Tình ca – Hoàng Việt

Cập nhật lần cuối: 11/01/2019 12:56

Hoàng Việt sinh năm 1928 ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ngay từ những năm còn rất trẻ, trong kháng chiến chống Pháp, ông trực tiếp cầm súng chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ và đã có những bài hát rất hay được lan truyền khắp rộng rãi như “Lên ngàn”, “Nhạc rừng”, “Lá xanh”, “Đánh giặc giữ làng”, “Mùa lúa chín” ..

Tất cả những bài này đều dạt dào âm hưởng tươi trẻ, lạc quan và có ngôn ngữ âm nhạc mang đậm phong vị dân tộc. Kháng chiến chống Pháp thành công (1954), Hoàng Việt tập kết ra Bắc, để lại quê nhà người vợ trẻ và ba đứa con thơ. Chàng thanh niên mới 26 tuổi đã có 3 con nhỏ ấy ngày đêm thương nhớ vợ con da diết.

Khoảng cách “trập trùng xa xa” hàng ngàn cây số khiến ông không giây phút nào nguôi ngoai những hình ảnh, kỷ niệm về quê hương và những người thân yêu. Ra Bắc, ông được vào học Trường Âm nhạc Việt Nam và là một trong số ít những nhạc sỹ đầu tiên của Việt Nam được vào học trường nhạc chính quy tuy khi ấy mới chỉ là trung cấp.

Theo quy định của Hiệp nghị Geneve, hai miền Nam Bắc nước ta chỉ tạm thời chia cắt, đến năm 1956 sẽ tổng tuyển cử thống nhất. Nhưng đến thời hạn, kẻ địch tráo trở, phản bội nên việc này không thành và đất nước đã phải kéo dài tình trạng chia cắt cho mãi tới ngày giải phóng miền Nam (30 – 4 – 1975). Đây là những ngày tháng Hoàng Việt khắc khoải nhớ vợ con vì đã gần 3 năm đằng đẵng, bặt tin. Ông chỉ còn biết lao vào học tập và chờ đợi.

Thế rồi một ngày kia, ông sung sướng tột cùng khi nhận được thư của vợ. Nhưng đất nước lúc ấy đang chia cắt nên thư phải đi vòng: Từ miền Nam sang Pháp rồi lòng vòng qua nhiều nước khác, cuối cùng mới về được đến Hà Nội. Ông mừng tủi, nước mắt tuôn trào. Bao nhiêu cảm xúc dâng đầy.

Quê hương ông lúc đó đang rên xiết dưới ách kiềm tỏa của quân thù, nhưng cũng anh hùng vượt lên trong đấu tranh và tại nơi đó đang có người vợ hiền thảo cùng 3 đứa con thơ. Đương nhiên là Hoàng Việt thôi thúc việc biên thư hồi âm ngay cho vợ. Nhưng biết gửi thế nào? Biết bao giờ thư mới đến tay vợ?

Khi ấy, kẻ thù đang còn mạnh, chính quyền của chúng đang xiết chặt ách cai trị, kiểm soát ở khắp nơi. Thư về được tới tay vợ có khi phải vài tháng. Để cho nhanh, ông nghĩ tới việc viết lá thư trên bằng bài hát. Chắc chắn khi phát trên làn sóng, vợ con ông sẽ nghe được nhanh nhất.

Thế là tại nơi ông đang ở lúc đó – căn phòng nhỏ gác 2 ngôi nhà số 13 phố Cao Bá Quát, Hà Nội (là địa điểm của Trường Âm nhạc Việt Nam khi mới thành lập), vào một đêm mùa xuân năm 1957, bài hát đã ra đời. Ông đặt tên là “Tình Ca”. Ông viết một mạch đến sáng thì hoàn thành.

 

Người vợ yêu quý của ông kể lại rằng chính nhờ bài hát mà bà đã có thêm sức mạnh để nuôi con, làm việc và tin tưởng ở ngày mai sum họp. Lần nào nghe bài hát, bà cũng khóc và nỗi nhớ, tình yêu thương chồng đã khiến bà có thêm nghị lực để nuôi dạy 3 đứa con, hoạt động và chiến đấu.

 

Nguồn tư liệu:
http://vnca.cand.com.vn/ (Hoàng Việt và bản tình ca hay nhất mọi thời đại)

 

Lời bài hát

Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta
ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra
rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang
qua núi biếc chập chùng xa xa
qua bóng mây che mờ quê ta
tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha

Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa
đã biến tình đôi ta thành những ánh sao toả sáng
vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa
bến nước Cửu Long còn đó em ơi
bãi lúa nương dâu còn mãi muôn đời
là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xoá nhoà

Khi đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa
em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta
chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay
tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây
em hãy nở nụ cười tươi xinh
như cánh hoa xuân chào riêng anh
nói nhau nghìn lời qua đôi mắt xanh

Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa
xua kẻ thù đi mau dập tắt chiến tranh đẫm máu
đập tan ngay bao đau khổ và chia ly
giữ lấy đức tin bền vững em ơi
giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời
làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận