Hạ trắng được Trịnh Công Sơn viết năm 1961, sau một cơn mơ lạ giữa cái nắng chói chang, bỏng rát của trưa hè xứ Huế. Đợt ấy, nhạc sĩ lên cơn sốt nặng. Nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ hầm hập ngoài trời ngang nhau. Giữa cơn sốt mê man, trong thoáng chốc ông cảm nhận cả thân thể bỗng dưng nhẹ bẫng, trôi bềnh bồng trong mùi thơm lan tỏa của hoa dạ lý hương.
Tỉnh dậy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, Trịnh Công Sơn mới hay mình vừa bước ra từ một cơn mơ kỳ lạ. Ngó sang thấy trên bàn có ai đó đã cắm sẵn một lọ hoa dạ lý hương, ông hiểu ra chính mùi hương dịu dàng, thơm ngát kia đã đưa ông vào cơn mê chếnh choáng.
Từ giấc mơ giữa trưa mùa hạ ấy, tứ thơ về giai nhân áo trắng bước đi trong chiều không mây bắt đầu nhen nhóm thành hình.
Một tuần sau khi hết bệnh, Trịnh Công Sơn đến thăm bố một người bạn đang hấp hối. Hỏi ra mới hay ông cụ chẳng mắc chứng bệnh nghiêm trọng nào ngoài “bệnh tương tư”. Hai ông bà đã bên nhau gần hết cuộc đời, ngày ngày nằm chung trên chiếc sập gụ. Sáng sáng, cụ bà dậy sớm đun nước pha trà cho chồng. Đến một ngày, bà cụ trúng gió, bất tỉnh rồi qua đời. Những người con hiểu lòng cha nên giấu chuyện, kín đáo lo liệu và chôn cất bà cụ. Khi không còn thấy vợ, cụ ông dần hiểu ra, đâm ngã bệnh và qua đời sau đó không lâu.
Câu chuyện cảm động của mối tình già ám ảnh Trịnh Công Sơn sâu sắc. Ông đã viết Hạ trắng trong cảm thức hư thực ngay mùa hè năm ấy.
Bài hát bắt đầu bằng những hình ảnh gọi về trong giấc mơ thơm mùi dạ lý hương và nỗi bâng khuâng của một người cả đời nằm mộng:
“Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy”.
Hình ảnh thiếu nữ mình hạc xương mai đã trở đi trở lại trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn. Với Hạ trắng, bờ vai gầy một lần nữa bước ra từ cõi mơ, gợi cảm hứng cho tác giả. Bóng người thiếu nữ, màu hoa trắng hư ảo và nắng vàng như rót mật đã xoá nhòa ranh giới giữa thực tại và trầm mê, đưa thi sĩ mộng du trong giai điệu buồn hiu hắt vọng về từ tiềm thức. Ở đó, nỗi ám ảnh về cái chết, về sự tan tác chia ly vẫn luôn bám riết trái tim kẻ si tình “ở trọ trần gian”.
“Bước chân em về nào anh có hay
Gọi em cho nắng chết trên sông dài”.
Không thể phủ nhận mối tình sống chết bên nhau của hai cụ già mà nhạc sĩ chứng kiến đã thôi thúc nên những lời ca da diết: “Đời xin có nhau, dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu/ Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Nhưng nếu ai nghe Trịnh nhiều sẽ hiểu, ám ảnh về cái chết chính là động lực nung nấu niềm khát khao sống, khát khao yêu từ tận sâu thẳm trái tim ông.
Có rất nhiều người tình đã đến và đi trong cuộc đời nhưng không vì thế mà Trịnh Công Sơn bớt cô đơn giữa trần gian. Càng cô đơn ông càng khao khát. Càng mộng mị ông càng vùng vẫy gọi: gọi nắng, gọi em, gọi đời… Hạ trắng là một bài thơ trùng điệp những lời mời gọi tuyệt vọng đến đứt hơi, cạn lời mà ông gửi lại nhân gian.
…
Hạ trắng có thể sẽ khiến ta ít nhiều liên tưởng đến những vần thơ đầy khắc khoải của Hàn Mặc Tử: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”. Hai thi sĩ đa tình có thể đã sống cả đời chênh vênh trên ranh giới giữa thực và mơ, giữa mộng tưởng và tuyệt vọng. Nhưng những gì họ để lại là các tác phẩm nghệ thuật mà mãi mãi về sau vẫn vẹn nguyên giá trị ..
Nguồn tư liệu:
+ https://giaitri.vnexpress.net/ (‘Hạ trắng’ – một thiên nằm mộng của Trịnh Công Sơn)
Lời bài hát
Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay
nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
lối em đi về trời không có mây
đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy
Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
cho tay em dài gầy thêm nắng mai
bước chân em về nào anh có hay
gọi tên cho nắng chết trên sông dài
Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới
tôi đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao
đời xin có nhau dài cho mãi sau
nắng không gọi sầu áo xưa dù nhàu
cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau
Gọi nắng cho tóc em cài loài hoa nắng rơi
nắng đưa em về miền cao gió bay
áo em bây giờ mờ xa nẻo mây
gọi tên em mãi suốt cơn mê này ..