Vào khoảng năm 1980, tôi đi thực tế để viết về các đội du kích và đại đội nữ dân quân pháo cao xạ 37 ly huyện Tiền Hải, Thái Bình. Chuyến đi này tôi còn về huyện Hưng Hà thăm những bà mẹ liệt sĩ tiêu biểu. Hưng Hà là quê hương của nhà bác học Lê Quý Đôn, có đền thờ Bát Nàn tướng quân, một nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Nhưng Bát Nàn tướng quân thì ra trận, còn thời nay có một bà mẹ không đi đánh giặc nhưng lại sinh được ba người con trai, hai người con đầu vào miền Nam chiến đấu rồi hy sinh.
Biết tin, người con thứ ba đang học trung học phổ thông nằng nặc đòi tiếp tục lên đường để trả thù cho hai anh. Được mẹ đồng ý, anh nhập ngũ rồi lại vào Nam và lại hy sinh. Hai người con đầu hy sinh, mẹ khóc nhưng chỉ khóc vụng, khóc thầm, không dám khóc to. Ngày ấy khóc to, sợ ảnh hưởng đến các bà mẹ khác và tinh thần lên đường giết giặc lập công của thanh niên. Đến người con thứ ba hy sinh thì mẹ không hề khóc, đôi mắt cứ ráo hoảnh, lõm sâu như nước mắt đã cạn khô, đã lặn vào trong như mẹ chưa từng khóc bao giờ.
Mẹ sống trong im lặng, đêm đêm nghe tiếng gió xào xạc ở bờ tre ngoài cổng, khóm chuối sau nhà hay tấm mành trước hiên, tưởng các con về, mẹ liền dậy ra mở cửa. Một đêm trở dậy vài lần, không gặp ai, mẹ trở lại giường thao thức rồi lẩm bẩm một mình như chuyện trò, hờn dỗi với các anh. Câu chuyện để lại một ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi quyết tâm làm một bài thơ về mẹ. Trong thơ, cái quan trọng nhất là “tứ”, như trong nhạc phải có “giai điệu”. Tôi đã chọn giọt đàn bầu. Tiếng đàn bầu không dồn dập mà khoan nhặt như giọt mưa thu thánh thót ngoài hiên, mới xoa dịu được nỗi đau của mẹ. Nhưng nếu viết thành thơ: ba lần tiễn con đi, ba lần khóc thầm lặng lẽ, thì nỗi đau lớn quá, hẳn không ai chịu nổi. Nên tôi viết chỉ có hai anh hy sinh thôi, còn một anh sẽ trở về với mẹ, trở về trong tâm linh, bằng tiếng gió xào xạc của đêm thâu.
Lúc đầu bài thơ dài đến 40 câu, lấy tên là “Đất nước”, đọc cho một số bạn thơ nghe, ai cũng thích và bảo tôi viết về người mẹ Việt Nam thì nên gửi cho Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc), nơi đất Tổ của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Thế là tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú đăng đầu tiên. Sau đó bài thơ được báo Sài Gòn giải phóng đăng vào cuối năm 1984 và bất ngờ nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã phổ nhạc và hình như ca sĩ Cẩm Vân hát lần đầu tiên trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Bài hát nhanh chóng đi vào lòng người.
Nhà thơ Tạ Hữu Yên
Nguồn tư liệu:
+ https://bcdcnt.net/ (Đất Nước – Phạm Minh Tuấn – Tạ Hữu Yên)
Lời bài hát
nghe dịu nỗi đau của mẹ
ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
các anh không về mình mẹ lặng im
.
từ thuở còn nằm nôi
sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa
lao xao trưa hè một giọng ca dao
lao xao trưa hè một giọng ca dao
.
xin hát về mẹ Tổ Quốc ơi, suốt đời lam lũ
thương lũy tre làng bãi dâu bến nước
yêu trọn tình đời muối mặn gừng cay
Xin hát về người đất nước ơi
xin hát về mẹ Tổ quốc ơi, mấy mùa không ngủ
ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc
vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con
.
xin hát về mẹ Tổ Quốc ơi, tảo tần chung thủy
như những câu hò lắng trong tiếng sáo
đêm lại dặt dìu tiếng mẹ ru con
.
Xin hát về người đất nước ơi
xin hát về mẹ Tổ Quốc ơi. vẫn còn gian khổ
hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói
ta vẫn vẹn tình đắng ngọt cùng vui
.
sáng ngời muôn thuở khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ ..