Huyền thoại Lê Minh Bằng

Cập nhật lần cuối: 01/07/2021 16:00

Ngược dòng thời gian và không gian để quay về thời điểm của năm 1966 ở Việt Nam, bỗng dưng trên các hệ thống đài phát thanh, truyền hình có một bài hát được rất nhiều khán thính giả ưa thích với những lời ca như:

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi 
con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối 
tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài 
và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai 

Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu
rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu 
bâng khuâng nghe súng vang trong sa mù 
buồn gục đầu nghẹn ngào nghe non nước tôi trăm ngàn ưu sầu ..

 

 

Đó là bài “Đêm Nguyện Cầu”, ký tên tác giả là Lê Minh Bằng, một cái tên xa lạ lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường âm nhạc ở miền nam Việt Nam. Ở phần trên của bản nhạc này có những lời giới thiệu như sau:

“Kính dâng tổ quốc mến yêu. Chân thành ghi ơn những người đã và đang chiến đấu cho hòa bình Việt Nam.

L.M.B
(Quốc khánh 1966)”

 

[Hình ảnh] Sheet Đêm Nguyện Cầu | Huyền thoại Lê Minh Bằng

 

Bài hát này được ca sĩ Thanh Vũ trình bày lần đầu tiên trên đài phát thanh. Thanh Vũ là một ca sĩ khá đẹp trai, cao ráo, thường hát chung với Nhật Trường, Duy Khánh và Hùng Cường trên các sân khấu đại nhạc hội. Ca sĩ Thanh Vũ cũng hay song ca với Hoàng Oanh và Thanh Tuyền khi thâu thanh vào dĩa nhựa. Cũng chính bài hát “Đêm Nguyện Cầu” này đã đưa tên tuổi Chế Linh lên đài danh vọng khắp từ Bến Hải đến Cà Mau, như những tiếng than cho thân phận người dân trong thời chinh chiến đang mơ ước thanh bình.

 

Vào lúc đó chỉ có một số rất ít người có liên hệ với sân khấu ca nhạc và giới ký giả kịch trường biết được Lê Minh Bằng là bút hiệu chung của ba nhạc sĩ nổi tiếng thời bấy giờ là Lê Dinh, Minh KỳAnh Bằng.

Theo tiết lộ của nhạc sĩ Lê Dinh trên tờ Nghệ Thuật xuất bản ở Canada, lúc đầu khi thành lập Nhóm Lê Minh Bằng (1966) thì ba người nhạc sĩ này đã họp lại và bàn bạc với nhau về đường lối sáng tác những bản nhạc của nhóm mình. Đó là làm sao mà sáng tác ra loại nhạc hợp với mọi tầng lớp dân chúng từ thành thị tới thôn quê, để ai cũng có thể thưởng thức được. Như vậy những bài hát này phải có lời ca trong sáng, giản dị, dễ nhớ và dễ thuộc lòng. Giai điệu và tiết tấu cũng nên đơn giản để dễ tập đàn, dễ tập hát (như điệu boléro, rumba slow, slow rock, boston .. chẳng hạn). Nói tóm lại là nhạc và lời phải thật dễ thương, âm điệu uyển chuyển khiến người nào nghe một lần là còn nhớ thoang thoảng trong lòng. Vì là bước đầu thử nghiệm, nên cả nhóm không biết là những bài hát này sẽ thành công hay không, sẽ được nhiều người ưa thích hay chê bai? Để tránh trường hợp thất bại xảy ra có ảnh hưởng đến tên tuổi của cả ba nhạc sĩ này, thì cách tốt nhứt là chọn ra vài cái biệt hiệu khác nhau để ký tên lên các bài hát mới thử nghiệm này. Nhưng kết quả thật quá bất ngờ, đến nổi cả ba người nhạc sĩ này không tin rằng đó là sự thật. Vì sau khi những bài hát của nhóm tung ra, số lượng các bản nhạc in bán đã tăng nhanh vùn vụt và nhóm Lê Minh Bằng đã thành công vượt bực để trở thành “huyền thoại” sau này.

 

Trong nhóm Lê Minh Bằng, người lớn tuổi nhất là nhạc sĩ Anh Bằng. Tên thật của ông là Trần An Bường, sinh năm 1926 tại thị tứ Điền Hộ, nay thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giáp giới tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100 km về phía Nam. Ông theo học Trung học ở Hà Nội trước khi di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở Sài Gòn cho đến năm 1975.

