Vàm Cỏ Đông – thơ: Hoài Vũ, nhạc: Trương Quang Lục

Cập nhật lần cuối: 21/07/2018 13:20

Nhạc sĩ Trương Quang Lục sinh ngày 25 tháng 2 năm 1933, quê tại xã Tịnh Khê (Sơn Mỹ), huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Là hội viên hội Nhạc sĩ VN đồng thời là hội viên hội Nhà báo VN. Trong kháng chiến chống Pháp, Trương Quang lục đã có một số bài hát được phổ biến như: Chuyến tàu trăng, Bảo vệ hòa bình, Đố cờ, Hoa bên suối .. Sau hòa bình, ông chuyển ra miền Bắc vừa làm kỹ sư hóa chất ở nhà máy Superphosphate Lâm Thao, vừa sáng tác ca khúc

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

Nhạc sĩ Trương Quang Lục sáng tác từ năm 15 tuổi, sau đó, năm 1954, ông tập kết ra Bắc, lìa xa con sông Trà Khúc màu mỡ hiền hòa nơi ông sinh ra và lớn lên. Nhiều ca khúc của ông được phổ biến như: Hoa sen Tháp Mười, Trái đất này là của chúng mình (thơ Định Hải) ..

Một đêm khuya mùa hè năm 1966, vào thời kỳ không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, từ Nhà máy Superphosphate Lâm Thao – nơi đang công tác – trở về nơi ở, ông chợt nghe trong buổi Tiếng thơ của Đài Tiếng nói VN giọng của ai đó đang ngâm bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ từ miền Nam gửi ra (mời bạn xem bài thơ ở phần bình luận), lời thơ và giọng ngâm thật tha thiết. Ông xúc động miên man suy nghĩ.

Lên giường nằm, trước khi ngủ, ông giở tờ báo Văn Nghệ vừa mới nhận được lúc chiều, lại chợt thấy đăng bài thơ Vàm Cỏ Đông. Thế là ông ngồi bật dậy. Đọc đi đọc lại ông vừa đồng cảm lại vừa tâm đắc, vì ở tận phương Bắc xa xôi lại có người gợi lên một dòng sông xanh mát quanh năm ở tận miền Nam với tất cả tấm lòng tha thiết, thủy chung cùng ý chí kiên cường chống giặc .. Và ngay trong đêm hôm ấy, với cây đàn trên tay ông nắn nót từng cung bậc. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, ca khúc ‘Vàm Cỏ Đông’ đã hoàn thành: Ở tận sông Hồng em có biết /quê hương anh cũng có dòng sông/ anh mãi gọi với lòng tha thiết /Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông .. Trong chiến tranh Việt Nam, đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Sông này nổi tiếng với hai bài hát là bài “Vàm Cỏ Đông” (sáng tác: Trương Quang Lục thơ: Hoài Vũ), “Lên ngàn” (sáng tác: Hoàng Việt). Bằng những giai điệu tiết tấu dịu dàng thắm thiết, bài hát Vàm Cỏ Đông đã đi vào lòng người cho đến tận hôm nay

Có một chuyện nhỏ khi tôi ra Hà Nội dự Đại hội nhạc sĩ Việt Nam lần VIII (tháng 7/2010), trong lúc trò chuyện ông nói thoạt đầu tính dành bài hát cho Tây Ninh vì cũng gắn bó tình cảm nhiều – ông thường lên làm giám khảo cuộc thi Hoa phượng đỏ và hơn nữa, dòng Vàm Cỏ Đông chảy qua tỉnh Tây Ninh rất dài khoảng 150 km ( qua 4 huyện Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu và Trảng Bàng). Nơi đây là vùng kháng chiến nổi tiếng Miền Nam mà cả nước biết đến, nhưng rồi lâu quá không nghe ai đề nghị hay quan tâm gì cả nên sau nầy Long An lấy làm nhạc hiệu Đài PTTH và sau đó tác giả ca khúc “Vàm Cỏ Đông” cũng đã được nhận Giải thưởng Nguyễn Thông lần thứ III vào ngày 7.12.2009. Cùng nhận giải lần này còn có nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với bài hát nổi tiếng “Anh ở đầu sông em cuối sông” viết về Long An (cũng dựa vào bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoài Vũ) ..

 

Nguồn tư liệu:
http://nguyenquocdong.vnweblogs.com/ (Trương Quang Lục và bài hát Vàm Cỏ Đông)

 

Vàm Cỏ Đông – Hoài Vũ

Ở tận sông Hồng, em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết:
Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!
Đây con sông xuôi dòng nước chảy
Bốn mùa soi từng mảnh mây trời
Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy
Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi
Đây con sông như dòng sữa mẹ
Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây
Và ăm ắp như lòng người mẹ
Chở tình thương trang trải đêm ngày
Đây con sông như dòng lịch sử
Sáng ngời tên từ thuở Cha Ông
Đã bao phen đoàn quân cảm tử
Vùi đáy sông xác giặc tanh nồng
Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi con sông
Nước xanh biêng biếc chẳng thay dòng
Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ
Giặc đi đời giặc, sông càng trong
Có thể nào quên những đêm thâu
Thức với sao đêm, anh đánh tàu
Má đem cơm nóng ra công sự
Nghe tàu Mỹ rú, giục “ăn mau”
Có thể nào quên cô gái thơ
Bơi xuồng thoăn thoắt dưới trăng mờ
Đưa đoàn “Giải phóng” qua sông sớm
Bên sông, bót giặc đứng sờ sờ
Có thể nào quên những con người
Tóc còn xanh lắm, tuổi đôi mươi
Dám đổi thân mình lấy tàu giặc
Nụ cười khi chết hãy còn tươi
Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ
Từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm
Từng con người làm nên lịch sử
Và dòng sông trong mát quanh năm
Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ
Từng mái nhà nép dưới rặng dừa
Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ
Từng mối tình hò hẹn sớm trưa…
Ở tận sông Hồng, em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!

 

Lời bài hát

Ở tận sông Hồng em có biết
quê hương anh cũng có dòng sông
anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông

Ơ ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông
nước xanh biên biếc chẳng đổi thay dòng
đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mĩ xâm lăng
giặc đi đời giặc sông càng xanh trong

Ơ ơi Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông
có anh du kích dũng cảm kiên cường
lẫn ánh trăng vàng băng lửa đạn qua sông
diệt tan tàu giặc giữ gìn quê hương

Vàm Cỏ Đông đây Vàm Cỏ đông đây
ta quyết giữ từng mái xuồng tấm lưới cây dầm
từng con người làm nên lịch sử
và dòng sông trong mát quanh năm

Vàm Cỏ Đông đây, Vàm Cỏ Đông đây
ta quyết giữ từng mái nhà nép dưới rặng dừa
từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ
từng mối tình hò hẹn sớm trưa ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận