Nhạc sĩ Cao Văn Lý, tên thật là Phạm Lý, sinh năm 1936 ở Đồng Tháp. Ba mất năm ông lên 5, có sẵn máu mê văn nghệ, lại được bạn bè của ba cưu mang đưa vào các đoàn văn công nên năm 16, 17 tuổi, ông ra Bắc học Trường Âm nhạc Việt Nam. Chỉ trong vòng một năm, ông được chọn sang Liên Xô học lý luận âm nhạc, chỉ huy dàn nhạc.
Gần mười năm sau ông trở về nước, học thêm sáng tác và trở thành một trong những giảng viên đầu tiên của Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh.
Ông kể: “Trong thời gian ở miền Bắc, tình cờ được nghe nghệ sĩ Kim Nhụy cất giọng ngân nga điệu hò, tôi mới ngớ người ra bởi không ngờ ở quê hương Đồng Tháp mình lại có một điệu hò độc đáo như vậy. Cái cảm giác vừa ngỡ ngàng vừa xúc động ấy như đã in sâu vào trong tâm hồn tôi mãi cho tới bây giờ ..”
– – –
( Hò Đồng Tháp ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX và phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XX. Nổi tiếng nhờ sự biểu cảm và lôi cuốn ở âm điệu buông lơi, khoan nhặt, trầm bổng và đặc biệt thể hiện một cách sâu lắng tâm tư tình cảm của con người. Từ những năm 50 của thế kỷ XX, do những biến động về lịch sử xã hội, điệu hò này dần bị mai một .. )
– – –
Im lặng một hồi như để nhớ lại, nhạc sĩ kể tiếp: “Cũng một lần tình cờ, trong buổi họp mặt đồng hương Đồng Tháp tại Tp. Hồ Chí Minh, chuyện về hò Đồng Tháp vô tình được khơi lại. Lúc đó ký ức khi nghe nghệ sĩ Kim Nhụy ngân nga điệu hò Đồng Tháp ngày nào ở Thủ đô Hà Nội trong tôi như bừng dậy .. Tôi bắt đầu quan tâm, lại được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp ủng hộ .. thế là dự án ‘Sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp’ ra đời và được triển khai thực hiện ..”
Ròng rã hơn ba năm trời, vợ chồng ông lặn lội đến tận từng xóm, ấp khắp 12 huyện thị của tỉnh Đồng Tháp; trần mình khắp vùng bưng biền, về lại vùng căn cứ kháng chiến, tìm đến các nghệ nhân để ghi chép lại tất cả những thông tin liên quan. Cuối cùng, điệu hò Đồng Tháp đã được phục dựng như ngày hôm nay với những: “Lý trăng soi”, “Lý đêm trăng”, “Lý bông trang”, “Lý tư phùng”, “Lý qua cầu” .. nổi tiếng nhất hiện nay là điệu “Lý Mỹ Hưng” – được cố nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời mới với tên gọi “Trách ai vô tình”.
– – –
“Lý Qua Cầu” là một trong những bài lý đầu tiên ông sáng tác. Trước ngày tập kết ra Bắc, ông bị bệnh và có cô gái ngày ngày âm thầm chăm sóc, khi đem trái chuối luộc, lúc ly nước mía, lúc là gói xôi. Ông bảo lúc đó còn nhỏ nên không nghĩ đến chuyện yêu đương.
Sau ngày giải phóng, ông quay lại tỉnh nhà, cũng đã hơn 20 năm, tình cờ gặp lại người quen cho biết cô gái ấy vẫn chờ đợi, trông tin. Quá bất ngờ và xúc động, ông đã “lén” đi tìm cô gái (vì lúc này ông đã có gia đình), chỉ mong muốn được gặp để cảm ơn tấm chân tình. Nhưng tìm mãi không được.
Một lần, bất chợt thấy dáng một phụ nữ bước qua cầu như dáng người xưa, ông buồn bã ghi lại tâm sự trong nhật ký rồi cảm tác viết một bài ngắn, mang tên “Khi Bóng Em Qua Cầu”. Lời ca đầy nỗi nhớ thương: Dòng kinh in bóng em qua cầu / Dịu dàng trong dáng ai ngày xưa ấy nay về đâu ..
Không ngờ khi bài hát được phát trên đài phát thanh, ba tháng sau ông nghe người dân miền Tây hát rân bài này. Họ còn đặt lời mới cho bài hát và gọi ngắn gọn là “Lý Qua Cầu”: Trời bình minh chim về đây líu lo trên cành / Như mỗi ngày dòng sông với con đò mỏng manh, cô lái tuổi còn xanh ..
Nguồn tư liệu:
+ http://www.sggp.org.vn/ (Tìm lại điệu hò Đồng Tháp)
+ http://www.nhandan.com.vn/ (Mượt mà điệu hò Đồng Tháp)
+ https://tuoitre.vn/ (Người sáng tác .. dân ca)
+ https://nld.com.vn/ (Điều ít biết về tác giả “Trách ai vô tình”)
Lời bài hát
Trời bình minh chim về đây líu lo trên cành
như mỗi ngày dòng sông với con đò mỏng manh
cô lái tuổi còn xanh
Lòng buồn mênh mông gửi hồn theo nước trôi xuôi dòng
một mình bơ vơ giữa mây trời lạnh lùng thương nhớ
lữ khách buồn với dòng sông
cô lái đò giờ đã theo chồng
Còn tìm đâu theo thời gian nước trôi qua cầu
nỗi u sầu đành ôm với kỷ niệm yêu dấu
nghe xót xa lòng đau
Chập chờn quanh đây hương tình xưa chết theo tháng ngày
nợ tình tôi vay trả cho ai tìm hoài không thấy
cô lái đò ơi hiểu cho
khách qua đò còn đứng thẫn thờ ..