Mừng tuổi mẹ – Trần Long Ẩn

Cập nhật lần cuối: 27/10/2021 00:24

Vangson.info xin gửi đến quý độc giả bài phỏng vấn nhạc sĩ Trần Long Ẩn và nhạc phẩm “Mừng Tuổi Mẹ”, do Khoa Thanh, phóng viên Báo Bình Định thực hiện (năm 2008).

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại


PV: Từ trước đến nay, mọi người chỉ biết Trần Long Ẩn là một nhạc sĩ “phong trào”, ít ai biết còn một Trần Long Ẩn khác?

– Như anh đã biết, thời điểm tôi học Đại học Văn khoa Sài Gòn (1960 – 1966) cũng là giai đoạn sinh viên, học sinh miền Nam sục sôi xuống đường đấu tranh và tôi cũng không là một ngoại lệ. Do khi đó, không có nhiều bài hát cho phong trào, nên anh em phải tự sáng tác bài hát mỗi khi xuống đường. Bằng vốn liếng âm nhạc của một anh sinh viên văn khoa, tôi lao vào sáng tác. May mắn là các bài hát của tôi được sinh viên mười bảy trường đại học ở Sài Gòn hát khi xuống đường đấu tranh. May mắn ấy trở thành nguồn động viên, thành mảnh đất tốt nhất để bài hát của tôi ra đời. Và cứ thế, anh em phong trào đã ví tôi là “nhạc sĩ… sinh viên xuống đường”. Qua năm tháng, từ một nhạc sĩ “phong trào”, tôi được đi tu nghiệp âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

PV: Từ những sáng tác phong trào hừng hực chất lửa đấu tranh trước năm 1975 chuyển sang những sáng tác sâu lắng như “Mừng tuổi mẹ”, “Người mẹ Bàn Cờ”… sau này, với anh, phải chăng đã có một sự chuyển hướng?

– Tôi sinh trưởng ở Bình Định, nên trong tôi, lũy tre, bờ ruộng, thửa rau đã quen thuộc từ nhỏ. Mấy mươi năm xa quê hương, xa gia đình, nhưng mỗi khi có dịp là tình cảm ấy trong tôi lại “bùng” lên mãnh liệt. Tôi nhớ về cha mẹ, quê hương, về hình ảnh làng quê với đàn gà, thửa rau… Những nỗi niềm ấy đã tinh quyện vào các tác phẩm của tôi sau này, làm nên độ sâu lắng cho ca khúc.

PV: Và bài hát “Mừng Tuổi Mẹ” của anh được sáng tác trong một dịp như vậy?

– Bài hát “Mừng Tuổi Mẹ” là cả một quá trình tích lũy cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ lâu dài của tôi về Mẹ. Viết về người mẹ thì có rất nhiều nhạc sĩ thành công, kể cả trong nước và ngoài nước, nhưng đề tài về mẹ vẫn luôn là nguồn cảm xúc, cảm hứng vô tận của người sáng tác. Nhưng khi viết, tôi lại chọn một góc cạnh khác về người mẹ. Chẳng là, ở quê tôi, mỗi lần Tết đến, mọi người mừng tuổi cha mẹ. Nhưng vì ở xa, tôi không thể mừng tuổi cha mẹ tôi được. Và năm tháng chồng chất, sự chia xa trong mẹ với tôi ngày một gần hơn. Vì thế, tôi bắt đầu viết: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi…”. Trước một sự thật không theo ý muốn của con người như vậy, tôi phải dựa vào niềm tin, rằng mẹ còn trẻ trung như khi tôi còn nhỏ… Cứ thế, bài hát ra đời. Đây chính là một món quà tặng mẹ tôi mỗi khi xuân sang.

PV: Khi sáng tác bài hát này, anh có nghĩ rằng ngày sau, vào mỗi mùa Vu Lan, có bao người con đã mượn ca từ của bài hát để nói lên tình yêu đối với mẹ?

– Bài hát ra đời cách đây bảy năm, thật sự lúc đó tôi chỉ nghĩ đến mẹ tôi. Tôi mong mẹ sẽ được nghe bài hát, nên sáng tác xong, tôi thu băng rồi gửi về tặng mẹ và bà đã kịp nghe trước khi qua đời… Sau này tôi nhận được nhiều cú điện thoại, thư của mọi người ở khắp đất nước. Họ đã khóc khi gọi điện và viết thư cho tôi, họ nói rằng: “Rất cảm ơn anh. Nhờ bài hát của anh mà tôi ý thức hơn về trách nhiệm với cha mẹ mình”. Vâng, khi đó, tôi mới biết bài hát của mình đã được nhiều người đón nhận.

PV: Như vậy, anh đã vừa ý với bài hát của mình?

– Âm nhạc không có khả năng diễn đạt những cái cụ thể, chỉ tạo ra hình tượng chung thôi. Nên khi tôi dùng hình ảnh: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng…” thì nhiều nhà phê bình cho rằng hình tượng chưa cao, chưa… hình tượng lắm, sao không chọn “trái chín cây” hoặc “mít chín cây”, cho hợp với miền Nam hơn. Nhưng thật sự, mọi người chưa hiểu hết ý tôi. Tôi chọn chuối chín cây để so sánh, vì mẹ tôi là một người miền Trung, suốt một đời tần tảo, chưa bao giờ thoát ra khỏi lũy tre làng, quanh năm chỉ biết đàn gà, thửa rau quanh mình. Chính vì vậy, chủ ý của tôi là lời ca phải mộc mạc, chân chất như một người mẹ quê.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện.

Đọc thêm: Xin làm người hát rong – Trần Long Ẩn


– Bài viết: Gặp tác giả ca khúc “Mừng tuổi mẹ”
– Tác giả: Khoa Thanh
– Nguồn tin: Báo Bình Định
– Xuất bản: 2008.08.14 08:29
– Truy cập gần nhất: 2021.06.17 22:31 VST
– Đường dẫn: http://www.baobinhdinh.com.vn/


Lời bài hát

Mỗi mùa xuân sang
Mẹ tôi già thêm một tuổi
mỗi mùa xuân sang
ngày tôi xa Mẹ càng gần

Rồi mùa xuân ấy
tóc trắng Mẹ bay
như gió như mây bay qua đời con
như gió như mây bay qua thời gian
ôi Mẹ của tôi

Mẹ già như chuối chín cây
gió lay Mẹ rụng con phải mồ côi
gió lay Mẹ rụng con phải mồ côi

Mồ côi tội lắm ai ơi
đói cơm khát nước biết người nào lo
đói cơm khát nước biết người nào lo

Mỗi mùa xuân sang
mẹ tôi già thêm một tuổi
Mỗi mùa xuân sang
ngày tôi xa Mẹ càng gần

Dù biết như thế
tôi vẫn phải tin
tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ
mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới
mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận