Đạo diễn Lâm Quang Tèo (em trai của Lâm Quang Măng – tên thật của nhạc sĩ Thanh Trúc) kể lại:
Tôi may mắn được sống và chiến đấu cùng anh tôi tại căn cứ địa của Đoàn Ca múa Giải phóng ở chiến khu Đ từ giữa năm 1969. Lúc bấy giờ chiến tranh rất ác liệt, đặc biệt là chiến tranh hóa học, chất dioxin trong thuốc diệt cỏ của quân Mỹ đã biến rừng đại ngàn Nam Bộ và một phần của khu vực biên giới Campuchia thành vùng trắng.
Các đơn vị bộ đội và các anh chị trong đoàn của anh tôi mỗi lần đi biểu diễn ở chiến trường đều phải mang theo túi ni lông để gặp lúc máy bay địch rải thuốc là trùm vào đầu. Thế nhưng do không biết rõ tác hại của thuốc dioxin, nhiều bộ đội đã bị nhiễm độc. Sau ngày hòa bình lập lại, những người lính trở về đời thường, họ lập gia đình và bi kịch đã xảy ra như chúng ta đã biết.
Nhạc sĩ Thanh Trúc có nhiều người bạn bị nhiễm chất độc hóa học này. Năm 1985, ông và đạo diễn Lâm Quang Tèo đã có một chuyến đi thực tế từ các tỉnh Tây Nguyên ra miền Trung.
“Tôi biết lái ô tô nên anh đã cho tôi cùng đi chuyến thực tế đó. Ở miền Trung, chúng tôi gặp nhiều người bạn của anh tôi có con bị dị tật. Tôi nhớ chị Lan, một nữ văn công hoạt động tại Quân khu 9 đã từng là bạn của anh tôi trong chiến khu. Chồng chị là bộ đội, công tác ở Khu 5. Chúng tôi gặp nhau tại rẫy trồng bắp của gia đình chị, dù anh tôi cố thuyết phục nhưng chị không chịu dẫn chúng tôi về thăm nhà.
Tối lại, chúng tôi quyết định âm thầm bám theo chị Lan về nhà và thật là đau xót, anh em tôi chết lặng khi nhìn thấy hai đứa con của vợ chồng chị Lan. Đó là hai đứa trẻ dị tật, nằm lăn lóc trên vạt giường tre. Một đứa đầu to, tay dính lại; một đứa đầu bé xíu, bụng phì lớn và chỉ có một chân.
Vợ chồng chị Lan và anh Thanh Trúc cùng khóc. Cả ba người lặng lẽ ngồi bên thềm nhà, mỗi người nhìn một góc. Sau đó chúng tôi lại ra đến Đà Nẵng, Quảng Trị và về Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau .. Nơi nào cũng gặp và nghe những chuyện đau lòng về những gia đình người lính có con dị tật do chất độc da cam.
Anh tôi đã viết ca khúc Vì đâu em chết trong giai đoạn này. Anh là người vui tính, hoạt bát, nhưng thời gian đó tôi bỗng thấy anh tôi ít nói, trầm ngâm, thỉnh thoảng lại ngồi khóc một mình. Sau chuyến đi, về đến TP.HCM chừng 5 ngày, anh Trúc gọi tôi lái xe đưa anh vào Khu T78 ở Thủ Đức.
Đến nơi tôi mới biết anh Thanh Trúc đến thăm bác Phạm Hùng, bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị – Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Anh hát bài hát vừa sáng tác cho bác Phạm Hùng nghe. Sau khi đốt một điếu thuốc, bác Hai hỏi: “Chú đặt tựa gì?”.
Anh Trúc trả lời: Vì sao em chết. Bác Phạm Hùng góp ý: “Nên sửa lại Vì đâu em chết. Vì sao nghe nhẹ lắm, phải vì đâu thế hệ trẻ của dân tộc Việt Nam phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh hóa học?”.
Hai hôm sau, trên sân khấu dã chiến tại Nhà hát TP, ca sĩ Ngọc Anh và dàn nhạc Đoàn Ca nhạc kịch Thanh Niên (tiền thân của Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám – nay là Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM) đã biểu diễn thành công ca khúc Vì đâu em chết.
Tôi đã nhìn rõ những giọt nước mắt của các nghệ sĩ trong đoàn và khán giả khi nghe ca khúc này. Thật vui với anh tôi khi sau này có rất nhiều ca sĩ đi biểu diễn tại các nước: Đức, Mông Cổ, Ba Lan, Nga .. đều đã hát ca khúc này và gây xúc động đối với khán giả kiều bào. Giờ đây, dưới suối vàng, anh tôi chắc sẽ rất vui khi biết ca khúc của mình đã được hơn 70 ca sĩ cả nước hát trong một dịp rất quan trọng và mang ý nghĩa nhân đạo”.
Sau ca sĩ Ngọc Anh, ca sĩ Cẩm Vân đã từng thể hiện ca khúc này trong chuyến tham dự cuộc thi âm nhạc tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông Chánh Trực, nguyên trưởng Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám, kể:
“Đó là năm 1986, tôi có nói với nhạc sĩ Thanh Trúc lúc đó là phó đoàn, chúng ta sẽ chọn Cẩm Vân tham dự cuộc thi với ba bài hát: một của nước bạn, một ca ngợi đất nước ta trong giai đoạn xây dựng (bài Trị An âm vang mùa xuân) và bài Vì đâu em chết. Anh Thanh Trúc đồng ý và chúng tôi nhờ nhạc sĩ Y Vân phối âm để Cẩm Vân tập và đưa bài tổng phổ cho dàn nhạc Cộng hòa Dân chủ Đức tập.
Năm đó có 52 nước tham dự cuộc thi, Cẩm Vân đứng hạng tư. Anh Thanh Trúc rất vui khi hay tin này, vì anh biết ca khúc của mình đã tạo được tiếng vang không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài”.
Ca sĩ Cẩm Vân xúc động kể lại: “Hồi đó tôi hát bằng tất cả khí thế của tuổi trẻ, kêu gọi mọi người hãy cảm thông cho cái chết của một người em, đại diện cho số đông những nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Lời ca đến bây giờ vẫn còn gây xúc động trong tôi” ..
Nguồn tư liệu:
+ https://tuoitre.vn/ (Vì đâu em chết – Nước mắt Thanh Trúc)
+ http://www.sggp.org.vn/ (‘Vì sao em chết’: Bài hát hay về nạn nhân chất độc da cam)
Lời bài hát
Đường phố đã vào hè bạn bè đã vào hè
mà sao em còn trong mê mải
đường phố đã vào hè con ve đã kêu hè
mà sao em còn trong đớn đau
Ôi đứa em tôi đứa em cút côi
từ nay không còn nhìn đâu thấy nữa
ôi đứa em tôi đứa em cút côi
từ nay không còn ca hát nữa
Chúng nó giết em rồi
chúng giết bằng chất độc màu da cam
chúng giết bằng chất độc màu da cam
Chất độc màu da cam năm xưa đã giết chết mẹ tôi
trong một trận càn
để lại cho tôi đứa em cút côi
tôi nuôi từng giọt đời từng giọt nắng
giành lại cho em từ bóng đêm
từng giọt hồng cuộc sống
Nhưng giờ đây dư âm của chiến tranh
là chất độc màu da cam đã tàn phá em tôi
đã vào cơ thể của em tôi
mẹ ơi không thể nào
không thể nào còn gặp lại em yêu
không thể nào còn gặp lại em yêu ..