Diệp Minh Tuyền là một nhà thơ nhưng hầu hết lại được biết như là một nhạc sĩ. Hầu hết các sáng tác của ông thuộc dòng nhạc đỏ, được biết tới nhiều hơn cả là bài Hát mãi khúc quân hành, Diệp Minh Tuyền còn là tác giả của ca khúc Tình cờ, một ca khúc trữ tình được giới trẻ yêu thích.
Ông sinh ngày 18 tháng 8 năm 1941 tại thành phố Mỹ Tho (lúc bấy giờ gọi là thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho), trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha ông từng là thủ lĩnh của Thanh niên tỉnh Mỹ Tho thời kháng chiến chống Pháp. Năm 6 tuổi, Diệp Minh Tuyền theo cha mẹ tản cư lên Sài Gòn.
Mê nhạc từ nhỏ, ngày bé ông được mẹ dạy chơi đàn mandoline. Năm 1950, Diệp Minh Tuyền theo mẹ vào chiến khu Đồng Tháp Mười và đã tham gia biểu diễn trong các cuộc văn nghệ của đơn vị mẹ ông. Từ thời kỳ đó, ông bắt đầu ảnh hưởng bởi những ca khúc kháng chiến của các nhạc sĩ như Văn Cao, Lưu Hữu Phước ..
Năm 1952, Diệp Minh Tuyền theo cha về Phân liên khu miền Tây ở rừng U Minh. Ông theo học tại trường tiểu học kháng chiến xã Biển Bạch và tham gia đội văn nghệ của nhà trường. Ông cũng tham gia phụ việc làm nhân viên ấn loát thuộc Phòng Chính trị Bộ tư lệnh miền Tây Nam bộ. Cũng ở đây, Diệp Minh Tuyền có được gặp gỡ nghệ sĩ Quốc Hương.
Nhà thơ – nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền
Năm 1954 Diệp Minh Tuyền tập kết ra Bắc. Ông học ở trường học sinh miền Nam và tham gia ban văn nghệ trường Học sinh miền Nam số 14, một ban văn nghệ khá nổi tiếng ở Hải Phòng. Thời gian này ông viết ca khúc đầu tay Em bé miền Nam, rồi tiếp theo đến Chiều Hạ Long.
Mặc dù dự định thi vào trường Âm nhạc Việt Nam, nhưng nghe lời của cha, năm 1961 ông thi vào Đại học Tổng hợp Văn. Ông tiếp tục chơi nhạc và làm thơ, năm 1962, bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên số Xuân của báo Phụ nữ. Từ 1965 đến 1968, ông về làm việc ở tổ lý luận phê bình Viện Văn học Việt Nam. Thơ của ông được nhiều người phổ nhạc như bài Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay (được Hoàng Hiệp phổ nhạc), Màu cờ tôi yêu (được Phạm Tuyên phổ nhạc) .. Ông đã xuất bản được sáu tập thơ.
Sau năm 1975, Diệp Minh Tuyền công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1978, ca khúc Tình biển của ông được nhiều người biết đến qua tiếng hát Nhã Phương. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ năm 1979, Diệp Minh Tuyền viết Bài ca tạm biệt, tiếp theo là Bài ca người lính, Nếu em là bờ xa, Bài ca thành phố ban chiều, Giã từ cành phượng vĩ .. Và đặc biệt là Hát mãi khúc quân hành được giải Nhất cuộc thi viết về lực lượng vũ trang năm 1984 ..
Khoảng cuối thập niên 1990, ca khúc Tình cờ của ông được giới trẻ yêu thích qua tiếng hát ca sĩ Phương Thanh.
Diệp Minh Tuyền từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sóng nhạc. Ông còn là hội viên Hội nhà Văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn được nhiều giải thưởng âm nhạc của thành phố Hồ Chí Minh và là tác giả nhiều bài phê bình âm nhạc, văn hoá.
Ông mất ngày 21 tháng 11 năm 1997 tại Thành phố Hồ Chí Minh do bị tai biến mạch máu não ..
Chuyện giờ mới kể về tác giả ca khúc nổi tiếng ‘Hát mãi khúc quân hành’
Mấy năm trước, khi tuyển chọn những ca khúc cho ngày Thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi mang tên “Trường lũy biển Đông”, tôi đã không một chút băn khoăn khi chọn “Bài ca người lính” – ca khúc nổi tiếng của nhà thơ – nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.
