“Hoa trắng thôi cài trên áo tím” và những bản phổ nhạc

Cập nhật lần cuối: 28/04/2021 21:36

Có khoảng 6 nhạc phẩm được cảm tác từ chuyện tình này, đó là:

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

+ Hoa trắng thôi cài trên áo tím – Huỳnh Anh
+ Chuyện tình hoa trắng – Anh Bằng
+ Hồi chuông xóm đạo – Anh Bằng
+ Người em xóm đạo – Bằng Giang
+ Về thăm xóm đạo – Bằng Giang
+ Mười năm áo tím – Nguyên Anh

∗     ∗     ∗

Người viết được may mắn thân thiết với nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà – trong khoảng 15 năm cuối đời của ông. Kiên Giang là nhà thơ, là soạn giả cải lương (tác giả các vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Sơn nữ Phà Ca…), là nhà báo – chứng nhân còn sót lại của sự kiện “Ngày ký giả đi ăn mày” (xảy ra vào năm 1974, báo giới miền Nam xuống đường với nón lá, bị, gậy của dân “cái bang” để chống đối Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra sắc luật đàn áp báo chí).

Người viết dù chơi thân với ông nhưng muốn gặp ông thật khó bởi ông luôn dịch chuyển (rất giống với ông bạn thân cùng lứa, cùng làng là nhà văn Sơn Nam). Có hôm, tôi gọi điện thoại ngỏ ý gặp ông để hỏi thêm một vài chi tiết cho bài viết. Ông bảo: “Tao đang ở gần sân vận động Thành Long (quận 8,TP.HCM), mày muốn gì, xuống đây!”…

Nếu có ai có dịp ngồi “chung chiếu” với nhà thơ Kiên Giang, hỏi ông về thời niên thiếu, về Sơn Nam, về Nguyễn Bính và nhất là về người con gái trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím là ông kể một mạch bằng một giọng bùi ngùi, không hề đứt đoạn, làm như những chuyện đó đã thấm vào máu thịt của ông ..

 

[Hình ảnh] Nhà thơ Kiên Giang | 'Hoa trắng thôi cài trên áo tím' và những bản phổ nhạc
Nhà thơ Kiên Giang

 

Yêu nhau rình ở cổng nhà thờ

17 tuổi, anh học trò Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rời vùng quê Rạch Giá lên Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Vốn có khiếu văn chương nên anh được các thầy giao cho thực hiện một tờ báo tường lấy tên là Ngày xanh. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí ..), còn cô bạn Nguyễn Thị Nhiều thì nắn nót chép bài vở

Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với khuôn mặt thanh tú và mái tóc dài ôm xõa bờ vai. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ.

Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng “rình” trước cổng nhà thờ để được “tháp tùng” nàng trên đường đi lễ về. “Yêu nhau” chỉ có .. vậy: ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để “trao đổi” nữa cả! Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau ..

Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, kéo dài suốt 9 năm (1945 -1954), việc học hành bị gián đoạn, trường lớp tan tác .. Kiên Giang và bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam ..) vào Khu 8, tham gia kháng chiến, và rồi ông lập gia đình trong thời gian này ..

 

Hai đoạn kết khác nhau

Sau này, nhiều lần Kiên Giang tâm sự với người viết: “Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm ấy cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa tâm sự của hai đứa vào bài thơ ‘Hoa trắng thôi cài trên áo tím’, làm tại Bến Tre năm 1957. Ở đoạn kết có những câu: Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ/ Chở áo tím về giữa áo quan/ Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt/ Khi anh ngồi kết vòng hoa tang .., tôi đã ‘cho’ người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình.

Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp ‘gặp lại cố nhân’ ở Sóc Trăng (lúc này nàng đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết đi để bảo vệ quê hương, không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định 1958), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa .. Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết cả! Năm 1977, chúng tôi lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua, gặp lại, hai mái đầu đã bạc .. Cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn cả hai vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”.

Đầu năm 1999, Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) có thực hiện một bộ phim tài liệu về ông mang tên Chiếc giỏ đời người (nhà thơ Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ), trong kịch bản có một cảnh quay tại Cần Thơ. Khi ông và ê kíp làm phim đến nhà “người xưa” mời bà Nhiều ra quay cảnh ở nhà thờ Chính tòa thì thấy ngôi nhà đóng cửa, lạnh ngắt. Người hàng xóm cho biết bà Nhiều đã qua đời năm 1998. Ông thật xót xa ..  Hôm sau ông trở lại, cô con gái của bà Nhiều kể rằng lúc bà mất, tang gia có gửi thiệp báo tin cho ông nhưng tiếc là ông đã không nhận được để tiễn biệt người xưa lần cuối thực sự chứ không phải tiễn biệt như trong thơ. Rồi ông cùng người con gái của bà ra nghĩa trang viếng mộ. “Người xưa” bây giờ chỉ còn là di ảnh trên bia mộ, nhưng người con gái đứng bên ông thì lại giống cô Nhiều ngày trước lạ lùng ..

 

Nguồn tư liệu:
https://thanhnien.vn/ (Nhà thơ Kiên Giang – Kỳ 1: Chuyện ‘Hoa trắng thôi cài’ và hai đoạn kết)
http://amnhac.fm/ (Những bóng hồng trong thơ nhạc[6]: Hoa trắng thôi cài trên áo tím)

 

Bài 1
– Tâm tình của người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo – Bến Tre, 14-11-1957

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! Chuông nhà trường

Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẻ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhnhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu

***

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Nhưng khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường

Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!!!

 

Bài 2
– Gia Định, 28-05-1958

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần Chúa Nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ tthẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ vật ban đầu

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ xây tường lũy
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù

Nhưng rồi người bạn cùng trang lứa
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, em nức nở
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp cỗ quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi

***

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa!!!

 

Hoa trắng thôi cài trên áo tím – Huỳnh Anh

Hoa trắng thôi cài trên áo tím 
từ ngày binh lửa ngập quê hương 
luyến thương chan chứa tình quê mẹ 
song nước phù sa gợi tình 

Lâu quá không về thăm xóm cũ 
để nhìn mây chiều nhẹ im trôi 
để nghe khe khẽ lời em nguyện 
đôi bóng vai kề một lối đi 

Từ khi giặc tràn qua xóm đạo
anh làm chiến sĩ giữ quê hương
giữ màu áo tôi thương
giữ màu tím tôi mơ
giữ hàng tre cây đa xiêu đầu làng

Pháo hồng đưa chuyến đò sang sông 
áo tím ngày xưa đi lấy chồng 
chuông đổ ngân vang hồi vĩnh biệt 
đưa em về bến đục hay trong

Hoa trắng thôi cài trên áo tím 
tàn rồi bao kỷ niệm xa xưa 
núi xanh sông biếc còn rơi lệ 
hoa trắng nay thành hoa cố nhân ..

 

Chuyện tình hoa trắng – Anh Bằng

Lâu quá không về thăm xóm đạo
từ ngày binh lửa cháy quê hương
khói bom che lấp chân trời cũ
che cả người thương nóc giáo đường

Từ lúc giặc tràn qua xóm đạo
anh làm chiến sĩ giữ quê hương
giữ màu áo tím cành hoa trắng
giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
súng gầm vang đổ gạch nhà thờ
anh gom gạch nát xây tường cũ
chiếm lại lầu chuông nóc giáo đường

Nhưng rồi người trai anh hùng ấy
đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
chuông đổ ban chiều hồi vĩnh biệt
tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
mà cài trên nắp áo quan tài
hoa trắng thôi cài trên áo tím
nỗi buồn ôi kỷ niệm ban đầu

Xe tang đã khuất nẻo đời
chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu
chiều nay áo tím bơ vơ
thương cành hoa trắng trên mộ người xưa ..