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Anh Bằng | Huyền thoại Lê Minh BằngNhạc sĩ Anh Bằng

 

Kế đó là nhạc sĩ Minh Kỳ, người gốc Huế, sinh năm 1930 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông thuộc dòng dõi hoàng tộc, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, có vai vế ngang hàng với vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) và phục vụ trong ngành cảnh sát VNCH với cấp bực Đại úy đến năm 1975.

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Minh Kỳ | Huyền thoại Lê Minh BằngNhạc sĩ Minh Kỳ

 

Trẻ nhất trong nhóm là nhạc sĩ Lê Dinh, tên thật là Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tại làng Vĩnh Hựu thuộc tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông ghi tên học hàm thụ âm nhạc với trường Ecole Universelle de Paris khi còn học Trung học ở Gò Công. Năm 22 tuổi, ông sáng tác bài hát đầu tiên là “Làng Anh, Làng Em”. Ông học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện Sài Gòn (1953-1955), dạy học (1955-1957) và làm công chức cho đài phát thanh Sài Gòn từ năm 1958 cho đến năm 1975 (với chức vụ là Chủ Sự Phòng Sản Xuất rồi đến Chủ Sự Phòng Điều Hợp).

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Lê Dinh | Huyền thoại Lê Minh BằngNhạc sĩ Lê Dinh

 

Trước khi thành lập nhóm Lê Minh Bằng thì mỗi nhạc sĩ cũng đã tự mình tạo nên tên tuổi trong làng âm nhạc thời đó với những tác phẩm nổi tiếng như: Nỗi Lòng Người Đi, Nếu Vắng Anh, Tango Dĩ Vãng, Hẹn Anh Đêm Nay, Hận Tình, Còn Nhớ Hay Không .. (Anh Bằng); Biệt Kinh Kỳ, Lá Vàng Rơi, Năm Cụm Núi Quê Hương, Nhớ Nha Trang, Thương Về Miền Đất Lạnh .. (Minh Kỳ); Tấm Ảnh Ngày Xưa, Cánh Thiệp Hồng, Nỗi Buồn Châu Pha, Chiều Lên Bản Thượng, Xác Pháo Nhà Ai, Ga Chiều .. (Lê Dinh).

Trong công việc hùn hạp, làm ăn với nhau, người Việt mình kỵ nhất là sự hợp tác giữa ba người. Nhưng nhóm Lê Minh Bằng không tin dị đoan, nên quyết tâm cộng tác với nhau như một công ty đàng hoàng. Đây là sự kết hợp khá lạ lùng giữa ba người nhạc sĩ của ba miền đất nước.

 

Những hoạt động chính của nhóm

(1) Mở lớp dạy nhạc có tên là Lớp Nhạc Lê Minh Bằng ở tại số 102/8 đường Hai Bà Trưng, Tân Định, Sài Gòn. Cả ba nhạc sĩ này thay phiên nhau giảng dạy về lý thuyết (nhạc lý, ký âm pháp) và thực hành (luyện giọng, xướng âm). Thế nào là lên tông, xuống tông, thăng, giáng, nhịp đôi, nhịp ba, tại sao bài hát này là âm giai trưởng, âm giai thứ? Giờ lý thuyết của thầy Minh Kỳ rất là nghiêm trang, kỷ luật. Học viên không được đùa giỡn với nhau mà phải chăm chú lắng nghe phần lý thuyết khô khan này. Nhưng đến giờ của thầy Anh Bằng và Lê Dinh thì lớp học rất vui, khi các thầy cầm đàn guitar đệm những bài ca cho học viên thực tập. Có khoảng chừng một trăm học viên nam nữ theo học và sau này đã có những ca sĩ nổi tiếng như Kim Loan, Giáng Thu, Mạnh Quỳnh (ngày xưa, không phải Mạnh Quỳnh ở hải ngoại sau này), Hải Lý, Trang Mỹ Dung, Nhật Thiên Lan, Thu Thủy .. có rất nhiều học viên đã bỏ cuộc giữa đường, tìm nghề khác thích hợp hơn.

(2) Thành lập ban nhạc mang tên là Sóng Mới, chuyên trình diễn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn (số 3 đường Phan Đình Phùng).

