Đò dọc – Trầm Tử Thiêng

Cập nhật lần cuối: 16/12/2021 22:26

Nhạc phẩm Đò Dọc được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bình Nguyên Lộc.

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại


Tóm tắt

Ông bà Nam Thành có bốn cô con gái (Hương, Hồng, Hoa, Quá – bốn người bốn tính cách). Ông vốn là thầy giáo, dạy học ở Bạc Liêu. Do chiến tranh loạn lạc, gia đình ông đành phải di tản lên Sài Gòn kiếm sống. Tại đây không còn được làm thầy giáo, bất đắc dĩ ông phải trở thành chủ hiệu buôn, chuyên buôn bán vali da, túi xách ở phố me Tây (tiếng lóng chỉ những người phụ nữ Việt Nam có giao du thân mật với đàn ông Pháp hoặc có chồng Pháp). Khách hàng của họ phần đông cũng là dân Tây. Sau 1954, Tây thua trận về nước, chuyện buôn bán ngày càng ế ẩm, lại gặp lúc giao tranh giữa các giáo phái ..

Để giữ mạng sống cho cả nhà, ông Nam Thành quyết định rời bỏ Sài Gòn lui về một vùng quê (miệt Thủ Đức, Bình Dương) nhưng bấy giờ khá hẻo lánh, mua đất cất nhà, lập trang trại đặt tên Thái Huyên Trang. Đó là một quyết định khó khăn, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác, dù bốn cô con gái tuổi từ 22 đến 28 đều chưa chồng. Trước khi về quê, hai cô chị là Hương và Hồng coi như đã “lỡ hai chuyến đò tình” (vị hôn phu của Hương là Thái, có tư tưởng tiến bộ, mất tích một cách bí ẩn; và Nhân, người tình của Hồng, phản bội).

Tiểu thuyết Đò Dọc - Bình Nguyên Lộc
(Bìa) Tiểu thuyết Đò Dọc – Bình Nguyên Lộc

Ở quê, dù đã hết sức cố gắng nhưng họ vẫn không thể hòa nhập được với cuộc sống nông thôn do những khác biệt về nhận thức, thói quen, văn hóa .. Đó cũng là nỗi lo lớn nhất của ông bà Nam Thành vì khả năng cả bốn cô con cưng ế chồng là rất lớn. Chiều chiều, không bạn bè, không có gì để vui chơi giải trí, họ bắc ghế ra sân nhìn những chuyến xe qua lại trên quốc lộ, ví như đó là những chuyến đò dọc mà không biết đến bao giờ mới có chuyến ghé vào bến Thái Huyên Trang rước bốn cô đi.

Nhưng rồi may mắn cũng mỉm cười với họ: Một tai nạn xe cộ đã đưa anh chàng Long, họa sĩ, lọt vào Thái Huyên Trang. Thái Huyên Trang vốn yên bình bỗng bắt đầu huyên náo .. Như là một sự tất yếu, chính Long và ba cô em gái đã cùng “trôi trên con sông tình” với đầy đủ những cung bậc cảm xúc như hy vọng, thất vọng, giận hờn, ghen tuông ..

Cuối cùng, nhờ Long làm chiếc cầu nối, chuyến đò tình của ba cô em cũng cặp bến (Hồng với Long, Hoa với Đăng, Quá với Côn). Riêng người chị cả (Hương) ở lại lo cho cha mẹ. Như vậy là ông bà Nam Thành cũng đã thực hiện được cái ước mơ nhỏ nhoi mà hệ trọng – gả được chồng cho các cô con gái cưng ..


Ý nghĩa

Cái tựa Đò Dọc mang 2 ý nghĩa. Thứ nhất, những chuyến xe xuôi ngược trên quốc lộ được ví như những chuyến đò dọc không biết bao giờ mới dừng lại Thái Huyên Trang. Thứ hai, cuộc sống rày đây mai đó của người dân trong thời loạn lạc, lúc Bạc Liêu, lúc Sài Gòn, lúc Thái Huyên Trang .. cũng không khác nào những chuyến đò dọc của đời người, lênh đênh, vô định ..


Đọc thêm: Trầm Tử Thiêng & Những sáng tác để đời


– Bài viết: Đò dọc: Thú vị từ câu chuyện xưa
– Tác giả: Hồng Liên
– Nguồn tin: Tạp chí Thế Giới Điện Ảnh Online
– Xuất bản: 2015.01.11 17:11
– Đường dẫn: https://thegioidienanh.vn/
– Truy cập gần nhất: 2021.06.02 22:49 VST


Lời bài hát

Có một gia đình trung lưu trí thức
từ giã ngói vôi về với ruộng đồng
xa lánh guốc giày, làm quen đỉa vắt
tập sống khiêm nhường gạo ruộng nước sông

Lánh về nơi này, qua cơn khốn đốn
thì mấy đứa con lại khó chọn chồng
trai tráng quê mùa, làm sao mà biểu xứng
có bến đâu mà hẹn đục với trong

Hò lơ ho lờ
đò dọc lặng trôi
trôi trên con sông đời
đưa người lìa xa, xa bến thương mang theo bao vấn vương
đời vỗ mạn thuyền nên sóng xô tan cuộc bình yên

Có một anh chàng sinh viên sáng láng
chiều lỡ chiếc xe liệt máy dọc đường
xin tá túc nhờ một đêm đợi sáng
từ đó ba nàng tình một vấn vương

Vốn thuộc gia đình tu nhơn tích đức
dù giấy rách biên phải giữ lấy lề
tình dẫu cô nào tình mơ cũng xứng
thôi nếu không đào thì mận cũng duyên

Hò lơ ho lờ
đò dọc đò ngang
trôi trên con sông tình
sông tình ngược xuôi quen nhấp nhô trôi theo con sóng yêu
đò cắm bờ này thương bến kia thấy đời quạnh hiu

Mỗi ngày mỗi già song thân cũng yếu
mà mấy đứa em thì đã lấy chồng
mai mốt gia đình càng thêm quạnh vắng
trên dưới trong ngoài, đầu hạ cuối xuân

Nghĩ vậy nên lòng cô hai bối rối
rồi nữa lấy ai lo lắng việc nhà
cô hứa thôi thời mình nên ở giá
trung hiếu cho tròn tình mẹ nghĩa cha

Hò lơ ho lờ
đời là dòng sông
ta trôi như con đò
chống chèo dọc ngang nương kiếp trôi qua bao khúc nhồi
đò dẫu nặng nề trôi mấy trôi cũng về một nơi ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Phạm Thanh Hùng
Phạm Thanh Hùng
2 năm trước

Tác phẩm có nội dung hay tuyệt .Nhất là tên Đò Dọc .