Đó là năm 1983, sau chuyến lưu diễn 4 tháng tại các nước Đông Âu, Thế Hiển cùng anh em nghệ sĩ Đoàn ca múa nhạc nhẹ Bông Sen đã trở về Hà Nội để báo cáo chuyến đi với Bộ Văn hóa và Thông tin. “Chúng tôi được gặp ông Võ Văn Kiệt, gọi thân mật là chú Sáu Dân, khi ấy là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Bữa ấy, chú Sáu đãi món lẩu mắm bởi biết rằng các nghệ sĩ miền Nam xa quê vài tháng rất thèm ăn món đặc trưng của quê hương. Sau khi nghe tôi hát bài ‘Khi bong bóng bay’, chú Sáu Dân nói: “Thế Hiển ca hay, viết cũng hay. Nhưng theo chú thì nên hạn chế viết về Tôi, phát huy viết về Chúng ta. Bởi tình hình đất nước ở biên giới phía Bắc hiện nay vẫn khá căng thẳng. Thế Hiển đi thực tế và viết 1 bài thiệt hay đi!”, nhạc sĩ Thế Hiển nhớ lại.
Chỉ sau đó 3 ngày, Bộ Quốc phòng đã bố trí chiếc xe Hải Âu 45 chỗ đưa các nghệ sĩ đi thực tế và biểu diễn phục vụ bộ đội tại Quảng Ninh.
Ban ngày, Thế Hiển, khi ấy là Đội trưởng Đội ca của Đoàn đi gặp gỡ, nói chuyện với anh em bộ đội. Tối tối tụ lại biểu diễn phục vụ mọi người. Nhìn thấy chén cơm của người lính phải độn với mì, thức ăn mặn chỉ có chút cá khô, tâm hồn người nghệ sĩ rất day dứt. Điều quan trọng nhất, vì ở ngay Bộ chỉ huy nên được nghe tình hình chiến sự rất nóng. Ranh giới giữa sự sống – cái chết lần đầu tiên được cảm nhận một cách vô cùng sâu sắc. Vậy là anh chàng ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đa tài của Đoàn ca nhạc nhẹ Bông Sen đã kẻ khuông nhạc để viết lên đoạn đầu tiên của bài hát chưa được đặt tựa: “Một ba lô, cây súng trên vai. Người chiến sĩ, quen với gian lao. Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ. Nặng tình quê hương, canh giữ nơi miền đất mẹ…”
Trong 10 ngày, Thế Hiển mới viết được đoạn đầu của bài hát thì cả Đoàn phải về lại Hà Nội và bay vào TP HCM. Thời điểm ấy chỉ còn 7 ngày nữa là Tết nguyên đán. Nhạc sĩ hồi tưởng: “Khi đó chưa có đường hoa Nguyễn Huệ hoành tráng như hiện nay nhưng đã có chợ hoa Xuân tại đây. Tôi đi ngắm không khí mùa Xuân, nhìn thấy nắng vàng, mai đẹp, các đôi lứa khoác tay nhau đi trong sự thanh bình, hạnh phúc mà cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ tới các chiến sĩ đang bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Những hình ảnh trái ngược giữa 2 miền đất nước khiến cho tôi vô cùng xúc động. Tôi đã hoàn thành được bài ca ‘Hát về anh’ chỉ trong vài ngày sau đó: “Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường. Cho yên vui mùa xuân, đôi lứa còn hẹn hò ước mơ. Đã có những hy sinh, khó nói hết bằng lời. Nên đọng lại trong tôi, những nghĩ suy…”
Sức lan tỏa
Đêm Giao thừa năm ấy, tại quán Cà phê ngoài trời Nhà văn hóa Thanh Niên TP. HCM, ca sĩ – nhạc sĩ Thế Hiển đã ôm cây đàn thùng hát bài hát này. Giữa giờ phút thiêng liêng của đất trời, của mùa xuân, giọng ca mộc mạc chứa chan tình cảm của anh đã khiến ‘Hát về anh’ ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng. Ban Văn nghệ Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM đã đề nghị Thế Hiển thu âm và ghi hình bài hát này. Ngay sau đó, 2 ca sĩ Thế Hiển và Đình Văn đã tập luyện cùng nhau để cùng ghi hình và thu âm. Từ khi đó, cứ đến thứ 6 hàng tuần, chương trình Theo thư yêu cầu của khán giả đều đề nghị phát lại bài ca này liên tục. ‘Hát về anh’ không chỉ được công chúng hồ hởi đón nhận, mà còn trở thành bài ca được các anh lính bộ đội vô cùng yêu thích.
Trong những năm 1990-1995, Thế Hiển đã tụ họp lại các anh em nghệ sĩ thành 1 nhóm đi lưu diễn khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tới năm 1995, Thế Hiển nghe lời khuyên của nhạc sĩ Xuân Hồng quay trở lại Nhạc viện TP HCM để học 5 năm ĐH khoa sáng tác và thanh nhạc. Ban ngày đi học, ban đêm lại đi hát, ca sĩ – nhạc sĩ Thế Hiển đã mang thêm nhiều tác phẩm có giá trị của mình tới công chúng: Nhánh lan rừng, Cho dù có đi nơi đâu, Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, Dấu chấm hỏi… Tất cả các sáng tác của anh, đều được chính tác giả thể hiện vô cùng hấp dẫn và có sức hút đối với khán giả.
Cách nay 5 năm, Thế Hiển mở hội quán Nhánh lan rừng, nơi tụ họp của anh em văn nghệ sĩ Sài Gòn. Và quan trọng hơn, anh vẫn đi thực tế để sáng tác, khi đã ở lứa tuổi không còn trẻ nữa. Khi viết bài ca mới đây với tựa ‘Biên cương biển đảo biên phòng’, Thế Hiển lại nhớ quay quắt về thời gian anh được nuôi dưỡng cảm hứng để sáng tác ca khúc Hát về anh. Trong tâm hồn đa cảm và luôn tràn đầy nhiệt huyết của người nghệ sĩ, Thế Hiển thực sự là nhạc sĩ của những người lính đã và đang bảo vệ chủ quyền của dân tộc, mang lại sự bình yên cho tất cả mọi người ..
Đinh Thu Hiền
Nguồn bài viết:
+ http://phunuvietnam.vn/ (Chuyện về ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Thế Hiển)
Lời bài hát
Một ba lô cây súng trên vai
người chiến sĩ quen với gian lao
ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ
nặng tình quê hương canh giữ miền đất mẹ
Rừng âm u mây núi mênh mông
ngày nắng cháy đêm giá lạnh đầy
rừng mờ sương khuya bóng tối quân thù trước mặt
nặng tình non sông anh dâng tròn tuổi đời thanh xuân
Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường
cho yên vui mùa xuân đôi lứa còn hẹn hò ước mơ
đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời
nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy
Cho em tôi bài ca về người chiến sĩ nơi tuyến đầu
nơi biên cường rừng sâu anh âm thầm chịu đựng gió sương
dẫu có những gian lao dẫu có những nhọc nhằn
mang trong trái tim anh trọn niềm tin
Xin hát mãi về anh người chiến sĩ biên cương
xin hát mãi về anh người chiến sĩ biên cương ..