soi bóng nước quanh năm
từng đêm từng đêm dưới ánh trăng
gái trai sánh vai vui thanh bình
vẳng trên dòng kinh giọng ai hát
con sáo sang sông rồi sáo xổ lồng

Em yêu ơi về quê anh nhé
mùa gió lên có nước vơi đầy
một con sông ngày đục đêm trong
một lều tranh ta sống trăm năm

Về cùng nhau chia buồn xớt vui
chung tay xây mộng
mộng ước bấy lâu nay thỏa mong chờ
cám ơn tơ hồng cho mình gặp nhau
cám ơn tơ hồng se mình thành đôi ..


Chim sáo ngày xưa

Ngày xưa em như chim sáo
sống vô tư hay mộng mơ nhiều
nhìn em đi qua cuối xóm
làn tóc mây bay má ửng hồng
chiều nay theo em anh bước
bước bên em trên con đường làng
nhìn em anh như muốn nói: “Này cô bé kia chờ anh đi cùng!”

Ô hay anh này kỳ ghê người ta đi về
chung đường thời kệ người ta
cớ sao em vội đi mau để khi ngoảnh lại
nhìn nhau em thẹn thùng
em ơi đường về còn xa để anh đưa về
đưa về anh chẳng tính công
dẫu mai em có lấy chồng anh xin làm người
làm người đưa sáo qua sông

Thời gian trôi đi nhanh quá
tiếng yêu tôi chưa kịp xếp vần
một ngày kia lũy tre cuối xóm
chẳng thấy em chiều nay đi về
hỏi ra mới hay chim sáo
đã sang sông sáo đi lấy chồng
còn đâu những chiều theo bước
giờ chỉ có anh lẻ loi đi về

Ai đem chim sáo sang sông
để cho chim sáo sổ lồng sổ lồng bay xa
sáo bay bỏ lại mình ta
bơ vơ một nẻo xa xăm đi về
sáo ơi bây chừ ngồi đây chờ ai ai chờ
thôi rồi hết đợi hết trông
trách cho số kiếp bọt bèo
duyên kia chẳng đặng thì đành nhìn sáo sang sông ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận