Lam Phương & Những sáng tác để đời

Cập nhật lần cuối: 25/09/2022 19:39

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Nội tổ của ông vốn là người gốc Hoa, bỏ nước sang Việt Nam lập nghiệp trong đợt di dân ồ ạt của người Hoa chống đối với nhà Mãn Thanh. Đời ông nội của ông đã bắt đầu lai Việt Nam và đến đời cha của ông thì chẳng còn dấu vết gì là người Hoa nữa.

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo có sáu anh em, ông là anh cả. Bố đã rời bỏ gia đình theo người đàn bà khác từ khi Lam Phương còn rất bé. Thậm chí, ông không nhớ nổi mặt cha vì lớn lên chỉ biết có mẹ. Cả thời thơ ấu của Lam Phương chìm ngập trong thiếu thốn, khó khăn và vất vả. Mẹ ông, người đàn bà tảo tần sớm khuya, người nuôi dưỡng cảm xúc, giúp ông viết trọn rất nhiều những ca khúc hay và là người mà mỗi khi Lam Phương nhắc đến đều không thể ngăn được nước mắt – đã một tay chăm lo cho cả đại gia đình. Ông nhớ về má mình trong hồi ức ấm áp bồi hồi và nói “Tôi thương má tôi lắm. Má tôi là một người đàn bà quê mùa nhưng mà thực lòng thương tôi đứa con trai lớn”.

[Hình ảnh ] Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ | Lam Phương & Những sáng tác để đời
Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ

Mười tuổi (1947), Lam Phương giã từ mái nhà tranh xơ xác nơi vùng quê nghèo để lên Sài Gòn tá túc tại nhà người dì ở Tân Định, vừa học vừa làm kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em. Hàng ngày ông làm thuê, làm mướn tất cả các nghề để có tiền đi học và gửi về cho mẹ. Khi đã tạm ổn định, ông báo tin về cho mẹ dẫn các em lên. Cả gia đình mướn một căn nhà tồi tàn, chật hẹp trong một con hẻm lầy lội, tăm tối ở khu Đa Kao. Những đêm mưa, nước từ trên mái lá nhỏ xuống; nếu mưa lớn, nước không thoát được thì tràn từ ngõ xóm đằng trước vào trong nhà, càng thêm lầy lội.

Lên Sài Gòn, Lam Phương học tại trường Les Lauriers, Tân Định (trường tư thục, dạy bằng tiếng Pháp theo chương trình Pháp). Như mọi trường trung học khác, cả chương trình Việt lẫn chương trình Pháp lúc bấy giờ, ngoài văn hóa, các trường còn phải dạy thêm các môn phụ như Vẽ và Nhạc. Tại trường Les Lauriers, hai vị giáo sư dạy nhạc lúc ấy là nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương. Thấy Lâm Đình Phùng là cậu học trò nghèo nhưng có năng khiếu và rất chăm chỉ, tự mày mò học nhạc bằng các sách tiếng Pháp, tự chơi đàn guitare rất hay, hai vị nhạc sĩ bậc thầy này bèn chấp nhận cho cậu học tại lớp nhạc riêng của mình ở đường Bùi Viện, không lấy thù lao. Thầy Hoàng Lang dạy nhạc lý và thực tập cách chơi guitare, thầy Lê Thương dạy phương pháp sáng tác. 

Năm 1952, khi mới 15 tuổi, ông sáng tác nhạc phẩm đầu tay mang tên “Chiều Thu Ấy” với bút hiệu Lam Phương – được lấy từ họ và tên của mình, với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng”.

Nói về ca khúc “Chiều Thu Ấy”, Lam Phương coi nó như một hộp âm kỷ niệm suốt đời không thể nào quên. Ít ai có thể tượng tượng một cậu bé 15 tuổi, độ tuổi còn đầy mộng mơ, hồn nhiên và rất con trẻ lại có thể khắc khoải và nặng nợ với duyên phận tình yêu đến vậy. Một tình khúc với lời ca khúc chiết, đầy suy tư. Sau đó, bài nhạc đã được những ca sỹ nổi tiếng nhất của Tân nhạc Việt Nam thời kỳ đó thể hiện như Bích Thủy, Túy Hồng. Lúc này, Lam Phương đã có một quyết định – theo ông là liều lĩnh nhất trong cuộc đời thanh niên đó là vay mượn bạn bè khắp nơi được 600 đồng (vào thời gian đó số tiền này rất lớn) để tự in bản nhạc rồi thuê xe lam chở đi giao ở các quầy hàng bán lẻ khắp Sài Gòn. Tuy cũng gỡ lại được vốn nhưng “Chiều Thu Ấy” vẫn chưa phải là cú nổ đột phá để đưa Lam Phương chính thức có một tấm vé bước chân vào thiên đường Tân nhạc.

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Lam Phương bây giờ | Lam Phương & Những sáng tác để đời

Từ năm 1955, sau ba năm âm thầm và tự mình làm dày kiến thức âm nhạc, Lam Phương mới bắt đầu trở lại và lần này là sự trở lại đầy mạnh mẽ với một sức sáng tạo thần kỳ. Ông tung ra một số ca khúc làm nổ tung các sân khấu dành cho sinh viên, học sinh và nổi đình nổi đám tại khắp các hang cùng ngõ hẻm Sài thành với “Kiếp Nghèo”, “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” (viết năm 1956) & “Đoàn người lữ thứ” (viết năm 1957) – cảm xúc về cuộc di cư năm 1954, “Nhạc Rừng Khuya”, “Trăng Thanh Bình”, “Nắng Đẹp Miền Nam”, “Khúc Ca Ngày Mùa” .. lần lượt được háo hức đón nhận và ca tụng như một hiện tượng độc đáo trên bầu trời Tân nhạc khi ấy.

Đặc biệt, nhạc phẩm “Khúc Ca Ngày Mùa” thành công vượt bậc với tiếng hát của đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết. Các hãng đĩa nhựa như Dư âm, Sóng nhạc, Asia .. thi nhau ký hợp đồng với Lam Phương để được thu âm bản nhạc. Ngoài ra, “Khúc Ca Ngày Mùa” còn được hầu hết các trường ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học sinh ca múa. Lam Phương đã thật sự thành danh khi mới 18 tuổi.

Bên cạnh đó, nhạc phẩm “Kiếp Nghèo” tựa tiếng lòng Lam Phương mà ngân vang đồng điệu với hàng triệu trái tim sống cảnh túng quẫn, thiếu thốn khi đó. Ca khúc này được ông coi như một phiên bản tâm trạng, tham chiếu mọi ngõ ngách sâu kín nhất trong trạng thái cô đơn, bất lực trước đời sống hiện thực: “Tôi sáng tác ‘Kiếp Nghèo’ trong hoàn cảnh thật. Đó là một đêm mưa rất to, tôi đạp xe đi lang thang trong đêm, đi mãi mà không nhìn thấy bất cứ một ngôi nhà nào để chạy vào xin nhờ trú mưa. Lúc đó, tôi thấy mình thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về ‘Kiếp nghèo’, về phận bạc của mình”.

Một nhạc phẩm nữa cũng được Lam Phương sáng tác để nói lên cảnh nghèo của gia đình mình. Đó là bản “Đèn Khuya”, sáng tác năm 1958: “Không biết đêm nay vì sao tôi buồn / Buồn vì trời mưa hay bão trong tim”.

