Sau đây là bài viết Chuyện cần biết thêm về ca khúc ‘Bụi phấn’, đăng trên báo Thể thao Văn Hóa ngày 16-12-2014, qua đó sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu thêm về sáng tác này ..
Năm 1982, Thành đoàn – Nhà văn hóa Thanh niên phối hợp với CLB Sáng tác trẻ mở một lớp hướng dẫn cho các nhạc sĩ trẻ sáng tác thực tế. Lớp này kéo dài khoảng 2, 3 tháng và người đứng ra hướng dẫn chính là nhạc sĩ Trương Quang Lục, còn tôi là lớp trưởng.
Lúc ấy, trong những giờ dạy, nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn thường đưa ra những ví dụ về thủ pháp phát triển viết lên bảng và sau đó khi mọi người chép xong thì ông sẽ ngồi xuống diễn tấu minh họa ngay trên đàn piano. Trong một lần, khi ông ngồi xuống ghế để đàn piano thì tôi thấy trên đầu ông dính đầy bụi phấn. Tôi thấy hình ảnh đó quá đẹp, thế là tôi sáng tác liền. Viết xong, tôi giơ tay lên, thầy mới hỏi: “Thắc mắc gì à?“, tôi bảo: “Dạ thưa không, tại hồi nãy thầy viết bảng bụi phấn dính trên đầu em thấy đẹp quá. Em đã sáng tác được một bài hát và em xin hát tặng thầy”. Nhạc sĩ Trương Quang Lục mới hỏi lại: “Giọng gì?”, “Dạ giọng Đô”. Ông hỏi tiếp: “Nhịp gì?”, “Dạ nhịp 3/4“. Sau cùng ông nói: “Tôi đệm em hát”. Thế là thầy trò tôi người đàn kẻ hát. Hát xong cả lớp vỗ tay rần rần. Sau đó nhạc sĩ Trương Quang Lục mới nói: “Đây là một bài nhạc chưa hoàn chỉnh, nếu được hoàn chỉnh sẽ là một bài nhạc rất tốt vì cảm xúc chân thật quá”.
Chuyện đến đó thì xong. Sau khi tan học, tôi về đến hồ Con Rùa thì thấy Vũ Hoàng đang ngồi với Cao Vũ Huy Miên, tôi tấp vô. Tôi với Vũ Hoàng lúc ấy thân nhau lắm. Sau khi kể lại câu chuyện, tôi nói “mà ông (tức nhạc sĩ Vũ Hoàng) đang dạy ở Cao đẳng Sư phạm thì ông hoàn chỉnh là quá tốt rồi. Ông hoàn chỉnh đi“. Vũ Hoàng coi sơ qua và bỏ ngay tờ nhạc của tôi vào giỏ. Sáng hôm sau, Vũ Hoàng gặp tôi và khoe là đã viết rồi, có phàn nàn rằng chữ “bục giảng” cao độ nó hơi lên trên, nên Vũ Hoàng kéo xuống dưới, và kéo được rồi. Trong quá trình viết, rõ ràng là Vũ Hoàng có tham gia điều chỉnh, bổ sung và sau đó phát triển thêm câu cuối: “Mai sau lớn nên người/Làm sao, có thể nào quên/Ngày xưa thầy dạy dỗ/khi em tuổi còn thơ“, là phần 2 của đoạn B. Còn những đoạn trước đó đều là của tôi, Vũ Hoàng chỉ có bổ sung chút ít, hoặc sửa cao độ cho ngọt hơn mà thôi.
Cho nên với bài hát này không thể nói tôi chỉ đóng vai trò là ý thơ hay là lời thơ được. Mà phải coi tôi là đồng tác giả.
Đồng tác giả
Khi bài Bụi Phấn ra đời, thì lúc này lúc khác tôi toàn thấy tên mình ở phần “ý thơ, lời thơ”. Đến năm 1997, đã có một cuộc họp mang tính chất nội bộ là phần nhiều, giữa những nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP.HCM. Bữa đó có rất nhiều nhạc sĩ như Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Trần Minh Phi, Ngô Tùng Văn, Vũ Hoàng và tôi cùng họp nhằm để xác định đúng tác giả bài Bụi Phấn là ai? Cuối cùng buổi họp đó đã công nhận tôi là đồng tác giả với Vũ Hoàng. Đó là lần điều chỉnh đầu tiên. Nhưng lần điều chỉnh lớn nhất là năm 2002 khi Công ty Dệt Thái Tuấn vi phạm bản quyền vì đưa phần lời bài hát lên quảng cáo với cách làm rất bôi bác và không xin ý kiến tác giả. Và sau đó nhạc sĩ Vũ Hoàng và tôi (nhạc sĩ Lê Văn Lộc) đã cùng ký tên với tư cách đồng tác giả để kiện. Kết quả là chúng tôi thắng, được bồi thường 20 triệu, mỗi người được 10 triệu đồng.
Sau đó các báo đều đưa tin là Vũ Hoàng – Lê Văn Lộc là đồng tác giả bài Bụi Phấn.
Nhắc lại trước đó một chút, năm 2000, ca khúc Bụi Phấn được chọn vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Và trong cuốn sách nhạc in ra sau đó họ cũng ghi là “Nhạc & lời: Vũ Hoàng – Lê Văn Lộc“.
Thêm nữa, hai tác giả Vũ Hoàng và Lê Văn Lộc đều ký ủy thác tại Trung tâm Bản quyền tác giả Việt Nam. Khi ký thì các tác giả đều phải ghi rõ những tác phẩm của mình, trong đó ghi nhạc của ai, lời của ai. Ở phần bài Bụi Phấn thì số tiền được chia tỷ lệ là 50/50. Đây là nguyên tắc phân chia với trường hợp đồng tác giả, khác với thơ phổ nhạc. Từ đó đến nay tôi và Vũ Hoàng đều ký nhận tiền tác quyền theo sự phân chia này.
Thật sự cả hai chúng tôi đều là đồng tác giả bài hát này.
Đọc thêm: Hương tình yêu – thơ: Đỗ Trung Quân, nhạc: Vũ Hoàng
– Bài viết: Chuyện cần biết thêm về ca khúc ‘Bụi phấn’
– Tác giả: Nhạc sĩ Lê Văn Lộc
– Nguồn tin: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
– Xuất bản: 2014.12.16 10:29
– Đường dẫn: https://thethaovanhoa.vn/
– Thời gian khai thác: 2021.09.12 22:04 VST
Lời bài hát
Khi Thầy viết bảng
bụi phấn rơi rơi
có hạt bụi nào
rơi trên bục giảng
có hạt bụi nào
vương trên tóc Thầy
Em yêu phút giây này
Thầy em tóc như bạc thêm
bạc thêm vì bụi phấn
cho em bài học hay
Mai sau lớn nên người
làm sao có thể nào quên
ngày xưa Thầy dạy dỗ
khi em tuổi còn thơ ..
Tôi thấy nhạc sĩ Lê Văn Lộc nói rất chân tình và công nhận phần đóng góp quý báu của nhạc sĩ Vũ Hoàng. Nếu ngày đó nhạc sĩ Lê Văn Lộc nhờ Thầy nhạc sĩ Trương Quang Lục chỉnh sửa giùm thì ca khúc này tôi tin là chỉ có 1 mình nhạc nhạc sĩ Lê Văn Lộc đứng tên. Cho nên phải nói là nhạc sĩ Vũ Hoàng đã có một may mắn được nổi tiếng do nhạc sĩ bạn thân là Lê Văn Lộc mang lại
Xin chúc mừng cả hai nhạc sĩ !
Vậy thì nên ghi là “Lê Văn Lộc và Vũ Hoàng” mới đúng thứ tự “Gốc và Ngọn”! LVL và VH đã tạo ra một tác phẩm rất giản gị mà lại tuyệt vời; và sự kiện “một bài hát hai tác giả” này âu cũng là duyên số! Vì lúc đó nếu LVL đem bản thảo về nhà ngồi xem lại và ngẫm nghĩ thêm đôi chút, tôi tin là anh có thể tự hoàn chỉnh thành một tuyệt phẩm một tác giả! Với khả năng “xuất cảm thành ca” tức thời trong lớp học như thầy Trương Quang Lục đã khen, tôi nghĩ lúc đó LVL có đủ (thừa) khả năng làm việc này! Để tạo ra một tuyệt phẩm âm nhạc thì luôn cần phải hội đủ cả hai điều là chuyên môn (điều kiện cần) và cảm xúc (điều kiện đủ)!
Xin chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp của bạn Thanh. Vàng Son đã thực hiện hiệu chỉnh tên bài viết từ “Bụi phấn – Vũ Hoàng & Lê Văn Lộc” thành “Bụi phấn – Lê Văn Lộc & Vũ Hoàng”. Thân mến!
Cứ bị ám ảnh mãi với cái khoảng thời gian 15 năm chỉnh đốn sự kiện này! Không biết tại ai mà phải mất tới 15 năm (1982-1997) mới có “lần điều chỉnh đầu tiên” nhỉ? Tại sao ngay từ khi xuất bản ca khúc này, người chỉnh sửa không ghi rõ luôn là đồng tác giả nhỉ?
Vừa nghe bác thánh hiền trả lời là: Chẳng tại ai hết cả! Vì nếu văn hóa Việt Nam của chú mày mà không có căn bệnh “nhận vơ” thì hôm nay không có bài viết này cho chú mày đọc! Nhờ có văn hóa này mà ta mới có được của riêng từ tài sản chung! Văn hóa “nhận vơ” là một căn bệnh di truyền (vô thức) khá phổ biến trong cộng đồng, ai cũng như ai, đều có lúc mắc phải! Chỉ những người khác biệt mới ý thức được về căn bệnh này của (cộng đồng) mình!