Núi đôi – thơ: Vũ Cao, nhạc: Anh Bằng

Cập nhật lần cuối: 23/07/2021 14:02

Bài thơ Núi Đôi được nhà thơ Vũ Cao sáng tác dựa trên chuyện tình có thật giữa Trần Thị Bắc – một nữ du kích Việt Minh quê ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và anh bộ đội Trịnh Khanh cùng quê.

Chân dung Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Bắc
Chân dung Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Bắc (1932-1954)

Năm 1956, nhà thơ Vũ Cao có thời gian công tác ở sư đoàn 312, đóng quân tại huyện Sóc Sơn, bên cạnh núi Đôi. Khi sáng tác bài thơ, ông chưa từng gặp người lính trong câu chuyện, cũng không biết cô du kích ở núi Đôi đã kết hôn với người lính. Vì đám cưới của họ diễn ra ở vùng tự do, gia đình lại phải giấu kín vì chiến tranh.

Sau 20 năm kể từ khi bài thơ được viết, tác giả Vũ Cao mới gặp người chiến sĩ trong chuyện thơ của mình. Ông từng bộc bạch rằng không hiểu sao lại có sự đồng cảm với người lính Trịnh Khanh đến vậy.


Ngày đó, cô Bắc đi kháng chiến, được cử học lớp y tá ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội rồi quen anh bộ đội Trịnh Khanh. Tình yêu bùng cháy, họ ước hẹn sau khi chiến thắng trận Bắc Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) sẽ cưới nhau.

Trần Thị Bắc về quê được giao nhiệm vụ làm quân bưu và địch vận. Đêm 21 tháng 03 năm 1954, cô đưa đoàn cán bộ ra vùng tự do để chuẩn bị trận đánh lớn. Qua núi Đôi, đến ngòi Đầm Sen thì họ gặp phục kích. Cô hy sinh, đồng đội đưa cô lên chôn dưới chân gò Cầu Cồn mà nay thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn.

Hòa bình lập lại, anh Trịnh Khanh mới về được quê nhà. Ở chiến trường, anh đã nhận được hai bức thư. Một bức thư của vợ kèm theo một chiếc đồng hồ và một chiếc khăn len kỷ vật. Một bức thư khác là của gia đình báo tin vợ anh đã hi sinh.

Từ con rể, Trịnh Khanh trở thành anh cả trong gia đình người vợ đã mất. Chính mẹ cô Bắc là người đã mai mối và hỏi vợ cho anh. Mọi người tin rằng đó cũng là ước nguyện của hương hồn cô Bắc, cô vẫn mong anh thanh thản tâm hồn và gắn bó với gia đình mình ..


Đọc thêm: Chuyện giàn thiên lý – thơ: Yên Thao, nhạc: Anh Bằng


– Bài viết: Sự thật sau những tác phẩm để đời – Kỳ 4: Núi Đôi – sự thật đẹp như huyền thoại
– Tác giả: Vũ Tuấn
– Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ
– Xuất bản: 2019.10.17 11:57
– Đường dẫn: https://tuoitre.vn/
– Thời gian khai thác: 2021.07.19 12:12 VST


– Bài viết: Liệt sỹ, Anh hùng Trần Thị Bắc, nguyên mẫu trong bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao
– Tác giả: Ths. Phạm Kim Thanh
– Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
– Xuất bản: 2019.07.17 08:27
– Đường dẫn: http://baotanglichsu.vn/
– Thời gian khai thác: 2021.07.19 21:36 VST


– Bài viết: Vũ Cao
– Nguồn tin: Wikipedia
– Đường dẫn: https://vi.wikipedia.org/
– Thời gian khai thác: 2021.07.19 12:12 VST


Núi Đôi – Vũ Cao

Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi!

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngơ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau.

Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mấy bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng?

Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vành đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi.

Mới tới đầu ao, tin sét đánh
Giặt giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thửa
Em sống trung thành, chết thuỷ chung!

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ có con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo:
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong;
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?

Từ núi qua thôn, dường nghẽn lối
Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao, nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay

Cha mẹ đưa nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ:
Ta gắng: mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ.
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này!

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

1956


Núi Đôi – Anh Bằng

Bảy năm về trước em mười bảy
anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
đường mình đi gữa hai sườn núi
đôi ngọn nên thường gọi núi đôi

Rồi sang mùa bỗng quê lửa khói
ngơ chùa cháy đỏ những thân cau
anh đành lên đường đi chiến đấu
càng lắm gian khổ càng nhớ nhau

Núi đôi trong trót dựng kề ba xóm
đồn luỹ trông xa rợp bóng cờ
em thường đi về gần nơi ấy
nơi mình quen hẹn bến sông xưa

Rồi anh về phép thăm làng cũ
náo nức bao nhiêu ngày trở lại
nào ngờ tim cuối ôi buồn lắm
em đã yên nằm chân núi đôi

Nhìn lên triền dốc anh sầu nhớ
nỗi lòng khắc khoải tiếng chim đêm
ngỡ hồn em về trong sương tím
còn núi đôi mà anh mất em ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận