Bâng khuâng chiều nội trú – thơ: Hoài Mỹ, nhạc: Nguyễn Trung Cang

Cập nhật lần cuối: 01/05/2020 18:39

Câu chuyện bắt đầu từ hai bài thơ được một cô nữ sinh Trường Tư pháp Tp.HCM (nay là Đại học Luật Tp.HCM) viết trong một buổi chiều mưa tầm tã năm 1981. Bạn trai của cô gái ấy là bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Mối quan hệ “bắc cầu” đã dẫn đến sự ra đời của bài hát Bâng Khuâng Chiều Nội Trú. Bài hát được phổ biến ở hải ngoại từ trước rồi mới “dội” lại trong nước nên nhiều người vẫn tưởng đây là một ca khúc ra đời trước năm 1975 ở miền Nam chứ không biết rằng nó ra đời vào năm 1981.

– – –

Người đã viết ra hai bài thơ “Bâng Khuâng Chiều Nội Trú”“Mưa” là chị Hoài Mỹ, một “thi sĩ nghiệp dư” như cách gọi đùa của bạn bè chị. Nhiều năm trôi qua từ ngày bài thơ và bài hát ra đời, chị gần như quên bẵng câu chuyện chiều mưa ký túc xá ấy.

Đến một ngày, khi đó Hoài Mỹ đang làm việc ở Long Xuyên (An Giang), chị nghe được bài hát này trong quán cà phê, qua giọng hát Tuấn Ngọc và chị mới nhớ lại là sau khi 2 bài thơ ra đời, anh Phương Thái (khi đó là người yêu, sau này là ông xã của chị) đã đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang xem, và nhạc sĩ đã thích thú phổ thành nhạc.

Hoài Mỹ còn nhớ là chị đã được xem bản thảo gốc với chính nét bút của Nguyễn Trung Cang. Nhưng ở thời điểm ấy, những bài như “Bâng Khuâng Chiều Nội Trú” không thể có chỗ trên sân khấu ca nhạc do tính (dễ bị quy là) tiểu tư sản của nó. Dù rằng, lời thơ ban đầu khác khá xa với bài hát sau này.

– – –

Lời thơ (trích theo trí nhớ của chị Hoài Mỹ)

Bâng Khuâng Chiều Nội Trú

Chiều nội trú bâng khuâng
Trong đôi mắt anh học viên tư pháp
Tôi bắt gặp cái nhìn
Dù tôi đi gần
Dù tôi đi xa
Cái nhìn ấy suốt đời tôi nhớ
Ôi! Cái nhìn thân thuộc quá
Một cái nhìn làm tôi lớn khôn lên

*     *     *

Mưa

Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa tí tách giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao em buồn lại nhớ thương anh

Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa quấn quýt thì thầm trên ngói
Anh có nghe mưa tưởng chăng lời em nói
Rất nồng nàn tha thiết yêu anh

Như tiếng hát anh xưa
Tiếng hát êm đềm
Như mưa hôm nay
Mưa âm thầm gợi nhớ
Như em yêu anh em buồn vô cớ
Như anh rất gần mà anh rất xa ..

– – –

Chị Hoài Mỹ cũng tiết lộ là bài thơ “Bâng Khuâng Chiều Nội Trú” có một nhân vật chính khác ngoài chị. Đó là một anh bạn cùng trường, học trước chị một khóa. Một chiều mưa đến chơi phòng chị trong khu nội trú. Và ánh mắt của anh, cái nhìn của “anh học viên tư pháp” cùng cơn mưa rả rích bên ngoài đã khiến chị tức cảnh sinh .. thơ.

(Anh bạn đó tên là Chánh, giờ đang công tác tại Tòa dân sự Tòa án Nhân dân Tp.HCM, còn chị Hoài Mỹ giờ không làm trong ngành tư pháp nữa)

Còn bài “Mưa” là một trạng thái cảm xúc khác, một bài thơ dành cho người yêu.

Mỗi lần nghe bài hát này, chị thấy nhớ lại một thời đi học, nhớ lại tình bạn giữa chị và anh Thái với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Chị cũng không quan tâm lắm đến chuyện tên mình có được gắn với bài hát hay không. Đó là một kỷ niệm đẹp với thời đi học, với những người bạn, với anh Nguyễn Trung Cang. Và bài hát này, giúp chị gìn giữ được những kỷ niệm ấy ..

 

Nguồn tư liệu:
+ http://www.dongnhacxua.com/ (Bâng khuâng chiều nội trú: 30 năm từ thơ đến nhạc)

 

Lời bài hát

Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm

Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
nghe sao chới với có thế quên người
mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng

Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
mưa quấn quít giọt dài giọt vắn
mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
sao ta buồn lại nhớ thương nhau

Mưa tình đầu nghe rất mong manh
mưa tí tách thì thầm trên ngói
em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói
rất nồng nàn ngọt tiếng: Yêu em ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận