Một trong những bí ẩn sự nghiệp của nhạc sĩ Giao Tiên là nhân vật cô Thắm. Người ta có thể tìm thấy rất nhiều tác phẩm của ông mang tiêu đề như: Cô Thắm về làng, Cô Thắm gặp tình nhân, Cô Thắm lên Saigon, Cô Thắm về Tam Quan, Cô Thắm theo chồng, Cô Thắm gặp lại cố nhân .. Thậm chí có vẻ như chưa đủ ý, ông còn viết thêm bài ‘Ước mơ em là cô Thắm’. Thật sự, cô Thắm đó là ai?
Trong những lần kể chuyện của mình, nhạc sĩ Giao Tiên thú thật rằng cô Thắm, một hình ảnh duyên dáng làng quê và gần gũi, là cách để ông diễn đạt sự thương yêu đối với vợ và các chị, những người phụ nữ đã nâng đỡ và chia sẻ với ông để có một Giao Tiên hôm nay. Đã có bạn hỏi đùa nhạc sĩ Giao Tiên rằng “nếu đã quá yêu vợ, sao không đặt cô Thắm là cô Xuân (Hương Xuân – tên của vợ nhạc sĩ Giao Tiên), chẳng hạn như cô Xuân về làng?”. Ông trả lời tỉnh queo: “Làm sao mà cô Thắm bằng cô Xuân được hè? ..”
* Rất nhiều người đã thắc mắc vì sao nhạc sĩ Giao Tiên lại đặt cho mình một bút danh rất mềm mại và thơ mộng, trái ngược hẳn với tên thật của ông là Dương Trung. Theo lời kể của ông thì do vốn mê văn chương, thi phú, say sưa với những Nhị Độ Mai, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm .. nên khi mê nhân vật Dương Giao Tiên trong Truyện Hoa Tiên, ông quyết định chọn cái tên Giao Tiên làm bút hiệu chính.
Nguồn tư liệu:
+ http://www.yeunhacvang.com/ (‘Cha đẻ’ của ‘Cô Thắm về làng’ – Nhạc sĩ Giao Tiên)
+ https://tuoitre.vn/ (‘Cô Thắm về làng tôi viết tặng người chị’)
+ https://tuoitre.vn/ (Ông Giao Tiên đưa cô Thắm về làng)
Cô Thắm Về Làng
Ô kìa ai như Cô Thắm
con bác Năm ở xa mới về
dáng người xinh sao xinh quá
trông ngẩn ngơ đám trai làng ta
mới ngày nào quay giây nhảy tiền
mới ngày nào tung tăng khắp miền
mà giờ đây Cô Thắm xinh như nàng tiên
Mặt hoa da phấn thêm mắt đa tình
mày cong môi thắm nhung gấm quanh mình
tay dù xoay chân giầy tây
nhìn cô tha thiết thướt như liễu buông mành
bà con cô bác ai nấy khen thầm
ước mong cô gái ngoan nhà mình
Ô kìa ai như Cô Thắm
trông dáng hoa gấm hoa trang đài
thế mà hôm nay Cô Thắm
không khác chi các cô làng ta
nón bài thơ nghiêng trong nắng tà
áo bà ba duyên quê ấy mà
cùng chị em chân dép cô đi chợ xa
Thì ra Cô Thắm đáng mến hơn người
vì cô ăn ở theo thuở theo thời
bao người thương bao chàng mê
làng trên xóm dưới nôn nức xa gần
bà con cô bác ai nấy khen thầm
ước chi ta có dâu là nàng ..
* Nhạc sĩ Giao Tiên mỉm cười: “Ai hát Cô Thắm Về Làng đều đoán mò rằng tác giả nằm trong “đám trai làng ta”, từng mê mẩn nét duyên dáng của cô Thắm nào đó. Tôi sáng tác “Cô Thắm về làng” bằng đàn guitar vào một đêm cuối năm 1974. Tôi mượn hình tượng “cô Thắm” nhằm ngợi ca sự nết na, thuỳ mị, đảm đang của người chị thứ chín tên Ngọc Mai – người đã tần tảo “một nắng hai sương” lo cho tôi ăn học thành tài. “Bác Năm” là bố tôi, ông cụ thứ Năm.
“Cô Thắm” vừa ra đời đã được NXB Ngọc Chánh đặt mua (họa sĩ Hàng Châu vẽ bìa, sau tái bản in hình ca sĩ Thanh Tuyền), trình bày “cô Thắm” đầu tiên là nữ ca sĩ Sơn Ca, ca sĩ Thái Châu hát trên đĩa nhựa ..
Cô Thắm Về Quê Hương
Mang nỗi buồn tha hương bao nhiêu năm bên kia đại dương
cô Thắm về quê hương nôn nao thăm xóm làng ruộng nương
ồ cô vẫn thích áo dài tung bay chiều nương
ồ cô vẫn chiếc nón bài thơ nghiêng dễ thương
Cô nói là Paris không như ai kia đang mộng mơ
cô bảo rằng Cali đâu như ai tưởng là vần thơ
tình quê còn đó tháng ngày nơi phương trời xa
tìm thăm lại chốn quê nhà yêu thương lòng ta
Cô Thắm về quê xưa
cô vui khi đang nhìn mưa tưới xanh vườn dưa
cô Thắm về quê xưa
cô nghe bâng khuâng vọng đưa ngựa ô điệu lý
Cây trái vườn xum xuê ao nương trong soi bóng dừa tre
cô Thắm còn mải mê thương sao thương mấy nhịp cầu tre
ồ cô vẫn có áo bà ba đen vải the
ồ cô vẫn guốc quai mềm đi trên bờ đê ..