Theo tài liệu của chùa Đại Giác, chùa được lập từ năm 1412, ban đầu là một cái am nhỏ thờ Phật, do nhà sư Thành Đẳng (1686 – 1769) khẩn hoang và dựng lên, sau dần dần, dân cư đến sinh sống đông đúc đã hình thành một ngôi chùa lớn. Đến nay, chùa Đại Giác vẫn được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Nam.
Khi nhà Tây Sơn thắng thế, Nguyễn Ánh cùng người con gái thứ 3 là Nguyễn Phúc Ngọc Anh (tức công chúa Bảo Lộc) trên đường trốn chạy đã từng ghé qua ngôi chùa này và được nhà chùa cưu mang. Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, chùa Đại Giác còn chứng kiến một câu chuyện tình đẹp đã trở thành giai thoại đất Đồng Nai.
Chùa Đại Giác hiện tọa lạc trên đường Đỗ Văn Thi, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (Tp. Biên Hòa, Đồng Nai).
Năm 1990, chùa được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Kiến trúc – Nghệ thuật cấp quốc gia
Chùa Đại Giác thuộc thôn Bình Hoàng, xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên (nay thuộc ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai). Theo lời kể của các bậc tiền nhân để lại cho con cháu, năm 1801, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh trên đường chạy trốn đã từng dừng chân tại chùa Đại Giác. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long và chọn kinh đô ở Huế. Nhớ ơn đức năm xưa nhà chùa có công cưu mang người của hoàng tộc nên vua Gia Long lệnh trùng tu chùa. Quan quân cho binh thợ xây cất, đem đàn voi chiến chở đất đá, cây gỗ đến và cho chân đàn voi ngày đêm giặm nền chùa cho bằng phẳng và chắc chắn nên sau này người dân gọi là chùa Tượng (Voi).
Ngoài ra, vua Gia Long còn dâng cúng một pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít cao gần 2,5 m thờ trong chánh điện nên dân gian lại gọi chùa bằng cái tên là chùa Phật Lớn. Do chùa Đại Giác nằm phía trước ngôi chùa cổ khác tên chùa Chúc Thọ (do ông Thủ Huồng xây) nên người xưa còn gọi tên chùa là chùa Trước, còn chùa Chúc Thọ là chùa Sau.
Pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít cao gần 2,5 m thờ trong chánh điện
Tháng 10 năm 1820, vua Minh Mạng lại tiếp tục cho tu sửa chùa Đại Giác. Năm 1952, Biên Hòa xảy ra trận lụt “Nhâm Thìn” lớn, chùa Đại Giác bị ngập nặng hư hại nghiêm trọng. Mãi đến năm 1959, được sự đóng góp của nhân dân trong vùng, trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Thiện Hỷ (1921 – 1979), đã cho xây cất lại toàn bộ ngôi chùa bằng tường gạch, cột bê tông cốt thép, xây lầu chuông, lầu trống.
Chùa Đại Giác sau khi trùng tu lớn, mặt tiền hướng nhìn ra sông Đồng Nai, có diện tích rộng khoảng 1.000 m2, cất theo lối chữ tam với ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Tuy nhìn bên ngoài, chùa xây lối kiến trúc hiện đại nhưng bên trong vẫn còn theo kiểu mẫu của chùa xưa. Các câu đối, bức hoành phi chữ Hán vẫn còn được gìn giữ cẩn thận suốt trăm năm.
Trong bầu đoàn thê tử của Nguyễn Ánh có công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh là người sắc nước hương trời. Công chúa Ngọc Anh là vị công chúa thứ ba của Nguyễn Ánh, khi chạy trốn cùng với vua cha tuổi đời còn nhỏ, nhưng lại là người uyên thâm về Phật học, từ bé đã chăm chỉ đi chùa chiền, lễ tạ, chịu khó ăn chay trường và tụng kinh niệm Phật.
Khi dừng lại ở chùa Đại Giác, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã xin với Nguyễn Ánh cho được ở lại chùa Đại Giác, xuất gia và ẩn mình nơi cửa Phật vì không muốn bị cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông đã gửi chiếu thư triệu hồi công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh về kinh thành. Không thể cãi lệnh vua cha, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh lên đường về kinh mà lòng vẫn còn lưu luyến cuộc sống thanh bạch, không vướng bụi trần chốn cửa Phật.
Khuôn viên chùa Đại Giác
Trải qua nhiều thăng trầm, chứng kiến nhiều cảnh loạn ly, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã nguyện sẽ không lấy chồng mà thành tâm ăn chay trường niệm Phật tại phủ của mình, cầu sự thái bình, thịnh trị cho triều đại nhà Nguyễn.
Nhưng phận đời khó tránh, công chúa Ngọc Anh cuối cùng cũng không thoát khỏi chữ “tình”. Thuở đó đất phương Nam có một vị Thiền sư nổi tiếng là Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành.
Theo sách Thiền sư Việt Nam (Hòa thượng Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáo TP HCM xuất bản, 1991) viết: Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt (không rõ năm sinh) có kiến thức Phật học uyên bác, ông được vua Gia Long triệu từ chùa Từ Ân (Gia Định) ra Huế phong quốc sư để giảng kinh cho hoàng tộc. Sau này, vua Minh Mạng mến phục tài đức nên đặt danh hiệu Hòa thượng Liên Hoa.
Theo sử sách ghi lại, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành có dáng người cao to, gương mặt tuấn tú, phúc hậu, giọng nói truyền cảm, dáng vẻ oai nghiêm, đĩnh đạc, có tài hùng biện.
Với kiến thức Phật học uyên bác và khả năng thuyết giảng Phật pháp xuất chúng, nên Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được nhân dân và Phật tử vô cùng kính trọng, mến mộ. Một lời Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành nói ra, Phật tử không thể không nghe.
Nhờ trí tuệ uyên bác và phẩm hạnh trong sáng, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã trở thành nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong quốc sư.
Khi vua Minh Mạng lên ngôi, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được được vua Minh Mạng vời về kinh thành Huế để làm tăng chùa Thiên Mụ và giảng dạy Phật pháp cho Hoàng tộc Nguyễn. Ngay khi gặp Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đem lòng say đắm vị Thiền sư.
Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh ngày ngày nghe Thiền sư giảng về Phật giáp, thấy sự uyên bác của Thiền sư, càng đem lòng thương nhớ.
Dù biết Thiền sư đã là người nhà Phật, không được phép dính vào duyên trần, nhưng công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh vẫn đề nghị Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành phá giới để nên duyên cùng công chúa.
Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành biết công chúa đem lòng cảm mến mình thì vô cùng khổ tâm. Thiền sư đã dùng Phật pháp ngày ngày giảng giải cho công chúa, với hy vọng công chúa sớm tỉnh ngộ mối tình oan trái này.
Nhưng những cố gắng của Thiền sư không thể ngăn được sự si tình của công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh. Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh còn đề nghị vua Minh Mạng tác thành cho tình duyên của mình.
Hiểu tấm lòng của công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh, nhưng Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành cũng là một bậc cao tăng có cao đạo, một lòng hướng Phật, nên không thể đáp lại tình cảm của công chúa.
Khi Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành còn chưa biết gỡ những rối rắm với công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh ra sao thì sư phụ của Thiền sư là Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc – trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định viên tịch (năm 1821), Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã nhân cơ hội này xin về chùa Từ Ân ở Gia Định chịu tang sư phụ rồi làm trụ trì.
Từ khi Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành rời khỏi kinh thành Huế, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh ngày đêm nhớ thương Thiền sư, không thiết ăn ngủ.
Vua Minh Mạng thấy thế liền hỏi người cô ruột của mình nguyên do, thì công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh xin với vua cho vào chùa Từ Ân cúng dường, để thỏa lòng thành tâm với Phật, nhưng thực chất là để bớt nhớ nhung Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành.
Được sự đồng ý của vua Minh Mạng, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã mang rất nhiều lễ vật và dẫn theo một đoàn tùy tùng đến cúng dường tại chùa Từ Ân.
Hay tin công chúa sắp đến, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành là trụ trì chùa Từ Ân khi đó đang ngồi uống trà đàm đạo trong khuôn viên chùa vô cùng lo lắng. Không những không ra đó, Thiền sư còn kiên quyết lẩn tránh vì lo sợ chuyện không hay sẽ xảy ra.
Lúc công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh bước vào chùa, Thiền sư đã lên chùa Đại Giác để nhập thất trong 2 năm.
Công chúa Ngọc Anh khi đến chùa Từ Ân không thấy Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã vô cùng hụt hẫng thất vọng trong lòng. Hỏi tăng ni trong chùa, tất cả đều trả lời không biết Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đi đâu.
Phần vì đi đường sá xa xôi, phần vì thương nhớ Thiền sư khôn nguôi, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã lâm trọng bệnh, sức khỏe mỗi ngày thêm sa sút. Lo sợ nguy hại cho bổn tự của công chúa, nên các tăng chúng trong chùa Từ Ân đành nói sự thật.