 

Hồi chuông xóm đạo – Anh Bằng

Người hỡi tôi biết yêu là khổ 
xin kể lại chuyện xưa lưu bút trong nhật ký 
chiều nay nghe hồi chuông xóm Đạo
vẫn nhớ thương và buồn

Chuyện mười trăm trôi qua
khi em còn đến trường 
tuổi đời đẹp như thơ
hoa bướm mộng mơ 
ngày xưa tôi còn dại khờ
yêu em chẳng dám hẹn hò đôi câu

Ngày xưa em xinh đẹp mỹ miều 
tóc thề buột cheo leo yêu quá là yêu 
ngày xưa tôi học thì lười 
yêu em chỉ nhớ nụ cười môi em

Trường em ngó ngát chuông nhà thờ 
Chúa Nhật em xem lễ tôi học bài vu vơ 
giờ tan lễ hai đứa chung đường về 
em thẹn thùng không nói tôi đứng lại không đi

Rồi mười năm trôi êm
hoa trắng cài áo tím 
không từ giã một lời
từng hồi chuông xóm đạo 
rộn ràng mừng thành lễ
áo tím ngày vu quy ..

 

Người em xóm đạo – Bằng Giang

Ngày xưa tôi có người yêu rất đẹp ở xóm đạo
những buổi tan trường thường hay tìm nhau xây mơ ước ngày sau
nhặt cành hoa trắng thiết tha tôi cài lên trên áo lụa xanh cỏ lá
say sưa trao nhau kỷ niệm phút vui ban đầu
tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu

Một hôm tôi đến tìm em để từ giã lên đường
gửi lại phố phường chuyện đôi mình thương mai xa cách ngàn phương
cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa qua những vùng xa lạ quá
quê hương bao la những chiều đóng quân ven rừng
gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa

Nhưng có ai đâu ngờ một chiều mưa lộng gió người em đã ra đi 
không nói lời biệt ly trường xưa giờ vắng bóng xóm đạo hết chờ mong
ôi xót thương vô bờ giặc về gieo sầu nhớ mang theo xác em thơ
Bao ước hẹn ngày xưa chuyện vui buồn hai đứa giờ còn riêng mình tôi

Về đây hoa lá cỏ cây cũng buồn theo tháng ngày
trở lại xóm đạo còn đâu người yêu ôi hoang vắng đìu hiu 
nhặt cành hoa trắng xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá
Em ơi em ơi nhớ hoài nhớ nhau muôn đời
vì chinh chiến ngược xuôi nên em cách xa tôi rồi ..

 

Về thăm xóm đạo – Bằng Giang

Sau bao ngày đi chinh chiến
tôi trở về thăm xóm đạo vẫn âm thầm
trên con đường này ngày xưa ta hay đón hay đưa
ngờ đâu duyên chẳng chung đầu
đành để hai đứa hai nơi
anh đi giết thù để lại giây phút xa em
người đi mãi đi để chết người ở lại

Bao ước mơ tan rồi lòng vẫn chưa quên em
những khi chiều xuống
thương thương mấy cho vừa
những chuyến xuôi quân hành gặp hoa trắng ngày xưa
ôi đã bao đông về tình chết theo cơn mê
nghe hồn lạnh giá
anh, anh đi bốn phương trời
lòng ước mơ một ngày về thăm xóm đạo này

Hôm nay về đây thăm em
thăm mái trường xưa ngôi mộ kết hoa buồn
kỷ niệm tình đầu lòng anh luôn ghi nhớ trong tim
vì đâu lỡ mối duyên đầu một chiều mưa gió em đi
anh đâu có ngờ trọn đời ta phải chia ly
lòng anh vẫn yêu yêu xóm đạo yêu người ..

 

Mười năm áo tím – Nguyên Anh 

Mười năm trước em còn đi học
áo tím điểm tô cho đời nữ sinh
hoa trắng cài duyên màu áo tím
em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh
quen biết nhau qua tình xóm nhỏ
cổng trường đối diện ngó lầu chuông
mỗi lần Chúa nhật em xem lễ
anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
nép mình bên gác thánh lầu chuông
để nghe khe khẽ lời em nguyện
thơ thẩn chờ em trước thánh đường
mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
hai bóng cùng chung một lối về

E lệ em cầu kinh nho nhỏ
thẹn thùng anh đứng lại không đi
sau mười năm lẻ anh thôi học
nức nở chuông trường buổi biệt ly
rộn ràng từng hồi chuông xóm đạo 
khi nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
như màu tang trắng liệm tình xưa
anh nhìn áo cưới hồn tan vỡ
đâu rồi áo tím của ngày xưa ..

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận