Nguyễn Bính & Những bài thơ phổ nhạc

Cập nhật lần cuối: 18/07/2021 13:07

Nguyễn Bính (1918 – 1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, quê ở tỉnh Nam Định. Khi ông vừa tròn 3 tháng thì mẹ mất. Cha ông (ông Nguyễn Đạo Bình) làm nghề dạy học nên ông được học tại nhà. Về sau cha ông bước thêm bước nữa, Nguyễn Bính được cậu mang về nuôi dưỡng.

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm gần 1000 giai thoại âm nhạc được vangson.info tổng hợp tại trang Thư Viện Giai Thoại

Tài năng thi ca được Nguyễn Bính bộc lộ từ nhỏ, khi 13 tuổi ông đoạt giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng. Thơ ông phần lớn là thơ tình nhưng mang một sắc thái quê mùa, dân dã riêng biệt. Cùng với Xuân Diệu, ông được mệnh danh là Vua thơ tình.

Nhà thơ Nguyễn Bính có một cuộc đời long đong với nhiều lần tha hương. Ông trải qua 4 đời vợ, ngay cả khi ông từ trần, mộ phần của ông cũng phải mất qua bốn lần di dời mới được bình yên. Tuy vậy, nhà thơ đã sống hết mình và yêu hết mình, khối tình lớn nhất đời, ông dành cho thi ca và thôn làng qua những bài thơ mang nặng hồn quê ..

 

[Hình ảnh] Thi sĩ Nguyễn Bính | Thơ Nguyễn Bính phổ nhạcThi sĩ Nguyễn Bính

 

Những bài thơ phổ nhạc ..

 

Chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

1936

 

Chân quê – phổ nhạc: Trung Đức

Hôm qua em đi tỉnh về
đợi em ở mãi con đê đầu làng
khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
áo cài khuy bấm em làm khổ tôi

Nào đâu cái yếm lụa sồi
cái dây lưng đuỗi nhuộm hồi sang xuân
nào đâu cái áo tứ thân
cái khăn mỏ quạ
cái quần nái đen
nói ra sợ mất lòng em
van em em hãy giữ nguyên quê mùa
như hôm em đi lễ chùa
cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
thầy u mình với chúng mình chân quê
hôm qua em đi tỉnh về
hương đồng gió nội bay đi ít nhiều ..

 

Hương đồng gió nội – phổ nhạc: Song Ngọc

Hôm qua, em đi tỉnh về 
đợi em ở mãi con đê đầu làng 
khăn nhung quần lĩnh rộn ràng 
áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
nào đâu cái yếm lụa sồi 
cái dây lưng đụi nhuộm màu sang xuân 
nào đâu cái áo tứ thân 
cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen

Nói ra sợ mất lòng em 
van em em hãy giữ nguyên quê mùa 
như hôm em đi lễ chùa 
cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
hoa chanh nở giữa vườn chanh 
thầy u mình với chúng mình chân quê
hôm qua em đi tỉnh về 
hương đồng gió nội bay đi ít nhiều ..

 


 

Hôn nhau lần cuối

Cầm tay, anh khẽ nói:
– Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi.

Rồi một, hai, ba năm,
Danh thành anh trở lại.
Với em, anh chăn tằm,
Với em, anh dệt vải.

Ta sẽ là vợ chồng.
Sẽ yêu nhau mãi mãi.
Sẽ se sợi chỉ hồng,
Sẽ hát câu ân ái.

Anh và em sẽ sống,
Trong một mái nhà tranh.
Lấy trúc thưa làm cổng,
Lấy tơ liễu làm mành.

Nghe lời anh, em hỡi!
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi…

 

Hôn nhau lần cuối – phổ nhạc: Văn Phụng

Cầm tay em, anh khẽ nói
khóc lóc mà làm chi, hôn nhau một lần cuối
em về đi anh đi, em về đi anh đi

Rồi một hai ba năm, danh thành anh trở lại
với em anh chăn tằm, với em anh dệt vải
ta sẽ là vợ chồng, sẽ yêu nhau mãi mãi

Sẽ se sợi chỉ hồng, sẽ hát câu ân ái
anh cùng em sẽ sống, trong một mái nhà tranh
lấy trúc thưa làm ngõ, lấy tơ liễu làm mành

Nghe lời anh em nhé!
khóc lóc mà làm chi, hôn nhau một lần cuối
em về đi anh đi, em về đi anh đi ..

 


 

Người con gái ở lầu hoa

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng,
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh.
Có một buổi chiều qua lối ấy,
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh.

Tôi rót hồn tôi xuống mắt nàng.
Hồn tôi là cả một lời van.
Tôi van nàng đấy! Van nàng đấy!
Ai có yêu đương chả vội vàng?

Tôi rót hồn tôi xuống đã nhiều,
Hồn tôi còn có được bao nhiêu?
Tôi đi sợ cả lời tôi nói,
Sợ cả gần nàng, sợ cả yêu.

Nàng có bao giờ nghĩ đến không?
Không, nàng đan áo suốt mùa đông,
Mùa xuân qua cửa, tôi qua cửa,
Nàng chả nhìn cho, đến não nùng!

Tôi mỉa mai tôi, oán trách tôi
Làm sao tôi lại cứ câm lời?
Thì trăm con gái, nghìn con gái
Nàng cũng là người con gái thôi.

Có một nghìn đêm tôi chiêm bao,
Ba đêm nay khóc với mưa rào,
Đêm nay mắt đỏ rồi, mưa tạnh,
Tôi khóc âm thầm dưới bóng sao.

Nàng ở lầu hoa ở đệm bông,
Có đêm nào nghĩ đến tôi không?
Không không, chả có đêm nào cả,
Chả có đêm nào hé cánh song ..

 

Chuyện tình hoa mai – phổ nhạc: Anh Bằng

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
trên xóm mai vàng dưới đế kinh
có một buổi chiều qua nơi ấy
tôi về dệt mãi mộng ba sinh

Tôi rót hồn tôi xuống mắt nàng
hồn tôi là cả một lời van
tôi van nàng đấy ! Van nàng đấy !
ai đã yêu đương chẳng vội vàng?

Nàng có bao giờ thương nhớ tôi không
tình tôi tựa tuyết giá mùa đông
mùa xuân mai nở tôi qua cửa
nàng đứng nhìn hoa rất lạnh lùng

Một chiều lặng lẽ tôi dạo phố
qua xóm mai vàng dưới đế kinh
ngỡ ngàng tiếng nàng ru đâu đó
tiếng ru à ơi buồn mông mênh

Cho đến một hôm giữa phố đông
chợt trông kìa có phải nàng không
ôm mai trìu mến như hình bóng
không lẽ hoa mai đã lấy chồng ..

 


 

Người hàng xóm

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi, bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi…
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên…
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!

Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: Hay tôi yêu nàng?
– Không, từ ân ái nhỡ nhàng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao!

Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng.
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.

Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.

Tầm tầm giời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm!
Cô đơn buồn lại thêm buồn…
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?

Hôm nay mưa đã tạnh rồi!
Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng… tôi gục xuống bàn rưng rưng…

Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.

Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!

 

Bướm trắng – phổ nhạc: Anh Bằng

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn
hai người sống giữa cô đơn
nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

Giá đừng có dậu mồng tơi
thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
có con bướm trắng thường sang bên này

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi
tại sao không thấy nàng cười
nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên

Mắt nàng đăm đắm trông lên
con bươm bướm trắng về bên ấy rồi
hôm nay mưa đổ sụt sùi
tơ không hong nữa bướm lười không sang

Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng ..

 

Người hàng xóm – phổ nhạc: Tô Thanh Tùng

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi 
cách nhau cài giậu mồng tơi xanh rờn 
hai người sống giửa cô đơn 
nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi 
giá đừng có giậu mồng tơi
thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng 

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng 
có con bướm trắng thường sang bên này
bướm ơi, bướm hãy vào đây
cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi
chả bao giờ thấy nàng cười
nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên 
mắt nàng đăm đắm trông lên
con bươm bướm trằng về bên ấy rồi ..

 


 

Viếng hồn trinh nữ

Một lần Nguyễn Bính cùng Vũ Trọng Can đang đứng ở nhà số 20 phố Hàng Ngang, Hà Nội, thấy có một đám ma đi qua. Người ta nói đó là đám tang một cô gái mới 16 tuổi đẹp nhất phố Hàng Đào, ai cũng xuýt xoa thương tiếc. Nhìn những cỗ xe tang trắng, đôi ngựa trắng, vòng hoa trắng, và những khăn xô trắng… đầy đường, hai nghệ sĩ rất xúc động.

Chiều, Vũ Trọng Can làm xong một bài thơ đưa Nguyễn Bính xem, Bính không nói gì. Hôm sau, Nguyễn Bính đưa bài thơ của mình cho Can xem, đó là bài “Viếng hồn trinh nữ”. Can bèn rút túi áo, xé bài thơ mình và nói:

_ Ngày xưa Lý Bạch không làm thơ vịnh lầu Hoàng Hạc vì trước đó đã có thơ của Thôi Hiệu rồi. Nay có bài thơ của cậu thì thơ mình nên xé đi! Cả bài đều hay, nhưng mình thích nhất mấy câu:

“Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi.
Đem đi một chiếc quan tài trắng,
Và những vòng hoa trắng lạnh người.
Theo bước, những người khăn áo trắng,
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi…”

Kể cũng là một chuyện biết người biết mình, bởi đánh giá thơ mình thường rất khó ..”

 

Viếng hồn trinh nữ – Nguyễn Bính

Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ.
Tôi thấy quanh tôi và tất cả,
Kinh thành Hà Nội chít khăn sô.

Nước mắt chạy quanh, tình thắt lại,
Giờ đây tôi khóc một người về!
Giờ đây tôi thấy hồn cay đắng,
Như có ai mời chén biệt ly!

Sáng nay vô số lá vàng rơi,
Người gái trinh kia đã chết rồi!
Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi.

Đem đi một chiếc quan tài trắng,
Và những vòng hoa trắng lạnh người.
Theo bước, những người khăn áo trắng,
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.

Để đưa nàng đến nghĩa trang này,
Nàng đến đây rồi ở lại đây.
Ờ nhỉ, hôm nay là mấy nhỉ?
Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay.

Sáng nay sau một cơn mưa lớn,
Hà Nội bừng lên những nắng vàng.
Có những cô nàng trinh trắng lắm,
Buồn rầu theo vết bánh xe tang.

Từ nay xa cách mãi mà thôi!
Tìm thấy làm sao được bóng người.
Vừa mới hôm nào còn thẹn thẹn.
Tay cầm sáp đỏ đặt lên môi.

Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ,
Nàng vừa may với gió đầu thu.
Gió thu còn lại bao nhiêu gió,
Chiếc áo giờ đây bạc dưới mồ.

*

Chắc hẳn những đêm như đêm qua,
Nàng còn xây mộng giữa chăn hoa.
– Chăn hoa ướp một trời xuân sắc
Đến tận tàn canh rộn tiếng gà.

Chắc hẳn những đêm như đêm kia,
Nửa đêm lành lạnh gió thu về.
Nàng còn thao thức ôm cho chặt,
Chiếc gối bông mềm giữa giấc mê…

Nhưng sáng hôm nay nàng lặng im,
Máu đào ngừng lại ở nơi tim.
Mẹ già xé vội khăn tang trắng,
Quấn vội lên đầu mấy đứa em.

Người mẹ già kia tuổi đã nhiều,
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu.
Mà nay lại khóc thêm lần nữa,
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều.

Những đứa em kia chưa khóc ai,
Mà nay đã khóc một người rồi.
Mà nay trên những môi non ấy,
Chả được bao giờ gọi: “Chị ơi!”

*

Nàng đã qua đời để tối nay,
Có chàng đi hứng gió heo may,
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày.

Người ấy hình như có biết nàng,
Có lần toan tính chuyện sang ngang.
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé,
Vội cắm nghìn thu ở suối vàng.

Có gì vừa mất ở đâu đây?
Lòng thấy mềm như rượu quá say.
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối:
Bàn tay lại nắm phải bàn tay.

*

Chỉ một vài hôm nữa, thế rồi,
(Người ta thương nhớ có ngần thôi)
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng như kể chuyện vui.

Tôi với nàng đây không biết nhau,
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.

Hà Nội, 1940

 

Hồn trinh nữ – phổ nhạc: Trịnh Lâm Ngân

Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
trên cành bao tơ liễu kéo nhau chạy xuống hồ
mây xám bay bay làm tôi thấy
quanh tôi và tất cả một trời chít khăn xô
sáng nay vô số lá vàng rơi
người trinh nữ ấy đã xa lìa cõi đời
có một chiếc xe màu trắng đục
hai con ngựa trắng xếp thành hàng đôi

Mang theo một chiếc quan tài trắng
với những bông hoa buồn hoa cũng rũ sầu
theo bước những người khăn áo trắng
khóc hồn trinh trắng thương mãi không thôi
chắc đêm qua tựa gối nệm êm
nàng còn say giấc mơ hoa bên gối mềm
giấc mơ ước một trời xuân nồng
một trời xuân sắc đến tận tàn canh

Sáng nay nàng đã lặng im
nàng đã lặng im máu ngừng trôi trong buồng tim
sáng nay người Mẹ già kia
đã vội vàng quấn tấm khăn lên đầu bầy em

Đau thương đã bao năm rồi
tuổi đã xế chiều Mẹ còn đâu nước mắt
thương bầy em thơ
những môi non từ đây chẳng còn gọi “Chị ơi”

Một người lạnh lùng trong đêm dài
đi mặc cho mưa gió ướt vai lạnh buốt hồn
trong bóng đêm đen chàng xao xuyến
như say dạ thấy mềm chàng vờn tay níu hư không
chắc đây trong số những người quen
đã bao nhiêu năm tháng ấp ôm một mối tình
cách đây ít hôm người láng giềng
nghe tin chàng toan tính đến chuyện hợp hôn

Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bến
đã đắm nghìn thu .. ở suối vàng ..

 


 

Ghen 

Có một lần trò chuyện tâm sự với nhạc sĩ Châu Kỳ tại nhà hàng Thanh Mai khoảng năm 2003, người viết bùi ngùi mãi về câu chuyện do tác giả Con Đường Xưa Em Đi kể lại cái chết hiu quạnh của Trọng Khương, một nhạc sĩ nổi tiếng với một số bài hát do ông sáng tác từ đầu thập niên 50-60, trong số đó, có 2 ca khúc được nhiều người nhớ đến nhất, đó là Ghen và Bánh Xe Lãng Tử. Những ca khúc của ông cũng đã góp phần thành danh cho một số ca sĩ thời bấy giờ. Sau năm 1975, không ai còn thấy ông đâu và theo lời nhạc sĩ Châu Kỳ kể lại thì nhạc sĩ Trọng Khương đã mất năm 1977 và cũng chính Châu Kỳ cũng là người có mặt lúc tẩm liệm tác giả Bánh Xe Lãng Tử trong những giờ phút sau cùng.

 

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Châu Kỳ | Thơ Nguyễn Bính phổ nhạc
Nhạc sĩ Châu Kỳ

 

Châu Kỳ kể lại: “Đó là năm 1977, cái thời dân Sài Gòn còn lao đao vì miếng cơm manh áo lắm”. Lúc ấy, nhà Châu Kỳ bấy giờ ở gần ga xe lửa Hòa Hưng. Cứ vài ngày thèm rượu quá, Châu Kỳ hay đi tìm mua uống chút cho đỡ thèm. Từ trước 1975, nhiều người đã biết Châu Kỳ có thể uống quanh năm suốt tháng mà không ngưng nghỉ phút giây nào. Lạ một nỗi, nhiều người uống rượu nhiều chừng nào càng dễ sinh ra biết bao thứ bịnh về gan, phổi .. chỉ riêng Châu Kỳ thì tình trạng sức khỏe của ông lại tốt vô cùng. Uống càng nhiều, da dẻ càng hồng hào, thần sắc thêm minh mẫn và ý tưởng sáng tác rất phong phú dồi dào. Điều đáng ngại duy nhất, là khi ông uống rượu vào, thì tánh dễ nóng nảy, những buồn phiền uẩn ức dễ dàng tuôn trào bằng những lời trách đời trách người đã xô đẩy ông vào hoàn cảnh bế tắc. Nhiều lần, chính ông cũng đã bị rắc rối vì những lời phát biểu lúc có men say.

Trở lại với câu chuyện một buổi chiều năm 1977 đi mua rượu ở ga xe lửa Hòa Hưng, ông gặp được nhạc sĩ Trọng Khương đang đi lang thang buồn bã trên đường với quần áo nhàu nát, tóc tai bù rối. Sau những giây phút đứng tâm sự về cảnh đời hai bên giai đoạn này, Châu Kỳ khuyên Trọng Khương về nhà ông nghỉ ngơi chứ đừng đi lang thang nữa nhưng tác giả Bánh Xe Lãng Tử nằng nặc chối từ. Trọng Khương cầm cây đàn guitar chào tạm biệt Châu Kỳ rồi đi, sau khi kể cho Châu Kỳ nghe về nỗi buồn cay đắng của ông khi hôm nay ông ghé qua nhà của N.L – một danh ca Sài Gòn thập niên 60 – người từng được nổi tiếng với những ca khúc của Trọng Khương. Khi đến nhà N.L để cầu cạnh sự giúp đỡ, thì N.L đã thẳng thắn chối từ và nói nhiều lời đau lòng xúc phạm đến Trọng Khương. Cay đắng với thế thái nhân tình và xót xa với một bản thân hiện tại, thế là như lời một bài nhạc của Trịnh Công Sơn: “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi. Đời như vô tận một mình tôi về với tôi”. (Lặng lẽ nơi này)

 

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Trọng Khương | Thơ Nguyễn Bính phổ nhạcNhạc sĩ Trọng Khương

 

Qua ngày hôm sau thì dân ở ga xe lửa Hòa Hưng đều biết tin Trọng Khương nằm chết co ro hoang lạnh trên hè ga, tay còn cầm cây đàn guitar của mình và mặt ông lúc chết như còn vương bao điều xót xa chưa nói hết. Hai bài nhạc nổi tiếng nhất của ông là Ghen Bánh Xe Lãng Tử được viết theo thể loại nhạc nhanh, vui, twist, và trải qua gần nửa thế kỷ, những giòng nhạc trên vẫn được nhiều thế hệ hát trong các đêm dạ vũ, đại nhạc hội, tiệc tùng .. Những giòng nhạc thì rất vui nhưng lòng người sáng tác và cuộc đời của họ thì lại u ám như một mùa đông dài ngàn thu. Viết ra những giòng này, lòng người viết lại một lần nữa bùi ngùi nhớ đến Trọng Khương, một tài danh sáng tác đã mang đến cho đời những niềm vui mênh mông và đã ra đi hiu quạnh chẳng ai hay biết ..

 

Ghen – Nguyễn Bính

Cô nhân tình bé của tôi ơi! 
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười 
Những lúc có tôi và mắt chỉ… 
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi. 

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai, 
Đừng hôn, dù thấy cánh hoa tươi, 
Đừng ôm gối chiếc, đêm nay ngủ… 
Đừng tắm chiều nay, biển lắm người. 

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa, 
Mà cô thường xức, chẳng bay xa, 
Chẳng làm ngây ngất người qua lại, 
Dẫu chỉ qua đường, khách lại qua. 

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh 
Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô 
Bằng không, tôi muốn cô đừng gặp 
Một trẻ trai nào, trong giấc mơ. 

Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ. 
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen. 
Chân cô in vết trên đường bụi 
Chẳng bước chân nào được dẫm lên. 

Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi, 
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi 
Và nghĩa là cô là tất cả. 
Cô là tất cả của riêng tôi!

 

Ghen – phổ nhạc: Trọng Khương

Hỡi cô nhân tình bé của tôi ơi
tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
những lúc có tôi và mắt chỉ
nhìn tôi trong lúc tôi xa xôi

Tôi muốn cô đừng nghĩ tới ai
đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi
đừng ôm gối chiếc đêm nằm ngủ
đừng tắm chiều nay bể lắm người

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
mà cô thường xức bay xa
chẳng làm ngây ngất người qua lại
dẫu chỉ qua rồi khách lại qua

Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
thế nghĩa là yêu quá mất rồi
và nghĩa là cô là tất cả
cô là tất cả của đời tôi ..

 


 

Gái xuân

Từ Vũ tên thật là Trần Đỗ Lộc. Ông sinh năm 1932 tại Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Khác với nhiều nhạc sĩ đã làm quen với nốt nhạc từ thuở thiếu thời, dù rất yêu thích bộ môn này, nhưng đến khi đã trở thành một thanh niên 18 tuổi, ông vẫn chưa biết vị trí của 7 nốt nhạc nằm ở vị trí nào trên khung, và một nốt đen khác với một nốt trắng ra làm sao! Năm 1950, ông theo gia đình vào Nam sinh sống. Một buổi chiều, lang thang trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), ông ghé vào một tiệm sách ở khu vực E – Den, và tình cờ nhìn thấy nơi đây bày bán cuốn “L’ Art de Compositon Musiccale” (Nghệ thuật sáng tác âm nhạc). Thế là ông vội mua ngay, đem về nhà tự học một cách say mê, để từ đó nắm vững căn bản sáng tác ca khúc. Chính cuốn sách này là người thầy đầu tiên dẫn dắt Từ Vũ đi vào con đường âm nhạc.

Mùa xuân năm 1953, chàng trai Từ Vũ tròn 21 tuổi, sống kiếp tha phương giữa đất Sài Gòn hoa lệ, không có gia đình, người thân, bạn bè bên cạnh. Ông nằm trên gác trọ tìm quên nỗi buồn bằng sách báo cho vơi nỗi nhớ nhà. Bất chợt ông tìm thấy trong đống sách báo lộn xộn đó tập thơ “Mây Tần” của thi sĩ Nguyễn Bính. Khi đọc đến bài Gái xuân, một bài thơ thất ngôn rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 2 khổ, 8 câu, ông đã rung động tận đáy lòng. Nhạc sĩ Từ Vũ nói: “Tôi không thể nén được cảm xúc khi đọc câu “Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”. Đích thị đây phải là một cô gái Hà Đông, quê tôi. Bởi lẽ, không chỉ lụa Hà Đông đã nổi tiếng từ ngàn xưa trên đất Bắc, mà gái Hà Đông cũng nổi tiếng đẹp đẽ, ngoan hiền, dịu dàng như lụa. Chẳng kém cạnh gì những cô gái quan họ Bắc Ninh. Rồi thì “…Đôi tám xuân đi trên mái tóc/ Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”. Thi sĩ Nguyễn Bính đã diễn tả tâm trạng cô gái quá tài tình. Tôi đọc đi, đọc lại bài thơ dăm ba lần là “ngấm” ngay vào máu, vào tim. Trong giây phút xuất thần, tôi viết ngay một mạch, không chỉnh sửa gì cả. Thế là thành nhạc phẩm Gái xuân.

 

[Hình ảnh] Nhạc sĩ Từ Vũ | Thơ Nguyễn Bính phổ nhạc
Nhạc sĩ Từ Vũ

 

Từ Vũ tiết lộ: “Có một điều, nguyên tác Gái xuân của Nguyễn Bính ngắn quá. Khi phổ nhạc, chẳng lẽ cứ lặp đi, lặp lại bấy nhiêu lời. Thành thử tôi mạn phép tác giả, thêm 3 câu trong khổ thơ này:

Xuân đi. Xuân đến hãy còn xuân
Cô gái trông xuân đến bao lần
Xuân đến hoa mai hoa mận nở
“Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”

Sau khi hoàn thành Gái xuân cho đến khi bài hát được thịnh hành rồi đi vào lòng công chúng, mãi mãi tôi không một lần được gặp Nguyễn Bính để nói với ông một vài lời. Lòng tôi áy náy lắm! Không biết thi sĩ có gì trách móc hay không?

Không ai có thể nói thay Nguyễn Bính. Nhưng đứng trên phương diện nghệ thuật, chắc không ít người đồng tình rằng, nếu Từ Vũ không nói ra thì cũng chẳng mấy ai biết chuyện trên. Bởi vì, 3 câu mà ông thêm vào nghe cũng rất .. Nguyễn Bính, và cũng chẳng kém phần tài hoa, đã nhập với toàn bộ bài thơ một cách hài hòa. Do đó, chắc Nguyễn Bính cũng vui lòng, bởi sự thêm thắt không làm mất đi giá trị và tứ thơ của nguyên bản. Nhưng sự áy náy của Từ Vũ chính là lòng tự trọng của một tài năng.

Theo lời kể của nhạc sĩ Từ Vũ thì ngày đó, ông có quen biết nữ ca sĩ Linh Sơn. Khi ra mắt Gái xuân, ông đã nhờ bà hát đầu tiên, nhưng không mấy thành công và Từ Vũ cũng không lấy làm hài lòng cho lắm. Một hôm, tình cờ gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn tại Đài Phát thanh Sài Gòn, bà Tâm Vấn trách ông sao không tặng bà bài Gái xuân? Ông đã viết vội ca khúc này lên một mảnh giấy và trao cho Tâm Vấn. Sau đó, Từ Vũ theo gia đình ra Phan Thiết và chưa được nghe Tâm Vấn hát một lần nào cả. Nhưng theo lời bạn bè viết trong những lá thư gởi cho ông thì Đài Phát thanh Sài Gòn đã thường xuyên phát đi, phát lại ca khúc Gái xuân với tiếng hát Tâm Vấn, rất được công chúng ưa thích. Đọc những lời đó, Từ Vũ rất vui. Nhưng ông không biết làm cách nào để chính tai mình có thể nghe được. Lúc bấy giờ phương tiện nghe nhìn như băng, đĩa còn quá nghèo nàn, khan hiếm. Ông lại ở xa, biết liên hệ với ai ở Đài Phát thanh Sài Gòn để biết trước họ sẽ phát lại Gái xuân vào thời điểm nào mà đón nghe. Thành ra mù tịt !

Một buổi tối cuối năm 1953, Từ Vũ rảo bước lang thang trên đường phố Phan Thiết trong cái se lạnh của buổi tàn đông ở vùng đất cực Nam Trung bộ. Bỗng dưng từ loa phóng thanh công cộng của Ty Thông tin Phan Thiết, tiếp sóng Đài Phát thanh Huế vang lên điệu nhạc Tango của bài Gái xuân qua tiếng hát của nữ ca sĩ Diệu Hương. Từ Vũ đã xúc động đến trào nước mắt. Đôi chân như bay bổng khỏi mặt đất, ông đứng dựa vào cột đèn, lắng nghe từng tiếng hát gõ nhịp trong tim. Đó là lần đầu tiên Từ Vũ gặp lại đứa con tinh thần của mình kể từ khi ông cho nó ra đời. Bài hát chấm dứt. Dù ông không biết Diệu Hương là ai, và đó là lần đầu ông mới nghe tên, thế mà cứ thẫn thờ, tiếc nuối! Biết bao giờ mới được nghe lại thêm lần nữa. Tối hôm đó, Từ Vũ không chợp mắt được. Ông nằm thương nhớ Gái xuân vang vọng mãi trong hồn giọng hát từ xứ Huế xa xôi. Đến bây giờ ca khúc này đã được nhiều ca sĩ trình bày thành công, và ông cũng có gần như đầy đủ băng đĩa lưu giữ, nhưng mỗi lần nhớ lại cái đêm hôm ấy đã trôi qua 60 năm trời, Từ Vũ vẫn còn đủ cảm xúc, ngất ngây như mới hôm qua.

Sau Linh Sơn, Tâm Vấn, Diệu Hương, đến lượt Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan, Hoàng Oanh, Lan Ngọc, Hương Lan, Băng Tâm, Ý Lan, Ánh Tuyết .. và nhiều ca sĩ danh tiếng của thế hệ kế tiếp như: Trang Nhung, Quang Linh, Cẩm Ly, Hiền Thục, Hồng Ngọc, ban tam ca Áo Trắng, ban tam ca 3A .. cũng hát Gái xuân. Nhất là vào dịp tết, cùng với Ly rượu mừng, Xuân và tuổi trẻ, Gái xuân là 3 ca khúc kinh điển, luôn vang lên trong từng mái ấm gia đình Việt Nam ở trong nước cũng như nhiều nơi trên khắp thế giới. Khi nghe ban tam ca Áo Trắng tập bài Gái xuân, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: “Hồi mới lớn, “moa” đã rất thích bài này. Có thể nói, tết mà thiếu “Ly rượu mừng”, “Xuân và tuổi trẻ”, “Gái xuân” là đã mất đi một nửa mùa xuân”.

Một ca khúc được nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ nối tiếp hát, mỗi người một chất giọng, một phong cách khác nhau, nhưng hầu hết họ đều thể hiện thành công. Đó chính là điểm đặc sắc của Từ Vũ. Nói như giọng hát vượt thời gian Thái Thanh: “Bởi vì tự thân Gái xuân quá hay, khó mà hát dở cho được”. Khởi thủy, Từ Vũ viết Gái xuân bằng điệu tango dồn dập, lôi cuốn một cách sang trọng. Nhưng về sau, nhiều ca sĩ lại chuyển sang điệu Rumba, rồi Chachacha, với tiết tấu trẻ trung, phần phối âm, phối khí hiện đại, đã khoác cho ca khúc này một chiếc áo mới. Từ Vũ nhận xét: “Sự chuyển thể này tôi nghe cũng thấy hay, rộn ràng và tươi trẻ hơn. Vấn đề là vẫn giữ được cái hồn và tình cảm của ca khúc”.

Mặc dù chỉ với một Gái xuân thôi đã đủ để tên tuổi Từ Vũ vang danh với đời, nhưng ông luôn khiêm tốn nhận mình chỉ là “kẻ ngoại đạo”, rong chơi vào khu vườn âm nhạc mà thôi. Ông quả quyết: “Mọi lãnh vực sáng tác, kể cả âm nhạc đều tùy vào “thần hứng”. Không phải lúc nào cái giây phút thăng hoa, khiến tâm hồn mình bay bổng cũng đến. Một đời, đôi khi “thần hứng” chỉ đến một đôi lần, nếu không kịp ghi lại cảm xúc tuyệt vời đó là coi như chẳng có được gì”.

Cho dù Từ Vũ muốn hay không muốn, cuộc đời vẫn gọi ông là nhạc sĩ bằng tất cả sự trân trọng. Tròn tuổi 80, ông đang sống tại số nhà 19/14, đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Bình, Tp.HCM một cách thanh thản. Vừa rồi, được sự tài trợ của con gái, như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa dành cho cha trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, Từ Vũ đã thực hiện CD Gái xuân với 10 ca khúc, trong đó có những ca khúc phổ thơ do ông sáng tác sau này như Mưa Cao nguyên (thơ Hoàng Hương Sơn), Mưa tháng 6 (thơ Thường Đoan), Mưa đời lãng du (thơ Trần Hữu Ngự). Có lẽ, đây là đĩa nhạc đầu tiên và cũng là duy nhất của ông. Theo nhạc sĩ Từ Vũ, làm để chơi, như một kỷ niệm lưu lại ở đời này.

Một ngày nào đó, Từ Vũ cũng sẽ từ bỏ cõi tạm này ra đi. Nhưng chắc chắn Gái xuân vẫn còn ở lại và trẻ mãi không già như lời hát mà ông đã thêm thắt. Phải chăng đó cũng là một lời tiên tri: “Xuân đi xuân đến hãy còn xuân” ..

 

Gái xuân – Nguyễn Bính

Em như cô gái hãy còn xuân,
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,
Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng.
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng,
Đôi tám xuân đi trên mái tóc.
Đêm xuân cô ngủ có buồn không?

 

Gái xuân – phổ nhạc: Từ Vũ

Em như cô gái hãy còn Xuân
trong trắng thân chưa lấm bụi trần
xuân đến hoa mơ hoa mận nở
gái Xuân giũ lụa trên sông Vân

Xuân đi Xuân đến hãy còn Xuân
cô gái trông Xuân đến bao lần
Xuân đến hoa mơ hoa mận nở
gái Xuân giũ lụa trên sông Vân

Lòng Xuân lơ đãng má Xuân hồng
cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng
đôi tám Xuân đi trên mái tóc
đêm Xuân cô ngủ có buồn không?

Em như cô gái hãy còn Xuân
trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ hoa mận nở
gái Xuân giũ lụa trên sông Vân ..

 


 

Em không buồn nữa chị ơi

Có nhiều bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Bính ngày trước, thường ghi dưới đầu đề mấy chữ: Gửi chị Trúc. Như các bài: Lỡ bước sang ngang (1939), Một chiều say (1941), Xây hồ bán nguyệt (1941), Xây lại cuộc đời (1941), Xuân tha hương (1942), Xuân vẫn tha hương (1943), Khăn hồng, Chị đã ghen ..

Ta hãy đọc, chẳng hạn:

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi! chị một em, em một chị
Giời làm xa cách mấy con sông
(Xuân tha hương)

hay:

Em vốn đường dài thân ngựa lẻ
Chị thì sông cái chiếc đò nan
Quê người đứng ngắm mây lưu lạc
Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng
(Xuân lại tha hương)

hoặc:

Viết cho chị lá thư này
Giữa đến hăm bốn rạng ngày hăm nhăm
Ở nhà tằm chị cứ chăm
Dâu chị cứ hái để nhằm lứa sau
(Xây hồ bán nguyệt)

Thật ra, Nguyễn Bính chỉ có hai anh trai, về sau có bốn em (hai trai, hai gái) cùng cha khác mẹ, không có người chị nào. Vậy “chị Trúc” là ai?

Nhà văn Vũ Bằng đã có lần đặt vấn đề: “Không chỉ tôi, nhiều người đọc thơ Nguyễn Bính cũng băn khoăn muốn biết: “Chị Trúc” là ai. Đó là một người bạn gái mà Bính gọi là chị? Hay là chị thực của Bính, mà nếu như thế thì là chị ruột hay chị họ? Hay là một người nào đó lớn tuổi hơn Bính mà Bính nhận là chị?” (Văn học – Sài Gòn – số 100, 1/1/1970).

Muốn trả lời những câu hỏi này, cần biết về Trúc Đường, anh cả của Nguyễn Bính. Trúc Đường bước vào nghề làm báo trước Nguyễn Bính nhiều, và là nhà soạn kịch, nổi tiếng với đề tài lịch sử như các vở: Quang Trung, Nguyễn Huệ, Thái hậu Dương Vân Nga. Tuổi thơ của Nguyễn Bính và Trúc Đường cùng trải qua sự dạy dỗ của người bác ruột cũng là thầy học Bùi Trình Khiêm (thân sinh nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn).

Khoảng năm 1932 – 1933, Trúc Đường thi đỗ thành chung ở Hà Nội, sau đó đi dạy học tại trường tư Hà Văn (Hà Đông). Trúc Đường chăm sóc Nguyễn Bính từ nhỏ, dạy Nguyễn Bính tiếng Pháp, lo liệu cho Nguyễn Bính đủ thứ, cưu mang em những khi khó khăn, hoạn nạn. Có thể nói, nhà thơ đã gắn bó mật thiết với anh mình, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Theo Hoài Việt trong quyển “Nguyễn Bính, thi sĩ của yêu thương” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1990) thì trong một lần đánh cờ với Nguyễn Bính, ông có hỏi chuyện chị Trúc, được nhà thơ trả lời là: Hồi Trúc Đường dạy học ở trường Hà Văn, Nguyễn Bính ở với anh trai và cùng học ở đây. Có một cô gái quen Trúc Đường, quý Nguyễn Bính như em .. Nhà thơ nói thêm: Nhưng chị Trúc ấy chỉ là một “nhân vật văn học”.

Nhà văn Vũ Bằng, người đã đặt vấn đề trong một bài báo đã nói trên, sau đó kể lại: “Chính Trúc Đường – một người anh của Bính – trên con đường tản cư về Khu Tư với tôi, xác nhận rằng chính “chị Trúc” mà Bính nói đó là vợ anh – tức là chị Trúc Đường – nhưng vì danh giá không thể yêu nhau như thế nên Bính tủi hờn sầu khổ mà tạo nên những bài thơ “Lỡ bước sang ngang”.

Có lúc tôi đã hỏi Trúc Đường: Thế Bính có biết rằng anh biết rõ là Bính yêu chị ấy không? Trúc Đường trả lời tôi: Biết chứ! Chính nó nói thực với tôi là khác. Nhưng tôi mặc kệ, bởi vì cái tính nó si mê như vậy, ngăn cấm nó có khi nó đi tự tử.

Mà tôi mặc kệ cũng không phải không có cớ, vì tôi biết chắc rằng Bính cũng chỉ tiến đến cái mức mê vớ vẩn thế thôi” (Văn, Sài Gòn, số 189, 1969). Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn – vừa là người anh họ, vừa là bạn thân của Nguyễn Bính và Trúc Đường – thì nói rõ hơn trong quyển “Nguyễn Bính và tôi” (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 1999)

Có thể tóm tắt như sau: Chị Trúc trong thơ Nguyễn Bính là một người con gái họ Lê, có tên N.Th, quê Hà Đông, “người xinh đẹp, nhỏ nhắn, da trắng, môi hồng, mũi dọc dừa, có đôi mắt trong như nước thu…, tháo vát, quán xuyến, ăn nói có duyên, được nhiều người quý mến”, đã có một con, chồng là chủ một hiệu ảnh.

Từ một buổi nghe Trúc Đường đọc kịch, Th. bắt đầu yêu anh, và Nguyễn Bính thì được cô quý mến, chiều chuộng nhất là sau khi bài thơ “Lỡ bước sang ngang” đăng ba kỳ liền trên Tiểu thuyết thứ năm. Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn còn cho biết về chuyện “chị Trúc”, từ sau năm 1954, còn có những chi tiết khác. Nhưng không thấy ông nói gì thêm, có lẽ vì những lý do tế nhị nào đó chăng?

Như vậy, mỗi người đọc chúng ta sẽ có thể tự lý giải chuyện chị Trúc trong thơ Nguyễn Bính theo cách nghĩ của mình, sau khi nghe những lời kể có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau ..

* Riêng ở nhạc phẩm Em không buồn nữa chị ơi, vẫn chưa rõ nhạc sĩ Châu Kỳ đã phổ nhạc từ bài thơ nào của Nguyễn Bính. Phải chăng là từ bài thơ Xuân tha hương vì trong đó có đoạn:

Em không khóc nữa, không buồn nữa 
Đây một bài thơ hận cuối cùng 
Không than chắc hẳn hồn tươi lại 
Không khóc tha hồ đôi mắt trong 
Chị ơi, Em Cưới Mùa Xuân nhé? 
Đốt pháo cho thơm với rượu hồng ..

 

Em không buồn nữa chị ơi – Châu Kỳ

Em không buồn nữa chị ơi 
em không buồn nữa chị ơi 
vì đau thương quen rồi tìm vui trong nụ cười
vẫn yêu đời vẫn thương người nổi trôi

Em yêu đời lắm chuyện vui
em thương người sống lẻ loi
dù ai toan trao lời để lấp che mất đời
em vẫn cười em vẫn cười chị ơi 

Từ giã chốn sách trường một sớm em lên đường
đã bước vào gió sương
hồn thơ chưa định hướng nghe nhạc đời bốn phương
như thầm nhủ người khơi chút tình thương

Em tin rằng có ngày mai
nên không buồn nữa chị ơi
trời sinh ra kiếp người phải thương nhau trong đời
đã tin rồi em không buồn chị ơi ..

 


 

Cô hái mơ

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa
Mà cái thoi ngày như sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta?

Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương

Cô hái mơ ơi!
Chả giả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi…

1937

 

Cô hái mơ – phổ nhạc: Phạm Duy

Thơ thẩn đường chiều 
một khách thơ say nhìn 
xa rặng núi xanh mờ 
khí trời trong sáng và êm ái 
thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ 

Hỡi cô con gái hái mơ già! 
cô chửa về ư ? Đường còn xa 
mà ánh chiều hôm dần sắp tắt 
hay cô ở lại về cùng ta 
nhà ta ở dưới gốc cây dương 
cách Động Hương Sơn nửa dặm đường 
có suối nước trong tuôn róc rách 
có hoa bên suối ngát đưa hương 

Cô hái mơ ơi 
không giả lời tôi lấy một lời
cứ lặng mà đi 
rồi khuất bóng 
rừng mơ hiu hắt 
lá mơ rơi ..

 

Cô hái mơ – phổ nhạc: Nguyễn Tài Tuệ

Rừng chiều rừng chiều
thơ thẩn ai ơi trong ư ư trong rừng chiều
ai tìm ai
người đẹp trong rừng mơ
người tìm ai đây người mãi đợi
thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
thấp thoáng rừng chiều cô hái mơ

Hỡi cô gái hái mơ già,
cô chửa về ư đường thì xa
mà nắng chiều hôm dần một tắt,
hay cô ở lại về cùng ta

Hỡi cô gái hái mơ ơi
không hẹn cùng nhau lấy một lời thôi
sao lặng lẽ đi rồi khuất bóng
để rừng hiu hắt lá mơ rơi
để rừng hiu hắt lá mơ rơi ..
để lòng ai nhớ thương
ơi người ơi người ơi ..

 

Cô hái mơ – phổ nhạc: Hoàng Thanh Tâm

Thơ thẩn đường chiều, một khách thơ
say nhìn xa rặng núi xanh mờ
khí trời trong sáng và êm ái
thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

Hỡi cô con gái hái mơ già
cô chửa về ư? Đường còn xa
mà ánh chiều hôm dần sắp tắt
hay cô ở lại về cùng ta

Nhà ta ở dưới gốc cây dương
cách động Hương Sơn nửa dặm đường
có suối nước trong tuôn róc rách
có hoa bên suối ngát đưa hương.

Cô hái mơ ơi
không trả lời tôi lấy một lời
cứ lặng mà đi, rồi khuất bóng
rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi ..

 


 

Thoi tơ

Em lo gì giời gió 
Em sợ gì giời mưa 
Em buồn gì mùa hạ 
Em tiếc gì mùa thu 

Em cứ yêu đời đi 
Yêu đời như thuở nhỏ 
Rồi để anh làm thơ 
Và để em dệt lụa 

Lụa dệt xong may áo 
Áo anh và áo em 
May áo nếu lụa thiếu 
Xe tơ em dệt thêm 

Thơ làm xong anh đọc 
Bên anh em lắng nghe 
Và để lòng thổn thức 
Theo vần âu yếm kia 

Mộng đẹp theo ngày tháng 
Đi êm đềm như thơ 
Khác nào trên khung cửi 
Qua lại chiếc thoi tơ…

 

Thoi tơ – phổ nhạc: Đức Quỳnh

Em lo gì trời gió 
em lo gì trời mưa 
em tiếc gì mùa hè 
em tiếc gì mùa thu 

Ta cứ yêu đời đi 
như lúc ta còn thơ 
rồi để anh làm thơ 
và để em dệt tơ 

Tơ dệt xong may áo 
áo em và áo anh 
thiếu tơ nàng se thêm 

Thơ anh làm em hát 
tơ anh dệt em may
ta xây đời bằng mộng 
thư tiếng dệt con thoi

Ta cứ yêu đời đi 
như lúc ta còn thơ 
rồi để anh làm thơ 
và để em dệt mơ ..

 


 

Thời trước

Sáng giăng chia nửa vườn chè
Một gian nho nhỏ đi về có nhau
Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
Chồng tôi thi đỗ khoa này
Bõ công đèn sách từ ngày lấy tôi
Kẻo không rồi chúng bạn cười
Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa
Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa
“Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”

Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem

Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè

1936

 

Trăng sáng vườn chè – phổ nhạc: Văn Phụng

Sáng trăng sáng cả vườn chè 
một gian nhà nhỏ đi về có nhau 
vì tằm tôi phải chạy dâu 
vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay 
chồng tôi thi đỗ khoa này 
bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi
kẻo không rồi chúng bạn cười 
rằng tôi nhan sắc cho người say sưa 
tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa 
anh chưa thi đỗ thì chưa (thì chưa) động phòng 

Một quan là sáu trăm đồng 
chắt chiu tháng tháng cho chồng (mà) đi thi 
chồng tôi cỡi ngựa vinh quy 
hai bên có lính hầu đi dẹp đường 
tôi ra đón tận gốc bàng 
chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem

Đêm nay mới thật là đêm 
ai đem trăng tưới lên trên vườn chè ..

 


 

Lỡ bước sang ngang

Tặng chị Trúc thân yêu 

1 
“- Em ơi! Em ở lại nhà 
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương 
Mẹ già một nắng hai sương 
Chị đi một bước trăm đường xót xa 
Cậy em, em ở lại nhà 
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương 

Hôm nay xác pháo đầy đường 
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng 
Chuyến này chị bước sang ngang 
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây 
Rượu hồng em uống cho say 
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng 
Rồi đây sóng gió ngang sông 
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ 
Miếu thiêng vụng kén người thờ 
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em 
Đêm qua là trắng ba đêm 
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn 
Một vai gánh lấy giang san… 
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương 
Mắt quầng tóc rối tơ vương 
Em còn cho chị lược gương làm gì! 
Một lần này bước ra đi 
Là không hẹn một lần về nữa đâu 
Cách mấy mươi con sông sâu 
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh 
Cũng là thôi cũng là đành 
Sang sông lỡ bước riêng mình chị sao? 
Tuổi son nhạt thắm phai đào 
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người! 
Em đừng khóc nữa em ơi! 
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em! 
Một đi bảy nổi ba chìm 
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần 
Dù em thương chị mười phần 
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi…” 

Chị tôi nước mắt đầm đìa 
Chào hai họ để đi về nhà ai 
Mẹ trông theo, mẹ thở dài 
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran 
Tôi ra đứng tận đầu làng 
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa… 


Trời mưa ướt áo làm gì? 
Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng 
Người ta pháo đỏ rượu hồng 
Mà trên hồn chị một vòng hoa tang 
Lần đầu chị bước sang ngang 
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường 
Ở nhà em nhớ mẹ thương 
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ 
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ 
Thời thường nhắc: “- Chị mày giờ ra sao?” 

Chị bây giờ… nói thế nào? 
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang 
Chị từ lỡ bước sang ngang 
Trời dông bão giữa tràng giang lật thuyền 
Xuôi dòng nước chảy liên miên 
Đưa thân thế chị tới miền đau thương 
Mười năm gối hận bên giường 
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh 
Mười năm đưa đám một mình 
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên 
Mười năm lòng lạnh như tiền 
Tim đi hết máu mà duyên không về 

Nhưng em ơi! Một đêm hè 
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn 
Dừng chân trên bến sông buồn 
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang 
Đoái thương thân chị lỡ làng 
Đoái thương phận chị dở dang những ngày 
Rồi… rồi chị nói sao đây? 
Em ơi! nói nhỏ câu này với em… 
Thế rồi máu trở về tim 
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi 
Chị nay lòng ấm lại rồi 
Mối tình chết đã có người hồi sinh 
Chị từ dan díu với tình 
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng 
Tim ai khắc một chữ “nàng” 
Mà tim chị một chữ “chàng” khắc theo 
Nhưng yêu chỉ để mà yêu 
Chị còn dám ước một điều gì hơn 
Một lầm hai lỡ keo sơn 
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung 
Rồi đêm kia lệ ròng ròng 
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về 
Tháng ngày qua cửa buồng the 
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa 

3 
Úp mặt vào hai bàn tay 
Chị tôi khóc suốt ba ngày ba đêm 
– Đã đành máu trở về tim 
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ 
Người đi xây dựng cơ đồ 
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân 
Người đi khoác áo phong trần 
Chị về may áo liệm dần nhớ thương 
Hồn trinh ôm chặt chân giường 
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây 
Năm xưa đêm ấy giường này 
Nghiến răng nhắm mắt cau mày… cực chưa? 
Thế là tàn một giấc mơ 
Thế là cả một bài thơ não nùng 
Tuổi son má đỏ môi hồng 
Bước chân về đến nhà chồng là thôi 
Đêm qua mưa gió đầy giời 
Mà trong hồn chị có người đi qua 
Em về thương lấy mẹ già 
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công 
Chị giờ sống cũng bằng không 
Coi như chị đã ngang sông đắm đò

1939

 

Lỡ bước sang ngang – phổ nhạc: Song Ngọc

Em ơi em ở lại nhà 
vườn dâu em đốn, mẹ già em thương 
mẹ già một nắng hai sương 
chị đi một bước trăm đường xót xa 

Cậy em, em ở lại nhà 
nhà hương khói lạnh chị nhờ tay em 
hôm nay xác pháo đầy đường 
ngày mai khói pháo còn vương khắp làng

Chuyến này chị bước sang ngang 
là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây 
rượu hồng em uống cho say 
vui cùng chị một vài giây cuối cùng 

Chị tôi nước mắt đằm đìa 
chị chào hai họ để về nhà ai  
tôi ra đứng tận đầu làng 
ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa ..

 


 

Mưa xuân

Em là con gái trong khung cửi 
Dệt lụa quanh năm với mẹ già 
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng 
Mẹ già chưa bán chợ làng xa 

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay 
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy 
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ 
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay” 

Lòng thấy giăng tơ một mối tình 
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh 
Hình như hai má em bừng đỏ 
Có lẽ là em nghĩ đến anh 

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn 
Em ngửa bàn tay trước mái hiên 
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh 
Thế nào anh ấy chả sang xem! 

Em xin phép mẹ, vội vàng đi 
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe 
Mưa bụi nên em không ướt áo 
Thôn Ðoài cách có một thôi đê 

Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm 
Em mải tìm anh chả thiết xem 
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh 
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em 

Chờ mãi anh sang anh chả sang 
Thế mà hôm nọ hát bên làng 
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn 
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! 

Mình em lầm lụi trên đường về 
Có ngắn gì đâu môt dải đê! 
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt 
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya 

Em giận hờn anh cho đến sáng 
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì 
“- Thưa u họ hát…” rồi em thấy 
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi 

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay 
Hoa xoan đã nát dưới chân giày 
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ 
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày” 

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày 
Bao giờ em mới gặp anh đây? 
Bao giờ chèo Ðặng đi ngang ngõ 
Ðể mẹ em rằng hát tối nay?

1936

 

Mưa xuân – phổ nhạc: Huy Thục

Bữa ấy mưa Xuân phơi phới bay
hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
em ngừng thoi lại giữa tay xinh
hình như hai má em bừng đỏ
có lẽ là em nghĩ tới anh

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
em mải tìm anh chẳng thiết xem
chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
thế mà hôm nọ hát bên làng
năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
để cả mùa Xuân cũng lỡ làng! ..

 


 

Cô lái đò 

Xuân đã đem mong nhớ trở về,
Lòng cô gái ở bên sông kia.
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,
Trên bến cùng ai đã nặng thề.

Nhưng rồi người khách tình quân ấy,
Đi biệt không về… với bến sông.
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi,
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.

Xuân này đến nữa đã ba xuân,
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi,
Cô đành lỗi ước với tình quân.

Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong,
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho những khách sang sông…

 

Cô lái đò – phổ nhạc: Nguyễn Đình Phúc
(lời nhạc tương tự như lời thơ)

 

Nguồn tư liệu:
https://vi.wikipedia.org/ (Nguyễn Bính – Wikipedia)
http://www.thivien.net/ (Viếng hồn trinh nữ)
http://vietdethuong.com/ (Nhạc sĩ Trọng Khương đã chết ngậm ngùi ra sao)
http://vnca.cand.com.vn/ (“Kẻ ngoại đạo” Từ Vũ và ca khúc “Gái xuân”)
http://vnca.cand.com.vn/ (“Chị Trúc” trong thơ Nguyễn Bính là ai?)

Cảm ơn Quý Cô Bác, Anh Chị đã ghé thăm Vàng Son! Tư liệu trên Vàng Son được sưu tầm và tổng hợp từ các Quý Báo, Quý Đài trong và ngoài nước. Bằng việc nhấp vào đường dẫn gốc ở mục trích dẫn (nếu có), Quý Cô Bác, Anh Chị có thể xem đầy đủ nội dung bài viết, đồng thời góp phần ủng hộ các phóng viên, biên tập viên - những người đã dày công biên soạn, chắt lọc để đem đến cho chúng ta những nguồn tư liệu tuyệt vời.

Việc đặt quảng cáo/quyên góp giúp Vàng Son có thêm kinh phí duy trì website qua từng năm, rất mong Quý Cô Bác, Anh Chị thông cảm nếu như điều này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp, phê bình, ... thân mời Quý Cô Bác, Anh Chị để lại bình luận ở mỗi bài đăng hoặc gửi liên hệ thông qua Trang Liên Hệ. Vàng Son xin chân thành cảm ơn!

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận