Trong những ngày tháng 4 này, chúng tôi tìm gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Chí, con trai cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, để nghe kể những câu chuyện xung quanh bài hát bất hủ Giải Phóng Miền Nam của ba mình.
Ông Lưu Hữu Chí cho biết: “Bài hát Giải Phóng Miền Nam được hoàn chỉnh như chúng ta đã và đang hát hôm nay là một công trình tập thể, không phải chỉ của ba tác giả với những cảm xúc đúc kết từ các phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sáng tạo nên, mà đó là sản phẩm nhiều người, kết tinh từ nhiều nguồn, từ những báo cáo tổng kết của các đợt tiến công nổi dậy của đồng bào Nam Bộ dẫn đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/12/1960 và từ những đóng góp của nhiều đồng chí lãnh đạo”.
Sau nhiều buổi nghe báo cáo tổng hợp về tội ác của Mỹ Diệm ở miền Nam và tình hình đấu tranh bước đầu nhiều thắng lợi của Mặt trận Giải phóng và nhân dân miền Nam, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và hai bạn Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng bàn bạc với nhau, quyết làm sao biến những cảm xúc của mình, biến nỗi lòng của nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước, thành những câu ca điệu hát của thời đại chống Mỹ cứu nước.
Các tác giả nhận định rằng: Những bài hát trước kia sáng tác ngay giữa phong trào cách mạng, chống thực dân Pháp, phát xít Nhật rồi chống đế quốc Mỹ xâm lược, đã phản ánh lòng yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta trong những thập niên đầu của sự nghiệp cách mạng. Còn lần này, nhân dân Việt Nam nói chung, và nhân dân miền Nam nói riêng, đã có nhiều kinh nghiệm đấu tranh cách mạng.
Do đó các tác giả nghĩ rằng phải làm sao cho bài hát chống Mỹ cứu nước phản ánh chính xác hơn, sâu sắc hơn, hùng hồn hơn, hiện thực mới của thời đại mới nhằm làm cho đồng bào thấy rõ kẻ thù, thấy triển vọng lạc quan của cuộc chiến đấu, thấy cần phải đoàn kết đuổi Mỹ lật ngụy, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.
Phần lời ca của ca khúc, hai tác giả Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng đã phác ra những lời thơ, câu thơ hùng tráng với nội dung sâu sắc, chỉ đọc lên đã cảm thấy lòng mình náo nức và máu trong tim như sôi sục lên.
Về âm nhạc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước bàn bạc kỹ với các bạn, làm sao cho riêng phần nhạc thôi cũng phải có sức mạnh của nhân dân đang vùng dậy dưới sự lãnh đạo của Mặt trận, giai điệu tiết tấu phải thể hiện được tiếng gọi thiết tha của Tổ quốc, phản ảnh được lòng căm phẫn của đồng bào bị áp bức, và miêu tả được những làn sóng người cuồn cuộn tiến lên như những đợt sóng ngầm, đợt này nối đợt kia, ngày càng mạnh hơn để đi tới chiến thắng cuối cùng.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhận định bản nhạc phải làm sao không quá giản đơn, nhưng cũng không thể quá khó khăn về nét nhạc quá cầu kỳ về kỹ thuật, để dễ phổ biến, nhanh chóng đến đông đảo quần chúng. Bản nhạc cũng phải mang màu sắc dân tộc, nhưng lần này không phải chỉ vận dụng sáu cung “hò, xư, xàng, xê, cống, oán”, của đàn kìm trong bài Lên Đàng và trong bài Tiếng Gọi Thanh Niên thuở trước, mà phải là một màu sắc dân tộc nhuần nhuyễn hơn, đậm đà hơn, tương xứng hơn với mức trưởng thành của một dân tộc Việt Nam đã có trình độ chính trị, đã có một quá trình suy tư về nguồn gốc của mình, về phương hướng phát triển của mình trên tiền đồ lịch sử.