(3) Cố vấn cho ông Nguyễn Tất Oanh, giám đốc hãng dĩa hát Asia và nhà xuất bản Sóng Nhạc (ở số 37 đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn) trong việc lựa chọn bài hát và ca sĩ để thu thanh vào dĩa nhựa và ấn hành các bản nhạc rời để tung ra thị trường.

(4) Phụ trách trong việc tổ chức Chương Trình Tuyển Lựa Ca Sĩ được tổ chức hàng tuần ở rạp hát Quốc Thanh, do Đài Phát Thanh Sài Gòn thực hiện và được trực tiếp truyền thanh trên toàn quốc vào mỗi sáng Chủ Nhựt. Cuộc thi này rất hào hứng từ hàng chục năm và đã lựa chọn được những ca sĩ tên tuổi thắng giải như Tùng Lâm, Duy Khánh (Tăng Hồng), Hùng Cường, Vân Hùng, Hoàng Yến, Bích Thủy .. Đầu tiên là thí sinh trải qua phần phúc khảo, ba tháng sau vào phần bán kết và sau đó là phần chung kết. Ai hát được đúng nhịp và đừng bỏ cuộc nửa chừng của bài hát thì được ban giám khảo cho điểm trung bình là 13 điểm (theo thang điểm tối đa 20). Xen kẽ chương trình thi là các màn phụ diễn văn nghệ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp của nhóm Lê Minh Bằng và vài nhóm khác.

(5) Sáng tác, xuất bản và phổ biến các tác phẩm âm nhạc được ký tên với nhiều bút hiệu khác nhau như: Lê Minh Bằng, Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường .. Lợi tức thu được từ việc xuất bản và phát hành những bản nhạc sáng tác chung này là những món tiền khổng lồ thời bấy giờ. Đây chính là sự thành công to lớn nhứt của nhóm Lê Minh Bằng. Thành công ở địa hạt này cho đến nay vẫn còn là “huyền thoại” mà nếu không nghe chính những nhạc sĩ này kể ra rõ ràng, thì ít có ai tin rằng đó là sự thật.

 

[Hình ảnh] Huyền thoại Lê Minh Bằng

 

Nhiệm vụ của từng thành viên trong nhóm

Điều đầu tiên mà mọi người vẫn thường hay thắc mắc là trong một bản nhạc của nhóm Lê Minh Bằng thì ai là người viết nhạc và ai là người viết lời? Theo tiết lộ của thi sĩ Nguyên Sa, là một người bạn rất thân với nhạc sĩ Anh Bằng, thì hầu như nhạc sĩ Anh Bằng là người sáng tác tất cả những bài hát của nhóm Lê Minh Bằng. Ông sáng tác trọn vẹn cả nhạc lẫn lời của các bài ca. Hai nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ chỉ góp ý và sửa chữa chút ít trước khi cho phổ biến. Sự phân công về nhiệm vụ của từng người cũng rất lạ lùng và rất thuận tiện tùy theo nghề nghiệp và sở thích của mỗi người. Nhạc sĩ Anh Bằng là người trầm lặng, ít nói, không thích xuất hiện trên sân khấu hay trước đám đông. Ông thích dành nhiều thì giờ cho việc suy tư, yên lặng sáng tác theo tâm hồn nghệ sĩ của ông. Ông có một tâm hồn hết sức bén nhạy, dễ xúc cảm và cực kỳ lãng mạn (theo lời Nguyên Sa). Nên ông lãnh phần sáng tác các ca khúc cho nhóm. Còn nhạc sĩ Lê Dinh là công chức ở đài phát thanh Sài Gòn, nên ông có dịp theo dõi, liên lạc với các ban nhạc cộng tác với đài. Ông cũng góp ý và giúp cho việc phát thanh, phổ biến những sáng tác mới theo yêu cầu của khán giả khắp nơi liên lạc về đài. Riêng Minh Kỳ là Đại Úy cảnh sát nên lãnh nhiệm vụ giao dịch với các nhà in để thúc hối họ in ra kịp thời hạn những bản nhạc cần gởi đi các đại lý, cửa hàng văn hóa phẩm để bán.

Ở đây cũng cần phải nhắc lại về việc sản xuất và tiêu thụ âm nhạc cách đây hơn 40 năm rất là khác xa với thời đại hiện giờ. Ở nước ta thời đó, số lượng máy hát dĩa và dĩa nhựa còn khá mắc tiền, nên việc bán những dĩa nhựa còn rất hạn chế. Đa số dân chúng khắp nước từ thị thành tới thôn quê yêu thích tân nhạc đều nghe nhạc từ đài phát thanh và tìm mua những bản nhạc về tập hát, tập đàn. Những bản nhạc này (music sheet) được in trên giấy cứng xếp lại làm đôi, kích thước bề dài là 30 phân, bề ngang là 22 phân (tức là khổ giấy A3 hiện nay). Nhạc và lời được chép vào 2 trang trong (trang ruột), còn trang 1 tức là bìa bản nhạc thì được vẽ hình, hoặc chụp hình ca sĩ và viết tựa bài nhạc, tên tác giả. Trang bìa sau (tức trang 4) là để in mục lục các bài nhạc cùng tên tác giả hoặc cùng nhà xuất bản. Những nhà xuất bản nổi tiếng thời đó là: Tinh Hoa Miền Nam, Sống Chung, Á Châu, Minh Phát, An Phú. Nếu ai không có tiền mua ấn bản của các nhạc phẩm thì họ mua tập vở học trò có kẻ hàng sẳn, kẻ thêm nét mực đậm lên các hàng là có được những khuôn nhạc để tìm mượn các bài hát và chép lại để dành cho việc tập đàn, tập hát. Mỗi một bản nhạc như vậy được bán với giá 5 đồng VNCH. Có nhiều bài hát của nhóm Lê Minh Bằng vừa xuất bản lần đầu 10,000 ấn bản đã bán sạch hết trong tuần lễ đầu tiên. Các đại lý liên lạc yêu cầu tái bản thật nhanh để tung ra thị trường.

 

[Hình ảnh] Sheet Lan Và Điệp | Huyền thoại Lê Minh Bằng

 

Thành công vượt bực trong những nhạc phẩm của nhóm Lê Minh Bằng là Chuyện Tình Lan Và Điệp. Đi đâu cũng nghe có người ca:

Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp
một chuyện tình cay đắng

lúc tuổi còn thơ, tôi vẫn thường mộng mơ
đem viết thành bài ca ..

Trên đài phát thanh, khán giả yêu cầu phát thanh bài này hàng ngày, hàng tuần, liên tiếp trong nhiều tháng dài. Khán giả yêu cầu Lan & Điệp mười lần thì các bài hát khác chỉ yêu cầu có một lần mà thôi. Các bản nhạc in ra không đủ bán. Nhà in Tương Lai ở đường Trần Hưng Đạo có bao nhiêu máy in cũng được sử dụng để in Chuyện Tình Lan và Điệp 1,2,3 ròng rã suốt ngày đêm. Tổng cộng là gần 4 triệu năm trăm ngàn bản nhạc được in ra trong vòng hai năm. Mỗi bản nhạc là 5 đồng thì công ty Lê Minh Bằng đã thu về được gần mười lăm triệu đồng bạc VNCH sau khi trừ đi những phí tổn linh tinh. Tỉ giá hối xuất lúc đó là 70 đồng VNCH thì bằng một đô-la Mỹ. Như vậy tính sơ sơ thì cả ba nhạc sĩ này cũng kiếm được hơn 200,000 dollars Mỹ vào thời đó rồi.

Mời bạn tham khảo bài chi tiết: Chuyện tình Lan và Điệp

 

 

Nhạc sĩ Anh Bằng kể cho thi sĩ Nguyên Sa biết là “dạo đó tiền vào như nước”. Đúng là một huyền thoại khó quên. Sau khi bán các bản nhạc này thì họ lại còn bán được bản quyền cho nhà sản xuất dĩa nhạc Asia để thu thanh vào dĩa nhựa. Không phải chỉ có Chuyện Tình Lan Và ĐiệpĐêm Nguyện Cầu là bán mạnh, mà tiếp theo còn có rất nhiều bài khác như: Căn Nhà Ngoại Ô, Nhật Ký Hai Đứa Mình, Linh Hồn Tượng Đá, Đêm Vũ Trường, Tình Đời, Một Chuyến Xe Hoa, Kiếp Cầm Ca, .. Có bài phải in ra hơn 100,000 ấn bản mới đủ để phát hành khắp miền Nam lúc đó.

 

Với sự thành công của nhóm Lê Minh Bằng như vậy thì không phải là họ độc chiếm thị trường âm nhạc theo kiểu “một mình một chợ” dù là họ đã ký tên với rất nhiều bút hiệu khác nhau. Họ cũng phải cạnh tranh với rất nhiều nhạc sĩ nổi danh khác chuyên sáng tác những bài hát theo thể điệu boléro, rumba như Lam Phương, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, Hoài Linh .. và đặc biệt nhất là Trúc Phương. Đây là một nhạc sĩ trẻ vừa xuất hiện với một hào quang sáng chói và chỉ một thời gian ngắn đã lấn át các đàn anh nêu trên. Nhạc của Trúc Phương cũng chỉ là nhạc phổ thông quần chúng, nhưng lời ca thì rất đẹp, rất nên thơ vượt trội các nhạc sĩ đương thời. Nên không lâu sau đó các bài hát của Trúc Phương như Tàu Đêm Năm Cũ, Nửa Đêm Ngoài Phố, Thói Đời, Buồn Trong Kỷ Niệm, Ai Cho Tôi Tình Yêu  .. và nhứt là Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Hai Mươi Bốn Giờ Phép đã được đón nhận khắp nơi. Liền sau đó có ba nhạc sĩ cũng hợp tác thành một bộ ba y chang như nhóm Lê Minh Bằng là nhóm Trịnh Lâm Ngân, cũng có những cách thức làm việc từa tựa nhóm kia. Họ là nhạc sĩ Trần Trịnh, nhạc sĩ Nhật Ngân và một người bạn là Lâm Đệ, vốn là con trai của một trung tâm thu thanh (trong đó phần sáng tác chính là do nhạc sĩ Nhật Ngân đảm trách). Nhóm ba người Trịnh Lâm Ngân này cũng tung ra được gần ba chục bài hát rất nổi danh như: Xuân Này Con Không Về, Qua Cơn Mê, Yêu Một Mình, Hờn Anh Giận Em, Tình Kỷ Nữ .. Nhưng họ không thành công lắm trên phương diện thương mại và không tạo nên “huyền thoại” bằng nhóm Lê Minh Bằng.

[Hình ảnh] Huyền thoại Lê Minh Bằng

 

Việc phân chia lợi nhuận và tác quyền của các thành viên trong nhóm

Lợi tức của nhóm Lê Minh Bằng thu vào được hàng triệu đồng như vậy, thì việc phân chia như thế nào? Nhạc sĩ Anh Bằng cho biết là mọi khoản tiền kiếm được đều được chia ra đồng đều làm ba phần cho ba nhạc sĩ, bất kể là nhiệm vụ của mỗi người ra sao. Công ty huyền thoại Lê Minh Bằng này đã hoạt động liên tục thành công như vậy đó trong suốt chín năm trời (1966-1975) và đã kiếm được hàng chục triệu đồng VNCH và họ cũng đã là những nhạc sĩ giàu nhứt thời đó. Nhưng ngoài việc hợp tác làm ăn chung này thì cả ba nhạc sĩ này cũng có làm ăn riêng rẽ, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của từng người.

 

Giàu nhất trong bộ ba này là nhạc sĩ Anh Bằng. Ngoài lãnh vực kinh doanh âm nhạc, gia đình ông còn có những cơ sở thương mại khác hái ra bộn tiền như hệ thống các quán cà phê có thương hiệu là Làng Văn ở đường Phan Kế Bính và Trần Quang Khải (Sài Gòn). Chủ nhân của lò bánh mì Michou Frères ở đường Trần Quang Khải cũng là Anh Bằng. Ông cũng là sở hữu chủ của một công ty xe đò chạy tuyến đường Sài Gòn – Đà Lạt. Tất cả những công việc giao dịch kinh doanh này ông đều giao cho các quản lý để ông dành hết thì giờ vào nghệ thuật âm nhạc. Có lẽ đã nhiều lần những người tài xế và lơ xe đò của chiếc xe này không bao giờ biết được thỉnh thoảng lại có một người đàn ông trung niên lặng lẽ ngồi ở băng sau chót của chiếc xe đò chạy từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Ông ngồi im lìm thả hồn vào những cảnh vật ở hai bên đường mà trầm tư suy nghĩ như quên hết mọi chuyện xung quanh. Người đàn ông bí ẩn đó cũng chính là chủ nhân của chiếc xe đò này. Để rồi khi trở về nhà nhạc sĩ đã sáng tác ra Đà Lạt Hoàng Hôn (ký danh: Minh Kỳ – Dạ Cầm) do cảm xúc từ những chuyến đi một mình.

 

 

Còn một nhạc phẩm nữa cũng nói về Đà Lạt, cũng ký danh Minh Kỳ – Dạ Cầm, đó là Thương về miền đất lạnh



Rất ít khi người ta thấy Anh Bằng xuất hiện ở trên đài phát thanh hay đài truyền hình hoặc những nơi có đông người. Trước năm 1975, tuy là nhạc sĩ của hơn 350 bài hát có số ấn bản hàng triệu bản nhạc in, bài nào cũng được thu thanh và phát thanh hàng trăm lần, nhưng trước sau ông chỉ đến Đài Phát Thanh Sài Gòn khoảng chừng ba lần để nghe và xem Thanh Thúy thâu Sầu Lẻ Bóng, Lệ Thu thâu Nước Mắt Một Linh Hồn và Thanh Vũ thâu Đêm Nguyện Cầu.

Cùng gia đình di tản sang Mỹ từ năm 1975 với số tuổi vừa đúng 50, nhạc sĩ Anh Bằng vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh vực âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassettes tên là Dạ Lan (1981-1990). Ngoài ra ông còn trình diễn ở ban nhạc lưu động với những giọng ca như Ngọc Lan, Kiều Nga, Thy Vân, Hải Lý, Như Mai .. Rồi làm cố vấn cho Trung Tâm Asia Entertainment sau này (kể từ năm 1990).

 

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Anh Bằng | Huyền thoại Lê Minh BằngNhạc sĩ Anh Bằng

 

Ông mất ngày 12 tháng 11 năm 2015 tại tư gia ở quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ vào lúc 8h55 tối (giờ địa phương), hưởng thọ 90 tuổi sau 8 năm chống chọi với căn bệnh ung thư gan, mặc dù đã chữa khỏi nhưng chứng bệnh lại tái phát.

 

Người thứ nhì trong nhóm Lê Minh Bằng cũng rất may mắn là nhạc sĩ Lê Dinh. Tuy ông là một công chức thâm niên của Đài Phát Thanh Sài Gòn (số 3 đường Phan Đình Phùng) liên tục từ năm 1958 cho đến năm 1975, nhưng ông không bị đi học tập cải tạo. Bị kẹt lại ở Sài Gòn sau năm 1975, mãi cho đến ba năm sau ông mới cùng gia đình vượt biển thành công (tháng 8 năm 1978) và được một tàu hàng của Canada vớt mang vào Đài Loan tạm trú. Từ năm 1979 ông cùng gia đình sang định cư ở thành phố Montréal, Canada cho đến bây giờ. Ra hải ngoại ông không còn nhiều cảm hứng và môi trường thích hợp để sáng tác nữa mà chuyển sang lãnh vực làm đài phát thanh Việt ngữ và làm chủ nhiệm tờ nguyệt san Nghệ Thuật, trong đó ông viết rất nhiều bài vở. Những sáng tác sau này của Lê Dinh ở hải ngoại chỉ có vài bài như: Thương Về Gò Công, Dòng Kỷ Niệm, Chữ Tình, Chỉ Là Phù Du, Bài Hát Của Người Điên, Nắng Bên Này Sông ..

 

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Lê Dinh | Huyền thoại Lê Minh BằngNhạc sĩ Lê Dinh

 

Nhạc sĩ Minh Kỳ đã chọn con đường binh nghiệp trong ngành cảnh sát từ những ngày còn trẻ. Ông có khả năng sáng tác nhạc rất nhanh và cũng rất hay. Ông thường viết ra một bản nhạc nhưng không viết lời ca liền lúc đó, mà hay nhờ người khác viết lời. Nhạc sĩ Lê Dinh cũng nhắc lại một kỷ niệm khó quên với Minh Kỳ như sau: Vào tháng 11 năm 1964, nhạc sĩ Lê Dinh đang ngồi trong nhà ở cư xá Chu Mạnh Trinh (Phú Nhuận) thì nhạc sĩ Minh Kỳ chạy xe lambretta đến đưa cho Lê Dinh một bài nhạc còn ghi trên giấy nháp và nói ông vừa viết xong bài này mà chưa đặt lời và tựa được. Nhờ Lê Dinh soạn lời thật gấp, nội trong ngày mai phải xong để đem đưa nhà in và tung ra thị trường trước Tết Ất Tỵ này. Biết tánh tình hơi nóng nảy và gấp rút của Minh Kỳ, nên nhạc sĩ Lê Dinh đã thức trắng đêm và hoàn thành ra bài hát Cánh Thiệp Đầu Xuân rất nổi tiếng sau này. Hai nhạc sĩ này cũng soạn chung vài bài khác như: Người Em Xứ Thượng, Hạnh Phúc Đầu Xuân, Mưa Trên Phố Huế, Một Chuyến Xe Hoa ..

 

 

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Minh Kỳ bị đi học tập cải tạo và bị chết oan vì lựu đạn vào khuya ngày 31 tháng 8 năm 1975 trong trại An Dưỡng, Biên Hòa

 

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Minh Kỳ | Huyền thoại Lê Minh BằngNhạc sĩ Minh Kỳ

 

Những sáng tác tiêu biểu ..

 

Viết từ KBC (ký danh: Mạc Phong Linh – Hoàng Minh)

KBC có nghĩa là Khu Bưu Chính. Là một đơn vị chuyên về nhận và chuyển phát thư từ, điện tín, .. của quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Bài hát nói lên tâm trạng một người lính thương nhớ người yêu với những suy nghĩ về đời lính, về tương lai, lời cáo lỗi dễ thương vì để người yêu cô đơn chốn quê nhà ..

 

 


 

Về với cát bụi 

Hoàn cảnh sáng tác của bài hát này theo lời kể của nhạc sĩ Lê Dinh như sau:

– Trong một phút hờn dỗi ông Giám đốc hãng đĩa Sóng Nhạc – hãng đĩa mà anh em chúng tôi cộng tác và nhạc sĩ Anh Bằng có ý nghĩ để lời ca sau đây vào bài, coi như lời nhắc nhở ông Nguyễn Tất Oanh trong tư cách đối xử với anh em:

Sống trên đời này, tựa phù du có đây rồi lại mất
cuộc sống mong manh, nhắc ai đừng đổi trắng thay đen
làm người sang giàu, đừng vì bạc tiền bỏ nghĩa anh em

– Trong công cuộc làm ăn, đôi khi cũng có những sự hiểu lầm, những vướng mắc nho nhỏ, cho nên chuyện lủng củng giữa anh em chúng tôi với ông Giám đốc hãng đĩa Sóng Nhạc cũng không tránh khỏi. Một người hờn giận, không nói ra mà chỉ bày tỏ bằng lời ca, nhưng ông Sóng Nhạc nào có biết, tưởng đâu rằng nhóm Lê Minh Bằng viết bài Về với cát bụi không phải để “nhắn nhủ” mình, mà là một bài ca nghiêng về giáo lý của nhà Phật, cuộc đời là hư không, khi nhắm mắt không đem theo được gì. Và ca khúc được coi như một “lá thư ngỏ” gửi ông Nguyễn Tất Oanh lại là một bài hát đem lại cho ông khá nhiều về tài chánh qua số đĩa hát tiêu thụ, với giọng ca thu đĩa lần đầu tiên của Elvis Phương và sau đó, tiếng hát của Thế Sơn làm sống lại ca khúc này ở hải ngoại ..

 

 


 

Linh hồn tượng đá (ký danh: Mai Bích Dung)

Một ngày cuối tuần của năm 1970, ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng rủ nhau đi ô tô ra Vũng Tàu chơi. Khi xe đến Bãi Trước, họ thấy ba cô gái mặc áo dài đi giữa trưa nắng nóng. Khi ấy nhạc sĩ Anh Bằng lái xe, nhạc sĩ Minh Kỳ ngồi phía trước, nhạc sĩ Lê Dinh ngồi ghế sau. Bất ngờ Minh Kỳ nói với Anh Bằng: “Bằng ơi, dừng xe lại cho ba cô đó lên đi chung với mình. Nắng như vầy mà 3 cô đi bộ tội nghiệp quá!”. Do tính hơi nhát, Anh Bằng bảo: “Thôi, ông đi mời đi, tôi không đi đâu”. Thấy 2 người bạn cứ đùn đẩy nên nhạc sĩ Minh Kỳ nói: “Thôi, dừng xe lại để tôi đi cho”.