Nhưng khi biết Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đang nhập thật ở chùa Đại Giác, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh lập tức khỏi bệnh.
Công chúa báo cho quan tổng trấn Gia Định là mình sẽ lên chùa Đại Giác để cúng dường. Quan tổng trấn Gia Định lại cử một đoàn tùy tùng hộ tống công chúa lên chùa Đại Giác.
Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành
Sau khi đến chùa cúng dường, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã nhờ người đưa đến tịnh thất của thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành. Thiền sư ở trong tịnh thất không ra ngoài, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đứng ở ngoài cầu xin được gặp mặt Thiền sư nhưng ngài im lặng.
Đau khổ tột cùng, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh quỳ trước tịnh thất, không ăn không uống, đòi gặp bằng được Thiền sư mới thôi. Thiền sư vẫn im lặng. Công chúa lại xin gặp Thiền sư lần cuối để từ biệt về kinh, cửa tịnh thất vẫn không mở.
Cuối cùng, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh dập đầu lạy trước tịnh thất mà rằng: “Nếu Hòa thượng không tiện ra để gặp tiện thiếp, xin Hòa thượng cho đệ tử nhìn thấy bàn tay của Hòa thượng, đệ tử sẽ hân hoan ra về”.
Cảm động trước tấm lòng của công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã đưa ban tay qua cái ô cửa nhỏ cho công chúa nhìn. Nhưng vị công chúa si tình đã nhân cơ hội này, nắm chặt lấy tay Thiền sư và hôn say mê bàn tay Thiền sư, vừa hôn vừa khóc sướt mướt, nước mắt nhỏ xuống tay Thiền sư.
Đêm hôm đó, nửa đêm khi cả chùa Đại Giác đang yên giấc, tịnh thất của Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành phát hỏa. Mọi người chạy ra dập lửa thì thất tịnh thất đã cháy rụi. Nhục thân của Thiền sư cũng cháy đen. Điều kỳ lại là trên vách chánh điện của tịnh thất vẫn còn bài kệ của Thiền sư viết bằng mực đen:
THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn
ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần.
Phía dưới có đề: Sa-môn Thiệt Thành hiệu Liễu Đạt.
Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành thấy cuộc đời quá nhiều mộng ảo hão huyền. Thiền sư đã dùng ngọn lửa tự thiêu để thức tỉnh và giáo dục công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh. Nhưng Thiền sư không ngờ rằng, sau khi Thiền sư tự thiêu, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh vô cùng đau khổ.
Bút tích của công chúa Ngọc Anh
Công chúa đã ở lại lo xong xuôi lễ nhập thất cho Thiền sư, 3 ngày sau, công chúa uống thuốc độc tự vẫn ngay tại hậu viên chùa Đại Giác, để mong hóa giải và gột rửa duyên nghiệp mà mình đeo mang.
Minh Chính (tổng hợp)
Nguồn tư liệu:
+ https://phatgiao.org.vn/ (Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành với câu chuyện thức tỉnh và giáo dục người đời)
Tránh duyên – Đình Dũng
Chuyện một Nàng công chúa mang gia tộc đế vương muôn đời
và một vị hành tu nay đã thoát bụi trần nhân thế
nàng trót thương cho thân chàng dù biết là điều không thể
người xuất gia không nói đến chuyện phu thê
Ngọc Đế ơn trên ban, chàng vào cung hướng nhân, truyền tâm phật
nào biết đâu lương duyên công chúa sư đồ lại thầm thương
ngày nhớ đêm ôm mong, Nàng lệnh cho phá giới để kết đôi
chàng tránh duyên xin lui về nương nhờ cửa Phật
Sự đời trớ trêu thay ngay khi nghe tin chàng đi về nơi rất xa
nàng buồn hóa tâm tư đau thương phát tâm bệnh trong lòng như khóc òa
người mượn cớ đi nơi linh thiêng, mong quên đi hết u sầu triền miên
để lại thấy được chàng bớt đau trong tim nàng mang
Lòng chàng đớn đau hơn khi duyên nhân gian chàng gieo vào tâm ý nàng
một người xuất gia sao yêu thương huống chi nàng lại là công chúa vàng
tuyệt tình tránh yêu thương nhân gian chàng gieo thân xác trong biển lửa tràn
để lại mối nhân duyên đắng cay lưu truyền trần gian ..