Đoàn Chuẩn viết “Lá Đổ Muôn Chiều” rồi “Chiếc Lá Cuối Cùng” dành tặng cho “Người Tình Áo Xanh” ngày nàng cưới chồng. Tuấn Khanh thì viết Chiếc Lá Cuối Cùng dành tặng cho người tình mà mình chợt nhớ nhung trong chính ngày cưới của mình.
Ngọn nguồn của ca khúc được ông kể thật đặc biệt. Chuyện tình của Tuấn Khanh với cô gái 13 tuổi là chuyện tình bảng lảng như chuyện tình tưởng tượng giữa Hàn Mặc Tử với Thương Thương để rồi sinh ra những câu thơ bất hủ. Còn ở Tuấn Khanh với cô bé này là sinh ra ca khúc “Chiếc Lá Cuối Cùng”.
Cô gái 13 tuổi ngây thơ, trinh trắng là học trò thanh nhạc của Tuấn Khanh trong thời gian dài đã ám ảnh thầy. Ngày cưới của mình mà thầy không vui, chỉ thấy bâng khuâng, thẫn thờ, ngơ ngác như kẻ mộng du. Ở bên vợ mới cưới mà lòng cứ ngoái về hình bóng bé nhỏ thân thương. Chính lúc ấy, chàng nhận ra mình đã yêu cô gái ấy tận đáy lòng bằng tình yêu Platonique – tình yêu tâm hồn không xác thịt.
Với Tuấn Khanh, đấy là một đêm cô đơn nhưng sao thấy trôi đi rất nhanh. Trạng thái đó khiến kẻ mộng du là nhạc sĩ phải đặt câu hỏi nghi vấn ngay câu hát mở đầu:
“Đêm qua chưa? Mà trời sao vội sáng
một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang”
Hình ảnh thật xi-nê! Tâm trạng của kẻ si tình như tâm trạng thiên nhiên lúc vào thu, lá bắt đầu rơi rụng:
“Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa”
“Chiếc Lá Cuối Cùng” chuyển sang đoạn phát triển độc đáo và bất ngờ bởi bước lùi của giai điệu như sự nén chặt – rồi tập trung trong sôi réo của đau đớn:
“Mộng về một đêm trăng thanh
em thì thầm ngày đó thương anh”
Sự sôi réo trào tuôn như dòng nước mắt không sao kìm nén, cứ cuốn phăng phăng như một cơn lũ lớn:
“Thuyền về một đêm trăng thanh
say mộng vàng đậu bến sông xanh
mộng tràn ngập đêm trăng sao
sao đầy trời từng chiếc lấp lánh”
Cơn lũ này chạy ngược thời gian về dĩ vãng với một thứ ánh sáng mờ ảo của đêm trăng sao chiếu qua màn sương giá của bi kịch. Âm nhạc lại quay về giai điệu đầu của hình thức ba đoạn đơn rất đặc trưng cho âm nhạc Sài Gòn trước 1975. Lại một câu hỏi được đặt ra:
“Xa nhau chưa? Mà lòng nghe quạnh vắng
đường thênh thang gió lộng một mình ta
rượu cạn ly uống say lòng còn giá
lá trên cành một chiếc cuối bay xa”
Đến bây giờ, giọng hát thể hiện “Chiếc Lá Cuối Cùng” mà Tuấn Khanh còn lưu giữ được là Sĩ Phú. Gần đây, trong một chương trình giới thiệu Tuấn Khanh và Từ Công Phụng của “Thúy Nga Paris”, ca sĩ Trần Thu Hà đã hát rất điệu nghệ “Chiếc Lá Cuối Cùng”. “Chiếc Lá Cuối Cùng” có trong giáo trình thanh nhạc chính quy của học sinh, sinh viên trường nhạc nhiều năm nay.
Nguyễn Thụy Kha
Nguồn tư liệu:
+ https://nld.com.vn/ (Gặp Tuấn Khanh “Chiếc lá cuối cùng” ở Mỹ)
Lời bài hát
Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng
một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang
chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa
Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói
chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi
ngày buồn tênh cũng đưa chiều vào tối
mím môi cười mà nhớ thương khôn nguôi
Mộng về một đêm xuân sang
em thì thầm ngày đó thương anh
thuyền về một đêm trăng thanh
xây mộng vàng đậu bến sông xanh
Mộng tràn ngập đêm trăng sao
sao đầy trời từng chiếc lấp lánh
rồi một chiều xuân thơ trinh
cho lòng mình về với dĩ vãng
Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng
đường thênh thang gió lộng một mình ta
rượu cạn ly uống say lòng còn giá
lá trên cành một chiếc cuối bay xa ..