Lẽ ra, tôi còn muốn chọn thêm ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” cũng của anh nhưng rồi sợ các nhạc sĩ khác .. kiện, vì chọn những 2 bài hát của 1 tác giả trong chương trình chỉ có 6 hay 7 bài hát, nên đành thôi. Thôi mà vẫn thầm tiếc, vì cả 2 bài hát về người lính của Diệp Minh Tuyền đều quá hay.
“Ca bài ca người lính”
Cố nhà thơ Diệp Minh Tuyền là một người vui tính, năng động và có vẻ nổi tiếng trong lĩnh vực .. âm nhạc hơn cả trong thơ ca, dù anh là nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi quen Diệp Minh Tuyền từ những ngày trong chiến khu R, nhất là khi anh biên tập một bài thơ của tôi đưa vào tạp chí “Văn nghệ giải phóng”.
Cuốn tạp chí có bài thơ chưa kịp phát hành thì chính bài thơ của tôi đã làm khổ số tạp chí ấy: Nó bị một vị cấp “côi” phát hiện là “có vấn đề” và bị bóc ngay trong xưởng in. Báo hại nhà thơ Diệp Minh Tuyền – người biên tập chính của phần thơ số tạp chí ấy – phải bị năm lần bảy lượt kiểm điểm, giải trình.
Cũng vì cái “nạn” ấy mà chúng tôi trở nên quen biết sâu với nhau. Tết năm 1974, Diệp Minh Tuyền cùng vài người bạn bên Tiểu ban Văn nghệ (B2) đạp xe nửa ngày đường sang “cứ” Binh vận của tôi và ăn Tết với tôi. Đó là cái Tết thật vui. Từ trước đó, Diệp Minh Tuyền đã có thơ in nhiều ở các báo miền Bắc và có thơ phổ nhạc (Lưu Hữu Phước phổ nhạc).
Anh Tuyền cũng có cả ca khúc do chính anh sáng tác và đã phát nhiều lần trên sóng Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam. Những nhà thơ kiêm nhạc sĩ như thế ở nước ta không có nhiều và điều lạ là tuy “đăng ký thương hiệu” là nhà thơ nhưng những ca khúc của họ lại rất phổ biến và được người nghe hâm mộ.
Sau giải phóng, người ta hay nói ở Việt Nam có 5 nhà thơ – nhạc sĩ, trong đó Diệp Minh Tuyền là 1 (4 người kia là Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha) và họ đều là những nhà thơ danh giá có những ca khúc nổi tiếng, thậm chí nổi tiếng hơn cả thơ của họ.
Có lẽ do đặc trưng dễ lan truyền dễ phổ biến của âm nhạc so với thơ, chứ cả 5 nhà thơ ấy đều có những bài thơ vượt thời gian. Tôi còn nhớ, hồi đại hội Hội Nhà văn 4, năm 1989, Diệp Minh Tuyền thuộc phái “cấp tiến” và phát biểu rất hăng hái trên diễn đàn đại hội. Sau đó, một số nhà thơ chúng tôi, trong đó có anh, được mời vào đọc thơ ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, là nơi mà anh và tôi đã từng theo học. Khi tới lượt Diệp Minh Tuyền đọc thơ, anh xin phép được .. hát.
Anh đã hát rất sôi nổi bài “Đời mình là một khúc quân hành/Đời mình là bài ca chiến đấu…” do chính anh sáng tác. Có lẽ đó là một trong những lần đầu tiên bài Hát mãi khúc quân hành được chính tác giả của nó hát phục vụ người nghe là thanh niên, sinh viên.
Bài hát hào hùng và xúc động ấy đã được cử tọa vỗ tay hoan hô nhiệt liệt và sau đó đã trở thành bài hát gần như chính thức trong thanh niên và quân đội. Cho tới bây giờ, mỗi khi những vùng biên giới, biển đảo Tổ quốc ta đứng trước những nguy cơ bị xâm lấn, cứ nghe lời hát “Đời mình là một khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền là thế hệ những cựu binh như chúng tôi lại rạo rực rưng rưng lên như những ngày xưa ra trận.
Mà đâu chỉ thế hệ chúng tôi, các bạn trẻ bây giờ, ai đó nói họ không để ý gì tới chính sự, tới nguy cơ tồn vong của đất nước nhưng tôi lên YouTube nghe nhạc thì thấy những bài hát như của Diệp Minh Tuyền đã được rất nhiều bạn trẻ nghe và họ thường có những comment khiến tôi cũng phải .. nổi da gà vì xúc động!
“Người hát rong” của cuộc chiến tranh giải phóng
Đi vào chiến trường miền Nam từ khá sớm, ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và được về công tác tại Viện Văn học, Diệp Minh Tuyền thuộc số những trí thức trẻ yêu nước đã là niềm tự hào của nhiều thế hệ sinh viên trường tổng hợp chúng tôi.
Là con trai một nhà giáo, một cán bộ cách mạng lão thành – ông Diệp Tư – lại có thành tích học tập tốt, nếu bình thường thì Diệp Minh Tuyền đã là nhà nghiên cứu văn học nhưng anh đã dứt khoát xung phong đi chiến trường. Rồi anh trở thành một nhà thơ – nhạc sĩ, một “người hát rong” của cuộc chiến tranh giải phóng.
Đó là cách lựa chọn phổ biến của thế hệ thanh niên ngày đó, một cách lựa chọn có thể làm ngỡ ngàng nhiều người đang sống bây giờ. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy thì đó là cách lựa chọn bình thường và hợp lẽ nhất – cách lựa chọn của những người sống vì lý tưởng yêu nước. Chính vì thế mà ca khúc “Hát mãi khúc quân hành”, cũng như ca khúc “Bài ca người lính” của Diệp Minh Tuyền đã thành những ca khúc vượt thời gian mà mỗi thế hệ, dù không cầm súng, vẫn có thể say sưa hát.
Tôi tin chắc rằng dù mai sau có bao nhiêu bài hát sẽ rơi vào quên lãng thì 2 bài hát của Diệp Minh Tuyền “Hát mãi khúc quân hành” và “Bài ca người lính” vẫn sẽ được hát vang bởi nhiều thế hệ. Nhất là mỗi khi đất nước phải đối mặt với nguy cơ ngoại xâm. Mới đây, tôi rất vui khi nghe tin TpHCM đã quyết định đặt tên Diệp Minh Tuyền một đường phố.
Dù anh mất đã lâu (1941-1997) nhưng đây là sự khẳng định của thành phố mang tên Bác Hồ về sự đóng góp cho văn học nghệ thuật của một người kháng chiến cũ: nhà thơ – nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền ..
Theo Thanh Thảo (Người Lao động)
Nguồn tư liệu:
+ https://vi.wikipedia.org/ (Diệp Minh Tuyền – Wikipedia)
+ http://danviet.vn/ (Chuyện giờ mới kể về tác giả ca khúc nổi tiếng ‘Hát mãi khúc quân hành’)
Hát mãi khúc quân hành
Đời mình là một khúc quân hành
đời mình là bài ca chiến sĩ
ta ca vang triền miên qua tháng ngày
lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa
Mãi trong lòng chúng ta
ca bài ca người lính
mãi trong lòng chúng ta
vẫn hát khúc quân hành ca
Dù rằng đời ta thích hoa hồng
kẻ thù buộc ta ôm cây súng
ta yêu sao làng quê non nước mình
tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca ..
Bài ca người lính
Đường dài hành quân xa, đi khắp non sông nhà
ngày ngày quàng trên vai ba lô và cây súng
chân băng qua gió mưa, đầu đội trời sao thưa
thân băng qua thép gai vượt làn đạn mưa bay
ôi tim ta bốc cao lửa thiêng anh hùng
Bao yêu thương thiết tha, gửi lại người phương xa
ta đi trong tiếng ca, ngàn đời còn ngân nga
ôi ta kiêu hãnh sao bước trên đường xa
Một thời đầy gian lao, chân bước trong chiến hào
nhìn đồng đội yêu sao, chia nhau từng giây sống.
ta chia nhau hiểm nguy, đường dài dìu nhau đi
ta chia nhau chiến công và nhường mềm đêm đông
ta đi qua chiến tranh vẫn tươi nụ cười
Xa em bao tháng năm, mà lòng chẳng xa xăm
trong đêm sao biếc xanh, nhìn bầu trời long lanh
sao như đôi mắt em vẫn đang nhìn anh
Rừng già mờ hơi sương, ôm súng gác bên đường
lòng nặng tình quê hương, đêm mơ về thành phố
ta xa trang sách xưa, làm bạn rừng cây thưa
ta xa bao phố trưa dầm mình vào đêm mưa
ta hi sinh máu xương giữ yên phố phường
Ơi em nơi phố xa, giờ này vào ca ba
ta yêu trong cách xa, tình ngọt ngào hơn hoa
em ơi kiêu hãnh sao thủy chung lòng ta ..