Bài ca không quên – Phạm Minh Tuấn

Cập nhật lần cuối: 07/11/2021 00:32

PV: Bài Ca Không Quên là một nhạc phẩm rất thành công, ông có thể chia sẻ đôi điều về hoàn cảnh ra đời của ca khúc?

Năm 1981, khi cố Đạo diễn Nguyễn Văn Thông làm bộ phim Bài Ca Không Quên có mời tôi viết ca khúc cho nhạc phim. Sau khi đọc kịch bản, tôi đã nhận lời và ngay sau đó nhanh chóng hoàn thành ca khúc này.

Sau khi bộ phim được trình chiếu, ca khúc trong nhạc phim đã khiến cho nhiều người xem xúc động và bật khóc, trong đó có chính vợ chồng tôi. Từ đó đến nay, ca khúc đã tách ra sống một cuộc đời riêng với tác phẩm điện ảnh và trở thành một bài ca đi cùng năm tháng.


PV: Với Bài Ca Không Quên ấy có khiến ông nhớ tới dấu ấn sâu sắc nào không thể nào quên trong cuộc đời mình?

Trong suốt 15 năm tham gia cách mạng, tôi đã cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Vì vậy có quá nhiều kỉ niệm vui buồn xảy tới với tôi trong đó có lẽ sâu sắc nhất vẫn là những mất mát, hi sinh.

Năm 1964, tôi có một đứa con đầu lòng lúc ấy mới được 4 tháng tuổi, trong một lần hành quân, cả đoàn lọt vào ổ phục kích của giặc, lúc ấy vì sự an toàn của mấy chục anh em chiến sĩ nên khi con tôi khóc, vợ tôi đã phải ôm cháu vào lòng thật chặt cho giặc không phát hiện ra tiếng khóc. Khi trận càn qua đi, cả đoàn đã an toàn thì con tôi đã ngừng thở, nỗi đau mất con khiến một thời gian sau đó rất lâu vợ chồng tôi mới nguôi ngoai.

Không chỉ mất con, tôi còn mất đi rất nhiều người bạn, người đồng đội trong đó có người đồng đội cũng là người thầy âm nhạc – nhạc sĩ Hoàng Việt.

Đó là năm 1966, anh Hoàng Việt cùng rất nhiều văn nghệ sĩ khác từ Bắc điều động vào Nam để chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Khi ấy tôi là người dẫn đường cho anh Hoàng Việt tới chiến trường Đồng bằng Sông Cửu Long để viết bản giao hưởng số hai: “Cửu Long giang”.

Hơn một tháng trời hai anh em chúng tôi thân thiết như ruột thịt, tôi không sao quên được trên những chặng đường hành quân, chính tay tôi chuẩn bị đồ, giúp anh đeo quân trang, quân dụng còn anh lại dạy tôi những bài học về âm nhạc.

Sau khi đưa anh tới cứ an toàn, hai anh em chia tay nhau hẹn ngày thắng lợi sẽ gặp lại, nhưng ít lâu sau đó, tôi nghe được hung tin: trong trận càn ác liệt ngày 31/12/1967 tại Mỹ Thuận, Cái Bè, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), anh đã hi sinh khi quả bom của giặc đã làm nổ tung hầm của anh. Ca khúc cuối cùng người ta tìm thấy anh sáng tác trước khi hi sinh tên là “Đêm Trăng Qua Đất Kiến Tường“.


PV: Trong suốt những năm tháng chiến tranh ấy, điều đáng quý nhất với những người lính như nhạc sĩ là gì, thưa ông?

Trong 15 năm làm người lính, tôi và đồng đội mình đã trải qua biết bao nhiêu ngày đêm hành quân vất vả qua những ngọn núi, cánh đồng, những trận càn quét, những trận đánh ác liệt với quân giặc .. Trong những ngày tháng gian khổ ấy, dù cái chết cận kề nhưng những người lính chúng tôi đều sống với nhau bằng một tình cảm chân chất, sáng trong hết mực, không có sự tư lợi nào cho bản thân, ai nấy đều tin tưởng vào tương lai cách mạng và lí tưởng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc. Chiến tranh đã qua đi gây cho con người ta nhiều mất mát hi sinh và chẳng ai muốn nó quay trở lại nhưng có điều, trong chiến tranh con người như được tôi rèn và tìm thấy giá trị đích thực của bản thân mình ..


Đọc thêm: Đất nước – thơ: Tạ Hữu Yên, nhạc: Phạm Minh Tuấn


– Bài viết: “Bài ca không quên”
– Tác giả: Sao Chi
– Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ
– Xuất bản: 2011.07.26 14:19
– Đường dẫn: https://baochinhphu.vn/
– Thời gian khai thác: 2021.10.22 19:53 VST


Lời bài hát

Có một bài ca không bao giờ quên
là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên
có một bài ca không bao giờ quên
là lời mẹ ru con đêm đêm

Bài ca tôi không quên tôi không quên
tháng ngày vất vả
bài ca tôi không quên tôi không quên
gót mòn hành quân hối hả
làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya

Có một bài ca không bao giờ quên
là mẹ dõi bước con bạc tóc thời gian
có một bài ca không bao giờ quên
là rừng lạnh sương đêm trăng suông

Bài ca tôi không quên tôi không quên
những người đã ngã
bài ca tôi không quên tôi không quên
gửi trọn đời cho tất cả
là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương

Nhưng giờ đây có giây phút bình yên
sao tôi quên có giây phút bình yên
sao tôi quên sao tôi quên

Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát
với quê hương với bạn bè với cả cuộc đời
tôi không thể nào quên
tôi không thể nào quên
..


Có một bài ca không bao giờ quên
là thành phố nhớ nhung một dáng hình ai
có một bài ca không bao giờ quên
là cả mùa xuân tim không phai

Bài ca tôi không quên tôi không quên
những mùa nước đổ
bài ca tôi không quên tôi không quên
em chống xuồng vượt qua pháo nổ
chỉ một lần quen mà mang nỗi nhớ mênh mông

Có một bài ca không bao giờ quên
là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên
có một bài ca không bao giờ quên
là lời mẹ ru con đêm đêm

Bài ca tôi không quên tôi không quên
đất rừng xứ lạ
bài ca tôi không quên tôi không quên
bước dồn đường khuya đói lả
gạo hẩm cầm hơi một điếu thuốc cũng chia đôi

Nhưng giờ đây có giây phút bình yên
sao tôi quên có giây phút bình yên
sao tôi quên sao tôi quên

Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát
với em yêu với đồng đội với cả lòng mình
tôi không thể nào quên
tôi không thể nào quên ..

Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát
với quê hương với bạn bè với cả cuộc đời
tôi không thể nào quên
tôi không thể nào quên
 ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận