“Một lần vào năm 1990, khi ở Hà Nội, một tối sau đêm diễn, tôi đi về khách sạn 30/4 nơi mình ở gần ga Hàng Cỏ, thì thấy một đứa bé nằm ngủ ngoài trời. Khi đó gió mùa đông bắc đã về. Mưa phùn bay lất phất. Tôi thấy nó nằm như thế thì gọi dậy, dắt nó đi ngược lên một hàng phở.
Tôi kêu cho tôi một bát, nó một bát. Khi tôi hỏi thăm, đứa bé trả lời: ‘Cháu lớn lên tại cô nhi viện. Cháu không biết cha cháu là ai, mẹ cháu là ai’. Đứa bé này vì lý do gì đó trốn cô nhi viện ra ngoài đi xin ăn. Tôi khuyên, cháu đi bán báo, đi đánh giày cũng được nhưng đừng bao giờ ăn trộm, ăn cắp của ai, cháu nên trở về trại. Ăn xong, tôi cho nó ít tiền, rồi nó đi mất. Một giờ sau, tôi về khách sạn, lại bắt gặp đứa bé lúc nãy nằm co ro chỗ cũ. Trong khoảng tranh tối tranh sáng, dáng nó giống một dấu hỏi cong cong mà cái đầu, chỏm tóc của nó là dấu chấm.
Một luồng điện cảm xúc chạy qua người tôi. Ngay lập tức tôi đặt tựa bài hát tôi sắp viết là ‘Dấu Chấm Hỏi’. Về phòng tôi ngồi viết một mạch từ 1h đến 6h sáng. Viết xong tôi ôm đàn ngồi hát đi hát lại. Vừa hát vừa khóc. Khóc vì thương đứa bé bất hạnh, và khóc vì mình đã sáng tác được một ca khúc dâng tặng cho cuộc đời ..” – nhạc sĩ Thế Hiển.
Nguồn tư liệu:
+ https://giaitri.vnexpress.net/ (Nhạc sĩ Thế Hiển và ’12 khúc tâm ca đường phố’)
Lời bài hát
Cha ơi cha là ai, mẹ ơi mẹ là ai
đêm khuya bên hè vắng
đứa bé mồ côi đang nằm co ro
như dấu chấm hỏi đặt giữa cuộc đời
Cha ơi cha ở đâu, mẹ ơi mẹ ở đâu
mưa rơi ôi lạnh quá
gió buốt từng cơn con nằm bơ vơ
nằm mơ môt mái nhà có mẹ và có cha
Tại sao sinh em trong cuộc đời
mà sao không cho em tình người
tại sao em lang thang lạc loài
em nào có tội gì đâu
Tuổi thơ em không một mái nhà
tuổi thơ em không được đến trường
tuổi thơ em bơ vơ đầu đường
xin từng hạt cơm rơi
xin từng hạt cơm rơi
Cha ơi cha ở đâu, mẹ ơi mẹ ở đâu
đêm đêm bên hè vắng
đứa bé mồ côi vẫn nằm đơn côi
như dấu chấm hỏi như dấu chấm hỏi
hỏi giữa cuộc đời
Cha ơi cha là ai, mẹ ơi mẹ là ai
cha ơi cha ở đâu, mẹ ơi mẹ ở đâu? ..