Với “Kiếp Nghèo”“Đèn Khuya”, Lam Phương thấm thía mọi cay đắng và những cơ cực mà mình và gia đình đang phải chịu đựng. Dường như, đời ông lúc nào cũng nằm sẵn trong vòng lẩn quẩn tối đen, niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều. Nói như Lam Phương nó cũng gần tương tự ngọn đèn khuya thỉnh thoảng lóe lên trong tim rồi lại tắt và mịt mùng trong màn đêm vô tận. Thứ âm nhạc bình dân, mộc mạc được viết từ trải nghiệm cá nhân và hòa vào với bộn bề của không khí thời đại đã trở thành tiếng ca mãnh liệt đến với đông đảo trái tim mọi người yêu nhạc.

Chính cuộc đời đầy bóng tối không có nhiều tia sáng ấy lại trở thành một động lực sống mãnh liệt thôi thúc Lam Phương viết nhạc. Giữa lúc phong trào phản chiến, lối sống Hippie và dòng nghệ thuật hiện sinh phát triển như vũ bão với nhiều tác phẩm đầy ắp tiếng thở than, chỉ toàn một màu tro bụi thì âm nhạc Lam Phương lại đi trở ngược những nguyên tắc và giá trị đầy khinh bạc cuộc đời ấy. Buồn đượm vào đời từ nhỏ, nhưng nếu nghe kỹ các tác phẩm mà ông viết vẫn thấy một tin yêu, một dấu vết của những khao khát hồi sinh trong đời. Sau này, nhắc đến kỷ niệm đi học nhạc của mình, Lam Phương vẫn bùi ngùi, ông vẫn không bao giờ quên câu mà thầy Lê Thương nói khi buổi đầu tiên bước vào lớp học nhạc: “Anh có thể dạy cho em tất cả kỹ thuật nhưng hồn nhạc thứ trời cho thì anh không dạy được. Cái này chỉ phụ thuộc vào em”.

“Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?” – Câu hát trong nhạc khúc của ông từng được đông đảo thanh niên Sài Gòn trước 1975 yêu thích cũng là một câu hỏi lớn mà suốt đời Lam Phương tìm kiếm nhưng vô vọng. Có lẽ trời đã đày một thiên tài rớt xuống nhân gian, đã khiến một tâm hồn yếu đuối suốt đời phải rơi lệ, thống thiết và nức nở mà chỉ biết gói gọn giải bày trong những thang âm trầm bổng của cung đàn ..

Đời quân ngũ

Năm 1958, Lam Phương nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa (trở về dân sự một thời gian, Lam Phương được lệnh tái ngũ. Ông gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An. Sau khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho đến năm 1975).

Trong một bài viết tìm được trên trang phamhoaian.com (tuy nhiên trang không còn khả dụng nữa), có ghi lại một đoạn trong bài viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn (05-2010), hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về các sáng tác của Lam Phương trong giai đoạn này:

Năm 21 tuổi, Lam Phương nhập ngũ. Thời ấy, thanh niên đi quân dịch chỉ có một năm bởi là nghĩa vụ quân sự trong thời bình. Tại quân trường, anh viết “Bức Tâm Thư” (lời của Hồ Đình Phương), hô hào thanh niên sốt sắng đi quân dịch. Ngày mãn khóa, anh sáng tác 2 bản nhạc nổi tiếng là “Tình Anh Lính Chiến”“Chiều Hành Quân”. Anh kể với tôi: Vì không biết rõ xuất xứ sáng tác bài “Tình Anh Lính Chiến”, cho nên sau này nhiều ca sĩ thường hát câu: ‘Anh chiến trường, em nơi hậu tuyến’. Thật sự thì hát như vậy là sai, bởi anh viết cho bạn bè đồng ngũ trước khi chia tay ở quân trường, mỗi người đi mỗi nơi, nên câu hát đúng là ‘Anh chiến trường, tôi nơi hậu tuyến’. Đây là tình đồng đội chứ không phải tình yêu trai gái ..

Hai sáng nổi bật nữa nói lên tâm sự về đời quân ngũ của ông là: “Buồn Chi Em Ơi” & “Đêm Tiền Đồn” 

Những cuộc tình vây quanh

Sau đây là đoạn trích của bài viết “Lam Phương & Những cuộc tình vây quanh” đăng trên thoibao.com ngày 09.03.2016 của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn (viết vào tháng 02-2016 tại Toronto). Có một vài chi tiết do vangson bổ sung. Qua đó, chúng ta sẽ phần nào hiểu rõ hơn về những bóng hồng đã đi qua cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa đa tình này ..

Người con gái đầu tiên đi vào cuộc đời tình cảm của Lam Phương là nữ ca sĩ Bạch Yến, thua anh 5 tuổi. Bạch Yến cùng quê ở Miền Tây, 11 tuổi đoạt giải nhất Huy Chương Vàng giọng ca nhi đồng do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức. Lớn lên, Bạch Yến hát cho phòng trà Hòa Bình, cùng thời điểm với Bích Chiêu, chị của Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích. Thời ấy, Đệ Nhất Cộng Hòa cấm nhảy đầm, nên khách đến chỉ ngồi nghe và say mê tiếng hát Bạch Yến qua những nhạc phẩm ngoại quốc ăn khách nhất của thập niên 1950 và 60 như “Bernadine”, “It’s Now Or Never”, “Calypso Italiano”, “The River of No Return”, “April Love” .. Về phía nhạc Việt, Bạch Yến cũng hát nhiều như “Bến Cũ”, “Đón Xuân”, nhưng nổi bật nhất, trở thành dấu ấn của Bạch Yến, là bài “Đêm Đông” của Nguyễn Văn Thương viết từ năm 1939.

[Hình ảnh] Ca sĩ Bạch Yến | Lam Phương & Những sáng tác để đời

Anh Lam Phương lúc ấy đã khá nổi đình nổi đám bởi anh có vóc dáng cao, khuôn mặt đẹp trai và đóng phim từ khi mới lớn. Cá nhân tôi, mười mấy tuổi, cũng đã từng say mê anh trong phim “Chân Trời Mới” bên cạnh nữ tài tử Mai Ly và kịch sĩ Vũ Huân. Anh lại là tác giả một loạt ca khúc rất phổ biến. Ngay cả bản nhạc vui là “Nắng Đẹp Miền Nam” cũng bán ra ồ ạt sau khi Kim Hoàng hát trên các sân khấu và đài phát thanh. Từ một cậu bé xác xơ ở Rạch Giá, lang thang lên Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm, Lam Phương mau chóng làm giàu sau khi sáng tác bài “Kiếp Nghèo”. Cái thế của anh lúc ấy mạnh lắm, quen cô nào cũng dễ dàng. Bạch Yến có thể nói là tình yêu buổi đầu rất trong sáng của anh.

Năm 1961, Bạch Yến 19 tuổi, sang Pháp để học hỏi thêm về ca nhạc. Bốn năm sau, cô được Ed Sullivan mời sang Mỹ. Show Ed Sullivan lúc ấy cực kỳ ăn khách, giới thiệu tất cả những ban nhạc và ca sĩ hàng đầu của Mỹ, Anh và thế giới, có show thu hút đến 35 triệu người xem. Bạch Yến lên hát show này và rồi được mời nán lại đi lưu diễn khắp Mỹ châu thêm 10 năm nữa, bên cạnh những nghệ sĩ lừng danh của Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone .. Có thể nói, Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam duy nhất hiện diện bên cạnh những nghệ sĩ quốc tế trong hơn một thập niên. Ai đã xem phim Green Berets do tài tử John Wayne đóng vai chính, chắc hẳn vẫn còn nhớ tiếng hát Bạch Yến trong cuốn phim chiến tranh đó.

[Hình ảnh] Bạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn trên chương trình truyền hình Ed Sullivan | Lam Phương & Những sáng tác để đờiBạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn trên chương trình truyền hình Ed Sullivan

Ở lại Việt Nam, anh Lam Phương tuy có nhớ Bạch Yến nhưng chắc rồi ngày tháng trôi qua cũng làm phôi phai hình ảnh cô gái Miền Nam xinh xắn ấy.

Bỗng dưng Bạch Yến trở về, làm sống dậy mối cảm xúc tưởng đã chết hẳn trong lòng người nhạc sĩ đa cảm. Nghe tin Bạch Yến trở về sau hơn 10 năm xa cách, Lam Phương xao xuyến viết bài “Chờ Người” rất đặc sắc. Tôi nhớ khoảng năm 1973, ngồi ở quán café tại Mỹ Tho, tôi giật mình nghe Elvis Phương trình bày ca khúc này mà lúc đầu tôi không ngờ là của Lam Phương, bởi giai điệu của nó lách thoát hẳn ra khỏi dòng nhạc quen thuộc của anh, nhất là một bài buồn viết theo hợp âm trưởng (major) là chuyện ít có:

“Chờ em, chờ đến bao giờ
Mấy thu thuyền đã xa bờ.
..
Mười năm trời chẳng thương mình
Để anh thành kẻ bạc tình
Cầu xin cho mây về vui với gió
Dù có qua bao đắng cay
Muôn đời anh vẫn chờ em”

Bạch Yến về nhưng không ở lại. Cô trình diễn một vài shows lớn tại Sài Gòn rồi lại đi. Tôi nhớ lúc ấy tôi vừa được biệt phái về Sài Gòn dạy học sau mấy năm ở lính, tôi hăm hở đi coi show Bạch Yến và mua băng về nghe vì rất thích những bản nhạc ngoại quốc cô hát, cộng với lối trình diễn đầy đam mê của Bạch Yến trên sân khấu. Những ca khúc mà thế hệ tôi ai cũng biết như “La Vie En Rose”, “Malaguena”, “Ne me quitte pas” (If You Go Away) .. Cùng thời gian ấy, tôi cũng được nghe “Chờ Người” của Lam Phương nhưng không hề biết Lam Phương viết bài này cho Bạch Yến!

Nỗi xót xa khi chia tay lần thứ hai này thúc đẩy Lam Phương viết thêm một loạt tình khúc lời ca rất não nề như: “Tình Bơ Vơ”, “Thu Sầu”, “Trăm Nhớ Ngàn Thương”, “Tiễn Người Đi”, “Tình Chết Theo Mùa Đông”. Bài nào cũng thống thiết bi ai:

Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu thương quê nhà
Dâng hết cho người tình xa!

(Tình Bơ Vơ)

Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu Ô Thước tìm đến mai sau…

(Thu Sầu)

Rồi đây chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì!”
(Tiễn Người Đi)

“Thà rằng người đừng về 
Cho nuối tiếc thêm dâng cao 
Để cho tình chết theo mùa Đông năm nao” 
(Tình Chết Theo Mùa Đông)

“Mất em rồi xa em rồi
Hoa đã tàn nhụy đã phai
Chiều hôm nay trời thanh vắng
Em đi về, về với ai”
(Trăm Nhớ Ngàn Thương)

Hồi thập niên 1970, nghe những bài này, tôi đâu có hiểu tại sao tác giả lại viết toàn những lời chia ly như vậy! Mãi 20 năm sau, gặp Lam Phương lần đầu tiên năm 1993 ở Paris, tôi mới được anh giải thích là những lời ấy anh nói với Bạch Yến khi Bạch Yến giã từ Sài Gòn quay lại Mỹ. Tôi cười bảo anh:

– Như thế thì anh và tôi và tất cả thính giả đều phải cám ơn Bạch Yến đã bỏ anh đi lần thứ hai, anh mới có những nhạc phẩm này. Giá như Bạch Yến ở lại, chưa chắc anh đã giải quyết được gì!

Chắc là vậy! Anh Lam Phương cũng đồng ý ngay với tôi. Mộng không thành thì mộng mới đẹp. Con cá bắt hụt bao giờ cũng là con cá lớn! Bởi vì lúc Bạch Yến từ Mỹ trở về sau hơn 10 năm xa cách, thì Lam Phương đã lập gia đình với kịch sĩ Túy Hồng rồi. Vậy còn níu chân Bạch Yến ở lại làm gì nữa! Thôi thì cứ giữ mối quan hệ trong sáng từ thuở nhỏ, chẳng đẹp hơn hay sao! Anh đã từng hãnh diện viết cho duyên vợ chồng của anh với Túy Hồng bài “Ngày Hạnh Phúc” chan hòa tình yêu:

“Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền
Đêm về nghe con khóc vui triền miê
n”

Bài hát này đã trở thành ca khúc tiêu biểu được hát trong bất cứ đám cưới nào ở Việt Nam. Đó cũng là một thành công lớn mà chính Lam Phương không ngờ tới.

Nhắc đến Bạch Yến, tôi nhớ có lần tôi được mời làm MC cho show Lam Phương ở San Jose, cách đây hơn 10 năm. Hôm ấy có Bạch Yến từ Paris qua. Chị lên sân khấu không hát mà chỉ kể chuyện cũ về anh Lam Phương. Chị nói rất khéo, rất duyên và nhất là không hề cho khán giả biết Lam Phương đã từng say mê mình và viết bao nhiêu bản nhạc cho mình. Chị chỉ nhận là người quen của Lam Phương từ thuở mới lớn mà thôi! Tôi rất nể Bạch Yến ở điểm đó, khác hẳn với nhiều bà, nhiều cô cứ tự nhận là người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi đã gặp ít nhất ba bà cùng nói với tôi một câu:

– Trịnh Công Sơn viết bài “Biển Nhớ” để tiễn tôi đi xa!

Bóng hồng thứ hai xâm chiếm trái tim Lam Phương và cũng nhờ đó, Lam Phương để lại cho chúng ta nhiều bài hát xuất sắc, đó là nữ ca sĩ Minh Hiếu.

[Hình ảnh] Ca sĩ Minh Hiếu | Lam Phương & Những sáng tác để đời
Ca sĩ Minh Hiếu

Theo nhà văn Hồ Trường An thì Minh Hiếu có khuôn mặt đẹp tựa như nữ tài tử Elizabeth Taylor. Giọng cô trầm và lạ, nghe rất quyến rũ. Thời ấy, buổi đại nhạc hội nào mà có Thái Thanh, Minh Hiếu, Thanh Thúy, Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường thì có thể bảo đảm bầu show hốt bạc. Tài tử Nguyễn Long say mê Thanh Thúy, nhưng Thanh Thúy hờ hững không đáp lại. Nguyễn Long viết truyện phim “Thúy Đã Đi Rồi” và nhờ Minh Hiếu đóng vai chính tức là vai Thúy. Phim không thành công lắm vì Nguyễn Long chưa có kinh nghiệm về kịch bản lại kiêm luôn đạo diễn. Từ đó, Minh Hiếu không đóng phim nữa.

Một buổi trình diễn văn nghệ ở Nha Trang, Lam Phương rủ Minh Hiếu ra bãi biển sau buổi hát. Lam Phương lưu lại kỷ niệm buổi gặp gỡ lãng mạn ấy bằng bài “Biển Tình”:

Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa
Một vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta
Vượt ngàn hải lý cũng không xa”

Mỗi lần nghe bài này, tôi đều nhớ đến “Nha Trang Ngày Về” của Phạm Duy. Hai cuộc tình cũng diễn ra ở một bãi biển và cùng được ghi lại bằng ca khúc. Nhưng lời ca của Lam Phương rất thơ mộng trong khi lời ca của Phạm Duy nặng hẳn về trần tục:

“Lớp sóng mơn man thịt mềm da ngát hương ..”

Điều này thì chính nhạc sĩ Phạm Duy nêu lên trong Hồi Ký của ông. Trong Nha Trang Ngày Về, ông viết rõ: “Bờ biển sâu hai đứa tôi gần nhau ..”

Ngược lại, trong “Biển Tình” cũng hai đứa gần nhau, nhưng nhạc sĩ Lam Phương và người tình chỉ “nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa” chứ không nhắc gì đến da thịt cả!

Bài thứ hai Lam Phương viết tặng cho Minh Hiếu là một bài rất hay lồng trong hoàn cảnh thời chiến, đó là “Biết Đến Bao Giờ”:

“Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào
Ta quen nhau bao lâu, nhưng tình đã có gì đâu

Từ khi anh là lính chiến, ít về thăm ghé nhà em ..”

Lam Phương tuy không phải là lính tác chiến, nhưng từ ngày mới lớn đi quân dịch cho đến năm 1975, anh đều ở trong quân đội. Từ Ban Văn Nghệ Bảo An, đổi thành Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Vì công tác liên tục nên quả thật anh cũng khó khăn lắm mới có dịp ghé thăm người tình. Anh viết “Biết Đến Bao Giờ” là viết cho anh, cho Minh Hiếu, nhưng cũng là viết cho cả triệu người lính Miền Nam lúc bấy giờ.

Cao điểm nhất của Lam Phương để ghi dấu chuyện tình với Minh Hiếu là bài “Em Là Tất Cả”:

“Em ơi suốt đêm thao thức vì em
Vì lời giã từ lúc anh ra về ..

Bài này quá phổ biến, quá nhiều ca sĩ hát, nhất là trong các đĩa karaoke. Nó nổi tiếng đến độ nhiều người tự động đổi tên nó thành: “Thao Thức Vì Em”. Tôi nhớ có lần đi show, tôi hỏi cô ca sĩ sắp ra sân khấu:

– Cháu hát bài gì để chú giới thiệu?
– Thưa chú bài “Thao Thức Vì Em” của Lam Phương
Tôi ngạc nhiên bảo:
– Theo chú biết thì Lam Phương không có bài nào tên là “Thao Thức Vì Em” ..

Mà quả thật, trên nhiều đĩa karaoke và thậm chí trên bản nhạc in lại, người ta thản nhiên ghi tựa là “Thao Thức Vì Em”. Hễ có dịp, tôi đều đính chính lại để tôn trọng tác giả, bởi tác giả đã đặt tên bài hát đó là “Em Là Tất Cả”.

Người đẹp thứ ba mà Lam Phương gặp gỡ và say đắm là ca sĩ Hạnh Dung trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Cô không nổi tiếng lắm bởi cô là nhân viên dân chính do Biệt Đoàn tuyển dụng và chỉ hát cho lính nghe. Tuy vậy, chuyện tình Lam Phương – Hạnh Dung cũng để lại cho chúng ta những tình khúc rất đặc sắc mà giờ này vẫn được tán thưởng nồng nhiệt như buổi ban đầu Lam Phương mới sáng tác. Chẳng hạn như bài “Bọt Biển” ghi dấu kỷ niệm hai người hẹn hò bên bờ đại dương, hoặc bài “Giọt Lệ Sầu”, Lam Phương viết khi thấy tình yêu bế tắc. Bế tắc có nghĩa là sẽ chẳng đi đến đâu, cho nên ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Lam Phương đã không giấu được niềm lo âu qua các tác phẩm anh viết tặng Hạnh Dung:

“Nhè nhẹ đôi chân lại gần đây em
Tựa vào vai anh nghe sóng xô trên biển xanh
Nhè nhẹ đôi tay nâng lấy mộng lành
Vì tình đôi ta tha thiết nhưng quá mong manh!”
(Bọt Biển)

“Lời thề nguyện muôn năm sau anh vẫn nhớ. 
Nụ cười này, đôi mắt đó làm sao quên”
(Giọt lệ sầu)

Đã biết là tình quá mong manh nhưng hai người vẫn lao vào! Thậm chí có lúc anh đã phải chán nản sáng tác bài “Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi”:

“Thôi là hết em đi đường em
Tình duyên mình có bấy nhiêu thôi ..

Bài này thật ra anh viết để tự nhắc nhở hay đúng ra là thúc giục mình nên chấm dứt mối quan hệ éo le ấy, chứ lúc anh viết thì hai người vẫn chưa chia tay nhau.

Quyết định chấm dứt cuộc tình nhưng có những lúc anh thấy mình khó cưỡng lại được trái tim yếu mềm của mình nên anh phải cầu xin ơn trên giúp anh chịu đựng. Đó là lý do anh viết bài “Lạy Trời Con Được Bình Yên”:

Lạy trời con được bình yên
Tình yêu đó giết con trong ưu phiền

Ôi! Mấy đêm nay, tôi cố quên người
Lại càng yêu thêm!”

Một lần, Lam Phương theo Biệt Đoàn ra công tác ngoài Côn Đảo, trình diễn cho các đơn vị quân đội ngoài ấy. Đêm cuối cùng mọi người gặp nhau họp mặt liên hoan để tiễn chân các cô ca sĩ sáng mai về Sài Gòn trước. Lam Phương tạm biệt Hạnh Dung vì anh phải tạm nán lại Côn Đảo vài hôm nữa. Anh viết bài “Phút Cuối” rất cảm động:

Chỉ còn gần em một giây phút thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Người theo cánh chim về vui với đời
Để lòng thương nhớ cho kiếp đơn côi!”

Đáng nói nhất là một lần Lam Phương đi công tác trên Đà Lạt. Anh đi một mình không có Hạnh Dung. Anh ray rứt nhớ người yêu bởi Hạnh Dung và anh đã từng hẹn hò nhiều lần tại thành phố sương mù này. Ngồi trong căn nhà trọ lưng chừng đồi nhìn xuống khu phố đìu hiu ngày chủ nhật, anh tha thiết nhớ Hạnh Dung và viết ngay bài “Thành Phố Buồn”, ca khúc mà tôi vẫn giới thiệu là đã mang lại nguồn lợi tức khổng lồ cho tác giả. Anh bán được hơn 12 triệu, có lẽ là con số kỷ lục trong rừng nhạc tại Miền Nam. Không biết anh có chia cho Hạnh Dung vài triệu hay không, bởi chính Hạnh Dung là nguồn cảm hứng cho bài hát này!

“Thành phố nào nhớ không em
Nơi chúng mình tìm chút êm đềm
..
Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình, mãi mãi gần nhau”

Ba dòng nhạc Lam Phương viết cho ba người tình đều hay như nhau, nhưng lời ca thể hiện rõ ba hướng khác nhau: Nhạc viết cho Bạch Yến thì đau xót nuối tiếc, viết cho Minh Hiếu thì nồng nàn nhớ nhung, viết cho Hạnh Dung thì lo âu mệt mỏi vì viễn ảnh tương lai tăm tối. Tâm trạng của Lam Phương khi ở bên cạnh Hạnh Dung thật giống với ý thơ của Thanh Tâm Tuyền:

“Ôm em trong tay
Nhớ em ngày sắp tới!”

Mà Lam Phương lo âu là phải! (Sau 30 tháng 4) , Lam Phương quyết định ra đi vào phút chót. Thật ra thì ngày 28 tháng 4, Hạnh Dung đã rủ anh đi. Nhưng anh gạt nước mắt khước từ. Sáng 30 tháng 4, thấy cả thành phố nhốn nháo, anh mới cùng Túy Hồng và các con vội vã lên tàu Trường Xuân. Đặt chân đến Mỹ, Lam Phương rơi lệ viết bài “Chuyện Buồn Ngày Xuân” để tự trách mình đã bỏ rơi người tình Hạnh Dung, mặc dù việc này cả anh và Hạnh Dung đều đã đoán trước. Khi chỉ mới tạm biệt nhau ở Côn Đảo, anh đã viết trong bài “Phút Cuối” một câu tiên tri:

“Biết em sẽ buồn vì mình chẳng có ngày mai!”

Nghe nhạc tình Lam Phương, có lúc tôi đã tự hỏi: “Lam Phương thật sự có đắm đuối trong tình yêu như anh diễn tả qua các nhạc phẩm của anh hay không?” Theo tôi đoán thì không! Đó chỉ là cách bày tỏ cảm xúc đôi khi quá mãnh liệt, bằng lời ca quá bi lụy khiến người nghe có cảm tưởng lúc nào Lam Phương cũng “khóc thầm” vì yêu mà chưa chắc anh đã thật sự nhỏ nước mắt vì tình! Khi chúng ta nghe “Chuyện Tình Buồn” do Phạm Duy phổ thơ cho Duy Quang hát, có những câu ray rứt:

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn!”

Chúng ta hình dung ngay tác giả bài thơ ấy ắt phải đau đớn phờ phạc lắm khi nghe tin người yêu đi lấy chồng! Nhưng chưa hẳn! Hồi còn ở tuổi thanh niên, tôi có quen một ông thi sĩ làm bài thơ rất não nề trong ngày người yêu lên xe hoa. Bài thơ gửi đăng báo làm tôi mủi lòng đến rơi lệ! Tôi xót xa chạy lại thăm để an ủi thì thấy ông đang mặc quần đùi ngồi nhậu ngoài sân, miệng cười oang oang, rõ ràng chẳng nhớ nhung gì người tình vừa sang ngang. Cho nên, cái rung động của người nghệ sĩ đôi khi chỉ chợt đến chợt đi, chứ chưa chắc đã sâu thẳm như thiên hạ lầm tưởng.

Trường hợp nhạc sĩ Lam Phương, tôi biết chắc một điều là anh rất dễ xúc động, nhưng không hẳn anh đã lụy tình như những lời ca anh viết. Nguồn cảm hứng sáng tác thường đến với anh quá nhanh, quá dễ, dù nguồn cảm hứng ấy chỉ là một giai nhân lướt qua cuộc sống của anh trong khoảnh khắc! Có lẽ nghệ sĩ khác người thường ở điểm đó. Đây nhé: Anh quen một cô nữ sinh ở Sài Gòn, anh viết ngay bài “Xin Thời Gian Qua Mau”:

“Buồn nào hơn đêm nay
Buồn nào hơn đêm nay
Khi ngoài kia bão tố đầy trời!”

Sau này, sang Paris, anh chỉ nghe nói nữ ca sĩ Họa Mi chia tay chồng nhưng anh chưa hề gặp Họa Mi. Thế mà anh cũng xúc cảm viết bài “Em Đi Rồi” thật sướt mướt! (mời bạn tham khảo bài chi tiết tại đây)

Rồi cũng ở Paris, người ta đặt anh viết nhạc cho cuốn phim kể chuyện một cô gái ở Miền Nam đi theo Mặt Trận Giải Phóng, về sau quá hối hận vì biết mình lầm đường một thời gian dài. Câu chuyện rất đơn giản mà Lam Phương sáng tác được bài “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” vào hàng tuyệt tác (không mong muốn đề cập đến chính trị trên trang, nhưng về đoạn này xin giữ nguyên văn bài viết để người đọc hiểu rõ hơn về sáng tác của Lam Phương – vangson). Chưa hết, cũng ở Paris, anh đang chung sống với bạn gái, thì tình cờ một hôm người bạn anh dẫn về một cô bạn gái khác. Anh giật mình thấy cô bạn kia xinh đẹp quá, rồi ngay sau đó anh đẩy trí tưởng tượng đi xa y như anh vừa gặp tiếng sét ái tình! Nhờ vậy, anh mới viết được bài “Tình Đẹp Như Mơ” thật hay:

“Tình yêu từ đâu mà tình yêu vội vã chiếm tim ta
Chỉ một lần qua mà đêm đêm hình bóng mãi bên ta”

Như thế thì đủ thấy sự nhạy bén trong trái tim Lam Phương lúc nào cũng sẵn sàng rung động, sẵn sàng nhỏ máu. Anh chưa bị mổ tim là may lắm rồi!

Nếu lùi lại xa hơn, năm 19 tuổi, Lam Phương đi quân dịch (bây giờ trong nước gọi là đi nghĩa vụ quân sự). Đêm mãn khóa, anh viết bài “Tình Anh Lính Chiến” có những câu tràn ngập tình cảm như sau:

“Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối
Đừng quên nhé những ngày bên nhau
Nói gì cạn niềm vui rồi ngày mai ta lên đườn
g”.

Những lời gắn bó như thế, ai cũng tưởng là anh viết cho người tình, hóa ra chỉ là mấy ông bạn cùng dự khóa huấn luyện ở Quang Trung! Như thế thì đủ thấy thấy trái tim Lam Phương dễ rung động tới mức nào! Đó cũng là cái tài trời ban cho anh để anh biến những cảm xúc trong tim, dù rất nhỏ, thành những nốt nhạc có sức làm say đắm lòng người.

Người đàn bà thứ tư cho Lam Phương một khúc rẽ triệt để, một bước ngoặt lớn lao trong sự nghiệp sáng tác, chính là vợ anh, kịch sĩ Túy Hồng.

Túy Hồng tên thật là Trương Ánh Tuyết, sinh tại Bình Dương và lớn lên tại Sài Gòn. Cô có người anh trai là bạn thân của Lam Phương, những ngày Thứ Bảy và Chủ nhật, Lam Phương thường đến nhà bạn để hòa tấu và dạy hát cho Túy Hồng. Túy Hồng rất ngưỡng mộ Lam Phương vì mới 15 tuổi đã sáng tác được bài “Chiều Thu Ấy”. Về phía Lam Phương, chàng nhạc sĩ trẻ này cảm thấy chưa có cô gái nào hát nhạc của mình hay bằng Túy Hồng.

