Ca khúc, thơ xuân viết về mùa Xuân bao giờ cũng ẩn chứa trong nó niềm vui say, háo hức, rộn ràng. Bởi mùa Xuân luôn là khúc hoan ca của đất trời và lòng người, của tuổi trẻ và tình yêu, của đam mê và khát vọng. Lựa chọn một lối đi riêng trong cách thể hiện, ca khúc Mùa Xuân Em – Mái Trường của nhạc sĩ Đức Trịnh là khúc tâm tình giản dị về tình yêu cuộc sống, tình yêu con người ..
Theo triết lý của người phương Đông, mùa Xuân – chữ xuân bao hàm ý nghĩa tổng hợp của không gian – thời gian. Đâu đó có sắc vàng của hoa mai, sắc hồng của hoa đào, sắc biếc của trúc, sắc trong – trắng của oanh hay tiếng nảy mầm của cây cỏ .. được lắng nghe bởi tâm thức vi tế của tâm hồn nghệ sĩ. Tất cả đều sáng cái sáng – trong cái trong của một sinh lực được tiềm ẩn từ bên trong, và như thế, mùa Xuân không còn là khái niệm về vòng quay thời gian thông thường mà là biểu trưng của sức xuân, sức trẻ, của sắc xuân trên vạn vật. Khi ấy, xuân đồng nghĩa với đạo, với mạch sống của sinh linh!
Cảm thức về triết lý nhân sinh ấy trong không gian xuân tươi tắn, rực rỡ, đầy sức sống, nhà thơ Chí Trung và nhạc sĩ Đức Trịnh đã gặp nhau bởi sự đồng điệu của tâm hồn khi viết câu mở đầu bằng lối gieo tứ độc đáo: “Em mang theo mùa Xuân trên tay / Và em mang theo mùa Xuân tới trường”, tạo nên cảm giác thú vị, hấp dẫn cho người nghe. Mùa Xuân, khí xuân ùa vào câu hát, như được định tính và định lượng. Trong cảm thụ của người nghệ sĩ, mùa Xuân không chỉ là không gian huyền hồ mà có khi chỉ với “dăm cành hoa nhỏ” giản dị “theo em đến trường/theo em vào lớp”, mùa Xuân đã hiện lên như một thực thể sống động, đầy sức gợi, mang theo thông điệp về cái đẹp, về tình yêu mái trường, tình thầy trò, tình bè bạn .. bừng sáng trên tay em, trở thành người bạn đồng hành theo nhịp bước chân em đến trường. Giai điệu trẻ trung pha chút tinh nghịch, hình ảnh đẹp, lời ca trong sáng trên nền nhạc disco-rock khỏe khoắn đã diễn đạt thật thành công sự hồn nhiên, yêu đời, niềm vui hân hoan của tuổi hoa học trò mỗi ngày đến lớp, ở đó có thầy cô, có bè bạn, có cả thế giới kiến thức được mở ra với những điều kỳ diệu, hấp dẫn đang chờ đợi.
Ca khúc hay, đi vào lòng người bởi giai điệu và ý nghĩa của hình tượng âm nhạc. Phác họa bức tranh xuân trên nền không gian rộng lớn của đất trời, chủ thể trữ tình em – mái trường xuất hiện ngay ở nhan đề của ca khúc để rồi từng cặp hình ảnh sóng đôi: mùa xuân – em, mùa xuân – mái trường, hoa – em, anh – em như là sự khởi nguồn cho hành trình giao cảm, tạo nên khúc ca xuân tươi tắn, đẹp đẽ, sinh động, giàu sức cuốn hút. Nhạc của câu từ, nhạc của nhịp điệu, hình ảnh, cảm xúc .. nhạc của nhịp lòng hối hả đập trong thác lũ xúc cảm về sắc xuân, về tình yêu mái trường, tình yêu cuộc sống dâng trào. Hình ảnh mùa xuân trong ca khúc phải chăng là mùa vui, mùa của người cầm súng, của người ra đồng, của người lên công trường dựng xây, của người đến lớp .. Ta đã từng bắt gặp mô-típ này trong cách nói “xuân biên giới”, “xuân chiến trường” của người chiến sĩ, “xuân nông trường”, “xuân công trường”, “xuân bến cảng” .. của những con người yêu lao động. Nhưng có lẽ, “xuân mái trường” là sự phát hiện mới của người nghệ sĩ, phản ánh một cảnh sắc trong bức tranh xuân về con người và cảnh vật như đang “hối hả”, như “xôn xao” hòa mình vào thiên nhiên mùa xuân, cộng mình vào vận mệnh dân tộc.
Người nghe còn bắt gặp “những nét tươi mới với cách nghĩ, cách làm, tìm tòi sáng tạo” của nhạc sĩ Đức Trịnh khi hình ảnh mùa xuân trong những ca khúc anh viết luôn ngập tràn cảm xúc về tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, con người với những hình ảnh tao nhã, thanh khiết, sống động đầy hương sắc của sự sống đang sinh sôi “Từng chồi non hé cười bướm hoa dập dìu trong nắng / Lá biếc xanh đung đưa / Tình yêu sáng ngời mắt em như giọt sương long lanh khát khao mối tình xuân / Đôi môi em thơm thoảng nụ cười đất trời hợp tan trong mênh mông mùa xuân tình yêu” (ca khúc Tình xuân). Nhưng có lẽ, điều làm cho ca khúc của anh chạm đến phần sâu thẳm nhất của tâm hồn người nghe chính là cách cắt nghĩa tinh tế, sự tri ân những ân tình mà cuộc sống đã dành tặng cho con người: “Khi xuân sang trao nụ hôn / Cơn mưa xuân tình yêu bao đắm say / Trong mênh mông rừng hoa trắng mắt em say lòng anh bao yêu thương trào dâng” (ca khúc Mưa xuân).
Nhiều nhà nghiên cứu về phong cách sáng tác đều cho rằng “phong cách chính là bản thân con người”. Chất tài hoa tài tử quyện hòa với trái tim luôn nồng nàn tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống con người đã làm nên nét phong cách riêng của nhạc sĩ Đức Trịnh. Và âm nhạc thăng hoa từ tâm hồn ắp đầy tính nhân văn ấy. Cho nên thật khó lý giải rành rọt khi nghệ sĩ sáng tạo bất ngờ phát triển tầng ý nghĩa của ca khúc Mùa Xuân Em – Mái Trường bằng hình ảnh “bên những bông hồng xinh có loài hoa anh chẳng biết từ bao giờ đã trổ giữa đời anh”. Hoa mùa xuân, hoa điểm mười hay hoa tình yêu! Có lẽ là tất cả. Ca khúc vì vậy không chỉ đẹp về giai điệu, hình ảnh mà còn là sự gợi ý những suy ngẫm đầy chất người, để hướng đến sự sống là một nốt luyến tạo nên âm sắc riêng khi lời đã hết mà thanh âm còn mãi: “Em mang theo mùa xuân trên tay / Và em mang theo mùa xuân tới trường” !
– Bài viết: Cảm hứng nhân sinh trong ca khúc “Mùa xuân em – mái trường”
– Tác giả: Hoài Hoa
– Nguồn tin: Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
– Xuất bản: 2015.02.04
– Đường dẫn: http://vnq.edu.vn/
– Thời gian khai thác: 2022.11.20 07:50 VST
– Lưu trữ: PDF
Đọc thêm:
Em đi gieo mùa xuân đất nước – Đặng Hoàng Long
Lời bài hát
Em mang theo mùa xuân trên tay
và em mang theo mùa xuân đến trường
trong cành hoa nhỏ
trên tay theo em đến trường
Em mang theo mùa xuân trên tay
và em mang theo mùa xuân đến trường
hoa trên bàn thầy
mùa xuân theo em vào lớp
Ngày qua ngày
mang theo hoa vào lớp
và ngày qua ngày
bên những bông hồng xinh
có loài hoa anh chẳng biết
Để ngày qua ngày
mang theo hoa vào lớp
và ngày qua ngày
bên những bông hồng xinh
có loài hoa anh chẳng biết
chẳng biết từ bao giờ
đã nở giữa hồn anh ..