Nhạc sĩ Lê Dinh kể lại: “Anh Minh Kỳ xuống xe và không biết ảnh nói gì với 3 cô đó mà trông 3 cô rất vui vẻ và họ đồng ý lên xe. Vì phía băng trước có anh Minh Kỳ ngồi, nên 3 cô phải ngồi ở băng sau với tôi. Tôi hỏi tại sao 3 cô đi bộ dưới nắng trưa như vậy, thì được biết cả 3 cô đều là sinh viên, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm. Rồi họ tự giới thiệu tên lần lượt là Mai (ngồi kế bên nhạc sĩ Lê Dinh), Bích và ngồi ngoài cùng là Dung”.

Cuộc gặp gỡ tình cờ đó rất ngắn ngủi, nhóm nam mời 3 cô ra Bãi Sau dùng cơm trưa. Ăn xong, 3 cô xuống mé biển tiếp tục tìm sứa. Và rồi họ ra Bến xe Vũng Tàu để trở về Sài Gòn.

Đêm đó về khách sạn, nhạc sĩ Anh Bằng là người đề xướng viết bài hát “Linh Hồn Tượng Đá”, lấy tên tác giả là Mai Bích Dung (tên của 3 cô gái ghép lại). Ngay đêm đó ca khúc ra đời với những ca từ: “Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng. Ngồi bên nhau, gọi tên nhau để rồi yêu nhau ..”

Sau khi nhạc phẩm được in ra, nhạc sĩ Anh Bằng đích thân mang đến ngôi trường các cô đang học, tặng mỗi người một bản “Linh Hồn Tượng Đá” còn thơm mùi mực in và có chữ ký của cả 3 chàng nhạc sĩ hào hoa. Từ một cái duyên đưa đẩy mà một tình khúc lãng mạn đã ra đời.

Được biết sau mấy mươi năm bây giờ cô Mai (tên thật Mai Xuân Lan) hiện đang ở tiểu bang Ohio (Mỹ). Cô Bích đang cư ngụ tại tiểu bang Arizona (Mỹ). Cô Dung (tên thật Lưu Dung Anh) đang sống ở TP.HCM, chơi rất thân với giới văn nghệ sĩ xưa ..

 

 


 

Chuyện tình Trương Chi Mỵ Nương (ký danh: Mạc Phong Linh – Mai Thiết Lĩnh)

Mời bạn tham khảo bài chi tiết: Chuyện tình Trương Chi Mỵ Nương

 

 


 

Cô hàng xóm (ký danh: Giang Minh Sơn)

Trên tờ nhạc gốc có ghi:

Gửi cho LTT và CL (hiện chưa rõ hai người này là ai)

 

[Hình ảnh] Sheet Cô Hàng Xóm | Huyền thoại Lê Minh Bằng

 

 


 

Một chuyến xe hoa (ký danh: Minh Kỳ – Dạ Ly Vũ)

Trên tờ nhạc gốc có ghi một đoạn thơ:

Nếu biết rằng tôi đã có chồng 
Trời ơi! Người ấy có buồn không? 
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ 
Tựa trái tim phai tựa máu hồng
T.T.Kh

 

[Hình ảnh] Sheet Một Chuyến Xe Hoa | Huyền thoại Lê Minh Bằng

 

 

Nguồn tư liệu:
https://nhacsileminh.wordpress.com/ (Huyền thoại Lê Minh Bằng)
http://forum.trungtamasia.com/ (Viết về “Huyền Thoại LÊ MINH BẰNG”)
https://vi.wikipedia.org/ (Anh Bằng)
https://vi.wikipedia.org/ (Minh Kỳ)
https://vi.wikipedia.org/(Lê Dinh)
https://www.facebook.com/NHACVANGTAMTU/ (Viết từ KBC – Tâm tư nhạc xưa)
https://www.facebook.com/NHACVANGTAMTU/ (Linh hồn tượng đá – Tâm tư nhạc xưa)

https://nhacsileminh.wordpress.com/ (Linh hồn tượng đá – Mai Bích Dung)
https://www.facebook.com/dongnhacvang/ (Về với cát bụi – Nhạc Vàng)
http://www.yeunhacvang.com/ (KBC là gì?)
+ https://thanhnien.vn/ (Những ca khúc để đời: Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng)

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận