Nhân một chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi may mắn có dịp được hầu chuyện lão nhạc sỹ nên đã không bỏ lỡ một cơ may hiếm có để hỏi thêm ông về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm “Giải phóng quân” (hay còn gọi là “Đoàn Vệ quốc quân” – vangson) bất hủ này ..
_ Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, khi ấy tôi mới vừa tròn 21 tuổi bắt đầu tập tành sáng tác ca khúc – Lão nhạc sĩ mơ màng hồi tưởng lại, giọng Đà Nẵng nhỏ nhẹ như thầm thì
_ Còn nhớ, khi ấy nhà tôi ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. Hàng tuần liền, cứ chiều chiều tôi lại nhìn thấy những đoàn quân giải phóng chi viện cho miền Nam rầm rập hành quân trước nhà, khí thế lắm. Rồi những buổi lang thang ở ga Đà Nẵng, chứng kiến những toa tàu chở quân giải phóng về tập kết tại đây trước khi hành quân tiếp vào miền Nam, trong không khí hào hùng rực lửa ấy, trái tim tôi bỗng ngân lên những giai điệu và nốt nhạc đầu tiên của bài “Giải phóng quân” hình thành ngay trong đầu ..
_ Lẽ ra thì nhanh nhưng lúc ấy do không có đàn, thành ra tôi cứ lẩm nhẩm ca từ “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi…/ Ra đi ra đi …” theo nhịp hành khúc 2-4 sợ mình sẽ quên mất. Mãi tới ngày hôm sau, may mắn tôi mượn được cây đàn măngđôlin của một người bạn thế là ngồi vào bàn. Nhưng lúc này thì bắt đầu “ tắc tị”, thấy sao mà khó quá! – Lão nhạc sĩ nheo mắt cười rung mái đầu bạc trắng
_ Thú thật lúc ấy mình mới tập tành sáng tác ca khúc nên không dám cho ai biết. Thế là đóng chặt cửa phòng, lúc làm lời trước, “bí” quá lại quay sang đặt nhạc, rồi lẩm nhẩm hát một mình. Đến ba ngày sau thì hoàn thành.
Sau khi hoàn thành ca khúc Giải phóng quân, nhạc sỹ có nghĩ “đứa con tinh thần” của mình sẽ được nhiều người biết đến và trở nên nổi tiếng?
_ Mặc dù trước đó tôi đã có ca khúc “ Trầu cau” nhưng vẫn còn mang cái tư chất lãng mạn của anh tiểu tư sản. Vậy nên khi viết xong ca khúc “Giải phóng quân”, tôi chỉ dám đưa cho mấy người bạn hát cho vui. Thế rồi, chính nhờ Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa bài hát đến với công chúng
Lặng im một lúc thật lâu như lần giở ký ức, lão nhạc sỹ chậm rãi kể tiếp:
_ Tôi còn nhớ như in đó là một buổi tối cuối tháng 9/1945. Cả thành phố Đà Nẵng khi ấy bừng bừng hào khí mở đầu cho phong trào Nam bộ kháng chiến, và bản thân tôi lúc này cũng đã gia nhập Đội tuyên truyền xung phong Đà Nẵng. Tối hôm đó, buổi phát thanh của Phòng Thông tin tuyên truyền Thành phố Đà Nẵng giới thiệu tiếng hát của Nguyễn Văn Trọng với ca khúc .. “Giải phóng quân”. Không hiểu sao Trọng lại có ca khúc này? Một số người nhận ra đó là ca khúc của tôi nhưng do .. xấu hổ, tôi đành ngại ngùng nói dối “Giải phóng quân” là bài hát tôi chép vội của một người chiến sỹ giải phóng mới từ Bắc vào Nam chiến đấu, nhưng mọi người vẫn nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ
_ “Giải phóng quân” vừa phát trên Đài Phát thanh đã có nhiều người thuộc, nhiều người hát lại. Sự phổ biến của nó nhanh đến mức ngay bản thân tôi cũng quá đỗi bất ngờ. Cả ngàn, cả vạn người dân Đà Nẵng và các anh giải phóng quân Nam tiến đã say mê hát. Tôi còn nhớ khi ấy, cứ chiều đến, Phòng Thông tin tuyên truyền thành phố Đà Nẵng chờ đúng đoàn tàu hỏa từ Hà Nội vào, đã đến từng toa phổ biến bài hát này. Thời ấy, tôi và bạn bè, anh em đã phải thức thâu đêm chép lại bài hát rã tay hoa mắt, để phổ biến nhạc phẩm kịp thời cho đòi hỏi của đông đảo người mê nhạc và cả nhu cầu phục vụ cuộc kháng chiến
Giữa cuộc trò chuyện, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu cao hứng hát: “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi…”. Giọng của ông dường đã yếu lắm phần vì do tuổi tác, phần vì xúc động. Nhạc sỹ bồi hồi cho biết, ngày ấy những chàng trai tuổi 18-20 trên những đoàn tàu Nam tiến đánh Pháp – những anh lính giải phóng quân – rất say mê hát bài hát này. Tuy nhiên, ông cũng “bật mí” ca khúc “Giải phóng quân” sau này đã có sự thay đổi. Câu thứ hai:“ Lòng có mong chi đâu ngày trở về” trong ca khúc khi mới ra đời có nhiều ý kiến đề nghị tôi phải sửa lại vì nghe có vẻ “bi quan” quá! Thế là tôi đành phải sửa, thành: “ Là có sá chi đâu ngày trở về” rồi “Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về” cho hợp với tình cảnh (cười). Mãi tận 40 năm sau lời gốc “Lòng có mong chi đâu ngày trở về” mới được “trở về” vĩnh viễn với ca khúc…”
Nổi tiếng như vậy, chắc hẳn nhạc sỹ có rất nhiều kỷ niệm đối với ca khúc này?
_ Kỷ niệm với “Giải phóng quân” thì nhiều nhưng có một kỷ niệm tôi xin được kể ra đây vì có lẽ ít người biết được chính ca khúc này đã biến tôi trở thành .. tỷ phú! Đó là vào khoảng giữa năm 1946, ca khúc “Giải phóng quân” lần đầu tiên được xuất bản tại Huế đã đem lại cho tôi một khoản nhuận bút khổng lồ, tính ra tôi có thể sống dư dả 5-6 năm với khoản tiền ấy. Cầm bọc giấy bạc Cụ Hồ trong tay, ngỡ như trong mơ, tôi đem về đưa cho má. Thấy số tiền lớn quá, má tôi hoảng hồn la lên: “Đờn địch chơi bời cho vui, vậy mà cũng có tiền sao con? Nói thật nghen! Hay là ..”. Khi đã rõ ngọn ngành đầu đuôi câu chuyện, Má tôi cầm lấy bọc tiền rưng rưng khóc
Khi sáng tác ca khúc “Giải phóng quân”, nhạc sỹ muốn gửi gắm điều gì vào những ca từ đầy ý nghĩa? Nhạc sỹ có muốn nhắn nhủ điều gì với thế hệ trẻ hôm nay?
_ (Trầm ngâm) “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui ..”, đó chính là lời thề son sắt của những người lính giải phóng quân, cũng là lời thề đầu tiên của tôi khi đi theo cách mạng. Trong hơn 65 năm qua, tôi đã không lùi bước trước khó khăn gian khổ. Chẳng những riêng tôi, nhiều bạn bè khắp nơi cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của ca khúc để đi theo cách mạng và đã hiên ngang đứng lên, quyết không lùi bước trước quân thù và cái chết. Một câu hát ngân lên như một lời thề. Qua hơn 65 năm vẫn luôn thúc giục tôi và mọi người ngẩng cao đầu mà đi. Tin vào tương lai, nhất định Tổ quốc ta sẽ đàng hoàng hơn và to đẹp hơn!
Xin cám ơn nhạc sỹ về cuộc trò chuyện này !
Minh Linh (thực hiện)
Nguồn bài viết:
+ https://baotintuc.vn/ (Chuyện của tác giả ca khúc ‘Giải phóng quân’)
Lời bài hát
Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
nào có mong chi đâu ngày trở về
ra đi ra đi bảo tồn sông núi
ra đi ra đi thà chết chớ lui
Cờ bay phất phới ngời màu Lạc Hồng
kèn reo vang tiếng gọi dòng Lạc Hồng
cùng Vệ quốc quân
Ra đi ra đi theo hồn sông núi
thù bao năm xưa có bao giờ nguôi
dưới cờ oai nghiêm sao vàng bay
đoàn quân Việt Nam có hay
ngày xưa biết bao vị hùng anh
quyết vì non sông ra tay bao lần
ngày nay đoàn quân ta gắng làm sao
giành quyền tự do hạnh phúc cho dân
Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
dù có gian nguy nhưng lòng không nề
ra đi ra đi bảo tồn sông núi
ra đi ra đi thà chết chớ lui ..