Soạn bài Giải Phóng Miền Nam không phải bằng cách cân nhắc từng nốt, từng nhịp, từng đoạn, từng vế .. mà tác giả căn cứ vào nội dung đã phác ra, óc suy nghĩ, tim rung động một cách tổng hợp và thể hiện bản nhạc trong một số câu gọn, ngắn. Khi duyệt tập thể, những người cùng sáng tác và những người hướng dẫn, đã bàn bạc sâu, góp ý kiến tỉ mỉ, chẳng những về nội dung chung mà còn về câu cú, từ ngữ trong lời văn và từng hình tượng nét nhạc trong giai điệu.
Chỗ nào trầm quá dễ đem lại một ấn tượng buồn quá dài, phải sửa lại cho đúng tâm lý của quần chúng. Có chỗ cao quá cố diễn đạt lòng hăng hái, nhưng chỉ bồng bột chung chung, phải sửa thành cái nhiệt tình sôi nổi mà có ý thức của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu nước kiểu mới, thấm nhuần tính giai cấp, tính dân tộc trong thời đại chống Mỹ cứu nước.
Khi nghe ba tác giả hát bài Giải Phóng Miền Nam lần đầu để duyệt, ông Phạm Hùng, khi đó là cán bộ cấp cao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đã đứng lên nói to: “Được rồi, hay lắm! Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng! Vận nước đã đến rồi .. Hay hết sức! Hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí”.
Tác phẩm Giải Phóng Miền Nam sau khi sửa chữa kỹ lưỡng lần cuối được gửi đi khắp miền Nam để xin ý kiến của các Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải Phóng ở địa phương và của đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu. Địa phương các nơi lần lượt báo tin là bài hát được chấp nhận.
Sinh thời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết “Chúng tôi sung sướng vì thấy sự rung động của tâm hồn chúng tôi đã hòa nhập với sự rung động của nhân dân quê hương miền Nam và của nhân dân cả nước. Chúng tôi được biết những nghệ sĩ nước ngoài khi đến thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã hát bài Giải Phóng Miền Nam bằng tiếng Việt Nam hoặc dịch ra tiếng nước ngoài .. Có người đã nói với đại biểu Việt Nam rằng Giải Phóng Miền Nam đã thành một bài ‘Quốc tế ca’ thứ 2, một bài hát quốc ca chống Mỹ của nhân dân thế giới”.
Tác phẩm Giải Phóng Miền Nam là bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1961-1976) và là Quốc ca của Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976) ..
– Bài viết: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước với bài ca ‘Giải phóng miền Nam’
– Tác giả: Hoàng Tuyết
– Nguồn tin: Tin tức Thông tấn xã Việt Nam
– Xuất bản: 2017.04.30 14:30
– Đường dẫn: https://baotintuc.vn/
– Thời gian khai thác: 2022.04.14 20:13 VST
– Lưu trữ: PDF
Theo lời kể của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì vì lý do bí mật, nhóm 3 người lấy bút danh là Huỳnh Minh Liêng (na ná tên họ của ba ông). Nhưng khi đưa lên Báo Nhân Dân thì không biết ai đã đọc nhầm chữ L viết hoa ra thành chữ S (trong chữ Liêng), thành thử bài hát được phổ biến dưới cái tên tác giả là Huỳnh Minh Siêng. Nhận thấy chữ Siêng cũng có cái hay (theo nghĩa siêng năng) nên Lưu Hữu Phước cũng không có ý đổi lại nữa.
– Bài viết: Chuyện lạ và những kỷ lục của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
– Tác giả: Đỗ Thành Nam (VNCA)
– Nguồn tin: Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh
– Xuất bản: 2010.10.14 16:42
– Đường dẫn: https://plo.vn/
– Thời gian khai thác: 2022.04.14 20:49 VST
– Lưu trữ: PDF
Đọc thêm:
Tiến về Sài Gòn – Lưu Hữu Phước
Lời bài hát
Giải phóng miền Nam
chúng ta cùng quyết tiến bước
diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước
ôi xương tan máu rơi
lòng hận thù ngất trời
sông núi bao nhiêu năm cắt rời
Đây Cửu Long hùng tráng
đây Trường Sơn vinh quang
thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù
vai sát vai chung một bóng cờ
Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng
vùng lên xông pha vượt qua bão bùng
thề cứu lấy nước nhà
thề hy sinh đến cùng
cầm gươm ôm súng xông tới
Vận nước đã đến rồi
bình minh chiếu khắp nơi
nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời ..