Chiều Một Mình Qua Phố
Khi chúng tôi đặt chân lên Bảo Lộc, trời đã vào thu ..
Những tháng đầu hãy còn lạ nước, lạ cái, không biết đi đâu, làm gì để hết thì giờ vì chỉ phải dạy có một buổi; chúng tôi có suốt những buổi chiều lang thang. Cứ hết “những bước chân âm thầm” trong khuôn viên trường Nông Lâm Súc im lìm vắng vẻ với những tàn cây sao, cây gõ, cây gụ cao vút tận trời xanh, lại đến đoạn đường quốc lộ 1 chạy xuyên qua con phố Blao lèo tèo vài quán ăn dọc đường ngắn củn. Chúng tôi lại đi vòng bờ hồ cho đến khi chiều xuống hẳn, sương mù bắt đầu xuất hiện trên mặt hồ, ban đầu mỏng rồi dầy dần cho đến lúc che khuất một chòm cây khô giữa hồ, chỉ còn thấy một thân cây khô với những cành khẳng khiu vươn lên trơ trọi giữa khoảng trời mây. Đến lúc đó ai cũng cảm thấy mỏi chân và muốn vào quán ngồi uống cà phê, hoặc uống bia nghe nhạc, chờ tối để về nhà tìm giấc ngủ. Trong cái không gian và thời gian đó, Trịnh Công Sơn cảm hứng sáng tác nhạc phẩm “Chiều Một Mình Qua Phố” ..
Lời bài hát
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím
chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên
Chiều qua bao nhiêu lần môi cười
cho mình còn nhớ nhau
chiều qua bao nhiêu lần tay mời
nghe buồn ghé môi sầu
ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu
ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
gió ơi gió ơi bay lên để bụi đường cay lòng mắt
chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
áo xưa chưa quen phong trần đợi mùa thu vàng áo thêm
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
bước chân nghe quen cũng buồn lạy trời xin còn tuổi xanh
còn một mình trên phố âm thầm nhớ nhớ tên em
ngoài kia không còn nắng mềm ngoài kia ai còn nhớ tên ..
Lời Buồn Thánh
Khoảng đầu tháng tư năm 1965, chúng tôi đau buồn tiễn biệt người bạn trẻ Nguyễn Văn Ba về bên kia thế giới. Cái chết của Nguyễn Văn Ba phần nào giúp Sơn hoàn thành một bản nhạc bất hủ khác: “Lời Buồn Thánh”.
Số là trước đó, cứ trưa thứ sáu, sau khi bãi học, Sơn đi thẳng ra bến xe, lấy vé về Sài Gòn. Xe nhỏ Minh Tâm chỉ bốn tiếng đồng hồ là Sơn đã tiếu ngạo ở thành phố hoa lệ. Mười hai giờ trưa chủ nhật, Sơn lại leo lên xe đò, đánh một giấc. Năm giờ chiều đã có mặt tại bàn bi da Cà phê Ngọc Trang. Sau cái chết của Nguyễn Văn Ba, Sơn rét, không dám về Sài Gòn hằng tuần nữa. Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài dạy, nhìn ra con đường đất đỏ. Mùa này, bông lau nở trắng xóa khắp nơi, dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, những cơn gió nồm thổi nhẹ tới từng cơn, lướt qua rừng bông lau, xô chúng ngả nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn.
Chiều xuống dần, những vạt nắng cuối cùng chiếu xiên trên ngọn bông lau, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần, không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất thật hiu hắt buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ. Chuông nhà thờ đang dồn dập từng hồi thúc giục con chiên đến giáo đường. Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà, người mảnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, khuôn mặt phảng phất như Đức mẹ Maria. Rất dịu dàng trong dáng đi, mỗi buổi chiều cô đi lễ, đều đi ngang nhà chúng tôi. Hai tay ấp quyển Kinh Thánh trước ngực, đầu hơi cúi xuống, lặng lẽ, khoan thai bước. Đã bao lâu rồi, cái hình ảnh rất đẹp ấy, cái mầu áo dài trắng nổi bật trên nền đất đỏ, thấp thoáng ẩn hiện trong đám lau trắng, đã đi ngang nhà chúng tôi bao nhiêu chiều rồi mà chúng tôi không hề hay biết. Thật uổng phí? Chẳng là, cứ ba giờ chiều là chúng tôi đã túc trực quanh mấy cái bàn bi da để dành chỗ rồi chơi cho đến khi tắt điện mới mò về, thì làm sao có thì giờ để biết bên hàng xóm có người đẹp. Cái tên Ngà mãi về sau, theo dõi, lắng nghe mấy đứa em cô gọi mới biết.
Từ ngày Nguyễn Văn Ba chết chúng tôi buồn vì thiếu vắng một người bạn, nên không còn hứng thú trong những buổi lang thang nữa. Ngồi nhà suốt một tuần nên mới phát hiện ra bên hàng dậu có người ngọc. Cả ba: Sơn, Tâm và tôi bắt đầu theo đuổi. Nhưng cả ba đều không thành công. Lý do: tuổi trẻ ham chơi nên không bỏ hết thì giờ để đeo đuổi, thứ nữa là sĩ diện, quan trên trông xuống người ta trông vào, thầy giáo mà đi chọc gái thì ê càng quá. Tuy nhiên với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Sơn đã thành công khi đưa tất cả những âm thanh mơ hồ của ngàn lau, của tiếng kèn đồng, tiếng chuông nhà thờ cùng dáng yểu điệu của cô Ngà hòa nhập với gió chiều nhè nhẹ để cấu thành chất liệu tuyệt vời tạo nên nhạc phẩm “Lời Buồn Thánh” ..
Lời bài hát
Chiều chúa nhật buồn
nằm trong căn gác đìu hiu
ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
trời mưa trời mưa không dứt
ô hay mình vẫn cô liêu
Chiều chúa nhật buồn
nằm trong căn gác đìu hiu
nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
bạn bè rời xa chăn chiếu
bơ vơ còn đến bao giờ
Chiều chúa nhật buồn
nằm trong căn gác đìu hiu
tôi xin em năm ngón tay thiên thần
trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi
tôi tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn
Chiều chúa nhật buồn lặng nghe gió đi về ..
Tư liệu trên được viết dựa theo lời kể của ông Nguyễn Thanh Ty – nguyên là bạn cùng học Trường Sư Phạm Quy Nhơn (Khóa I, 1962- 1964), cùng dạy học và cùng sống chung một nhà, cùng sinh hoạt vui chơi với Trịnh Công Sơn tại Bảo Lộc (B’Lao) – Lâm Đồng trong những năm 1964-1967. Mối quan hệ bạn học cùng lớp Sư phạm, bạn đồng nghiệp cùng dạy học và là người cùng sống chung, ăn chung, vui chơi chung, cùng chia sẻ nỗi buồn vui với Trịnh Công Sơn, suốt 5 năm, từ Qui Nhơn đến Bảo Lộc. Như vậy ông Nguyễn Thanh Ty là một nhân chứng đáng tin cậy nhất về cuộc sống của Trịnh Công Sơn trong 3 năm ở vùng “cao nguyên bụi đỏ sương mù” ..
– Bài viết: Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn
– Nguồn tin: Hội Những Người Yêu Nhạc Trịnh
– Truy cập lần đầu: 2018.02.22
– Truy cập lần cuối: 2021.04.30 12:44 VST (404 Not Found)
– Đường dẫn: https://hoiyeunhactrinh.com/ve-mot-quang-doi-cua-trinh-cong-son-719