Thời điểm này, Lam Phương lại đang hợp tác với ban kịch Dân Nam của nghệ sĩ Anh Lân nên đề nghị Túy Hồng đầu quân về đoàn cùng với mình. Kể từ đó, Túy Hồng bắt đầu trình diễn các ca khúc của Lam Phương trước khán giả và rất thành công với các ca khúc: “Đèn Khuya”, “Kiếp Nghèo”, “Kiếp Ve Sầu”, “Tiễn Người Đi”, nhất là hai bản “Chiều Tàn”“Phút Cuối”.

Lam Phương – Túy Hồng yêu nhau và làm đám cưới vào năm 1959. Lúc đó, ngoài phần phụ trách nhạc cho ban kịch Dân Nam của hai nghệ sĩ Anh Lân và Túy Hoa, Lam Phương còn viết nhạc nền cho các ban kịch lừng lẫy danh tiếng thời đó như ban Kim Cương, ban Thẩm Thúy Hằng. Đến năm 1968, với sự khuyến khích của chồng, Túy Hồng đứng ra thành lập ban kịch “Sống” của mình. Chính ban kịch này đã đưa tên tuổi của Lam Phương và Túy Hồng lên tột đỉnh vinh quang.

Đoàn kịch Sống của Túy Hồng còn có một lợi thế mà ít ban kịch nào có được, đó là ban kịch đưa các bản tình ca của Lam Phương vào các vở diễn do đó gặt hái nhiều thành công. Ngoài ra, các vở diễn của ban kịch Sống đa số đều không quá bi thảm, kết thúc “có hậu” nên khán thính giả xem với tâm trạng nhẹ nhõm, vui vẻ, thoải mái.

Thời ấy, cứ mỗi tối Thứ Năm hằng tuần, Đài Truyền Hình Sài Gòn có tiết mục “thoại kịch” và những vở kịch của các ban “Kim Cương”, “Sống”, “Thẩm Thúy Hằng”, .. rất được hâm mộ. Thời đó, tivi còn rất hiếm vì rất mắc tiền, khoảng 30 ngàn tức 2 cây vàng một chiếc loại 32 inches. Các gia đình “có tivi” còn ít, dân chúng thường kéo nhau đến coi nhờ những gia đình đã sắm. Đặc biệt, hầu hết các gia đình “có tivi” này thường thích hàng xóm đến coi cho vui, gần như một sự hãnh diện. Mọi người ngồi la liệt đầy phòng khách (tivi và tủ lạnh lúc ấy, gia đình nào có thì đều chưng trong phòng khách), vừa coi vừa chuyện trò, phê bình ỏm tỏi. Kể ra, những đêm có ban kịch Sống, ban Kim Cương hay ban Thẩm Thúy Hằng mọi người đều coi như nhau. Trong nhà, cửa ra vào, ô cửa sổ .. đều chật cứng người xem. Người ta còn nhớ, khi bài hát “Thành Phố Buồn” của Lam Phương được hát trong suốt một vở kịch của Túy Hồng phát trên truyền hình, sáng hôm sau bài hát ấy bán đắt như tôm tươi, chàng học sinh, sinh viên nào cũng muốn mua bài “Thành Phố Buồn” về để trên kệ sách.

Trong khoảng thời gian này, sức sáng tác của Lam Phương càng dàn trải trên nhiều thể loại phong phú, hầu hết các ca khúc ông đưa ra đều in đậm dấu ấn trong đời sống âm nhạc miền Nam, điển hình như: Chờ người, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Thành phố buồn, Tình chết theo mùa đông .. Ông bước lên vị trí một nhạc sĩ thành công nhất miền Nam về mặt tài chánh. Còn Túy Hồng thì cũng sánh ngang với những Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng trên sân khấu kịch nghệ.

Vợ chồng Lam Phương – Túy Hồng cất nhà lầu, sắm xe hơi, trở thành đôi vợ chồng nghệ sĩ giàu có bậc nhất lúc bấy giờ.

Sáng 30-04-1975, vào phút chót Lam Phương – Túy Hồng rời Việt Nam, đem các con ra khơi trên tàu Trường Xuân cùng hơn 4.000 người khác. Vì trước đó không có ý định ra đi, nên Lam Phương xuống tàu với 2 bàn tay trắng, bỏ lại hai căn nhà lầu, chiếc xe hơi mới toanh và khoảng 30 triệu đồng trong ngân hàng (lúc đó vàng Kim Thành tốt và uy tín nhất Việt Nam chỉ khoảng 36.000 đồng/lượng, 30 triệu đồng tương với 830 lượng vàng, nhưng Lam Phương ra đi trắng tay).

Đến định cư ở Mỹ, để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện .. Sau khi cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, cứ mỗi cuối tuần ông lại cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau, Túy Hồng và ông có cơ hội sống lại với nhạc và kịch.

Chính trong khoảng thời gian này, một điều mà Lam Phương không bao giờ ngờ tới đã xảy đến: Túy Hồng không còn chung thủy với ông nữa, cô đã “ôm cầm sang thuyền khác”. Ông vô cùng đau xót và viết hàng loạt ca khúc mà tiêu đề chỉ có 1 chữ như Điên”,Say”, Tiếc” .. và đặc biệt nhất: “Lầm”

Tôi cứ nhắc anh là phải cám ơn chị Túy Hồng vì nhờ sự hắt hủi của Túy Hồng anh mới viết được một ca khúc hay nhất hải ngoại, đó là bài “Lầm”:

“Anh đã lầm đưa em sang đây
Để đêm trường nghe tiếng thở dài ..”

Rồi từ bài “Lầm” ấy, anh mới giã từ nước Mỹ, trắng tay ra đi lần thứ hai. Có thể xác quyết rằng, đây là giai đoạn đau khổ nhất trong cuộc đời Lam Phương. Đau khổ vì đang từ một người có thừa tiền tài danh vọng trong nước, anh sang Mỹ bắt đầu lại bằng những nghề lao động chân tay thấp kém nhất. Thế mà chuyện gia đình lại đổ vỡ, làm như số mệnh muốn trả thù anh, đem cái khổ tinh thần nhồi thêm vào cái đau vật chất đang vây chặt lấy anh. Anh bi quan đến độ toan tìm cái chết:

Thà cuộc đời im trong lòng đất ..”

Anh tủi thân đến nỗi viết bài “Say” trong đó có câu:

Ta biết ta đã già ..”

Sang Mỹ năm 38 tuổi, mất gia đình, anh 40 mà phải than già thì cay đắng quá!

[Hình ảnh] Ca sĩ kiêm kịch sĩ Túy Hồng | Lam Phương & Những sáng tác để đời

Tất nhiên, những chuyện tình bên lề của Lam Phương, Túy Hồng đều biết cả, anh không thể giấu hết được. Trực giác nhạy bén của người phụ nữ là vũ khí tự vệ trời ban cho, nên khó có ông chồng nào ngoại tình mà che mắt được vợ! Túy Hồng buồn lắm, nhưng xã hội Việt Nam không đặt nặng vấn đề này. Đàn ông, mà lại là nhạc sĩ nổi tiếng, có đèo bòng thêm một vài bóng dáng khác thì cũng chỉ là vui chơi qua đường mà thôi! Túy Hồng chôn giấu nỗi sầu cho tới khi ra hải ngoại. Ra hải ngoại tức là bước vào một thế giới mới. Mọi thứ giá trị vừa bị đảo lộn hết. Cộng đồng người Việt nhỏ bé đang thành hình là một xã hội mất quân bình vì đàn ông quá dư khiến phụ nữ trở thành “hàng khan hiếm”! Có những cô nhan sắc rất èo uột, giá còn ở Việt Nam thì khó có thể lấy được chồng, giờ sang Mỹ tự động được nâng cấp, kẻ đưa người đón tấp nập! Huống chi Túy Hồng vừa nổi tiếng vừa xinh đẹp! Bao nhiêu săn đón chung quanh làm Túy Hồng xiêu lòng. Hình ảnh người chồng nhạc sĩ mới hôm nào ở Sài Gòn lớn lao quá, vĩ đại quá, giờ này đi quét dọn, làm thợ hàn, thợ mộc! Huống chi có thể Túy Hồng đã nuôi sẵn mối hận trong lòng, cay đắng nhịn nhục bao nhiêu năm qua, bây giờ mới có cơ hội vùng lên! Sự thay đổi rõ ràng ở Túy Hồng làm Lam Phương đành phải ngậm ngùi ra đi!

Lam Phương rời Mỹ để trốn chạy niềm đau, mà như ông nói rằng người ta đi tị nạn chính trị còn tôi tị nạn ái tình.

Khăn gói qua Paris lại còn vất vả hơn nhiều, ông làm công cho một tiệm tạp hóa, quét dọn, đóng gói, khuân vác .. Cái nghèo, cái khổ và nhất là cái lạnh của Mùa Đông Paris làm anh vô cùng điêu đứng. Ngày còn ở Việt Nam, nghe Paris là kinh đô ánh sáng, là phương trời mơ mộng mà Nguyên Sa mô tả:

Hôm nay tôi đi Paris đang vào thu
Dòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa!”

Chao ơi! Đẹp biết bao! Nhưng thực tế thì Paris thiếu rất nhiều phương tiện cho người nghèo, chứ không như bên Mỹ. Lam Phương qua Paris năm 1980, cộng đồng người Việt còn rất thưa thớt và đang ngơ ngác vừa nhớ nhà vừa cố gắng hội nhập. Không ai giúp đỡ được anh. Trung tâm Thúy Nga tuy cũng mới dựng lại bảng hiệu ở quận 13 nhưng còn nghèo xác xơ. Ông Tô Văn Lai đi học sửa xe và cùng con gái đứng bơm xăng thì làm gì có việc cho Lam Phương làm!

Sau này, khi Lam Phương kể lại với tôi, tôi hỏi:
– Hồi anh 17 tuổi, sống trong xóm lao động ở Tân Định, anh sáng tác được bài “Kiếp Nghèo” thật hay, rồi nhờ bài ấy mà anh hết nghèo! Khi sang Paris, anh còn nghèo hơn lúc ở Tân Định, sao anh không viết thêm một bài “Kiếp Nghèo” nữa?
Anh cười buồn bảo tôi:
– Ở Tân Định tôi nghèo nên mới viết được bài “Kiếp Nghèo”. Nhưng sang Paris, nếu viết thêm một bài nữa, thì phải đặt tên là “Kiếp Mạt” mới chính xác!

Nhưng anh chưa kịp viết “Kiếp Mạt” thì cuộc đời anh lại thay đổi, lại gặp một khúc rẽ mới ở người đàn bà thứ 5. Rõ ràng là anh có số đào hoa! Đó là một giai nhân tên là Lê Thị Cẩm Hường mà tôi đã có lần nhắc đến trên Paris By Night. Lam Phương như ngọn cây thiếu nước suốt cả một mùa Hè, bây giờ mưa mới đổ xuống cho ngọn cây sống lại, nhất là Cẩm Hường từng nức tiếng về nhan sắc. Có tờ báo tả cô là “một hoa khôi đẹp mê hồn”! Lúc ấy, Lam Phương đã bước vào tuổi trung niên nên anh viết ngay bài “Nửa Đời Yêu Em”, rồi nối tiếp luôn một loạt tình ca chan hòa hạnh phúc như: “Bài Tango Cho Em”, “Thiên Đường Ái Ân”, “Mùa Thu Yêu Đương”, “Chỉ Có Em” .. Lời ca của anh bây giờ vui tươi và thực tế lắm bởi anh vừa phục sinh sau những ngày dài mất hết niềm tin trong cuộc sống:

Từ ngày có em về
Nhà mình ngập ánh trăng thề”
(Bài Tango cho em)

“Đường vào Paris có lắm nụ hồng”
(Mùa Thu Yêu Đương)

“Đường nào vào thiên đàng ái ân 
Là đường vào nhịp thở lân lân”
(Thiên Đường Ái Ân)

“Làm sao cho anh đi vào thơ ấu xa xưa 
Chỉ có em lòng vui sau cơn mưa”
(Chỉ Có Em) 

Anh nhắc đến những nụ hồng bởi đó là tên người tình mới (Hường) của anh. Nói chung, giai đoạn này nhạc Lam Phương chuyển sang một hướng mới, tìm lại được niềm tin yêu trong đời, bỏ lại sau lưng tất cả chuỗi ngày vất vưởng đã qua.

Hai người sống bên nhau được gần 10 năm rồi lại chia tay. Lam Phương mệt mỏi viết bài “Tình Vẫn Chưa Yên” trong đó có hai câu cuối:

Lạy Chúa! Con yêu đời xót xa nhiều
Bao năm qua con mãi đi tìm mà tình vẫn chưa được yên!”

Ở Paris tình vẫn chưa yên cho nên Lam Phương thấy nhớ nước Mỹ. Anh bỏ đi từ 1980, mãi 15 năm sau mới quay lại, tức là 1995.

Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ khác, nhưng rồi người vợ thứ ba cũng lẳng lặng rời xa ông.

“Bây giờ, anh ấy rất cô đơn. Anh ở với một người em ruột của mình. Đó là lý do tại sao tôi nói anh cô đơn, vì anh ấy buồn khi nghĩ tới thân phận của mình. Từ đó, anh ấy đã sáng tác bài hát ‘Một mình’. Đó là bài hát mà khi nghe bất cứ ca sĩ nào thể hiện, tôi đều ứa nước mắt. Vì nó nói lên thân phận thật của nhạc sĩ Lam Phương”, Danh hài Chí Tài bộc bạch.

Nhạc sĩ Lam Phương cũng từng tâm tự: “Thường những bài hát tôi sáng tác là tôi có một hoàn cảnh riêng của mình. Tôi viết bài đó lúc thôi bà vợ thứ hai, thứ ba, sống một mình. Sống một mình thì tình cảm cô đơn lắm. Tối tôi nằm một mình thấy tình cảnh mình cô độc quá mới viết bài ‘Một Mình’, đó là hoàn cảnh thật ..


Bốn năm sau (1999), anh bị tai biến mạch máu não, phải ngồi xe lăn và từ đó u sầu nhìn quanh một mình, tính đến nay đã 19 năm!

Không tin số cũng không được! Lâu rồi, anh Lam Phương có kể với tôi rằng: Một hôm anh thả bộ trên bờ sông Seine, có bà thầy bói ngồi dưới tàn cây, mời anh ghé vào coi. Bà chuyên coi bằng trái cầu pha lê (crystal ball) là thứ rất thịnh hành ở Pháp. Anh không tin lắm nhưng vì tò mò, anh tạt vô cho bà xem. Bà nghiêm mặt hai ba lần bảo anh:

– Cuối đời ông sẽ sống cô đơn!

Câu nói ấy anh nghe qua rồi quên hẳn, cho đến khi bị nạn ngồi một chỗ, anh mới nhớ lại lời bà thầy bói. Nhưng cũng nhờ biết trước nên anh không bi quan, không tuyệt vọng vì biết đó là định mệnh đã an bài cho mình.

Tôi sang Paris rất nhiều lần, nhưng chưa thấy chị Cẩm Hường lần nào bởi khi tôi gặp anh Lam Phương năm 1993 thì anh đã chia tay Cẩm Hường rồi. Mãi đến mùa hè 2013, tôi mới nhìn thấy chị lần đầu khi tôi cùng nhạc sĩ Lam Phương được mời sang Paris làm show “Tình Ca Lam Phương”. Chúng tôi ở hotel Ibis trong khu Place Italie. Nghe tin anh Lam Phương về Paris, chị Cẩm Hường chạy lại thăm. Thấy tôi ở lobby, chị từ phòng anh chạy ra chào và cám ơn tôi đã nhắc đến chị trên sân khấu Paris By Night. Trước đó, chị cũng đã một lần viết thư cho tôi để cám ơn chuyện này.

Nghe chị giới thiệu tên, tôi giật mình nhìn chị, cố hình dung ra người phụ nữ đã từng đem bao nhiêu nụ hồng đến với anh Lam Phương, từng được gọi là “hoa khôi có sắc đẹp mê hồn”! Nhưng dĩ nhiên, tôi không thấy. Trước mặt tôi giờ đây chỉ là một người đàn bà vừa thấp vừa tròn trịa theo qui luật tàn nhẫn của thời gian mà ai cũng phải trải qua! Chính vì thế, cứ lâu lâu chúng ta lại nghe một ca sĩ gào lên một cách nuối tiếc:

Ngày ấy đâu rồi! Ngày ấy đâu rồi .. !

Chị Cẩm Hường tái ngộ anh Lam Phương như thế cũng là đúng lúc, vì chỉ hơn một năm sau, tôi nghe tin chị qua đời tại Paris!

.. Xin cám ơn tất cả những người tình một thời của nhạc sĩ Lam Phương. Những nguồn vui, những nỗi sầu, những hạnh phúc, những giận hờn mà họ đã mang lại cho Lam Phương, để anh kết thành hàng loạt nhạc phẩm đặc sắc lưu lại mãi mãi cho đời .

Tâm sự của Lam Phương đối với mẹ và quê hương

Khi Lam Phương còn nhỏ, cha của ông lên Sài Gòn rồi bỏ gia đình, dính líu với nhiều người đàn bà khác. Kết quả là Lam Phương có một số khá đông các em cùng cha khác mẹ. Cũng vì thế, ông dồn hết tình thương cho người mẹ quê mùa nhưng chân chất, nghèo nàn và giàu tình thương của mình. Chính vì lòng thương mẹ khiến Lam Phương đã viết nên những ca khúc nổi tiếng. Ông từng bật khóc khi nhắc đến người mẹ thân yêu đã qua đời năm 1979 tại Sài Gòn.

Từ khi mẹ mất, ông không về Việt Nam để chăm sóc mộ phần mặc dầu rất nhớ thương mẹ. Lý do, theo Lam Phương, là chế độ hiện nay không thích hợp với ông. “Rất nhiều người hỏi tại sao tôi không về. Quê hương thì ai chẳng thương chẳng nhớ. Nhất là tôi, tôi đi từ năm 75, lại càng nhớ nhiều hơn nữa. Nhưng tôi không về tại vì chế độ chưa phù hợp”.

Để tưởng nhớ người mẹ thân yêu, Lam Phương đã viết ca khúc “Khóc Mẹ” vào năm 1984 tại Paris: “Suốt một đời tảo tần gian nan, lo cho con quên tháng ngày trôi ..”


Ông nói: “Tôi thương má tôi lắm. Ngày trước má tôi chỉ ao ước có một nơi trú ngụ khá tươm tất cho bầy con đông đúc của má. Bây giờ, ngay chính cái thân tôi cũng như thế này ..”

Tri ân

Trung tâm Thúy Nga đã thực hiện 5 chương trình vinh danh nhạc Lam Phương:

  • Paris By Night 22: 40 Năm âm nhạc Lam Phương
  • Paris By Night 28: Lam Phương 2 – Dòng nhạc tiếp nối – Sacrée Soirée 3
  • Paris By Night 88: Lam Phương – Đường về quê hương
  • Paris By Night 102: Nhạc yêu cầu Lam Phương
  • Paris By Night đặc biệt (không ghi hình): Tình ca Lam Phương tại Singapore

Trung tâm Asia đã thực hiện 1 chương trình về nhạc Lam Phương:

  • Asia 77: Dòng Nhạc Anh Bằng & Lam Phương

Duyên kiếp & Cỏ úa

Trong quãng đời 50 năm đi hát, Elvis Phương rất thân thiết với nhạc sĩ Lam Phương, đặc biệt những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Có khoảng thời gian hai người sống cùng ở Paris, tất cả những sáng tác của Lam Phương, Elvis Phương đều là người hát đầu tiên. Cứ thế, một người viết bài, một người hát.

Danh ca Elvis Phương cho biết, ca khúc “Duyên Kiếp” được Lam Phương sáng tác khi anh còn là chàng thanh niên ở Kiên Giang, chưa lên thành phố sống cuộc đời một nhạc sĩ. Khi đó, anh đem lòng yêu một cô gái cùng quê.

Khi lên thành phố với cuộc đời nhạc sĩ, anh gặp người con gái dễ thương, nảy ra chuyện tình đẹp. Có những lúc anh Lam Phương đưa cô ấy đi về Đà Lạt chơi và anh đã sáng tác “Cỏ Úa”.


Chiều Tây Đô

Mời Quý Cô Bác, Anh Chị xem bài viết chi tiết tại đây.

Nguồn tư liệu:
https://www.sbtn.tv/ (Nhạc sĩ Lam Phương)
http://thoibao.com/ (Lam Phương & Những cuộc tình vây quanh)
http://thoibao.com/ (Nhạc sĩ Lam Phương , Nỗi buồn còn đó)
https://vi.wikipedia.org/ (Lam Phương – Wikipedia)
https://cafevannghe.wordpress.com/ (Chuyện tình Lam Phương)
http://www.baogiaothong.vn/ (Chí Tài xúc động hé lộ nỗi cô đơn của NS Lam Phương)
https://www.nguoi-viet.com/ (Mơ ước của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80: ‘Có một người bạn để hủ hỉ’)
http://dantri.com.vn/ (Elvis Phương tiết lộ về 5 cuộc tình lớn của nhạc sĩ Lam Phương)
http://danviet.vn/ (Nhạc sĩ Lam Phương và mối tình bi thương với cô học trò xinh đẹp)

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận