“Tiến Quân Ca” do nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976. Trước đó, bài hát được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1976.
Hoàn cảnh ra đời
Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, ở ga Hàng Cỏ. Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long Hành Khúc Ca .. Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh.
Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Ông có viết lại trong một ghi chép tháng 7 năm 1976 như sau:
".. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được .."
Trong một hồi ký tựa đề “Bài Tiến quân ca”, Văn Cao cho biết, khi ông sáng tác “Tiến Quân Ca” thì có Phạm Duy ở cùng, và
"Anh rất tôn trọng những phút tôi ngồi vào bàn với tập bản thảo và chờ đợi âm thanh từng câu nhạc được nhắc đi nhắc lại. Anh là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến Quân Ca".
Về ca khúc, Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long Hành Khúc Ca trước đó: “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng” và bài Đống Đa: “Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa” .. Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành “Tiến Quân Ca”.
Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này, như câu đầu:
“Đoàn quân Việt Nam đi“.
thì ban đầu là:
“Đoàn quân Việt Minh đi“.
câu thứ sáu của bài hát ở phiên bản đầu là:
“Thề phanh thây uống máu quân thù” – thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa thành:
“Đường vinh quang xây xác quân thù“.
Câu kết:
“Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!”.
được Văn Cao sửa thành:
“Núi sông Việt Nam ta vững bền”.
nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca, ai đó đã sửa thành:
“Nước non Việt Nam ta vững bền”.
việc này, theo Văn Cao:
"Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ nước non hát lên bị yếu. Chữ núi sông hát khỏe và hùng tráng".
Sau khi hoàn thành tác phẩm, Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và lần đầu tiên “Tiến Quân Ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ca khúc được hát trước quần chúng lần đầu tiên tại một cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội bởi Phạm Duy, đây cũng là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh thay cho cờ của chính phủ Trần Trọng Kim và cướp loa phóng thanh hát “Tiến Quân Ca”, mà theo Văn Cao:
"Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó".
Còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, sau khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự, và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết được bài “Diệt Phát Xít”, Văn Cao viết thêm bài “Chiến Sĩ Việt Nam”, cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Quốc ca
Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến Quân Ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít-tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát lớn, bài “Tiến Quân Ca” đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng.
Cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít-tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài “Tiến Quân Ca” chào lá cờ đỏ sao vàng.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, “Tiến Quân Ca” chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trước ngày biểu diễn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với Văn Cao thống nhất sửa hai chữ trong “Tiến Quân Ca”, cụ thể là rút ngắn độ dài của nốt rê đầu tiên ở chữ “Đoàn” và nốt mi ở giữa chữ “xác” làm cho bản nhạc khỏe khoắn hơn.
Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến Quân Ca” làm quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến Quân Ca”.
Năm 1955, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I đã quyết định mời tác giả tham gia sửa một số chỗ về phần lời của quốc ca. Văn Cao sau này đã luyến tiếc vì một số chữ sửa đã làm mất khí thế hùng tráng của ca khúc.
Sau năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, ngày 2 tháng 7 năm 1976, hai miền Nam Bắc thống nhất thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và quốc ca là “Tiến Quân Ca”.
Năm 1981, Việt Nam tổ chức thay đổi quốc ca. Một cuộc thi được mở ra nhưng sau hơn một năm, cuộc thi này không được nhắc tới nữa và cũng không có tuyên bố chính thức gì về kết quả. “Tiến Quân Ca” vẫn là quốc ca Việt Nam cho tới ngày nay.
– Bài viết: Tiến quân ca
– Nguồn tin: Wikipedia
– Truy cập gần nhất: 2021.06.11 20:43 VST
– Đường dẫn: https://vi.wikipedia.org/
Lời bài hát
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc
Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
Đường vinh quang xây xác quân thù
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường
Tiến lên, cùng tiến lên
Nước non Việt Nam ta, vững bền ..